Bác sĩ Huỳnh Tấn Vũ (Trưởng Đơn vị Điều trị Ban ngày Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM, giảng viên Khoa Y học cổ truyền) chia sẻ, năm mới là dịp chúng ta chuẩn bị lại cho mình tâm thế mới, sức khỏe mới, tinh thần phơi phới để đạt nhiều thành công, hạnh phúc hơn sau một năm nhiều biến động vì đại dịch.
Dưới đây là chia sẻ của bác sĩ Vũ về những loại rau trái quen thuộc xung quanh chúng ta giàu dinh dưỡng, chứa nhiều loại vitamin và khoáng chất, cần cho sức khỏe.
Trái ổi
Ổi chứa lượng vitamin C gấp 4 lần so với quả cam, 100g ổi sẽ chứa khoảng 200 mg vitamin C. Ngoài ra, ổi còn cung cấp nhiều vitamin A, axit folic và chất khoáng. Ổi cũng là loại trái cây chứa nhiều chất xơ, ít chất béo bão hòa và cholesterol. Một quả ổi sẽ cung cấp khoảng 12% lượng chất xơ cần thiết cho cơ thể người trưởng thành trong một ngày
Các nghiên cứu y học cho thấy, vitamin C đóng vai trò quan trọng đối với hoạt động của xương, cơ bắp, mạch máu và các mô liên kết. Bổ sung đầy đủ vitamin C giúp ngăn ngừa và điều trị bệnh do thiếu hụt vitamin C, tăng khả năng hấp thụ sắt, ngừa mất thị lực tuổi già, phòng cháy nắng, giảm ban đỏ trên da, ngăn ngừa lão hóa da, giúp điều trị mệt mỏi do cúm hoặc sau bệnh, tăng sức đề kháng cơ thể, mau lành vết thương. Các Vitamin A, C và chất chống oxy hóa trong ổi giúp bảo vệ da, làm săn chắc da, ngăn tổn thương, ngăn các vết nhăn và làm chậm quá trình lão hóa.
Ổi chứa nhiều chất xơ, vitamin C và carotenoids, do đó rất tốt đối với hệ tiêu hóa. Chất xơ có tác dụng chống táo bón, kích thích nhu động ruột và điều hòa hệ vi khuẩn trong ruột.
"Ổi có vị ngọt và chát, tính bình; có tác dụng cầm tiêu chảy, tiêu viêm, cầm máu. Do có nhiều chất tanin nên nó làm săn niêm mạc ruột, làm giảm tiết dịch ruột, giảm nhu động ruột, còn có tác dụng kháng khuẩn", bác sĩ Vũ chia sẻ.
Đu đủ
Đu đủ là loại quả quen thuộc của người Việt. Trong 100g đu đủ chứa khoảng 62 mg vitamin C và nhiều chất chống oxy hóa như carotenoid, flavonoid, vitamin A và folat, giúp tăng sức đề kháng cho cơ thể, có tác dụng chống oxy hóa. Đu đủ còn có các vitamin B1, B2, các acid gây men và khoáng chất như kali, canxi, magiê, sắt và kẽm.
"Trong đông y, trái đu đủ tính hàn, vị ngọt, thanh nhiệt, bổ tỳ. Đu đủ ăn vào mùa nào cũng tốt cho sức khỏe. Mùa xuân, hè ăn đu đủ có tác dụng thanh tâm nhuận phế, giải nhiệt, giải độc. Mùa thu - đông, ăn đu đủ có tác dụng nhuận táo, ôn bổ, tỳ vị, dưỡng can, nhuận phế, chỉ khái, hóa đàm", bác sĩ Vũ cho biết.
Bí ngô
Trong các loại quả chứa hàm lượng dinh dưỡng cao, bí đỏ được xếp ở vị trí đầu tiên. Trong bí đỏ có chứa sắt, kali, photpho, nước, protein thực vật, gluxit,... các axit béo linoleic, cùng vitamin C, vitamin B1, B2, B5, B6, PP, beta caroten (tiền chất của vitamin A). Ăn bí đỏ rất tốt cho não bộ, tăng cường miễn dịch, giúp tim khỏe mạnh, mắt sáng, cho giấc ngủ ngon hơn và hỗ trợ cho việc chăm sóc da cũng như làm đẹp, giảm cân...
