Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 01/12/2024 11:34 (GMT +7)
Rộn ràng mùa miến dong Bình Liêu
Chủ nhật, 01/12/2024 | 08:00:01 [GMT +7] A A
Cứ vào độ tháng 10 âm lịch trở đi, giữa mùa nắng hanh hao trải đều khắp núi rừng, thửa ruộng, bà con các dân tộc huyện Bình Liêu lại rộn ràng bước vào mùa làm miến dong. Công việc bận rộn, vất vả từ sáng tới tối đến tận những ngày giáp Tết song với bà con nơi đây, đó không chỉ là công việc mà còn là niềm vui, niềm hạnh phúc xen lẫn tự hào khi sản vật của quê hương ngày càng được thực khách gần xa yêu mến.
Miến dong Bình Liêu nổi tiếng dai nhưng vẫn rất mềm, không bị nát, thơm và ngọt khi nấu, được làm hoàn toàn từ nguồn nguyên liệu dong giềng do bà con trong huyện trồng. Nghề làm miến truyền thống ở đây đã có từ lâu đời. Những năm gần đây, miến dong đã trở thành sản phẩm OCOP tiêu biểu của Bình Liêu, có mặt tại nhiều cửa hàng, siêu thị, hội chợ ở cả trong và ngoài tỉnh, mang lại thu nhập ổn định, cuộc sống no ấm, đủ đầy cho bà con.
Tại xã Húc Động, nơi tập trung nhiều nhất các cơ sở sản xuất miến dong của Bình Liêu, vào mùa này từ đầu xã tới cuối xã, đâu đâu cũng là sắc trắng của miến dong hòa trong sắc xanh váy áo tươi tắn của các bà, các chị dân tộc Sán Chỉ đang tất bật, cần mẫn trên cánh đồng phơi miến khiến cho cảnh sắc nơi vùng cao vốn yên bình càng thêm thơ mộng. Người tráng bánh, phơi bánh, cắt miến, người xếp cân, đóng gói cứ thoăn thoắt, mỗi người một công đoạn phối hợp nhịp nhàng, ăn ý.
Anh La A Nồng, Giám đốc HTX Phát triển Đình Trung, cho biết: Sau cơn bão số 3 vừa qua, các cơ sở sản xuất miến trên địa bàn xã cũng chịu thiệt hại nặng nề về sản lượng dong riềng cũng như hư hỏng máy móc, thiết bị. Song với tinh thần quyết tâm không bỏ lỡ vụ miến Tết, chúng tôi nhanh chóng bắt tay vào khôi phục sản xuất, tăng cường nhân lực lao động, đến nay, công việc đều đã đảm bảo tiến độ. Trung bình mỗi ngày, HTX sản xuất được 2 tạ miến và dự kiến từ nay đến Tết Nguyên đán sẽ xuất bán khoảng 20 tấn miến.
Không riêng HTX Phát triển Đình Trung, tất cả cơ sở sản xuất miến dong tại Bình Liêu đều được định hướng phát triển theo hướng hàng hoá, đẩy mạnh ứng dụng KHCN vào sản xuất, chế biến, kết hợp với phương pháp làm miến thủ công truyền thống. Qua đó, không chỉ tạo nên sản phẩm miến dong Bình Liêu vẫn giữ được chất lượng, hương vị đặc trưng song tăng thêm giá trị thẩm mỹ, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường, đưa miến Bình Liêu thành một sản phẩm hàng hoá giá trị cao.
Với mục tiêu đó, năm 2024 này, Công ty CP Thương mại và Dịch vụ Bình Liêu - đơn vị sản xuất, cung cấp sản phẩm miến dong lớn nhất tại Bình Liêu, đã đầu tư thêm hệ thống máy tráng sấy dẻo và lò hơi với trị giá trên 2,7 tỷ đồng. Từ đây, góp phần rút ngắn công đoạn phơi miến thủ công, không bị phụ thuộc vào thời tiết, giúp giảm nhân công, tăng sản lượng xong vẫn đảm bảo chất lượng. Cùng với đó, đơn vị chú trọng thay đổi các kiểu dáng bao bì, mẫu mã, chủng loại sản phẩm bắt mắt, chuyên nghiệp, hiện đại, mang đậm bản sắc dân tộc. Qua đó, giúp sản phẩm miến dong không chỉ phục vụ nhu cầu tiêu dùng hàng ngày, mà còn phù hợp làm quà biếu, tặng trong dịp Tết. Thời điểm này, Công ty đã nhận được các đơn hàng lớn từ đơn vị, đối tác đảm bảo miến sản xuất ra đến đâu hết đến đó.
Ông Nguyễn Xuân Tùng, Phó Giám đốc Công ty CP Thương mại và Dịch vụ Bình Liêu, cho biết: Cuối tháng 5 vừa qua, sản phẩm miến dong Bình Liêu của chúng tôi vừa được Bộ Công Thương công nhận sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu khu vực phía Bắc năm 2024. Đây là cơ hội để chúng tôi tăng sức cạnh tranh, tiếp tục khẳng định thương hiệu sản phẩm miến dong Bình Liêu trên thị trường. Công ty cũng đang đẩy mạnh xây dựng vùng nguyên liệu bền vững, đầu tư về công nghệ, mở rộng quy mô sản xuất, nghiên cứu, tạo ra sản phẩm đạt chất lượng cao.
Không chỉ dừng lại ở việc phát triển sản phẩm OCOP địa phương, huyện Bình Liêu đã có những định hướng để các cơ sở sản xuất miến dong trở thành điểm đến du lịch làng nghề hấp dẫn. Theo đó, địa phương tiếp tục tập trung khai thác đặc trưng văn hóa độc đáo của đồng bào dân tộc Sán Chỉ xã Húc Động, gắn kết hoạt động du lịch, tìm hiểu, trải nghiệm nghề làm miến dong truyền thống với các hoạt động du lịch như đá bóng nữ Sán Chỉ, giao lưu hát Soóng cọ, khám phá thác Khe Vằn… Qua đó, góp phần đa dạng hóa các sản phẩm du lịch, không chỉ giúp du khách được khám phá, tận hưởng thiên nhiên tươi đẹp, mà còn là cơ hội tìm hiểu nét đẹp văn hóa, đời sống của đồng bào các dân tộc thiểu số ở Bình Liêu.
Duy Khoa
Liên kết website
Ý kiến ()