Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 18/11/2024 06:19 (GMT +7)
Để khai thác tiềm năng du lịch khám phá thắng cảnh ở Tiên Yên
Chủ nhật, 14/08/2022 | 10:36:51 [GMT +7] A A
Không chỉ là vùng đất giàu bản sắc văn hóa, Tiên Yên làm say đắm du khách bởi loại hình du lịch khám phá, chinh phục thắng cảnh tự nhiên gắn với cảnh đẹp hùng vĩ của các thác nước trải dài ở vùng đất ngã ba sông này. Cùng với sự quan tâm của Nhà nước, sự tham gia của cộng đồng giúp cải thiện điều kiện dịch vụ, gợi mở hướng đi cho các thắng cảnh này.
Vùng ngã ba sông giàu tiềm năng
Được coi là ngã ba vùng Đông Bắc, Tiên Yên nằm ở vị trí trung tâm, cửa ngõ miền Đông và cũng có vị trí địa lý đặc biệt. Là huyện miền núi, Tiên Yên có địa hình trập trùng giáp Bình Liêu, Đình Lập (Lạng Sơn)… Phía trên, xã Đại Dực nằm lọt ở chân dãy Pạc Sủi và dãy Thung Châu có nhiều đỉnh cao trên 700m. Các xã Phong Dụ, Hà Lâu, Hải Lạng, Điền Xá, Yên Than… cũng liên tiếp qua các quả núi cao từ 300-400m.
Chính địa hình này phần nào tạo nên đặc trưng nhiều thắng cảnh tự nhiên gắn liền với thác nước đẹp, có tiềm năng lớn khai thác du lịch khám phá danh thắng, cảnh quan tự nhiên. Đáng kể nhất là cảnh quan của thác Pạc Sủi (Yên Than), thắng cảnh đẹp nổi tiếng, cách trung tâm thị trấn Tiên Yên không xa.
Thác Pạc Sủi đổ theo triền núi Ngàu Vố Lẻng (đỉnh Trâu Đằm) có độ cao gần 700m với 16 tầng thác nước réo rắt, như những mái tóc tiên nữ quyến rũ lòng người, mời gọi những chuyến du lịch khám phá mạo hiểm... Mỗi tầng thác có một vẻ đẹp khác nhau, chỗ thì uốn quanh như dải lụa qua các vách đá, chỗ thì tạo thành vũng rộng nước trong vắt.
Không chỉ vậy, ở đây còn giữ được trên 291ha rừng tự nhiên, đã giao cho các hộ dân tại thôn Pạc Sủi quản lý và bảo vệ. Cảnh quan nơi đây còn gắn liền với không gian văn hóa của 39 hộ dân tộc Dao Thanh Phán, nơi bảo tồn được nhiều nét đặc sắc về văn hóa bản địa.
Hành trình theo QL18C lên Bình Liêu, một trong những thắng cảnh tự nhiên đẹp của Tiên Yên mà gần đây mới được nhiều hãng lữ hành, phượt thủ ưa thích đến khám phá chính là thác Khe San. Thác bắt nguồn từ núi cao, uốn quanh các vạt rừng nguyên sinh đổ về xuôi tạo thành cảnh quan tự nhiên ngoạn mục. Thác có nhiều ghềnh đá lớn, in bóng những cây hoang dại mọc tự nhiên ven bờ. Dòng nước tạo thành thác Khe San được đổ về từ các dòng suối Phài Giác, Khe Quang thuộc các thôn Phài Giác, Khe Quang của xã Đại Dực (Tiên Yên). Đến xã Phong Dụ, dòng nước vượt qua nhiều tảng đá lớn rồi bất ngờ đổ xuống tạo thành thác nước lớn.