Thông thường, trong một quả bí đỏ chứa: 85-91% nước, chất đạm 0,8-2 g, chất béo 0,1-0,5 g, chất bột đường 3,3- 11 g, năng lượng 85-170 kJ/100 g.
Theo bác sĩ Vũ, trong đông y, phần thịt bí ngô có vị ngọt, tính ôn, hạt bí vị béo bùi, tính ấm. Có tác dụng trị giun sán. Bí đỏ tác dụng kiện tỳ, ích khí, tốt cho người bị tỳ vị kém, ăn kém chậm tiêu, mỏi mệt, đầy trướng bụng, đau bụng, nhiễm các ký sinh trùng đường ruột (giun đũa, giun kim, sán).
Cải bó xôi
Đông y gọi cải bó xôi là ba thái, rau chân vịt, có vị ngọt, tính mát, có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, trường vị, có khả năng làm sáng mắt, chữa bệnh quáng gà, phòng nhiệt miệng, viêm lợi, các bệnh đái tháo đường, trĩ và viêm bao tinh hoàn.
Hàm lượng các vitamin A, C, K cao trong rau cải bó xôi giúp bảo vệ hệ tim mạch, ngăn ngừa nguy cơ suy tim, xơ vữa động mạch, tăng huyết áp. Canxi, vitamin D và K trong cải bó xôi giúp cho hệ xương khớp khỏe mạnh, đặc biệt, với trẻ nhỏ ăn cải bó xôi thường xuyên cũng là một cách hỗ trợ tăng chiều cao, còn với người cao tuổi, cải bó xôi giúp ngừa các bệnh về xương khớp, loãng xương. sắt,
Trong cải bó xôi chứa nhiều carotenoid và lutein, giúp ngăn ngừa và cải thiện những vấn đề bệnh lý về mắt. Hàm lượng carotenoid cao trong cải bó xôi cũng có tác dụng chống lại các gốc tự do gây ung thư. Chất xơ trong cải bó xôi hỗ trợ hiệu quả trong việc kích thích hoạt động của hệ tiêu hóa, giúp trị táo bón, hạn chế triệu chứng khó tiêu, có lợi trong giảm cân.
Khoai lang
Củ khoai lang được đánh giá là thực phẩm rất bổ dưỡng. Khoai lang là nguồn dinh dưỡng tuyệt vời về chất xơ, vitamin và chất khoáng. Thành phần chất xơ trong khoai lang gồm chất xơ hòa tan và chất xơ không hoà tan có tác dụng cải thiện tiêu hóa, ngăn ngừa táo bón. Lượng vitamin A cao giúp bảo vệ mắt, tăng cường miễn dịch. Ngoài ra, khoai lang có màu cam và tím rất giàu chất chống oxy hóa để bảo vệ cơ thể chống lại các gốc tự do.
Theo đông y, củ khoai lang tính bình, vị ngọt. Rau lang tính bình, vị ngọt, không độc. Củ khoai có tác dụng bồi bổ cơ thể, ích khí, cường thận, kiện vị, tiêu viêm, thanh can, lợi mật, sáng mắt. Khoai lang vàng đỏ có nhiều vi chất hơn khoai lang trắng. Ngoài công dụng làm thực phẩm, làm nguyên liệu chế tinh bột khoai, có thể dùng khoai lang làm thuốc nhuận tràng, tốt cho tiêu hóa.
"Những loại trái cây rau củ trên đều quen thuộc và dễ kiếm ở nước ta. Chúng ta có thể bổ sung vào bữa ăn hàng ngày một cách cân đối và đa dạng các thực phẩm", bác sĩ Vũ khuyên.
Ý kiến ()