Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 05:30 (GMT +7)
Xây dựng các vùng sản xuất nông nghiệp an toàn, giá trị cao
Thứ 4, 13/03/2024 | 09:39:50 [GMT +7] A A
Theo báo cáo của Sở NN&PTNT, hiện toàn ngành đang có 12.000ha cây trồng tập trung, 56 khu vực trồng trọt được cấp mã vùng trồng, gần 9.500ha rừng được cấp chứng chỉ rừng, 1 vùng chăn nuôi an toàn với dịch bệnh và 1 cơ sở NTTS được cấp phép đến năm 2050.
Cơ sở đầu tiên được cấp phép NTTS đến năm 2050
Tháng 2 vừa qua, HTX NTTS Nam Trung (huyện Vân Đồn) là đơn vị đầu tiên trong toàn tỉnh được cấp phép NTTS trên biển giai đoạn 2020-2050. Ưu thế của HTX Nam Trung là đơn vị đã đạt các tiêu chí: Vị trí sản xuất phù hợp quy hoạch; hoàn thành việc chuyển đổi vật liệu nổi từ phao xốp sang vật liệu chuẩn HDPE; hoàn thành việc đánh giá tác động môi trường vùng nuôi và công tác đo vẽ bản đồ, cũng nhiều TTHC liên quan.
Việc HTX Nam Trung được cấp phép NTTS cho thấy sau thời gian dài Quảng Ninh tạm dừng cấp phép NTTS trên biển, hoạt động này đã được khởi động trở lại, tạo động lực quan trọng để đẩy mạnh lĩnh vực nuôi biển, vốn là một thế mạnh của tỉnh.
Ông Ngô Nam Trung, Giám đốc HTX NTTS Nam Trung cho biết: Theo hồ sơ, chúng tôi được cấp phép NTTS trên diện tích 62ha tại khu vực biển xã Đông Xá và Bản Sen của huyện Vân Đồn. Đối tượng nuôi của chúng tôi hiện là hầu đại dương, sản lượng có thể đạt 30-40 tấn/ha/năm. Khi HTX được cấp phép NTTS tức là chúng tôi có đủ cơ sở để thuê mặt nước lâu dài và đủ cơ sở để cấp mã vùng nuôi. Đây đều là những điều kiện rất cần thiết để chúng tôi yên tâm đầu tư sản xuất và sản phẩm chúng tôi làm ra đạt tiêu chuẩn xuất khẩu, có cơ hội tiếp cận các thị trường nước ngoài, mang lại doanh thu, lợi nhuận cao hơn.
Được biết, sau HTX Nam Trung, nhiều đơn vị, địa phương đang tích cực thực hiện các thủ tục giao, cho thuê khu vực biển đối với đối tượng cá nhân, hộ gia đình và cấp phép NTTS trên biển đối với đối tượng là tổ chức. Báo cáo của Chi cục Thuỷ sản cho thấy, qua rà soát, toàn tỉnh có 112 tổ chức, 1.116 cá nhân có nhu cầu phát triển thuỷ sản trên biển, trong đó 29 tổ chức và 40 cá nhân đang thực hiện đến bước hoàn tất trích lục sơ đồ, chuẩn bị được giao mặt nước.
Bà Nguyễn Thị Thu Hương, Trưởng phòng Quản lý thuỷ sản, Chi cục Thuỷ sản (Sở NN&PTNT) cho biết: Để tạo ra những vùng NTTS an toàn, giá trị cao và phát triển bền vững cần rất nhiều điều kiện, trong đó việc giao khu vực biển, hay cấp phép NTTS trên biển là một điều kiện quan trọng. Thời gian qua, hoạt động này bị gián đoạn do nhiều nguyên nhân, gây ra những bất lợi nhất định trọng chiến lược phát triển kinh tế thuỷ sản. Hiện nay quy hoạch tỉnh đã được duyệt trong đó bao gồm phương án phát triển NTTS. Tỉnh cũng có đề án phát triển kinh tế thuỷ sản, đề án và kế hoạch phát triển nuôi biển.