Ở khu vực trung tâm, thác có 2 tầng, mỗi tầng cao khoảng 15m, đổ xuống tạo thành hồ nước nhỏ trong vắt dưới chân thác. Xung quanh hồ nước còn có nhiều vụng nước nhỏ, nông, thích hợp là nơi tắm cho trẻ nhỏ khi cả gia đình cùng vào khám phá thác. Điểm thu hút không chỉ là tắm mát, du khách còn có thể đi ngược dòng thác, khám phá rừng nguyên sinh, chiêm ngưỡng hồ nước lớn mát lạnh được tận dụng nuôi cá tầm, khám phá văn hóa người Sán Chỉ bản địa.
Thác Khe San vẫn còn mang nét hoang sơ nguyên thủy, dù mới được biết tới trong 2-3 năm gần đây nhưng khá hút khách do giao thông đi lại thuận lợi, vào tận chân thác. Không chỉ có Khe San, Pạc Sủi, Tiên Yên còn có vô số thắng cảnh tuyệt đẹp gắn với cảnh đẹp của thác nước, rừng nguyên sinh ở Tiên Yên được khám phá và giàu tiềm năng phát triển du lịch, như: Thác Cá Nhảy ở Nà Hắc; thác Nậm Văm, đồi Tình, hồ Tuyệt tình cốc ở Đại Dực; thác, suối nước Hang Rồng kỳ thú ở Hà Lâu, hồ Khe Táu (xã Đông Ngũ), hồ Khe Cát (xã Hải Lạng)… Tuy giao thông còn chưa thuận lợi nhưng có thể nói đây là những nguyên liệu tuyệt vời để phát triển du lịch trải nghiệm khám phá thiên nhiên.
Làm du lịch cộng đồng gắn với phát huy giá trị các thắng cảnh
Mặc dù giàu tiềm năng khai thác, tuy nhiên trên thực tế, phần lớn các cảnh điểm này dường như vẫn đang “ngủ yên” dưới dạng tiềm năng. Cũng bởi hầu hết điểm đến này chưa được đầu tư bài bản để phát triển du lịch; hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông, dịch vụ phục vụ du lịch cơ bản chưa được phát triển đáp ứng nhu cầu du khách…
“Thời gian qua, huyện Tiên Yên cũng có sự quan tâm tới các thắng cảnh có giá trị, tiềm năng phát triển du lịch. Không chỉ tranh thủ các nguồn lực đầu tư, huyện còn quan tâm bảo vệ, khuyến khích sự tham gia góp sức, sự vào cuộc của cộng đồng để phát huy thế mạnh du lịch của địa phương” - Bà Dương Thị Hậu, Phó Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Tiên Yên, chia sẻ.
Có thể thấy rõ, thời gian qua huyện Tiên Yên cũng dành sự quan tâm, bảo vệ, gìn giữ các cảnh điểm này, đồng thời tranh thủ đa dạng các nguồn lực để hoàn thiện hạ tầng tạo điều kiện cho du lịch phát triển. Đồng thời, liên tục tổ chức khảo sát, tạo điều kiện cho các cơ quan quản lý nhà nước, nhà đầu tư, các hãng lữ hành khảo sát, lập quy hoạch, đưa khách tới tham quan...
Bên cạnh đó, một số cảnh điểm có những thuận lợi sẵn như thác Pạc Sủi được quan tâm đưa vào danh sách kiểm kê di tích, danh thắng để hoạch định phát triển. Đồng thời tranh thủ các nguồn lực phát triển hạ tầng giao thông, như hệ thống đường nông thôn mới khang trang dài khoảng 4km từ xã Đại Dực vào tận thác Khe San; đường ô tô, hạ tầng bãi đỗ xe, đường đi bộ hai bên thác, 3 cầu qua thác, cầu thang giả gỗ ở thác Pạc Sủi... trị giá trên 10 tỷ đồng, được đầu tư giai đoạn 2017-2020.
Cùng với sự quan tâm khuyến khích đó, một số cảnh điểm đã có hướng đi, cách làm gợi mở cho du lịch, tạo diện mạo, cách làm mới. Đó là câu chuyện điển hình ở các điểm như Khe San, Pạc Sủi… Với thác Pạc Sủi, danh thắng này thuận lợi hơn khi đã được tỉnh công nhận là điểm du lịch từ năm 2017. Còn nhớ, trước đây việc đi lại khá thuận lợi nhưng thác mới chỉ là điểm đến thu hút khách tới tham quan, vui chơi mà chưa có dịch vụ giữ chân khách.
