Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 25/11/2024 07:13 (GMT +7)
Săn mây ở "sống lưng khủng long"
Chủ nhật, 31/03/2024 | 12:54:20 [GMT +7] A A
"Đăng sơn vọng viễn"- lên núi cao để nhìn cho xa là cái khát vọng ngàn đời của con người. Bởi vậy, "sống lưng khủng long" ở Bình Liêu là một điểm đến lý tưởng cho những ai muốn chinh phục núi cao để bao quát phong cảnh quê hương, săn mây trời trên đỉnh non ngàn...
Chặng đường gian nan
"Sống lưng khủng long" là tên gọi dân gian của một phần con đường tuần tra biên giới tới cột mốc số 1305. Từ đây, du khách có thể nhìn bao quát toàn cảnh Bình Liêu thu nhỏ trong tầm mắt, cảm nhận được hết vẻ đẹp của thiên nhiên với không khí trong lành. Bởi vậy, có không ít người gọi nơi đây là thiên đường cột mốc.
Lên cột mốc 1305, người ta khuyên chúng tôi đi vào mùa xuân, sáng sớm. Lần này, hành trình chinh phục của chúng tôi vào mùa xuân nhưng lại diễn ra vào buổi chiều. Bởi vậy, cuộc hành trình này là một cuộc chạy đua với hoàng hôn.
Từ thị trấn Bình Liêu di chuyển bằng ô tô đến vị trí trạm dừng nghỉ đầu tiên ở xã Đồng Tâm để bắt đầu cuộc hành trình mất độ chừng 1 giờ đồng hồ. Xe chúng tôi đi trên con đường tuần tra biên giới từ Hoành Mô rẽ trái đi về hướng Lạng Sơn. Nhiều đoạn quanh co, sương phủ mờ mịt. Bác tài xế phải bật đèn sương mù và chạy như rùa bò. Điểm dừng nghỉ là chỗ du khách gửi xe, ăn uống nạp năng lượng, mua nước uống để bắt đầu lên đường. Nếu là du khách cao niên thì có thể trang bị cho mình gậy tre để hỗ trợ khi leo dốc. Gậy tre có thể chẳng cần phải mua mà vẫn có bởi vì người đi xuống tặng người đi lên. Trong cuộc hành trình này, người ta thấy xích lại gần nhau hơn cũng vì như thế. Mọi thứ đẹp đẽ đến xúc động lòng người bởi mảnh đất biên giới thiêng liêng và ấm áp tình người này.
Thêm nữa, họ tặng gậy trúc cho nhau còn vì một lý do khác nữa là như muốn động viên nhau cố lên, kiểu tôi đã làm được và tới đây anh cũng làm được. Động viên nhau vì leo núi là hành trình đầy vất vả. Chỉ có độ dài gần 3km nhưng nhiều dốc đứng, nếu là thanh niên trai tráng đi nhanh thì mất độ 1 tiếng. Có người thậm chí mất đôi ba tiếng, còn đại đa số là quay lại dọc đường. Ước chừng, cứ 10 người đi thì 8 người bỏ cuộc. Chỉ hai người đủ sức khỏe và lòng kiên trì để chạm tay vào cột mốc. Chị Nguyễn Khánh Huyền, du khách đến từ An Giang, ngồi bệt xuống vệ đường, vừa thở vừa phân trần với tôi rằng, có lẽ chị phải bỏ cuộc thôi. Cả đoàn đã bỏ cuộc gần hết. Chỉ còn mấy cô U70 là vẫn kiên nhẫn tiếp tục leo.
Đường lên lại có những đoạn một bên là vực sâu còn bên kia vách núi dựng đứng. Vì thế, chuyến đi sẽ không phù hợp với những ai muốn đến nơi nghỉ dưỡng. Hơn 2.000 bậc thang này thách thức sức bền và sự linh hoạt của bạn. Điều đầu tiên để leo núi là chúng ta chiến thắng nỗi sợ của chính mình... Tôi đã gặp trên hành trình leo núi hình ảnh của cụ già 80 tuổi hay cậu bé 4 tuổi đi với cha mẹ. Họ là động lực truyền cảm hứng cho biết bao phượt thủ đang có ý định bỏ cuộc.
