Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 16:29 (GMT +7)
Rủi ro từ căng thẳng Mỹ - Trung Quốc
Thứ 2, 08/08/2022 | 13:49:00 [GMT +7] A A
Sự trỗi dậy của Trung Quốc được Mỹ coi là một thách thức đối với Washington, trong khi Bắc Kinh cho rằng những lo ngại của Washington là nhằm kiềm chế ảnh hưởng của Trung Quốc.
Mối quan hệ Mỹ - Trung đang trở thành thách thức địa chính trị lớn của thế giới. Nhiều thập kỷ phụ thuộc lẫn nhau chặt chẽ về kinh tế, được xây dựng dựa trên các chuỗi cung ứng đã được thiết lập và đầu tư lẫn nhau, đang suy giảm.
Đó là nhận định của ông Marco Carnelos, một cựu quan chức ngoại giao Italy từng hoạt động ở Somalia, Australia và Liên hợp quốc. Ông có thời gian là trợ lý chính sách đối ngoại của ba thủ tướng Italy từ năm 1995 đến năm 2011. Gần đây, ông Carnelos là đặc phái viên điều phối tiến trình hòa bình Trung Đông về Syria cho Chính phủ Italy và cho đến tháng 11/2017, ông là Đại sứ Italy tại Iraq.
Theo ông Carnelos, căng thẳng tăng vọt khi Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi có chuyến công du tới đảo Đài Loan (Trung Quốc) trong tuần này. Mỹ và Trung Quốc từ lâu đã đồng ý duy trì một mức độ mơ hồ về qui chế của hòn đảo, qua chính sách "Một Trung Quốc”, ngầm thừa nhận chủ quyền của Trung Quốc đại lục đối với Đài Loan. Tất cả điều này đang bị thách thức bởi chuyến thăm của bà Pelosi, mà Bắc Kinh coi như một hành động khiêu khích.
Trong nửa thế kỷ, quan hệ Trung - Mỹ phát triển mạnh. Ở giai đoạn đó, nền kinh tế Mỹ đã tăng trưởng gấp 18 lần, trong khi Trung Quốc tăng 130 lần. Đó là đôi bên cùng có lợi: sự hợp tác của Mỹ và thị trường khổng lồ đã giúp Trung Quốc trở thành cường quốc kinh tế toàn cầu, trong khi dòng hàng hóa giá rẻ của Trung Quốc duy trì hệ thống siêu tiêu dùng của Mỹ, mang lại lợi nhuận khổng lồ cho khu vực doanh nghiệp của nước này.
Nhưng nền tảng quan hệ trên bắt đầu bị xói mòn khi Washington nhận ra rằng dù Mỹ có giao dịch với Trung Quốc bao nhiêu thì điều đó cũng không áp đặt được Bắc Kinh. Trung Quốc đã mở cửa kinh tế với thế giới bên ngoài, đồng thời vẫn đảm bảo duy trì hệ thống chính trị của riêng mình.
Tiếp theo là cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008. Cuộc khủng hoảng tài chính đã biến Trung Quốc vai trò trở thành động lực chính của tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Washington nhanh chóng nhận ra rằng Trung Quốc đang trở thành một cường quốc có thể thách thức ảnh hưởng của Mỹ trên thế giới.
Thế lưỡng nan về an ninh
Kết quả, điều được xác định trong lý thuyết quan hệ quốc tế, là một tình thế tiến thoái lưỡng nan về an ninh: sự trỗi dậy của Trung Quốc đe dọa Mỹ vì nó thách thức vị thế của Washington và trật tự thế giới dựa trên luật lệ do Mỹ chi phối. Mặt khác, những lo ngại của Mỹ được Bắc Kinh coi là nỗ lực kiềm chế vai trò toàn cầu của nước này.
Tóm lại, quan hệ Mỹ - Trung có thể được tóm tắt như "một mối tình kéo dài nhưng sóng gió, không bao giờ có một cuộc hôn nhân chính thức". Thách thức hiện nay là ngăn chặn sự chia rẽ này có thể sẽ tạo ra một cuộc xung đột toàn cầu khác.
