Tất cả chuyên mục
Thứ Ba, 05/11/2024 07:21 (GMT +7)
Sẵn sàng cho lễ hội đình Lục Nà
Thứ 4, 01/02/2023 | 11:35:09 [GMT +7] A A
Sau 3 năm phải tạm hoãn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, Lễ hội đình Lục Nà (thôn bản Cáu, xã Lục Hồn, huyện Bình Liêu) sẽ được tổ chức trở lại. Công tác chuẩn bị đang được địa phương tích cực triển khai nhằm đảm bảo cho lễ hội diễn ra vui tươi, an toàn, lành mạnh, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp, đồng thời góp phần thúc đẩy phát triển du lịch.
Đình Lục Nà được xây dựng thời kỳ hậu Lê, là nơi thờ Thành Hoàng làng Hoàng Cần, vị tướng đã có công lao to lớn trong sự nghiệp bảo vệ bờ cõi của dân tộc ta. Đình Lục Nà đã ghi đậm dấu ấn lịch sử cách mạng của huyện Bình Liêu. Ngày 20/11/1945, tại đình Lục Nà đã diễn ra cuộc mít tinh lớn do Mặt trận Việt Minh tổ chức, tuyên bố thành lập Chính quyền Cách mạng lâm thời huyện Bình Liêu. Ngày 18/1/1946, Ủy ban Hành chính huyện Bình Liêu (nay là UBND huyện) chính thức được thành lập tại đình Lục Nà. Ngày 21/11/1946, lực lượng Vệ quốc Đoàn huyện Bình Liêu cũng được thành lập tại đây.
Sau Cách mạng tháng Tám và khi miền Bắc được hoàn toàn giải phóng (năm 1954), đình Lục Nà được sử dụng để mở lớp bình dân học vụ, sau đó là trường học của xã Lục Hồn, đến năm 1968, trường học bị phá bỏ, ngôi đình cũ hiện nay không còn tồn tại nữa. Với những giá trị tiêu biểu về lịch sử, văn hoá, ngày 18/7/2005, UBND tỉnh Quảng Ninh đã ban hành Quyết định số 2331/QĐ-UB để xếp hạng địa điểm đình Lục Nà là di tích lịch sử - văn hoá cấp tỉnh.
Nhằm bảo tồn, tôn tạo lễ hội văn hóa truyền thống, tạo trung tâm sinh hoạt văn hóa, điểm hẹn của cộng đồng dân tộc anh em tại Bình Liêu, đầu năm 2006, UBND huyện Bình Liêu đã phục dựng lễ hội đình Lục Nà. Từ khi được phục dựng lại đến nay, hàng năm cứ vào ngày 16 tháng Giêng Âm lịch, nhân dân các dân tộc huyện Bình Liêu lại nô nức về đây trảy hội.
Trong các năm 2020 - 2022, lễ hội không tổ chức được do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Năm nay khi dịch bệnh đã được kiểm soát, lễ hội được tổ chức trở lại trong sự chờ đón, háo hức của nhân dân. Để lễ hội diễn ra an toàn, thành công, trở thành sản phẩm du lịch đặc trưng, huyện Bình Liêu đã thành lập Ban chỉ đạo lễ hội, xây dựng kế hoạch đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông, an toàn vệ sinh thực phẩm, các phương án bảo đảm vệ sinh môi trường, bảo vệ sức khỏe cho nhân dân và du khách.
Những ngày này, không khí chuẩn bị cho lễ hội truyền thống được diễn ra sôi nổi khắp huyện vùng cao Bình Liêu. Ông Lê Đức Đại, Giám đốc Trung tâm TT-VH huyện Bình Liêu, cho biết: Lễ hội đình Lục Nà được tổ chức thành công sẽ tiếp tục tạo điểm nhấn, góp phần bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa đặc sắc, giáo dục truyền thống lịch sử, quảng bá hình ảnh con người, văn hóa Bình Liêu đến du khách bốn phương. Vì vậy, là đơn vị được giao nhiệm vụ phối hợp với xã Lục Hồn và các cơ quan chuyên môn khác tổ chức các hoạt động tại lễ hội đình Lục Nà, Trung tâm đã tham mưu xây dựng kế hoạch tổ chức các hoạt động, điều lệ tổ chức các hoạt động thể dục thể thao, trò chơi dân gian; trang trí khánh tiết chương trình liên hoan và giao lưu hát Then - đàn Tính huyện Bình Liêu; thiết kế các điểm check-in cho du khách đến với lễ hội; lựa chọn diễn viên tập luyện… Đến nay, công tác chuẩn bị cho lễ hội được tích cực triển khai, đảm bảo tiến độ, góp phần tạo mùa lễ hội ấn tượng với nhân dân và du khách về tham dự.
Là lễ hội đầu xuân, đặc biệt, sau 3 năm mới được tổ chức trở lại vì vậy, ban tổ chức lễ hội đã đầu tư công phu, mở rộng quy mô tổ chức với nhiều hoạt động văn hóa, thể thao đặc sắc, hấp dẫn xuyên suốt từ ngày 3-7/2 (tức ngày 13-17 tháng Giêng) để phục vụ nhân dân và khách thập phương. Theo đó, lễ hội đình Lục Nà năm nay vẫn được tổ chức theo nghi thức lễ hội truyền thống gồm phần lễ và phần hội. Phần lễ gồm các nghi lễ rước sắc phong, lễ tế thần, lễ giã đình truyền thống.
