Các sản phẩm được trưng bày tại Triển lãm Quốc phòng ở Hà Nội ngày 19-22/12, thu hút sự chú ý lớn từ khách tham quan, với kích thước "khổng lồ", được thiết kế linh hoạt khi đặt cố định dưới đất hoặc gắn trên xe chuyên dụng. Điểm độc đáo của sản phẩm là khả năng cung cấp thông tin ba tọa độ, còn gọi là 3D, và do kỹ sư Việt Nam thực hiện.
Trước đây, radar thế hệ cũ 2D cung cấp được thông tin hai chiều là khoảng cách và phương vị, cho phép theo dõi mục tiêu di chuyển trên một mặt phẳng. Ngoài ra, tốc độ quét chậm khiến loại radar này gặp khó khăn khi theo dõi các vũ khí mới.
Trong khi đó, một số vũ khí hiện đại như UAV có kích thước nhỏ, di chuyển linh hoạt, hoạt động ở độ cao thấp và tấn công vào các mục tiêu trọng yếu. Điều này được đánh giá "làm thay đổi các học thuyết quân sự trước đây" và đặt ra bài toán mới về phòng không, đó là các radar có thể theo dõi nhanh và chi tiết thông số của vật thể.
Theo đại diện đơn vị phát triển Viettel High Tech (VHT), trên thế giới, một số giải pháp radar 3D đã có, nhưng không nhiều bên sở hữu, đồng nghĩa phải mua với giá cao, phụ thuộc về công nghệ và vận hành. Năm 2018, đơn vị này nhận nhiệm vụ nghiên cứu radar 3D. Sản phẩm đầu tiên ra đời năm 2020 và Việt Nam "hoàn toàn làm chủ công nghệ lõi".
Khác với radar 2D, radar 3D có thể xác định thêm độ cao, có tốc độ quét nhanh và hiển thị vị trí chính xác của mục tiêu trong không gian. Điều này yêu cầu về công nghệ ăng-ten phức tạp và lượng dữ liệu cần xử lý nhiều hơn.
Các chuyên gia của Viettel cho biết chọn nghiên cứu công nghệ ăng-ten mảng pha quét búp sóng điện tử (beamforming), tương tự công nghệ được ứng dụng trong phát sóng 5G. Công nghệ này sử dụng các phần tử ăng-ten khác nhau hoạt động đồng bộ để điều chỉnh hướng phát và nhận sóng của radar. Cách này tạo ra độ phân giải cao hơn so với việc phát tín hiệu ra tất cả hướng của radar truyền thống.
"Rất khó làm chủ về độ chính xác và đồng bộ của các phần tử khi phát và thu, lượng dữ liệu cần xử lý cũng tăng gấp nhiều lần", ông Trần Hoàng Việt, trưởng phòng Công nghệ ăng-ten mảng pha chủ động của VHT, cho biết.
Sau hai năm phát triển, những sản phẩm đầu tiên ra đời vào năm 2020 và liên tục được tối ưu, cải tiến. Đến nay, ngoài tính năng phát hiện UAV và tên lửa hành trình bay ở độ cao thấp, radar 3D của Viettel cũng được thiết kế dạng module, giúp dễ dàng tháo lắp, vận chuyển và triển khai ở nhiều địa hình trận địa, bao gồm khu vực đồi núi hiểm trở.
Tại Triển lãm Quốc phòng năm nay, hàng loạt radar 3D được trình diễn, bao gồm đài radar cảnh giới tầm trung băng tần S để phát hiện, định vị các mục tiêu bay ở độ cao tầm trung, cự ly tầm trung; radar chiến thuật 3D băng S tầm gần; đài radar 3D chiến thuật băng L...
Trong đó, đài radar 3D cảnh giới tầm trung băng tần S có khả năng phát hiện, định vị mục tiêu ở cự ly đến 360 km, độ cao dưới 25 km; radar chiến thuật băng S tầm gần với khả năng định vị 100 km, độ cao 10 km. Chúng có thể cung cấp thông tin về cự ly, phương vị, độ cao và vận tốc; nhắm đến mục tiêu như máy bay hàng không dân dụng, máy bay chiến đấu, máy bay trực thăng, máy bay trực thăng treo.
Theo ông Trần Hoàng Việt, so sánh với đài radar 3D chiến thuật cùng phân khúc của một công ty nước ngoài, đài radar do Viettel nghiên cứu có chỉ tiêu tương đương, vượt trội ở một số tính năng như phát hiện mục tiêu trực thăng xa hơn gấp 1,6 lần, độ chính xác đo góc tốt hơn gấp hai lần. Năm 2024, nhóm tác giả của công trình nghiên cứu radar 3D VRS-SRS cũng giành giải Nhất Tuổi trẻ sáng tạo toàn quân do Bộ Quốc phòng trao tặng.
Ý kiến ()