Gần đây, tới thác du khách có thể khám phá cảnh quan, sử dụng dịch vụ tại homestay của một người dân. Với 2 phòng tập thể, 1 phòng đơn, homestay có công suất tối đa là 50 khách, giá cả hợp lý, cung cấp dịch vụ nghỉ trưa với khoảng 50.000-60.000 đồng/người, nghỉ qua đêm 250.000 đồng/người/phòng riêng, 100.000 đồng/người/phòng tập thể. Vì thế, khi vào tham quan thác, thay vì trở ra ngay như trước, du khách có thêm lựa chọn lưu trú tại homestay, khám phá cảnh sắc thiên nhiên của thác. Lưu trú kết hợp với cảnh đẹp thiên nhiên, dịch vụ này được du khách đánh giá khá cao.
Với thắng cảnh Khe San, dù mới được biết tới trong 2-3 năm gần đây, nhưng điểm đến này dần thu hút khách tham quan khá đông vào mỗi dịp cuối tuần nhờ giao thông thuận lợi vào tận thác, với quãng đường chỉ chừng 8km từ thị trấn Tiên Yên, 4km từ trung tâm xã Phong Dụ. Hiện đã có một số hộ dân mạnh dạn đầu tư nhà hàng quy củ, quy mô khoảng 100 khách, lưu trú homestay; tu sửa, làm rộng con đường xuống thăm thác; dựng chòi nghỉ chân, ăn uống, ngắm cảnh thác nước.
Có thể thấy, những chuyển động tích cực trên đã phần nào tăng tính hấp dẫn của điểm đến, kéo du khách tới tham quan khám phá. Theo thống kê sơ bộ, lượng khách đến 2 cảnh điểm này ngày càng tăng, hiện đạt khoảng 10.000 khách/năm, đặc biệt đông vào mùa hè.
Trong hoạch định phát triển du lịch cộng đồng ở Tiên Yên thời gian tới, vai trò của cộng đồng tham gia, phát triển dịch vụ du lịch chiếm một phần quan trọng. Trong đó, tối thiểu nhất khi xây dựng tour điểm đến là phải có các điều kiện cơ bản, vốn đang dần hình thành như: Điểm dừng chân, dịch vụ ăn uống nghỉ ngơi, hoạt động trải nghiệm (chèo thuyền trên sông, biểu diễn văn nghệ...).
Được biết, hiện các cảnh điểm này cũng bắt đầu được kết nối với tour du lịch 1-2 ngày ở Tiên Yên, đồng thời, các cơ quan chức năng huyện cũng đang nghiên cứu phục dựng các giá trị đặc trưng, sinh hoạt văn hóa cộng đồng, trong đó phát huy vai trò, sự tham gia đóng góp của người dân. Với Pạc Sủi là việc phục dựng văn hoá người Dao, đề xuất xây dựng nhà văn hóa thôn, khu… làm cơ sở hình thành nên các đội biểu diễn văn nghệ phục vụ du khách. Ở Khe San là việc kết nối làng văn hóa dân tộc Tày, mở rộng các tuyến tham quan, khám phá đỉnh núi Vua, nơi có thể ngắm toàn cảnh Tiên Yên; kết nối đưa khách sang Đồng Đình.
Như vậy, với sự chuẩn bị cũng như sự tham gia tích cực của cộng đồng, hy vọng sẽ tạo điều kiện hút khách đến đông hơn, từ đó thúc đẩy sự hình thành, phát triển của hệ thống dịch vụ có sự tham gia của cộng đồng và đầu tư của Nhà nước tại các cảnh điểm ở Tiên Yên.
Tạ Quân
Liên kết website
Ý kiến ()