Trước đó, toàn tỉnh đã lập lại trật tự trong NTTS trên biển về công tác quy hoạch, cũng như chuẩn hoá vật liệu nổi trong NTTS. Những chuyển động này là cơ sở để đơn vị chuyên môn liên quan, cũng như các địa phương nhân rộng những mô hình NTTS an toàn, tiến ra nuôi biển, khai thác thế mạnh rất lớn mà lâu nay chưa thực sự được khai thác hiệu quả.
Nhân rộng những vùng canh tác an toàn
Từ đặc thù diện tích canh tác nhỏ lẻ, tỉnh Quảng Ninh đặt trọng tâm xây dựng những vùng chăn nuôi an toàn cấp xã, thôn, hoặc quy mô cấp hộ; cấp các mã vùng trồng cho các ô ruộng vườn từ diện tích 0,2ha trở lên. Hiện nay toàn tỉnh đã có 1 vùng chăn nuôi an toàn là xã Quảng Tân (huyện Đầm Hà) với đối tượng nuôi là con gà, quy mô 2 cơ sở giống, 15 trang trại và một số hộ chăn nuôi nhỏ lẻ. Nhiều địa phương đang xây dựng những mô hình thí điểm chăn nuôi an toàn gắn với bảo vệ môi trường.
Lĩnh vực lâm nghiệp có gần 9.500ha đã được cấp chứng chỉ rừng. Hiện kinh tế lâm nghiệp của tỉnh đang chuyển động theo hướng chuyển đổi cơ cấu rừng trồng từ rừng gỗ nhỏ sang rừng gỗ lớn và trồng cây bản địa. Về trồng trọt, toàn tỉnh đã có 12.000ha cây trồng tập trung với các loại cây trồng chủ yếu là lúa, cây ăn quả, dong riềng, chè... Cùng với đó, toàn tỉnh cũng đã cấp 56 mã vùng trồng với tổng diện tích 1.500ha.
Ông Vũ Duy Toàn, chủ vườn ổi xã Tràng Lương (TX Đông Triều) cho biết: Sản phẩm ổi lê Đài Loan của chúng tôi đang tiêu thụ tốt, nếu chỉ vì lợi ích tiêu thụ thì chúng tôi không cần làm cấp mã vùng trồng. Tuy nhiên, chúng tôi muốn phát triển bền vững, hơn hết muốn duy trì và ngày càng tăng cường chất lượng sản phẩm, nên việc cấp mã vùng trồng là tất yếu. Vườn của chúng tôi đã được cấp mã hơn 1 năm, định kỳ đều có đơn vị chuyên môn đến thẩm định lại, tôi thấy sản phẩm ổi trong vườn giữ được giá, khách hàng dễ dàng truy suất nguồn gốc sản phẩm nên tin tưởng chúng tôi hơn.
Ông Trần Văn Thực, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và bảo vệ thực vật tỉnh (Sở NN&PTNT) cho biết: Hiện nay, nếu không có mã vùng trồng thì sản phẩm dù có ngon, đẹp đến đâu cũng không đủ tiêu chuẩn để xuất khẩu, thậm chí là không đủ tiêu chuẩn vào các kênh bán hàng uy tín trong nước. Nhận thức rất rõ vấn đề này, thời gian qua chúng tôi đã tham mưu cho sở tăng cường công tác cấp mã vùng trồng, vùng nuôi. Nếu giai đoạn trước đây số mã vùng trồng toàn tỉnh chỉ khoảng trên 10 mã thì nay là 56 mã. Trong năm 2024, chúng tôi đặt mục tiêu cấp thêm trên 10 mã. Quan trọng là công tác thẩm định, thẩm định lại các mã được thực hiện nghiên túc, chặt chẽ hơn, trong đó đối với các mã chưa đạt chuẩn chúng tôi kiên quyết đề xuất huỷ mã.
