Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 16/11/2024 00:15 (GMT +7)
Sân khấu Quảng Ninh: Một năm nhìn lại
Thứ 2, 20/12/2021 | 16:26:57 [GMT +7] A A
Năm 2021 được Hội VHNT Quảng Ninh chọn là năm âm nhạc và sân khấu. Các nghệ sĩ sân khấu Quảng Ninh đã có nhiều tìm tòi, sáng tạo nghệ thuật để ra mắt công chúng những tác phẩm sân khấu bám sát hiện thực cuộc sống.
Triển khai chủ đề công tác năm, ngay từ đầu năm 2021, Hội VHNT Quảng Ninh đã có nhiều giải pháp động viên, khích lệ các hoạt động sáng tác và biểu diễn sân khấu. Trại sáng tác kịch bản chuyên ngành sân khấu được tổ chức từ ngày 13/4 với sự tham gia của 15 hội viên. Trong khuôn khổ trại sáng tác, các hội viên đã tham gia nhiều chuyến thực tế sáng tác tại các địa phương trong tỉnh, dự nhiều buổi trao đổi thảo luận về đề tài phương pháp sáng tác.
Tính đến ngày 26/11, các hội viên tham gia trại sáng tác đã nộp về Hội VHNT Quảng Ninh 12 kịch bản và 3 đề cương sáng tác, trong đó có 1 vở chèo, 1 kịch dài và 13 vở kịch một màn. Các tác phẩm đã bám sát hơi thở cuộc sống, tập trung khai thác các đề tài biển đảo, phát triển du lịch, nông nghiệp nông thôn, người chiến sĩ nơi địa đầu tổ quốc, tình quân dân trong thiên tai địch họa.
Một số kịch bản như: “Những linh hồn cõi âm” của tác giả Lê Chính, “Con trai người thợ lò” của tác giả Nguyễn Văn Tuất, “Đón khách” của cố nghệ sĩ Phan Long, “Quả ngọt” của tác giả Nghiêm Hải Sơn, “Nơi đầu sóng” của tác giả Hoàng Tiến, “Cơn bão” của tác giả Nguyễn Quốc Việt, “Chuyện tình trên đảo” của tác giả Bằng Thái có những lời thoại tốt, có mâu thuẫn xung đột kịch, kết thúc khá hợp lý. Trong số đó, có nhiều tác phẩm chất lượng tốt hoàn toàn có thể dàn dựng công diễn trong các kỳ liên hoan, hội diễn.
So với nhiều tỉnh trong cả nước thì Quảng Ninh vẫn còn duy trì được một lực lượng hùng hậu cho sân khấu. Đạo diễn Lê Chính, Chi hội trưởng Chi hội Sân khấu, Hội VHNT Quảng Ninh, cho biết: Lực lượng nghệ sĩ sân khấu Quảng Ninh khá đông đảo với 15 tác giả kịch bản và đạo diễn, 70 nghệ sĩ là hội viên Hội VHNT Quảng Ninh, 20 nghệ sĩ là hội viên chuyên ngành trung ương. Họ đều có chuyên môn nghiệp vụ khá. Nhiều tác giả, đạo diễn, nghệ sĩ tâm huyết lăn lộn với phong trào văn nghệ quần chúng và đã hoạt động khá hiệu quả, có nhiều thành tích được công chúng ghi nhận, trân trọng.
Mặc dù ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19 nhưng sân khấu quần chúng Quảng Ninh năm nay vẫn hoạt động khá sôi nổi với Liên hoan các nhà văn hóa thôn, khu từ cấp huyện cho đến cấp tỉnh. Nói riêng ở TP Hạ Long, lần đầu tiên một liên hoan văn nghệ sôi nổi, quy mô lớn được tổ chức kể từ sau khi huyện Hoành Bồ và TP Hạ Long được sáp nhập. Sau 2 ngày diễn ra sôi nổi, Liên hoan văn nghệ các nhà văn hóa (NVH) thôn, khu phố văn hóa tiêu biểu TP Hạ Long năm 2021 đã khép lại với đêm công diễn và trao giải để lại nhiều ấn tượng đẹp trong lòng khán giả.
Liên hoan có sự tham gia của hơn 900 diễn viên quần chúng thuộc nhiều lứa tuổi đến từ 30 đoàn nghệ thuật quần chúng của các xã, phường trên địa bàn. Các đoàn đã mang đến tổng số 121 tiết mục ca múa nhạc, tiểu phẩm để lại ấn tượng đẹp trong lòng công chúng. Trong số 121 tiết mục có 14 tiểu phẩm, 83 tiết mục tập thể, 38 tiết mục độc diễn ca múa nhạc.
