Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 17/11/2024 10:21 (GMT +7)
Theo dõi diễn biến và chủ động ứng phó cơn bão số 1 (Talim)
Chủ nhật, 16/07/2023 | 10:54:46 [GMT +7] A A
Trước diễn biến áp thấp nhiệt đới trên biển Đông mạnh lên thành cơn bão số 1 (Talim), Văn phòng Thường trực Phòng chống thiên tai (Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai-Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự) đã ban hành văn bản số 34/BCH về việc theo dõi diễn biến và chủ động ứng phó cơn bão.
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Quốc gia, hồi 7 giờ ngày 16/7, vị trí tâm bão số 1 ở vào khoảng 19,0 độ vĩ bắc; 116,3 độ kinh đông, cách bán đảo Lôi Châu (Trung Quốc) khoảng 670km về phía đông đông nam. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 9 - 10 (75 - 102km/giờ), giật cấp 13.
Trong 24 giờ tới, bão số 1 di chuyển theo hướng tây bắc với tốc độ 10 - 15km/h; có khả năng mạnh thêm. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 11, giật cấp 14. Vùng nguy hiểm trên Biển Đông trong 24 giờ tới là từ vĩ tuyến 17,0 - 22,0 độ vĩ bắc; phía đông kinh tuyến 112,0 độ kinh đông. Cấp độ rủi ro thiên tai là cấp 3.
Dự kiến bão số 1 sẽ đi vào khu vực Bắc vịnh Bắc Bộ vào rạng sáng ngày 18/7/2023 (thứ 3) với sức gió cấp 12-15 và ảnh hưởng trực tiếp tới địa bàn Tỉnh, đồng thời gây mưa lớn diện rộng. Để chủ động ứng phó, Ban chỉ huy PCTT-TKCN&PTDS tỉnh yêu cầu các đơn vị, địa phương thực hiện nghiêm túc nội dung Công điện số 05-CĐ/QG hồi 16 giờ ngày 15/7/2023 của Ban Chỉ đạo Quốc gia về PCTT-Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (đã gửi các địa phương, đơn vị). Trong đó, yêu cầu tập trung sâu vào các nội dung:
Theo dõi thường xuyên và thông tin rộng rãi cho nhân dân biết về diễn biến của bão. Giữ liên lạc thường xuyên với các phương tiện đang hoạt động trên biển biết vị trí và diễn biến của bão để chủ động kế hoạch sản xuất và các biện pháp an toàn, không đi vào vùng nguy hiểm. Chỉ đạo khẩn trương gia cố lồng bè nuôi trồng thủy sản và tổ chức đưa người từ các khu nuôi lên bờ (ưu tiên phụ nữ, người già và trẻ nhỏ lên trước) và hoàn thành công việc này trước 16 giờ ngày 17/7.
Các địa phương (đặc biệt là tuyến đảo) nắm lại lượng khách du lịch và thông tin về bão cho du khách biết để có phương án di chuyển phù hợp; thống kê, báo cáo số du khách về Văn phòng Thường trực PCTT Tỉnh trước 16 giờ 30 phút hàng ngày. Tổ chức rà soát lại vị trí có nguy cơ sạt lở đất do mưa để phương án ứng phó cụ thể; tổ chức khơi thông hệ thống thoát nước, lưu ý khu đô thị. Các địa phương miền núi sẵn sàng phương án phòng chống lũ, sạt lở; tổ chức trực canh tại các bị trí có nguy cơ cao khi có mưa lớn trên địa bàn.
Chi cục Thủy sản cập nhật thường xuyên tình hình tàu thuyền, lồng bè và báo cáo về Văn phòng thường trực PCTT tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Công an tỉnh: Sẵn sàng lực lượng, phương tiện hiệp đồng với các địa phương, đơn vị đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông và triển khai cứu hộ khi có yêu cầu. Căn cứ vào diễn biến của bão, Bộ đội Biên phòng sẵn sàng bắn pháo hiệu báo bão theo quy định.
Sở Giao thông vận tải chỉ đạo Cảng vụ nội địa rà soát lại số lượng tàu du lịch và khách du lịch tuyến biển, chỉ đạo các doanh nghiệp vận tải thủy bố trí đủ phương tiện để phục vụ việc đưa khách có nhu cầu về đất liền; sẵn sàng cấm biển khi có yêu cầu. Chỉ đạo các đơn vị quản lý đường bộ sẵn sàng phương án đảm bảo giao thông trong tình huống gió mạnh, mưa lớn do bão.
Cảng vụ Hàng hải Quảng Ninh, các Đài Thông tin duyên hải cập nhật, thông báo cho các phương tiện thủy biết về diễn biến bão và hướng dẫn di chuyển, tìm nơi tránh trú an toàn.
Sở Du lịch chỉ đạo các địa phương, doanh nghiệp du lịch thông tin đến du khách về tình hình bão để du khách chủ động lịch trình tham quan, sẵn sàng phương án đón khách có nhu cầu ở lại chu đáo.
Sở Xây dựng chỉ đạo các địa phương khẩn trương rà soát, tổ chức gia cố lại các kiến trúc có độ cao lớn như cột viễn thông, biển quảng cáo...; chặt tỉa cây xanh đô thị; đồng thời lưu ý các địa phương rà soát lại các vị trí có nguy cơ sạt lở trong tình huống mưa lớn do ảnh hưởng bão.
Tập đoàn Công nghiệp Than-Khoáng sản, Tổng Công ty Đông Bắc: Rà soát, triển khai các phương án ứng phó mưa lớn đối với các khu vực khai thác hầm lò, khai trường, bãi thải, các vùng có nguy cơ ngập lụt, sạt lở.
Các Công ty TNHH 1 TV Thủy lợi: Đông Triều, Yên Lập, Miền Đông và các đơn vị quản lý hồ chứa theo dõi sát diễn biến mưa, bão để chủ động vận hành, điều tiết hồ chứa đảm bảo an toàn. Sẵn sàng vận hành các công trình tiêu thoát đề phòng mưa lớn kéo dài.
Hoàng Quỳnh
Liên kết website
Ý kiến ()