Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 09:16 (GMT +7)
Rộn ràng những làng nghề vào Tết
Chủ nhật, 01/01/2023 | 07:17:47 [GMT +7] A A
Chỉ còn 3 tuần nữa là đến Tết Nguyên Đán Quý Mão 2023, những ngày này, người dân ở khắp các làng nghề trên địa bàn tỉnh đều đang tất bật chuẩn bị hàng hóa để có được những sản phẩm chất lượng, giá cả cạnh tranh, cung ứng đầy đủ cho thị trường dịp Tết. Công việc bộn bề, hối hả, nhưng ai nấy đều hăng say lao động hướng tới một cái Tết đủ đầy, phấn khởi.
Hối hả vụ Tết
Tết về là khi từ khắp mỗi ngả đường, góc phố, hiên nhà được tô điểm bởi những chậu cúc, đào, mai và các loại hoa rực rỡ khoe hương sắc. Những ngày này, ở một số vùng hoa lớn trên địa bàn tỉnh như Bình Khê (Đông Triều), Hoành Bồ, Quảng La (Hạ Long)… lúc nào cũng nườm nượp xe cộ, phương tiện của những đại lý, tiểu thương, khách hàng đến xem và đặt trước hoa Tết.
Đối với người trồng hoa, mùa hoa Tết là dịp thị trường hoa tươi sôi động, đắt hàng nhất. Vì vậy, ngay từ đầu tháng 10 Âm lịch, người dân nơi đây đã bắt tay chuẩn bị cho vụ hoa Tết và khi bước sang tháng Chạp, nhịp độ làm việc càng nhộn nhịp hơn. Dù thời tiết năm nay không thật sự thuận lợi khi ít mưa, nắng hại và rét hại, khiến một số loại hoa có thể không kịp nở đẹp vào dịp Tết như hoa cúc, dơn…, song các nhà vườn vẫn đang nỗ lực chăm sóc cho hoa từ tưới nước, tỉa cành, cắm cọc, bổ sung dinh dưỡng, bảo đảm cho hoa phát triển đúng độ, nở đều và đẹp.
Ông Lê Thế Phước, người đã có kinh nghiệm hơn 30 năm trồng hoa, hiện là Giám đốc HTX hoa Phước Long (phường Hoành Bồ, TP Hạ Long), cho biết: Các chủng loại hoa phục vụ thị trường Tết năm nay của HTX vẫn đa dạng như mọi năm, sẵn sàng đáp ứng nhu cầu của khách hàng, như: Cúc, ly, dơn, dạ yến thảo, hồng, lan hồ điệp… với tổng diện tích trên 6ha. Theo tình hình chung, do năm nay Tết Dương lịch và Tết Âm lịch khá gần nhau nên lượng hoa tiêu thụ có chậm hơn một chút, song ước tính vụ Tết HTX sẽ xuất bán được khoảng 1 triệu cây hoa các loại. Thời điểm đầu tháng Chạp đến sát Tết, các tiểu thương, khách hàng đặt sỉ, lẻ cũng đã bắt đầu đặt mua hoa chơi Tết với giá hoa tăng khoảng 20% so với ngày thường. Nhờ đó, các hộ trồng hoa rất yên tâm về đầu ra của sản phẩm.
Anh Phạm Quốc Toàn, HTX hoa Đồng Chè (phường Hoành Bồ, TP Hạ Long) chia sẻ: Để chuẩn bị vụ hoa Tết năm nay, gia đình tôi trồng 6 sào hoa với đủ chủng loại. Để đáp ứng tốt nhất nhu cầu chơi hoa ngày Tết của khách, cùng với việc trồng các loại hoa truyền thống, gia đình tôi còn nhập thêm một số loại cây cảnh, hoa như lan Trần Mộng (Sa Pa), Kim Tiền (Sa Đéc). Đặc biệt, năm nay là năm đầu tiên tôi áp dụng kỹ thuật gieo hạt trong nhà điều hòa thay vì nhà mát như mọi năm, nhờ đó, tỷ lệ hạt đậu cao hơn đạt 80-90%, hứa hẹn mùa hoa bội thu hơn. 2 năm trước do ảnh hưởng của dịch bệnh nên lượng tiêu thụ có phần giảm, năm nay, dự kiến lượng hoa tiêu thụ sẽ tăng mạnh khoảng 60-70%, nhất là thời điểm gần sát Tết.