Sau hai ngày đêm diễn ra sôi nổi tại Cung Quy hoạch, Hội chợ và Triển lãm tỉnh, Liên hoan văn nghệ các nhà văn hóa thôn - khu phố văn hóa tiêu biểu tỉnh Quảng Ninh năm 2021 đã khép lại với nhiều cung bậc cảm xúc, tạo những ấn tượng đẹp trong lòng người xem. Ban Tổ chức đánh giá cao tinh thần trách nhiệm, tích cực tham gia của cán bộ, diễn viên của 8 đoàn đại diện cho 8 địa phương tại Liên hoan lần này. Điều đó, đã phần nào thể hiện được quyết tâm của cấp ủy, chính quyền các địa phương trong việc chủ động triển khai thực hiện tốt sự chỉ đạo của các cấp theo tinh thần “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19".
Những nội dung tham gia của 8 đoàn đã phần nào bù đắp những mảng trống đó. Đồng thời, Liên hoan cũng góp phần phác họa nên bức tranh tổng thể đa sắc màu, phản ánh đời sống văn hóa tinh thần phong phú, đa dạng của nhân dân các dân tộc Quảng Ninh.
Tuy chỉ có 8 đoàn tham gia, nhưng Liên hoan đã chứng kiến sự lớn mạnh vượt bậc của các đoàn so với kỳ liên hoan lần trước. Trong nội dung dự thi chương trình văn nghệ, chất lượng biểu diễn của các đoàn đã gây nhiều ngạc nhiên cho Ban giám khảo. Nhiều đoàn đã xây dựng kết cấu chương trình chặt chẽ, logic, có sự kế thừa và sáng tạo mới, gây được xúc cảm cao đối với người xem. Điển hình, như đoàn văn nghệ quần chúng của khu phố 6, phường Hồng Hà (TP Hạ Long), đoàn văn nghệ quần chúng của thôn Làng Nhội, xã Đông Hải (Tiên Yên).
Một điểm sáng nữa của sân khấu Quảng Ninh năm nay là đã xây dựng được vở diễn tham gia Liên hoan kịch nói chuyên nghiệp toàn quốc tại TP Hải Phòng. Vượt qua những khó khăn, các nghệ sĩ, diễn viên Đoàn Nghệ thuật Quảng Ninh đã đem đến cho khán giả vở diễn “Non thiêng” được đánh giá là công phu, hoành tráng, được đông đảo công chúng đón nhận.
Vở diễn "Non thiêng" kịch bản của tác giả Chu Thơm, đạo diễn NSND Trần Ngọc Giàu đã khắc họa sự hy sinh, gian truân trong quá trình tu hành và sáng lập ra Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử của Phật hoàng Trần Nhân Tông. Từ đó, vở diễn thêm một lần khẳng định, Yên Tử là đất Phật, là kinh đô của Phật giáo Việt Nam và lan toả tinh thần nhập thế của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử. Trong Liên hoan Kịch nói toàn quốc năm 2021 tại Hải Phòng, vở diễn đã mang về cho Đoàn huy chương Đồng toàn đoàn và 4 huy chương cho diễn viên, gồm 1 huy chương Vàng, 2 huy chương Bạc và 1 huy chương Đồng.
Tuy nhiên, cũng phải thẳng thắn nhìn nhận rằng, năm 2021 do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhiều hoạt động công diễn sân khấu đã không được triển khai. Liên hoan sân khấu Quảng Ninh năm 2021 cũng không được tổ chức. Lực lượng sáng tác kịch bản sân khấu nói chung đều đã cao tuổi. Nhiều kịch bản viết ra còn mang tính chủ quan, hành động kịch chưa rõ, giải quyết câu chuyện còn vội vàng, gấp gáp. Có những kịch bản còn đối thoại dài dòng, kể lể, làm giảm tính nghệ thuật.
Trong thời gian tới, để tiếp tục củng cố phát triển nghệ thuật sân khấu biểu diễn, góp phần xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc, cần tiếp tục tổ chức các cuộc tọa đàm hội thảo, các trại sáng tác dành riêng cho sân khấu, phát triển sân khấu phù hợp với thực tiễn của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, đưa sân khấu đến gần hơn với công chúng. Đồng thời tiếp tục phát hiện và bồi dưỡng kết nạp hội viên mới, khích lệ những hội viên trẻ nhiệt huyết với nghệ thuật sân khấu.
Phạm Học
Liên kết website
Ý kiến ()