Tất cả chuyên mục

Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ là một lãnh tụ kiệt xuất, mà còn là một nhà báo xuất sắc. Người luôn quan tâm tới việc dùng báo chí làm công cụ tác nghiệp để đạt mục đích giải phóng dân tộc - xã hội - con người. Chính vì vậy, khi viết báo, Người luôn chú ý tới vấn đề: Viết cho ai? Viết để làm gì? Viết cái gì? Viết như thế nào?
Mấy mệnh đề nghe rất đơn giản này nhưng thực hiện đầy đủ, có trách nhiệm xã hội cao, xét đến cùng chính là thể hiện đạo đức người làm báo.
Nhà báo Đàm Hằng, Phó trưởng Phòng Thời sự (Trung tâm Truyền thông Quảng Ninh), chia sẻ: Bác Hồ đã từng nói “Người không có đạo đức tốt thì không thể là nhà báo tốt”, vì vậy, việc trau dồi đạo đức nghề nghiệp với chúng tôi là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục. Đạo đức người làm báo cũng như nói học và làm theo Bác tưởng cao xa, nhưng thực ra gắn với công việc mỗi ngày, không thể lơ là.
Học Bác trong làm báo, tôi thiết nghĩ cũng chính là rèn cho ngòi bút của mình sắc bén hơn, cái tâm của mình trong sáng hơn, phục vụ nhiệm vụ chung vì sự phát triển của quê hương, đất nước và lợi ích cụ thể, thiết thân của mỗi người dân. Đó là lương tâm, trách nhiệm và cũng là để giữ gìn uy tín của mỗi người làm báo với công chúng ngày càng có trình độ cao hơn, đòi hỏi khắt khe hơn…
![]() |
Phóng viên Quốc Thắng (Phòng Thời sự, Trung tâm Truyền thông Quảng Ninh) tác nghiệp trong hầm lò tại Công ty CP Than Vàng Danh. Ảnh: Hùng Sơn |
Học và làm theo Bác gắn với thực hiện các quy định đạo đức nghề báo, những năm gần đây, người làm báo Quảng Ninh đã gắn mình vào thực tiễn phát triển sôi động của tỉnh để thông tin, tuyên truyền đúng, trúng, kịp thời, có định hướng, hấp dẫn, sinh động công cuộc đổi mới diễn ra một cách mạnh mẽ ở Quảng Ninh.
Theo đánh giá của Hội Nhà báo Quảng Ninh, những năm gần đây, báo chí Quảng Ninh đã thông tin thể hiện rõ chức năng là cơ quan ngôn luận của Đảng bộ, chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội, các đoàn thể, quần chúng trong tỉnh; góp phần tích cực tạo ra bầu không khí cởi mở, dân chủ trong đời sống xã hội; tham gia tích cực vào công tác giám sát và phản biện xã hội.
Cùng với đó đã cổ vũ tinh thần thi đua lao động sáng tạo, xây dựng và bảo vệ quê hương; biểu dương các tập thể, cá nhân điển hình, gương người tốt, việc tốt, các nhân tố mới trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Ngược lại, mạnh mẽ đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực, phê phán những thói hư, tật xấu, cảnh báo những tệ nạn trong đời sống xã hội, được dư luận ủng hộ, tạo được niềm tin vào công lý…
Hoạt động tác nghiệp ở Quảng Ninh - vùng đất có sự đổi mới mạnh mẽ những năm qua, báo chí nơi đây đã quảng bá, góp phần xây dựng hình ảnh một địa phương với những tiềm năng, lợi thế khác biệt, cơ hội nổi trội; một địa phương năng động, sáng tạo với những đột phá trong thí điểm thực hiện các chủ trương, chính sách, đặc biệt là trong xây dựng hệ thống chính trị và thực hiện ba đột phá chiến lược…
Chủ tịch Hội Nhà báo, Giám đốc Trung tâm Truyền thông tỉnh Mai Vũ Tuấn, cho biết: Việc thực hiện 10 quy định đạo đức nghề nghiệp với người làm báo Quảng Ninh trong thời gian tới đây sẽ được tiếp tục tăng cường gắn với việc thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Đạo đức của người làm báo là hành nghề trung thực, khách quan, tôn trọng sự thật, không lợi dụng nghề nghiệp để vụ lợi và làm trái pháp luật. Nhà báo trước tiên phải là công dân tốt. Đối với người làm báo, học và làm theo Bác chính là học tấm gương đạo đức sáng ngời, học phong cách làm báo giản dị, khoa học, hết lòng phụng sự lợi ích của Đảng, của Tổ quốc, nhân dân của Người…
![]() |
![]() |
![]() |
|
![]() |
|
Dù tác nghiệp trong điều kiện, hoàn cảnh nào, việc rèn luyện về nghiệp vụ cũng như trau dồi đạo đức nghề nghiệp luôn được người làm báo Quảng Ninh coi trọng. Ảnh: Ngọc Tuyết - Minh Hà |
Lan tỏa sâu rộng trong hội viên nhà báo
Luật Báo chí 2016 và 10 điều Quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam bắt đầu có hiệu lực từ đầu năm 2017. Ông Đỗ Ngọc Hà, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo tỉnh cho hay, trong thời gian qua, các nội dung này đã được Hội, các cơ quan báo chí trên địa bàn tỉnh tổ chức quán triệt đến các hội viên, các phóng viên, giúp các hội viên, phóng viên tránh vi phạm Luật báo chí cũng như Quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo.
