Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 21:54 (GMT +7)
Rà soát, tháo gỡ khó khăn vướng mắc, thúc đẩy tiến độ dự án đầu tư công
Thứ 2, 04/03/2024 | 18:57:32 [GMT +7] A A
Ngày 4/3, Thường trực Tỉnh ủy họp giao ban tuần để nghe và cho ý kiến về tình hình giải quyết khó khăn, vướng mắc trong triển khai tổ chức thực hiện các dự án đầu tư công năm 2024 cùng nhiều nội dung quan trọng khác. Đồng chí Nguyễn Xuân Ký, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, chủ trì.
Xác định giải ngân đầu tư công là nhiệm vụ có ý nghĩa rất quan trọng, UBND tỉnh đã lãnh đạo, chỉ đạo quyết tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công năm 2024 ngay từ những ngày đầu, tháng đầu của năm. Ngay ngày đầu tiên của năm 2024, UBND tỉnh đã thành lập tổ công tác đẩy nhanh tiến độ thực hiện các chương trình, dự án trọng điểm sử dụng vốn ngân sách tỉnh và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công do đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh làm tổ trưởng. Sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, các đồng chí lãnh đạo tỉnh và liên ngành đã trực tiếp đi kiểm tra hiện trường để nắm bắt tình hình, kịp thời động viên và xử lý các khó khăn, vướng mắc trong GPMB, giải ngân vốn đầu tư công…
Tính đến ngày 28/2, giải ngân vốn đầu tư công đạt trên 624.800 triệu đồng, đạt 4,3% kế hoạch vốn, tương đương cùng kỳ năm 2023. Trong 22 chủ đầu tư trên địa bàn tỉnh, có 8 chủ đầu tư có tỷ lệ giải ngân cao hơn bình quân chung toàn tỉnh, còn lại 14 chủ đầu tư có tỷ lệ giải ngân thấp hơn bình quân chung toàn tỉnh. Ngoài ra còn có 5 địa phương chưa phân khai chi tiết kế hoạch vốn năm 2024.
Nhiều ý kiến tại cuộc họp chỉ ra nguyên nhân chủ yếu tỷ lệ giải ngân của một số chủ đầu thấp do công tác chuẩn bị đầu tư một số địa phương còn chậm; GPMB còn vướng mắc kéo dài; nguồn vật liệu san lấp còn nhiều bất cập; việc hoàn trả khối lượng tạm ứng chuyển sang năm 2024 tương đối lớn. Các ý kiến cũng chỉ ra các dự án khởi công mới năm 2024 còn chậm triển khai; một số trình tự thủ tục còn gây ra ách tắc và quy hoạch chuyển đổi đất lúa, đất rừng đặc dụng, rừng phòng hộ còn vướng mắc…
Thống nhất với các ý kiến tại cuộc họp, Thường trực Tỉnh ủy nhấn mạnh: Giải ngân đầu tư công là nhiệm vụ chính trị có ý nghĩa quan trọng, góp phần khơi thông điểm nghẽn, đưa dòng vốn đầu tư công vào nền kinh tế, thu hút đầu tư, dẫn dắt tăng trưởng vốn đầu tư toàn xã hội, tạo ra động lực, không gian phát triển mới, giải quyết việc làm, tăng thu nhập, đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, giảm chi phí, nâng cao năng lực cạnh tranh, thúc đẩy tăng trưởng cho nền kinh tế, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho phục hồi nhanh và phát triển bền vững.
Thường trực Tỉnh ủy yêu cầu tiếp tục thực hiện nghiêm chỉ đạo của Chính phủ, Tỉnh ủy, HĐND tỉnh về chấn chỉnh, tăng cường trách nhiệm trong xử lý công việc của các đơn vị; cá thể hóa trách nhiệm của tập thể, cá nhân trong từng khâu của quy trình xử lý công việc, đảm bảo các công việc thuộc thẩm quyền giải quyết phải được xử lý nhanh chóng, kịp thời, rút ngắn thời gian thực hiện. Trong đó, yêu cầu gắn trách nhiệm của Bí thư cấp ủy, Chủ tịch UBND các cấp đối với những nơi có dự án đang triển khai, ưu tiên cho các dự án đầu tư công để đảm bảo cho công tác GPMB, bàn giao đất và không để phát sinh những vấn đề trong quá trình triển khai dự án. Tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu các sở, ngành có liên quan trực tiếp đến lĩnh vực đầu tư công, quản lý sử dụng ngân sách trong giải quyết những khó khăn, vướng mắc của các dự án có liên quan đến sở, ngành mình.
Thường trực Tỉnh ủy cũng yêu cầu phải tập trung tháo gỡ 3 việc. Trong đó, phải tập trung tháo gỡ vướng mắc về nguồn vật liệu san lấp. Sở Xây dựng, Sở Tài Nguyên và Môi trường, Sở Giao thông và Vận tải phối hợp chặt chẽ với các chủ đầu tư tích cực nghiên cứu các nguồn vật liệu thay thế các nguồn vật liệu hiện nay để đáp ứng đầy đủ, kịp thời nhu cầu cho các dự án trọng điểm trên địa bàn. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, kịp thời chấn chỉnh tình trạng những cán bộ, công chức thiếu tâm huyết, trách nhiệm, năng lực yếu để trì trệ, gây khó khăn trong xử lý công việc. Các chủ đầu tư - người trực tiếp chịu trách nhiệm trước pháp luật cũng phải kịp thời giám sát, quản lý và có báo cáo thực tế về tỉnh, địa phương để có giải pháp xử lý kịp thời, đảm bảo tiến độ dự án cũng như sớm giải quyết những khó khăn, vướng mắc, ách tắc trong quá trình thực hiện. Xử lý triệt để những vướng mắc trên thực địa liên quan đến GPMB, bố trí tái định cư đảm bảo quyền lợi cho các tổ chức, cá nhân có đất bị thu hồi.
