Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 30/11/2024 12:51 (GMT +7)
Ra Trường Sa mùa biển động...
Thứ 7, 13/06/2015 | 05:38:03 [GMT +7] A A
Với bất cứ ai là người dân nước Việt đều hằng ao ước một lần được đến Trường Sa; và với cánh làm báo thì còn là mong mỏi cháy bỏng trong cuộc đời cầm bút. Chính vì vậy, khi được tham gia hải trình đến 12 điểm đảo thuộc quần đảo Trường Sa trong tháng 1-2015 trong tôi như vỡ oà niềm vui lớn, thật đặc biệt và thiêng liêng… Trước chuyến đi và kể cả sau lúc đã hoàn thành nhiệm vụ trở về, khi nghe kể, những ai thông thạo “tính nết” bà mẹ biển cả đều bảo, sao không đợi đến mùa sóng yên biển lặng, ví như “tháng 3 bà già đi biển”. Có lẽ, mọi người quên mất rằng, mọi trải nghiệm với người làm báo đều là một vốn quý, là chất liệu, là xúc tác quan trọng trong bài viết. Trên hết cả, người làm báo không bao giờ lựa chọn cho mình sự an toàn được hiểu theo đúng nghĩa đen của nó. Phải chăng, vì thế, người ta gọi nghề báo là nghề nguy hiểm!
Nhà báo Lê Ngọc Hân, Phó Tổng Biên tập Báo Quảng Ninh tác nghiệp trên đảo Tiên Nữ - đảo xa nhất của tuyến giữa nằm ở cực Đông Tổ quốc. |
Trở lại chuyến ra Trường Sa mùa biển động của chúng tôi, gần 100 nhà báo đến từ nhiều cơ quan báo chí khác nhau trong cả nước, trước giờ bước chân xuống tàu, ai ai cũng háo hức, mừng vui. Trong những ngày “tập kết” ở nhà khách Bộ Tư lệnh Vùng 4 (Cam Ranh, Khánh Hoà), tôi ở cùng phòng với Phương Mai, phóng viên Báo Thời Nay (một ấn phẩm của Báo Nhân Dân). Cô bạn đồng nghiệp 8x ấy rất hào hứng kể rằng, chuyến ra Trường Sa lần này là thứ hai. Và, tôi quan sát thấy, cô ấy chuẩn bị rất nhiều quà Hà Nội cho các chàng lính đảo.
Với người lần đầu ra Trường Sa như tôi, không tránh khỏi tâm trạng một chút bồn chồn xen lẫn lo âu. Thế nhưng, khi “nhập cuộc” thì ai cũng hăng say như nhau, điều đó được thể hiện ngay từ lúc chúng tôi có mặt ở quân cảng Cam Ranh để chuẩn bị làm lễ xuất quân về biên chế các tàu. Tất cả các nhà báo đều “lăn” ra tác nghiệp, từ cánh truyền hình, phát thanh đến báo viết, báo ảnh, ai nấy đều mải miết, tất bật. Ngay như tôi, vội vã bước chân lên tàu khi những hồi còi báo hiệu thúc giục chuẩn bị rời cảng liền ngồi bệt ở sàn tầng 1 mở máy tính làm tin chuyển về toà soạn. Viết xong tin là lúc tàu đã ra giữa Vịnh Cam Ranh, sóng 3G rất chập chờn được các anh trên tàu chỉ dẫn, tôi liền leo lên tầng cao nhất là buồng lái để tiếp tục thực hiện công đoạn cuối, gửi tin, ảnh về cơ quan. Xong được sự khởi đầu ấy tôi lập tức bị say sóng vì đã bỏ qua lời dặn của các đồng nghiệp đi trước có kinh nghiệm cũng như sự trao truyền của đồng chí Phó Chính uỷ Bộ Tư lệnh Vùng 4 gặp mặt trước lúc lên đường là “khi lên tàu, muốn chống say phải ngay lập tức ổn định cơ thể bằng cách nằm im trong phòng”. Nhưng, sự khởi đầu ấy chẳng là gì trong hải trình 25 ngày trên vùng biển Trường Sa.
Rất nhiều đồng nghiệp cùng đi tuyến giữa với tôi trên con tàu 571 đã trải qua không ít thử thách để làm mọi cách chuyển tin, bài về toà soạn. Như nữ nhà báo Lê Hoài Thanh, Báo Hà Nội mới; nhà báo Ngô Kiên, Báo Nghệ An; nhà báo Mạnh Hùng, Báo Thời Nay; nhà báo Đức Đồng, Đài PTTH Thanh Hoá… Trong lúc tôi say đến “chết ngất” thì chị Lê Hoài Thanh hết nằm, lại ngồi cặm cụi viết bài rồi suốt đêm đọc qua điện thoại cho đứa cháu ở nhà chép lại để sáng hôm sau nhờ cháu chuyển đến toà soạn. Khó khăn nhất với cánh nhà báo chúng tôi khi tác nghiệp ở Trường Sa không phải là sóng to, gió lớn; không phải những ngày say sóng triền miên… mà chính là việc làm thế nào để chuyển được bài, ảnh về cơ quan trong điều kiện kết nối mạng cực kỳ hạn chế. Trong lần duy nhất được ở qua đêm tại đảo Phan Vinh, tôi đã tận dụng cơ hội này, trắng một đêm hì hụi chuyển ảnh về toà soạn cho số báo Tết mà cuối cùng đành “bó tay” trong nỗi ấm ức…
Bên cạnh những chuyện đó, chuyến đi này cho cánh nhà báo chúng tôi nhiều kỷ niệm khó quên. Đó là nhà báo Lý Việt Anh, Báo Nhân Dân vì mải tác nghiệp đã “hiến” một máy ảnh xịn do bị ngấm nước biển; tôi và các đồng nghiệp Đức Đồng, Văn Tráng (Đài PTTH Thanh Hoá), Hoài Thanh (Báo Hà Nội mới) cũng “góp” một ít kinh nghiệm nhớ đời. Đó là trong một chuyến chuyển tải đi xuồng CQ vào đảo Tốc Tan do sóng quá lớn, dù các thiết bị tác nghiệp cũng như sổ sách, điện thoại đã được cho vào túi bảo quản chuyên dụng của bộ đội hải quân nhưng cuối cùng vẫn bị nước biển “hỏi thăm”. Thì ra, kỹ năng buộc túi cũng như lúc xuống xuồng chúng tôi đã không để gập miệng túi lại. Vậy là, đã có 4 máy điện thoại di động trở thành “đồ chơi”, vẫn may, máy ảnh trong nhiều lần túi bọc còn cứu chữa được.
Vậy đấy, ra Trường Sa mùa biển động là thế, nhưng nếu may mắn có đến thêm một lần nữa trong cuộc đời làm báo, tôi vẫn xin được một lần nữa đến với vùng biển đảo thiêng liêng này của Tổ quốc.
Ngọc Hân[links()]
Liên kết website
Ý kiến ()