Theo Giám đốc Sở NN&PTNT Nguyễn Minh Sơn, hiện nay dưới tác động của tiến trình CNH, HĐH, diện tích đất nông nghiệp của Quảng Ninh có xu hướng ngày càng thu hẹp. Ngay tại TX Quảng Yên, vùng trồng lúa trên địa bàn cũng đang nhường chỗ cho các dự án KCN. Dự kiến đến hết năm 2024, TX Quảng Yên còn khoảng 2.800ha lúa. TX Đông Triều được coi là vựa lúa của tỉnh, tới đây sẽ là thành phố, kéo theo đó là các dự án công nghiệp, thương mại và quá trình đô thị hoá mạnh mẽ, đồng nghĩa với việc quỹ đất nuông nghiệp hiện trạng sẽ có những thay đổi. Trong bối cảnh đó, Quảng Ninh đặt mục tiêu nhân rộng những vùng sản xuất an toàn, giá trị cao, gắn với cây, con giống mới, công nghệ tiên tiến, sản xuất theo chuỗi, sản xuất gắn với bảo vệ môi trường... là hướng đi phù hợp, cần thiết và hiệu quả.
Phó Chủ tịch UBND huyện Đầm Hà Trần Anh Cường:
Xây dựng các mô hình sản xuất tập trung, có hàm lượng công nghệ cao, có tính liên kết chuỗi
Trong chiến lược phát triển kinh tế của Đầm Hà, việc hình thành những vùng sản xuất nông nghiệp an toàn, bền vững, giá trị cao là một trong những mục tiêu chủ đạo. Cùng với rất nhiều nguồn lực đầu tư vào các vùng NTM, kinh tế nông nghiệp Đầm Hà đang chuyển dịch rất tích cực, số lượng các mô hình sản xuất tập trung, có hàm lượng công nghệ cao, có tính liên kết chuỗi ngày càng nhiều.
Huyện Đầm Hà đang có những bước tiến lớn trong xây dựng khu nông nghiệp công nghệ cao về thuỷ sản; có các HTX trồng dưa lưới, sản xuất cá giống, quy trình quản lý và thiết bị sản xuất tiên tiến; có các vùng trồng lúa, rau, màu và các vùng chăn nuôi tập trung, đặc biệt là đối tượng chăn nuôi gà bản địa Đầm Hà. Hiện nay, Đầm Hà đang xúc tiến các điều kiện để hình thành vùng cây ăn quả tập trung, lấy đây là thế mạnh phát triển của kinh tế nông nghiệp huyện.
Giám đốc Trung tâm Dịch vụ kỹ thuật nông nghiệp Uông Bí Nguyễn Duy Toàn:
Uông Bí khuyến khích các mô hình nông nghiệp mang lại giá trị cao trên một diện tích sản xuất rất nhỏ
Với đặc thù là vùng đô thị, diện tích dành cho nông nghiệp của Uông Bí không lớn. Trong bối cảnh này Uông Bí khuyến khích các mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, an toàn với môi trường và tạo ra giá trị lớn. Hiện khu vực phía Nam thành phố có những mô hình nuôi tôm 3, 4 giai đoạn, nuôi tôm trên cạn, trong nhà và nuôi vụ đông. Dịp tết nguyên đán vừa rồi, mặc dù nền nhiệt thấp, rất bất lợi cho con tôm, tuy nhiên các hộ vẫn có thể thu hoạch, kịp thời xuất bán vào thời điểm được giá nhất.