Tôi biết, có những người đã mất cả nửa ngày mới đi hết đoạn đường. Vì thế, anh Trương Mạnh Hùng, một phượt thủ người địa phương, khuyên mọi người rằng hãy leo "sống lưng khủng long" vào buổi sáng. Và khi đi nhớ mặc quần áo thoải mái, đi giầy vừa chân, mang theo nhiều nước, đặc biệt là những loại nước bù khoáng.
Nhưng nếu lỡ vì sức khỏe không tốt mà phải dừng giữa đường thì cũng không sao vì chỉ cần đi một phần ba hành trình thôi cũng đủ bao quát cả núi rừng Bình Liêu rồi. Từ đây, có thể thỏa sức mà chụp ảnh check in hay mơ màng nhìn mây trời non nước. Hành trình leo núi là hành trình chinh phục thiên nhiên bằng ý chí, nghị lực của chính mình.
Thế nên người đi hết chặng, người chỉ chọn điểm đầu. Có người đi sáng sớm, có người lại đi đón hoàng hôn. Có người đợi trăng lên để ngắm bầu trời đêm với muôn ngàn vì sao lấp lánh. Mỗi người tùy duyên mà chọn đích đến. Không có giới hạn nào bởi vì Bình Liêu có câu slogan "Nơi tình yêu không giới hạn" kia mà.
Thu vào tầm mắt muôn trùng núi non
Có ai đó đã ví rằng “đặc sản” của Bình Liêu là những “thiên đường cột mốc” khi chỉ 48km đường biên có nhiều cột mốc nằm rải rác. Và điểm đến đặc sắc nhất là "sống lưng khủng long". Cột mốc đánh dấu chủ quyền biên giới, chủ quyền mà cha ông đã đổ mồ hôi và xương máu mới bảo vệ được. Những hình ảnh bộ đội biên phòng, các cô gái áo đỏ sao vàng đứng chào cột mốc 1305 này không còn hiếm gặp.
Phía sau cột mốc có hàng rào dây thép gai được nước bạn dựng từ năm 2019 với cả camera an ninh, loa phát thanh bằng nhiều thứ tiếng. Tôi nhớ đến lời bà tôi dạy chúng tôi từ thuở thơ ấu rằng, hàng xóm yêu nhau thì rào giậu cho chặt. Vì lỡ có con gà, con chó nào lạc sang lại nghi ngờ phiền lụy. Với quốc gia láng giềng đương nhiên cũng vậy. Biên giới phân định rõ ràng giúp xây dựng mối quan hệ hòa bình hữu hảo.
Muốn lên mốc 1305, du khách phải vất vả. Tuy nhiên, đổi lại là du khách sẽ được thưởng lãm cảnh quan tuyệt đẹp của núi rừng biên giới và cảm giác chinh phục. Nhất là phượt thủ đi vào mùa đầy sương gió và cái lạnh giá đến âm độ, băng tuyết đóng đầy trên sườn núi hay mùa hè nắng cháy da, mồ hôi nhễ nhại thì cuộc hành trình lại càng có ý nghĩa.
Du khách cũng nhanh chóng quên cảm giác mệt mỏi khi bắt gặp vẻ đẹp hùng vĩ của thiên nhiên. Đứng trên "sống lưng khủng long", dễ dàng thu nhỏ Bình Liêu vào trong tầm mắt của mình, cảm nhận được nét hoang sơ của núi rừng Đông Bắc. Ngoài kia là những thửa ruộng bậc thang cao thấp, những cung đường uốn lượn, lúc ẩn lúc hiện trong mây... Trên đỉnh núi cao mây phủ này vào lúc chiều tà lại có mưa phùn. Tôi không phân biệt được đâu là mưa đâu là sương. Sương lẫn mưa phùn mùa xuân giăng mắc. Mây sương và cả mưa xuân mơ màng như biển mây bay bồng bềnh trước mặt.
