Ở TP HCM, anh Minh Nhật, 31 tuổi lướt mạng xã hội thấy quảng cáo của một cơ sở có thể in mã QR lên ốp điện thoại theo chủ đề năm mới. Thấy hay anh đặt một cặp in mã tài khoản ngân hàng của mình và vợ để tiện sử dụng lì xì Tết này. Với số tiền khoảng 200.000 đồng và vài ngày chờ đợi, anh đã nhận được cặp ốp màu đỏ bắt mắt, mã QR code "rất nhạy".
"Cả một năm kinh tế buồn. Mùa Tết này đành trông cậy các con", ông bố hai con nói tếu táo.
Những ngày qua, bức ảnh không nhận phong bao, lì xì, chỉ cần quẹt mã QR mừng tuổi được lan truyền trên các mạng xã hội. Từ khóa "lì xì bằng QR code" cho ra hàng nghìn kết quả cho thấy đã có rất nhiều người "bắt trend".
Anh Lê Văn Tiến, 34 tuổi, ở trong số này khi tải ảnh về ghép mặt hai con và mã QR của mình vào, rồi đăng lên trang cá nhân kèm thông báo: "Năm nay dự báo Tết đã lạnh lại mưa. Các cô, dì, chú, bác, họ hàng gần xa không biết lì xì các cháu kiểu gì thì cứ quẹt cái QR code ở ảnh này là các cháu nhận được".
Lì xì bằng cách chuyển khoản ngân hàng qua mã QR đang là một xu hướng sẽ được nhiều người áp dụng Tết Giáp Thìn, với đa dạng các hình thức, từ dùng các loại kẹp tóc, móc khóa đến ốp lưng điện thoại, quần áo in mã QR, hay đơn giản là chia sẻ mã của mình lên trang cá nhân.
Trên mạng, có một số hội nhóm kẹp tóc in mã QR theo yêu cầu có tới 10.000 thành viên. Từ khóa "lì xì QR code" thu hút hơn 150.000 lượt xem trên TikTok. Trên các sàn thương mại điện tử, có hàng chục shop bán kẹp tóc, móc khóa, ốp lưng điện thoại in mã QR, giá dao động từ 30.000 đồng đến 70.000 đồng tùy cửa hàng. Có shop bán được cả nghìn sản phẩm với hàng trăm lượt đánh giá tốt.
Chị Trang Nhung, một người nhận in các loại kẹp tóc, móc khóa, ghim cài áo có mã QR, cho biết trào lưu này xuất phát từ Trung Quốc, sau đó lan sang Việt Nam từ đầu năm 2023, Tết năm nay mới thực sự bùng nổ.
Không tiết lộ số lượng đơn hàng, song Nhung cho biết khách đã quan tâm nhiều từ cách đây hai tháng. Một tuần trở lại đây, cô phải ngừng nhận đơn vì sợ không làm kịp. "Nhiều khách năn nỉ mà không dám nhận", cô nói.
Phó giáo sư Bùi Xuân Đính, Viện Dân tộc học (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) cho biết tiền lì xì có xuất phát điểm là phong tục của người Trung Quốc, với ý nghĩa thể hiện mong ước những điều tốt lành, may mắn, sức khỏe cho trẻ em. Qua nghiên cứu, ở Việt Nam ban đầu lì xì chỉ hình thành trong nhà buôn, nhà sản xuất, họ có lợi nhuận và chia cho các cháu nhỏ thân thiết với cầu mong cho công việc của mình thuận lợi.
"Nguyên tắc của lì xì là tiền mới, mệnh giá nhỏ", phó giáo sư cho biết.
Theo chuyên gia văn hóa, nhận lì xì qua mã QR là hình thức mới, chưa thể đánh giá tích cực hay tiêu cực, nhưng có thể nhận thấy rõ sự tiện lợi. Người muốn mừng tuổi không cần đổi tiền mới, không cần mua phong bao, không cần đến tận nhà giáp mặt trẻ.
Sự tiện lợi này càng lớn khi người muốn mừng tuổi không có điều kiện đi chúc Tết, như ở xa, không về quê ăn Tết được hoặc không đi thăm nhau được vì ốm đau, hoặc bận công việc.