Nhằm đẩy mạnh việc học tập và làm theo Bác gắn với thực hiện 10 Quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam, những năm gần đây, các cấp Hội nhà báo tỉnh đã chủ động tham mưu với cấp ủy, chuyên môn thực hiện quán triệt đầy đủ các chủ trương, chính sách lớn của Đảng, Nhà nước, của tỉnh đến hội viên, giúp các hội viên nắm rõ quan điểm, làm tốt công tác thông tin, tuyên truyền.
Công tác giáo dục, bồi dưỡng về nhận thức chính trị - xã hội, đạo đức nghề nghiệp và kiến thức pháp luật cho hội viên được thực hiện với nhiều cách làm sáng tạo, thiết thực, hiệu quả. Hội Nhà báo tỉnh tổ chức hội nghị quán triệt, triển khai thực hiện Luật báo chí năm 2016, Quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam đến toàn thể hội viên. Các Chi hội, Liên chi hội đã đa dạng hóa các hình thức tổ chức như toạ đàm, giao lưu, trao đổi kinh nghiệm…
Đã triển khai sâu rộng việc “Học tập và làm theo tư tưởng, tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” gắn với thực hiện 10 điều Quy định về đạo đức nghề nghiệp của người làm báo Việt Nam, tạo bước chuyển trong nhận thức của hội viên về trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ công dân và đạo đức nghề nghiệp của người làm báo.
![]() |
|
![]() |
|
Cùng với TP Hạ Long, 2 năm gần đây Hội Báo xuân còn được tổ chức tại Bình Liêu, Đầm Hà gắn với việc tặng quà Tết cho người có công, gia đình khó khăn. Ảnh: Minh Hà - Nguyễn Hoa |
Đi đôi với việc giáo dục, Hội đã tăng cường công tác quản lý, kiểm tra, giám sát thực hiện các quy định về đạo đức của người làm báo. Riêng trong 6 tháng qua, Hội Nhà báo tỉnh đã kiểm tra, xử lý kỷ luật nghiêm đối với 3 hội viên thể hiện chưa chuẩn mực khi tham gia mạng xã hội, theo Điều 5 của 10 điều quy định về đạo đức nghề nghiệp của người làm báo.
Bên cạnh các hoạt động nghiệp vụ, các cấp Hội cũng như hội viên đã có nhiều việc làm ý nghĩa, thể hiện trách nhiệm cộng đồng của người làm báo. Các chuyến đi “Về nguồn” được tổ chức thường xuyên, giúp các hội viên về với các di tích và địa danh cách mạng, thăm và tặng quà gia đình chính sách.
Hội Nhà báo tỉnh cùng với việc duy trì nhận phụ dưỡng các gia đình Bà Mẹ Việt Nam Anh hùng ở huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam trong suốt 25 năm qua, đã tổ chức vận động các cơ quan, doanh nghiệp và đội ngũ người làm báo góp kinh phí để thăm, tặng quà các gia đình chính sách, hộ nghèo trên địa bàn tỉnh mỗi khi tết đến, xuân về.
Các Hội báo xuân gần đây không chỉ tổ chức ở TP Hạ Long mà còn đưa các ấn phẩm báo chí đến với khu vực miền núi, biên giới, hải đảo, khu công nghiệp... để phục vụ đồng bào các dân tộc và công nhân lao động trên địa bàn.
Các cơ quan báo chí, các nhà báo bằng hoạt động nghiệp vụ của mình đã phản ánh, vận động các nhà hảo tâm giúp đỡ nhiều gia đình, cá nhân có hoàn cảnh khó khăn. Đồng thời trực tiếp tham gia các hoạt động giải cứu nông sản cho đồng bào các vùng, miền bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 trong những tháng đầu năm nay…
Ngọc Mai
Ý kiến ()