Dưới tầm mắt chúng tôi, cung đường tuần tra biên giới đẹp như tranh vẽ. Mùa xuân nơi miền biên giới đẹp tựa chốn Bồng Lai. Mỗi bước lên cao cứ ngỡ mình đang bước lên tiên cảnh. Con đường dưới chân núi quanh co như sợi chỉ hồng mà nàng Chức Nữ lúc mải mê dệt vải do sơ ý đã lỡ tay làm rơi từ sông Ngân, từ cầu Ô Thước xuống núi rừng Bình Liêu. Nếu leo núi vào cuối thu, đầu đông, trời khô, se lạnh nhưng còn vương chút nắng hồng, hoa lau phơi bạc màu trắng xoá bên vách đá, lề đường.
Mùa xuân, hoa lá đua nhau khoe sắc, những cung đường uốn lượn, lúc ẩn lúc hiện như chạy thẳng vào chân mây. Chẳng rõ mây hay mưa xuân sà xuống vươn lên đầu, lên quần áo làm tóc tai du khách ướt sũng. Mùa xuân Bình Liêu còn nên thơ hơn khi điểm xuyết những cây phong hương (còn gọi là sau sau) lá đỏ. Nhiều người tự hỏi không biết đó là loại cây gì mà thay màu lá đẹp như vậy. Khi tới gần, mới ngỡ ngàng vì ngay tại Quảng Ninh cũng có cây phong lá đỏ. Lác đác những cây phong đỏ rực nguyên cả cây, xen giữa núi đồi và rừng thông xanh ngắt tạo nên khung cảnh như phim nước ngoài. Tôi biết có một vị từng làm lãnh đạo huyện đã mơ ước gây dựng được một rừng sau sau lá đỏ trong tương lai tại mảnh đất Bình Liêu này.
Đó đây, những cây đào phai nở muộn nhưng cũng không còn thắm sắc bằng sau sau. Vào mùa xuân khi những mầm non, lá non đua nhau nảy lộc đơm lá, rừng sau sau đỏ dịu dàng, biến ảo, thấm đẫm một màu phiêu du. Bởi thế, sẽ không quá khi nói rằng Bình Liêu luôn có một vẻ đẹp rất riêng mà không nơi đâu sánh được, nhất là mùa xuân. Vùng đất biên cương như bừng sáng nhờ sự điểm tô của rừng cây, hoa lá.
Từ khi con đường được sửa sang lại để thuận tiện hơn cho việc di chuyển, huyện Bình Liêu đã có sáng kiến tổ chức Giải leo núi Chinh phục "sống lưng khủng long" - Mốc 1305 trong khuôn khổ Hội mùa vàng hàng năm. Theo đó, hành trình giải đấu sẽ bắt đầu từ điểm dừng chân du lịch Sống lưng khủng long (xã Đồng Tâm) lên mốc 1305, qua các điểm cao đẹp, hùng vĩ. Quãng đường thi đấu leo núi đường dốc tự nhiên và ở độ cao gần 1.000m so với mực nước biển. Ngoài cán bộ thuộc cơ quan, đơn vị trên địa bàn, giải đấu còn thu hút du khách tham gia, thông qua việc quảng bá và kết nối với các đơn vị lữ hành.
Lên cao đã gian nan nhưng không kém phần vất vả là hành trình đi xuống bởi cảm giác chồn chân. Chúng tôi ai nấy đều vui vì được lãng du trên cung đường vành đai biên giới. Càng đi càng thêm yêu quê hương, yêu Tổ quốc. Chiều xuống dần. Chúng tôi phải xuống nhanh kẻo đêm sầm sập đến. Trong tâm trí tôi lại vang lên ca từ bài hát quen thuộc của nhạc sĩ Trần Chung: "Chiều biên giới em ơi/ Có nơi nào cao hơn/ Như đầu sông đầu suối/ Như đầu mây đầu gió/ Như trời quê biên cương...". Gió xuân như mơn man da thịt. Chỉ những ai đến được nơi biên cương nơi đầu mây, đầu gió này vào mùa xuân mới thấy hết được vẻ đẹp hùng vĩ của thiên nhiên Tổ quốc.
Phạm Học
Liên kết website
Ý kiến ()