Tại Washington, chưa có tín hiệu hay bằng chứng nào cho thấy Mỹ sẽ thay đổi quan điểm về Trung Quốc. Trung Quốc hiện là một trong số ít các vấn đề vẫn thu hút được sự đồng thuận của lưỡng đảng tại Mỹ, trong bối cảnh chính trị phân cực cao.
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken gần đây đã công bố chiến lược toàn diện về Trung Quốc của Chính quyền Washington, mà ông cho là một nỗ lực nhằm quản lý sự cạnh tranh ngày càng gia tăng của hai nước.
Ông Blinken giải thích chính sách Trung Quốc của Mỹ là một nỗ lực để “bảo vệ và cải cách trật tự quốc tế dựa trên luật lệ”, bắt đầu với giả định rằng Trung Quốc là “quốc gia duy nhất có ý định hình lại trật tự quốc tế và có sức mạnh ngày càng tăng về kinh tế, ngoại giao, quân sự và công nghệ để làm điều đó”.
Kiềm chế
Với giả định như vậy, liệu Mỹ có đang sai lầm khi cho rằng Trung Quốc thực sự có ý định định hình lại trật tự quốc tế? Điều này là có thể, nhưng bằng chứng cho đến nay vẫn chưa thể kết luận.
Ông Blinken đánh giá Trung Quốc là một phần không thể thiếu của nền kinh tế thế giới, rất quan trọng để giải quyết “những thách thức từ khí hậu đến đại dịch COVID-19", nói thêm rằng “Mỹ và Trung Quốc phải giải quyết cùng nhau trong tương lai gần”. Ông cũng lưu ý Washington “không tìm kiếm xung đột hay một cuộc Chiến tranh Lạnh mới”, và không có ý định “ngăn Trung Quốc trở thành cường quốc".
Không rõ liệu tuyên bố đó có gây ấn tượng với Chính phủ Trung Quốc hay không. Xét cho cùng, Mỹ đang thực hiện các sáng kiến ở khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương - chẳng hạn như tham vấn Bộ tứ (Quad), liên quan đến Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ và Australia, và hiệp ước Aukus giữa Mỹ, Anh và Australia - dường như là nhằm mục đích kiềm chế Trung Quốc trong một tập hợp các liên minh khu vực và các vòng vây của các căn cứ quân sự của Mỹ nằm dọc theo các chuỗi cung ứng quan trọng của Trung Quốc.
Ngược lại, nhận thức của Trung Quốc là: Ý định thực sự của Chính quyền Tổng thống Joe Biden là duy trì một “trật tự quốc tế được thiết kế để phục vụ lợi ích của Washington và duy trì ảnh hưởng của mình”.
Những chỉ trích lẫn nhau như vậy báo hiệu cho tương lai. Mỹ đang tập hợp các đồng minh châu Âu của mình kiềm chế Trung Quốc giống như cách họ đã làm với Nga. Khái niệm Chiến lược mới được thông qua tại hội nghị thượng đỉnh NATO hồi tháng 6 ở Madrid khẳng định: “Những tham vọng và chính sách cưỡng chế của Trung Quốc thách thức lợi ích, an ninh và giá trị của chúng tôi”.
Ông Carnelos kết luận phương Tây dường như đang chuẩn bị chống lại cả Nga và Trung Quốc. Liệu phần còn lại của thế giới có theo bước của họ không? Chẳng bao lâu nữa, châu Âu, nơi có quan hệ thương mại lớn với Trung Quốc, sẽ phải đối mặt với tình thế tiến thoái lưỡng nan mà họ gặp phải với Nga. Nếu ủng hộ chính sách cứng rắn của Mỹ đối với Trung Quốc, nền kinh tế của cựu lục địa sẽ gặp khó khăn hơn nhiều trong thời gian tới.
Theo baotintuc.vn
Liên kết website
Ý kiến ()