Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 08:33 (GMT +7)
Sách giáo khoa cần được quản lý như xăng dầu, điện, nước…
Thứ 6, 17/06/2022 | 14:36:01 [GMT +7] A A
Các chuyên gia cho rằng, sách giáo khoa (SGK) cần được coi như xăng dầu, điện, nước… là mặt hàng thiết yếu cần Nhà nước định giá và bình ổn giá.
Nhà nước phải bỏ một phần chi phí in SGK
Theo quy định của Luật Giá, sách giáo khoa do doanh nghiệp tự xây dựng và quyết định giá bán, chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính đúng đắn, và thực hiện kê khai giá với Bộ Tài chính. Tuy nhiên, nếu xem sách giáo khoa như một loại hàng hóa phổ thông, thì người tiêu dùng là phụ huynh và học sinh sẽ chịu thiệt thòi. SGK là mặt hàng thiết yếu, không thể không mua. Do vậy, việc đưa SGK vào danh mục hàng hóa, dịch vụ do nhà nước định giá là điều cần thiết.
PGS.TS Ngô Trí Long, chuyên gia kinh tế cho rằng, cần coi SGK là loại hàng hóa đặc biệt, ảnh hưởng đến quốc kế dân sinh như xăng dầu, điện, nước... Trong điều kiện về mức sống của người dân Việt Nam hiện nay, Nhà nước vẫn nên hỗ trợ người dân một phần trong chi phí SGK, bởi đây là bậc học cần được thúc đẩy phát triển rộng khắp.
Theo đó, Nhà nước nên lập hội đồng nghiên cứu và thẩm định để xây dựng bộ SGK chuẩn và giữ bản quyền bộ SGK đó. Sau đó, cho các NXB hoặc nhà in đấu thầu để có giá bán hợp lý nhất. Như vậy, giá bán SGK chỉ bao gồm chi phí in ấn là chủ yếu, nên dễ đánh giá và lựa chọn đơn vị cung ứng tốt nhất và chắc chắn rẻ hơn đáng kể giá bán đã được các NXB công bố.
PGS.TS Bùi Thị An, Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Hà Nội cho biết, SGK là mặt hàng thiết yếu của học sinh các cấp. Do vậy, giá SGK không thể tùy tiện được mà Nhà nước phải đóng vai trò định giá. Dĩ nhiên cần có sự hài hòa giữa doanh nghiệp, Nhà nước và người tiêu dùng nhưng giá cả phải có sự phù hợp để mọi đối tượng học sinh có thể tiếp cận được, đây cũng là một trong những yếu tố để chúng ta đạt phổ cập giáo dục các cấp học. Nếu Nhà nước không điều tiết được giá có thể làm ảnh hưởng đến an sinh xã hội, đặc biệt đối với các đối tượng yếu thế.
Cho rằng học sinh phổ thông là đối tượng cần được bảo trợ, PGS.TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá (Bộ Tài chính) đề xuất xem lại việc xã hội hóa SGK. Chỉ xã hội hóa ở khâu nào thôi còn Nhà nước sẽ bao cấp, hỗ trợ khâu nào đó để đảm bảo giá SGK phù hợp đối với mọi gia đình. Chứ hiện nay, không có nước nào thả nổi giá SGK để doanh nghiệp quyết định cả. Việc Bộ Giáo dục và Đào tạo đề xuất đưa SGK vào danh mục sản phẩm hàng hóa do nhà nước định giá là điều đáng hoan nghênh, cần được nghiên cứu để thực hiện.
Không được kinh doanh giáo dục
Theo ông Lê Như Tiến, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội, không thể phó mặc việc sản xuất SGK cho các nhà xuất bản để họ kinh doanh, bởi đây là mặt hàng thiết yếu. "Chúng ta có thể kinh doanh gì cũng được nhưng không thể kinh doanh trong giáo dục, không thể kinh doanh trên sách giáo khoa. Chúng ta đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài, nâng cao dân trí, không thể quy ra giá trị thặng dư", ông Tiến nói. Hy vọng mặt hàng SGK sớm được đưa vào luật giá, nằm trong danh sách các mặt hàng thiết yếu được nhà nước quản lý giá.
Chúng ta đang thực hiện chủ trương của Đảng, Chính phủ về nguyên tắc quản lý giá theo cơ chế thị trường có sự điều tiết của Nhà nước. Nhưng cũng phải có giải pháp cho những vấn đề thực tiễn tất yếu đang tồn tại trong quản lý. Một số hàng hóa liên quan đến an sinh xã hội, trong đó có SGK, cần phải có biện pháp điều tiết phù hợp để hướng đến thực hiện các mục tiêu hài hòa lợi ích của doanh nghiệp, người dân và Nhà nước.
Theo các chuyên gia, vấn đề giá SGK không chỉ dừng ở việc Nhà nước định giá tối đa, mà cùng với đó phải khắc phục được vấn nạn lãng phí SGK vì không dùng lại; cần thực hành tiết kiệm và nâng cao hiệu quả sử dụng SGK, tăng tỷ lệ SGK được sử dụng lại nhiều lần.
Các cơ sở giáo dục không được vận động học sinh, cha mẹ học sinh, học viên mua xuất bản phẩm ngoài danh mục SGK được Bộ GD&ĐT phê duyệt và các địa phương đã lựa chọn; không thực hiện việc lập danh mục, đóng gói thành bộ SGK kèm sách bài tập, sách tham khảo và các tài liệu khác ngoài danh mục SGK đã được phê duyệt, lựa chọn. Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam và các nhà xuất bản có SGK được phê duyệt cần rà soát, đánh giá cụ thể việc in ấn, phát hành SGK nhằm tiết kiệm, giảm giá thành SGK...
Chiều 16/6, với 476 đại biểu Quốc hội tán thành biểu quyết (chiếm 95,58% tổng số đại biểu), Quốc hội đã thông qua nghị quyết kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV.
Theo nghị quyết, Quốc hội yêu cầu tiếp tục nâng cao chất lượng giáo dục đại học; triển khai có hiệu quả, trong đó tăng cường công tác tuyên truyền về triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Đổi mới căn bản và toàn diện phương pháp dạy và học, đặc biệt môn lịch sử; nghiên cứu tiếp thu ý kiến cử tri, nhân dân và đại biểu Quốc hội về môn lịch sử là môn học bắt buộc trong chương trình giáo dục cấp trung học phổ thông; kiểm soát chặt chẽ việc biên soạn và xuất bản sách giáo khoa.
Nghị quyết cũng yêu cầu bổ sung sách giáo khoa vào danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá khi sửa đổi Luật giá. Trước mắt, Chính phủ chỉ đạo các bộ liên quan có biện pháp hạ giá thành sách giáo khoa phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội.
Tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ hoặc trợ giá sách giáo khoa đối với học sinh có hoàn cảnh gia đình khó khăn, miền núi, vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; nghiêm tú thực hiện đúng các quy định về tài liệu tham khảo, tránh lãng phí.
Theo Sức khỏe và Đời sống
- Tăng hiệu quả và tỷ lệ sách giáo khoa được sử dụng lại nhiều lần
- Phó Thủ tướng giải trình về giá sách giáo khoa, xăng dầu; thị trường chứng khoán, bất động sản
- Đề xuất đưa sách giáo khoa vào danh mục hàng hóa được Nhà nước định giá
- Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn giải trình về giá sách giáo khoa, tăng học phí
Liên kết website
Ý kiến ()