Cùng ngày, Thường trực Tỉnh ủy nghe báo cáo công tác chuẩn bị, tổ chức các sự kiện, hoạt động của Tuần Du lịch hè Hạ Long 2024 và Chương trình Carnaval Hạ Long 2024.
Theo kế hoạch của UBND tỉnh, dự kiến trong năm 2024, trên địa bàn tỉnh sẽ diễn ra 186 chương trình, sự kiện, hoạt động kích cầu du lịch. Riêng trong quý II sẽ tổ chức gần 50 chương trình, sự kiện hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch cấp quốc tế, quốc gia, cấp tỉnh. Trọng tâm là Chương trình Carnaval Hạ Long Hè 2024, Lễ hội truyền thống Bạch Đằng, Hội chợ OCOP, Liên hoan ẩm thực 2024. Ngoài ra tại khắp các địa phương trong tỉnh cũng sẽ tổ chức nhiều chương trình, hoạt động hưởng ứng, khởi động mùa du lịch hè, góp phần để năm 2024, Quảng Ninh thu hút ít nhất 17 triệu lượt khách.
Về chương trình Carnaval Hạ Long 2024 do UBND tỉnh chỉ đạo, UBND TP Hạ Long thực hiện, là một trong những sự kiện đặc biệt trong chuỗi các hoạt động của Tuần du lịch Hè Hạ Long năm 2024. Chương trình sẽ được tổ chức vào dịp 30/4 và 1/5, tại Công viên Đại Dương, phường Bãi Cháy, TP Hạ Long với sự quy tụ của hàng nghìn diễn viên, nghệ sĩ chuyên nghiệp, các đoàn nghệ thuật quốc tế, các nghệ nhân. Chương trình sẽ sử dụng yếu tố nghệ thuật nhạc kịch, kết hợp hài hòa với lịch sử, văn hóa để làm nổi lên các giá trị của Di sản thiên nhiên vịnh Hạ Long. Đồng thời áp dụng các công nghệ hiện đại tối tân nhất như Drone light (máy bay không người lái xếp hình), các mô hình phát sáng, kết hợp với trình diễn pháo hoa, mapping, công nghệ Led, âm thanh ánh sáng…
Nhấn mạnh từ năm 2007, Carnaval Hạ Long đã trở thành sự kiện thường niên, là thương hiệu văn hóa du lịch đặc sắc, hấp dẫn của Quảng Ninh, trở thành điểm hẹn quen thuộc và yêu thích của người dân, du khách bốn phương, Thường trực Tỉnh ủy yêu cầu Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh chỉ đạo UBND tỉnh, chỉ đạo UBND thành phố Hạ Long, đơn vị tư vấn tiếp tục hoàn thiện ý tưởng kịch bản, nội dung chương trình, đảm bảo ngày càng hấp dẫn hơn. Qua đó, lan tỏa mạnh mẽ hình ảnh Vịnh Hạ Long với hành trình 30 năm được UNESCO công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới với các giá trị về cảnh quan, địa chất địa mạo, sinh học, văn hóa, lịch sử… Đồng thời khẳng định những nỗ lực của tỉnh Quảng Ninh trong việc luôn bảo vệ, gìn giữ, phát huy bảo tồn các giá trị của Di sản thiên nhiên thế giới tới với du khách trong và ngoài nước.
Ngoài ra, chương trình cũng cần làm nổi bật thêm các giá trị của Quần thể di sản Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc, đã được Việt Nam trình lên UNESCO công nhận là di sản thế giới; 6 giá trị đặc trưng của tỉnh Quảng Ninh “Thiên nhiên tươi đẹp, Văn hóa đặc sắc, Xã hội văn minh, Hành chính minh bạch, Kinh tế phát triển, Nhân dân hạnh phúc” và các nội dung cốt lõi của Nghị quyết số 17-NQ/TU ngày 30/10/2023 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Quảng Ninh trở thành nguồn nội sinh, động lực cho phát triển nhanh, bền vững.
Cho ý kiến về nhiệm vụ tuần tới, Thường trực Tỉnh ủy yêu cầu các cấp ủy, địa phương, ngành tập trung thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trong quý I; thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa việc triển khai các dự án đầu tư công, dự án ngoài ngân sách gắn với tiến độ giải ngân các dự án đầu tư công; đẩy mạnh phát triển du lịch và tổ chức thành công các sự kiện văn hóa, thể thao, du lịch; thực hiện tốt công tác quản lý và tổ chức lễ hội, các hoạt động văn hóa, thể thao sau tết thiết thực, an toàn; tăng cường công tác đảm bảo an ninh trật tự, quản lý thị trường, ổn định giá cả, an toàn vệ sinh thực phẩm tại các điểm tham quan, tập trung đông người; quan tâm chăm sóc sức khỏe nhân dân. Chỉ đạo rà soát, tiêm vắc xin đầy đủ theo quy định cho các loài vật nuôi, nhất là phòng, chống bệnh dại trên chó trên địa bàn tỉnh; đồng thời có khuyến cáo tới người dân không sử dụng thịt chó và các sản phẩm từ thịt chó trong thời điểm đang xuất hiện ổ dịch ở huyện Đầm Hà...
Thu Chung
Liên kết website
Ý kiến ()