Không khí hối hả, rộn ràng dịp Tết không chỉ có ở các làng hoa, cứ vào độ tháng 10 hằng năm, người dân xã Húc Động (huyện Bình Liêu) lại tất bật vào vụ làm miến dong. Nghề làm miến truyền thống ở đây đã có từ lâu đời. Miến dong Bình Liêu nhiều năm nay đã trở thành sản phẩm OCOP quen thuộc, uy tín được đông đảo khách hàng ở cả trong và ngoài tỉnh như Hà Nội, Hải Dương ưa chuộng.
Miến dong Bình Liêu nổi tiếng dai nhưng vẫn rất mềm, không bị nát, thơm và ngọt khi nấu, được làm hoàn toàn từ nguồn nguyên liệu dong do bà con trong huyện trồng, và là món ăn không thể thiếu trong mâm cỗ ngày Tết. Để đáp ứng nhu cầu của thị trường, bà con xã Húc Động cũng đang chạy đua cùng thời gian để sản xuất.
Những ngày cuối năm, khắp các nẻo đường nối về thôn, bản xã Húc Động đâu đâu cũng thấp thoáng sắc trắng của từng chồng miến ngay ngắn được hong khô. Bên những nếp nhà, các bà, các chị em người Sán Chỉ đang thoăn thoát đôi tay để làm ra những sản phẩm tốt nhất cho khách hàng sử dụng dịp Tết. Là làng nghề hoạt động lâu năm, nghề làm miến dong nơi đây là nguồn sống, nguồn thu nhập chính của nhiều gia đình. Trước đây, khi chưa có máy móc hỗ trợ, các hộ gia đình làm miến dong chỉ sản xuất với quy mô nhỏ lẻ, năng suất thấp, những năm gần đây, các HTX, hộ gia đình đã mạnh dạn đầu tư máy móc hiện đại với công suất lớn như máy rửa dong, nghiền bột và cán sợi... Nhờ đó, năng suất cao hơn, đáp ứng được nhu cầu lớn của thị trường.
Tại HTX Nông lâm nghiệp và dịch vụ Húc Động, hàng chục công nhân đang hăng say làm việc trong tiếng cười nói rôm rả. Người tráng bánh, phơi bánh, cắt miến, người xếp cân, đóng gói,... mỗi người một công đoạn riêng, nhưng trong ánh mắt của họ đều ngời lên niềm vui, tự hào về sản phẩm, món ăn truyền thống của quê hương đang ngày càng được ưa chuộng và vươn xa. Bà Trần Thị Phấu, thôn Pò Đán (xã Húc Động) phấn khởi bày tỏ: Thời điểm này, người lao động ở đây bận rộn hơn ngày thường, thậm chí còn làm việc thêm cả ca tối, nhưng chúng tôi rất vui vì thu nhập tăng cao hơn so với ngày thường và miến dong xã Húc Động nói riêng, huyện Bình Liêu nói chung càng ngày càng được nhiều người biết đến.
Giữ “lửa” làng nghề
Trải qua bao thăng trầm của thời gian, nhiều làng nghề truyền thống trên địa bàn tỉnh vẫn đang nỗ lực phát triển, tạo chỗ đứng vững chắc thông qua những sản phẩm chất lượng, được người tiêu dùng đánh giá cao. Những làng nghề cứ thế được trao truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, không chỉ trở thành nghề đem lại nguồn thu nhập chính cho người dân địa phương mà hơn hết còn chứa đựng nét đẹp văn hóa, mang bản sắc, cội nguồn dân tộc.