Phần hội gồm các hoạt động: Liên hoan hát then - đàn tính huyện Bình Liêu năm 2023 diễn ra vào ngày 4 và 5/2 tại sân đình Lục Nà; Giao lưu hát then - đàn tính giữa huyện Bình Liêu và Hội Bảo tồn dân ca các dân tộc tỉnh Lạng Sơn, Cao Bằng diễn ra vào ngày 6/2 tại sân đình Lục Nà; Giải cờ tướng Xuân diễn ra ngày 4-6/2 tại sân đình Lục Nà và giải Bóng đá Cúp Đình Lục Nà diễn ra từ ngày 3-7/2 tại sân vận động xã Lục Hồn. Cùng với đó, các hoạt động thi đấu thể thao dân tộc (đẩy gậy, tung còn, kéo co, bắn nỏ) và trò chơi dân gian (nhảy bao bố, sáy mả, đi cà kheo…) sẽ diễn ra xuyên suốt từ ngày 4-7/2 tại sân đình Lục Nà. Ngoài ra, trong các ngày diễn ra lễ hội sẽ có các gian hàng bày bán các sản phẩm OCOP Bình Liêu và các địa phương của tỉnh.
Ông Loan Thành Len, Phó Chủ tịch UBND xã Lục Hồn, Trưởng Ban quản lý đình Lục Nà, cho biết: Đình Lục Nà được quan tâm phục dựng tôn tạo lại, đến nay, khuôn viên quanh đình đã được mở rộng thêm diện tích với nhiều công trình phụ cùng các điểm check-in độc đáo, hứa hẹn sẽ mang đến cho nhân dân và du khách nhiều trải nghiệm mới lạ khi về tham dự lễ hội. Cùng với đó, các hoạt động hội năm nay diễn ra phong phú, nhằm tạo không khí vui tươi, phấn khởi phục vụ nhân dân, du khách. Xác định lễ hội đình Lục Nà là một trong những hoạt động được người dân mong chờ, do đó, UBND xã Lục Hồn đã tích cực chuẩn bị mọi điều kiện để hoạt động diễn ra an toàn, vui tươi, đáp ứng tốt đời sống tinh thần, thể thao của nhân dân, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc.
Mọi công tác chuẩn bị đang được các đơn vị tiến hành khẩn trương. 25 thành viên đội Tế, đội nhạc của xã Lục Hồn đang tích cực, hăng say luyện tập cho nghi thức quan trọng nhất của lễ hội. Mặc dù đã có kinh nghiệm từ những lần tổ chức trước, nhưng họ vẫn dành thời gian ôn luyện lại các nghi lễ, thủ tục nhằm đảm bảo sự thống nhất, tôn nghiêm, duy trì các nét đẹp có giá trị văn hóa lịch sử, ý nghĩa tâm linh.
Ông Bế Văn Mản (63 tuổi), thành viên kỳ cựu của đội Tế với thâm niên gần 20 năm tham gia lễ hội, chia sẻ: “Từ ngày 30/1, các thành viên trong đội tế đã tập trung đầy đủ, luyện tập cho thuần thục để lễ tế diễn ra trang trọng, đúng nghi lễ. Với tôi và các anh em trong đội, được góp sức vào thành công của lễ hội là cách chúng tôi thể hiện lòng thành kính đối với công lao to lớn của Thành Hoàng làng Hoàng Cần; cũng là cách để cầu cho một năm an lành, nhằm gìn giữ giá trị lịch sử; đồng thời nhắc nhở, giáo dục truyền thống cho thế hệ hôm nay và các thế hệ mai sau, đưa nét đẹp của huyện đến bạn bè muôn phương”.
Cùng với đó, các câu lạc bộ văn nghệ các xã, thị trấn trên địa bàn huyện cũng tích cực luyện tập nhằm mang đến những điệu hát Then, đàn Tính say đắm lòng người. Chị Hoàng Kim Thúy, Phó Chủ nhiệm câu lạc bộ văn nghệ thị trấn, cho biết: “Tham gia Liên hoan hát Then - đàn Tính huyện Bình Liêu năm 2023, câu lạc bộ Thị trấn tham gia dự thi 5 tiết mục, hiện nay, các chị em trong câu lạc bộ đang tích cực luyện tập ngày đêm với quyết tâm đạt được giải cao".
Trong tiết xuân đang tràn ngập khắp đất trời, Bình Liêu đón mời du khách về với lễ hội đình Lục Nà để được hòa mình vào không gian lễ hội đặc sắc của đồng bào dân tộc, gửi gắm những ước vọng đầu xuân tốt đẹp và thêm yêu mến văn hóa, con người và mảnh đất biên cương Đông Bắc của Tổ quốc.
La Lành (Trung tâm TT-VH Bình Liêu)
- Đặc sắc lễ hội Đình Làng Dạ (Ba Chẽ) năm 2023
- Siết chặt quản lý ATTP mùa lễ hội
- Ba Chẽ tổ chức hai lễ hội trong tháng Giêng
- Lễ hội Đình Lục Nà (Bình Liêu) sẽ diễn ra vào ngày 6-7/2
- Ngày 5/2, khai mạc Lễ hội đình Đồng Đình (huyện Tiên Yên) năm 2023
- Cẩm Phả: Rộn ràng lễ hội mùa xuân
- Đặc sắc Lễ hội Tiên Công 2023
Liên kết website
Ý kiến ()