Khu vực giáp đồi núi của Uông Bí tập trung phát triển các mô hình chăn nuôi, trong đó đã có những mô hình nuôi gà theo chuỗi liên kết của Công ty CP Chăn nuôi C.P Việt Nam. Ngoài ra, cơ sở sản xuất nấm đông trùng hạ thảo ở Bắc Sơn được đầu tư mới nhà xưởng, quy mô, đưa ra thị trường những sản phẩm chất lượng đạt sản phẩm OCOP 3 sao, 4 sao, trở thành mô hình mang lại giá trị cao trên một diện tích sản xuất rất nhỏ.
Giám đốc HTX NTTS Phất Cờ (xã Hạ Long, huyện Vân Đồn) Nguyễn Sĩ Bính:
Được cấp phép NTTS trên biển là tín hiệu vui trong hoạt động giao, cho thuê mặt nước, đẩy mạnh kinh tế biển
Trong nghề NTTS, việc được giao mặt nước là rất quan trọng, tạo niềm tin, sự yên tâm để đầu tư sản xuất. Nhiều năm qua huyện Vân Đồn không giao mới, cũng như giao lại các khu vực biển cho người người NTTS, thành ra hiện có rất nhiều hộ đang nuôi, nhưng thực chất đều đã quá thời hạn giao, cho thuê mặt nước. Trong tình huống này việc đầu tư là rất bấp bênh. Đây là nguyên nhân khiến cho nhu cầu được giao, cho thuê mặt nước của người dân Vân Đồn, cũng như người dân các địa phương có biển khác là rất lớn.
Được biết, vừa qua đơn vị HTX NTTS Nam Trung đã chính thức được cấp phép NTTS đến năm 2050, đây là tín hiệu rất vui, những người NTTS chúng tôi có cơ sở để học tập, qua đó hoàn thiện các hồ sơ, thủ tục hành chính để xin cấp phép NTTS, nhằm mục đích phát triển sản xuất lâu dài, ổn định.
Chị Lê Thị Hằng Nga, HTX Thương mại và chế biến thực phẩm Khánh Đan (huyện Đầm Hà):
Mong địa phương sớm phát triển các vùng NTTS được công nhận đảm bảo an toàn dịch bệnh
Với mặt hàng sản xuất là chả cá, chả mực các loại, chúng tôi luôn hướng đến mục tiêu sản xuất ra những mặt hàng chủ lực của huyện, tức là đảm bảo các yếu tố: Chất lượng cao, chứng minh bằng các chứng nhận cụ thể về ATTP, chứng nhận OCOP, không vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, có bao bì, nhãn hiệu, truy xuất nguồn gốc rõ ràng… Để có điều này, ngoài sự chủ động đảm bảo trong từng khâu sản xuất, chúng tôi rất mong địa phương sớm phát triển các vùng NTTS được công nhận đảm bảo an toàn dịch bệnh tại địa phương.
Được biết, các điều kiện là nơi chăn nuôi phải theo quy hoạch của địa phương, hoặc được cơ quan có thẩm quyền cho phép; con giống phải được phòng bệnh bắt buộc đối với bệnh truyền nhiễm nguy hiểm; các cơ sở phải xây dựng và thực hiện kế hoạch giám sát dịch bệnh theo quy định chặt chẽ… Có được nguồn nguyên liệu chế biến như vậy, chúng tôi sẽ hoàn toàn tự tin vững vàng bước ra khỏi giới hạn, mở rộng quy mô, tiến tới chinh phục các thị trường lớn trong tương lai.
Việt Hoa - Hoàng Giang
- Tháo dỡ, di dời công trình vi phạm trên đất phi nông nghiệp
- Luật đất đai 2024: Tháo gỡ vướng mắc liên quan đến đất nông nghiệp
- Hướng đi giàu triển vọng từ du lịch nông nghiệp
- Italy muốn trở thành đối tác hàng đầu của Việt Nam về nông nghiệp
- Tái cơ cấu nông nghiệp hiệu quả, bền vững
- Dùng rơm biến đất nhiễm mặn thành đất nông nghiệp màu mỡ
Liên kết website
Ý kiến ()