Vì vậy, để không ngừng nâng cao chất lượng, xây dựng thương hiệu cho sản phẩm từ những làng nghề truyền thống, nhiều năm qua, tỉnh đã quan tâm triển khai rất hiệu quả chương trình OCOP - mỗi xã, phường một sản phẩm, gắn với xây dựng nông thôn mới. Cùng với đó, các địa phương cũng quan tâm, định hướng phát triển, hỗ trợ các làng nghề, HTX mạnh dạn ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất, nâng cao chất lượng, năng suất sản phẩm. Đồng thời đẩy mạnh các kênh phân phối, giới thiệu sản phẩm qua các sàn thương mại điện tử, hội chợ OCOP, các dịp lễ hội truyền thống của địa phương...
Anh Trần Văn Hoàng, chủ HTX Nông lâm nghiệp và dịch vụ Húc Động, cho biết: Gia đình tôi đã bao đời nay đều làm nghề sản xuất miến dong. Với mong muốn giữ nghề, đưa hương vị riêng của đặc sản quê nhà đến với đông đảo khách hàng, tôi đã phát triển sản phẩm miến dong với quy mô lớn hơn, vùng trồng nguyên liệu làm miến cũng được cấp mã số vùng trồng. Sản phẩm miến của HTX hiện được tiêu thụ chủ yếu tại các công ty ngành Than, siêu thị, bếp ăn tập thể, nhà hàng và một số tỉnh thành, khu vực miền Bắc. Thời điểm giáp Tết, nhu cầu mua miến làm quà Tết tăng cao, ước tính trong 3 tháng cuối năm, HTX tiêu thụ khoảng 30 tấn miến khô ra thị trường trong và ngoài tỉnh. Hiện nay, chúng tôi cũng đang xây dựng kế hoạch xuất khẩu miến ra nước ngoài, trước mắt sẽ là thị trường Trung Quốc.
Là cơ sở sản xuất rượu mơ Yên Tử có quy mô lớn và gia truyền hơn 40 năm, cơ sở sản xuất rượu mơ Quang Vinh (xã Thượng Yên Công, TP Uông Bí), không chỉ xuất bán hàng nghìn chai rượu mỗi năm, cơ sở còn trở thành điểm đến du lịch được nhiều du khách nước ngoài yêu thích khi về với miền đất Phật Yên Tử. Tận mắt tìm hiểu, trải nghiệm quy trình sản xuất và thưởng thức hương vị của đặc sản vùng miền khiến du khách càng yêu mến thêm mảnh đất đã đi qua.
Anh Vũ Quang Vinh, Quản lý cơ sở sản xuất rượu mơ Quang Vinh, cho biết: Trong quá trình sản xuất, chúng tôi đã chủ động tìm tòi, nghiên cứu, điều chỉnh để nâng cao chất lượng sản phẩm. Khi đã có sản phẩm phù hợp thị hiếu khách hàng, sản xuất theo quy mô hàng hóa, bản thân tôi đã trực tiếp đem sản phẩm đi bán để vừa mở rộng thị trường vừa lắng nghe các ý kiến góp ý, phản hồi của khách hàng để phục vụ một cách tốt nhất. Rượu mơ Yên Tử do cơ sở sản xuất đã được công nhận sản phẩm OCOP 4 sao. Dịp Tết nguyên đán này, cơ sở cũng đã nghiên cứu thay đổi mẫu mã mới, làm các hộp quà đẹp với hai loại rượu sim và rượu mơ để khách hàng có thể lựa chọn mua về làm quà biếu Tết. Đến thời điểm này, đã có khoảng hơn 1.000 đơn hàng được tiêu thụ.
Trong cái rét ngọt của ngày giáp Tết, thong thả dạo quanh những làng nghề truyền thống, chắc chắn ai ai cũng đều cảm nhận trọn vẹn về hương vị của Tết cổ truyền thật gần, thật rõ. Hơn hết, còn thấy được lòng yêu nghề, say nghề, sự trân trọng của người làm nghề gửi gắm trong từng sản vật quê hương. Những làng nghề cứ thế “đỏ lửa” đã và đang góp phần mang đến sự trù phú cho mỗi miền quê, với dạt dào hy vọng về một năm mới an lành, đủ đầy, sung túc.
Nguyễn Dung
Liên kết website
Ý kiến ()