Số tiền lì xì cho trẻ được vào tài khoản của bố (hoặc mẹ), nên trẻ không trực tiếp nhận phong bao, không tò mò, nóng vội mở ra xem, từ đó có thể tránh việc so sánh với người khác, chê bai, dè bỉu công khai - vốn là hành vi phản cảm của trẻ đã và đang bị lên án từ lâu mỗi dịp Tết đến xuân về.
Tuy nhiên, lì xì chuyển khoản không thuận với phong tục truyền thống. Bởi lẽ người mừng tuổi không trực tiếp gặp trẻ để bày tỏ tình cảm thân mật, động viên nếu trẻ có nhiều thành tích, nhân việc đưa phong bao mừng tuổi mà khuyên nhủ chúng học hành, rèn luyện.
"Theo tôi, chỉ nên xem nó là một dạng thức mới của tục lì xì trong điều kiện công nghệ thông tin phát triển. Vẫn cần cố gắng duy trì việc đến thăm nhau ngày Tết và trao lì xì tận tay đứa trẻ", ông Đính nói.
Trường hợp không thể đến thăm nhau, buộc phải chuyển khoản thì vẫn nên lì xì số tiền vừa phải, không nên mừng nhiều tiền. Bố mẹ cần thông báo cho con biết là bác (chú, cô, anh chị) nào mừng, số tiền là bao nhiêu, lời nhắn nhủ động viên là gì, để trẻ được biết và có ý thức tiếp nhận tình cảm đó. Bố mẹ cần quản số tiền đó và hướng dẫn con cái sử dụng đúng mục đích, có hiệu quả.
Nhà tâm lý Lã Linh Nga (Hà Nội) cho biết thêm lì xì bằng chuyển khoản QR code tuy là thuận tiện, vui vẻ nhưng dễ gây phản cảm và có thể bị hiểu lầm là quá thực dụng.
"Việc quét mã QR sẽ làm mất đi một nét đẹp trong việc lì xì, đó là không có phong bao đầy sắc xuân cùng lời chúc, nhắn gửi trên bao. Tiền có thể tiêu đi nhưng bao lì xì và lời chúc có thể lưu giữ lâu dài", bà Nga nói.
Hơn nữa, cách quét QR cũng không phù hợp với những người lớn tuổi không quen sử dụng công nghệ.
Theo nhà tâm lý, trào lưu này chỉ nên áp dụng trong nhóm những người trẻ và thân thiết với nhau, chủ yếu là để vui. Không nên áp dụng rộng rãi với các đối tượng khác, có thể dẫn đến tình huống khó xử. Cha mẹ nên nói với con rằng việc quét mã QR chủ yếu để vui vẻ và trải nghiệm cách sử dụng tiền online, cần nhấn mạnh với con ý nghĩa của việc lì xì và vẫn cần trân trọng cách mừng tuổi truyền thống.
Ánh Hằng vẫn tin rằng quét mã QR là thể hiện lối sống hiện đại, bắt xu hướng và sẽ vui hơn cách trao lì xì truyền thống.
Ba năm nay cô ít khi sử dụng tiền mặt. Mỗi dịp Tết phải đi đổi tiền mới mất thời gian, chi phí. Đi chơi Tết cô thường chỉ cầm đồ gọn nhẹ nên luôn phải tính toán để có thể mang được lì xì, nhiều khi cầm ở tay phiền phức. "Các bé nhà mình chưa biết bảo quản lì xì, có những lần rơi đâu không biết", cô nói.
Anh Minh Nhật thì quan niệm lì xì là món nợ cần phải trả ngay. Những năm trước, có đôi lần con anh đi theo ông bà hoặc đi chơi, được lì xì mà bố mẹ không có mặt ở đó để tặng lại. Hơn nữa Tết ai cũng bận rộn nên không có cơ hội gặp, vì không mừng tuổi được cho con họ khiến anh áy náy suốt một năm, chỉ mong Tết sau gặp lại nhất định phải lì xì gấp đôi để trả.
"Nếu việc lì xì qua QR code phổ biến tôi nghĩ mình sẽ không bị rơi vào tình huống khó nghĩ trên", anh nói.
Ý kiến ()