Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 10:39 (GMT +7)
Sẵn sàng ứng phó thiên tai trong mùa mưa bão
Thứ 3, 27/06/2023 | 14:44:49 [GMT +7] A A
Trong những ngày qua, trên địa bàn tỉnh có mưa, mưa vừa đến mưa to và rất to. Để đảm bảo an toàn cho người dân, các đơn vị chức năng của tỉnh đã chủ động nhiều biện pháp, chú trọng thực hiện nghiêm phương châm “4 tại chỗ” (chỉ huy tại chỗ; lực lượng tại chỗ; vật tư, phương tiện và kinh phí tại chỗ; hậu cần tại chỗ), “3 sẵn sàng” (chủ động phòng tránh, đối phó kịp thời, khắc phục khẩn trương và có hiệu quả) đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân chủ động phòng, chống mưa bão.
Theo thông tin từ Đài khí tượng thủy văn tỉnh Quảng Ninh, lượng mưa đo được từ ngày 24/6 đến 7 giờ ngày 26/6/2023 tại các điểm đo mưa tự động cao nhất là 245,6mm tại TX Đông Triều; thấp nhất là 84,4mm tại Ba Chẽ; cảnh báo cấp độ 1 (cấp thấp nhất) về rủi ro thiên tai, lũ quét, sạt lở đất, sụt lún đất. Các hồ chứa hiện vận hành bình thường, tổng dung tích các hồ chứa đạt 62,85-68% dung tích thiết kế (200,44/318,92 triệu m3).
Từ ngày 26-27/6, trời nhiều mây, có mưa rào và dông. Trưa, chiều ngày 27/6, trời nắng, gió nhẹ. Ngày 28-30/6, mây thay đổi, có mưa rào nhẹ vài nơi, ngày nắng; ngày 29-30/6 có nơi nắng nóng và oi bức, gió nhẹ. Lượng mưa phổ biến từ 50-100mm, khu vực miền đông 80-130mm. Nhiệt độ trung bình từ 27,5-28,5 độ C.
Một số sông như sông Kinh Thầy, Đá Bạch (TX Đông Triều), mực nước tại các trạm chịu ảnh hưởng kết hợp của thủy triều và lượng nước thượng nguồn. Theo dự báo, có khả năng xuất hiện các hiện tượng thủy văn nguy hiểm, ảnh hưởng đến môi trường, điều kiện sống, cơ sở hạ tầng các hoạt động kinh tế - xã hội trên sông và khu vực ven sông, suối.
Trước tình hình thời tiết mưa lớn, để đảm bảo an toàn cho học sinh trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 trên địa bàn tỉnh (diễn ra từ ngày 28-30/6/2023), Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự tỉnh (PCTT- TKCN và PTDS) đã có văn bản số 31/BCH (ngày 26/6/2023) yêu cầu các đơn vị chủ động phòng ngừa, ứng phó thiên tai. Các địa phương khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo cũng chỉ đạo UBND các xã, phường phối hợp với các trường có cấp học THPT trên địa bàn, trung tâm giáo dục nghề nghiệp và giáo dục thường xuyên, các đơn vị liên quan kịp thời giúp đỡ, hỗ trợ, tạo điều kiện cho thí sinh và người thân ở các điểm coi thi về điều kiện ăn, nghỉ, đi lại. Đặc biệt, tổ chức rà soát và có các biện pháp quan tâm, hỗ trợ các thí sinh là người dân tộc thiểu số, gia đình chính sách, học sinh khuyết tật, hộ nghèo, vùng sâu, vùng xa, hải đảo tham dự kỳ thi. Đồng thời, bám sát diễn biến thời tiết, quản lý chặt chẽ địa bàn, đặc biệt các khu vực có nguy cơ bị ảnh hưởng do thời tiết xấu để kịp thời có biện pháp hỗ trợ thí sinh được dự thi an toàn, đúng quy chế.
Cùng với việc ưu tiên đảm bảo an toàn tối đa cho các học sinh và giáo viên tham gia Kỳ thi tốt nghiệp THPT, các địa phương cũng chủ động ứng phó với tình hình mưa lớn. Tại TP Hạ Long, ngay chiều 26/6, BTV Thành ủy đã có cuộc làm việc với các phòng, ban, đơn vị liên quan để nghe báo cáo về ảnh hưởng của tình hình đợt mưa diễn ra trong 2 ngày (25 và 26/6). Theo đó, trên địa bàn thành phố có một vụ nghi bị sét đánh vào nhà khiến 2 người tử vong, có 15 điểm sạt lở, 5 điểm ngập úng cục bộ.
Để đảm bảo ứng phó trước những diễn biến khó lường của thời tiết, nhất là trong mùa mưa bão, các đơn vị chức năng và UBND các phường, xã đang nỗ lực rà soát, kiểm tra ngay các khu vực xung yếu để chủ động xử lý, xây dựng phương án di dời. Đồng thời, xây dựng kế hoạch, kịch bản cụ thể nhằm hỗ trợ nguồn lương, thực phẩm cho người dân ở vùng có nguy cơ bị chia cắt do sạt lở, ngập sâu cũng như bố trí lực lượng, phương tiện sẵn sàng sơ tán, cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu.
Các đơn vị cũng thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn các công trình trọng điểm; tổ chức quản lý, sắp xếp lại hoạt động của tàu du lịch và tàu đánh bắt thủy sản trên Vịnh Hạ Long, bố trí vùng neo đậu tránh trú an toàn; đẩy nhanh tiến độ các công trình giao thông; có biện pháp xử lý cương quyết đối với chủ đầu tư dự án nếu công trình đó có nguy cơ ảnh hưởng đến tài sản, tính mạng của các hộ dân; bổ sung trang thiết bị, phương tiện đáp ứng điều kiện ứng phó khi có tình huống xảy ra….
Còn tại Hải Hà, huyện quan tâm, đầu tư nâng cấp các công trình đê biển, kè cống, khu neo đậu tàu thuyền, nhằm đảm bảo an toàn cho nhân dân trong mùa mưa bão. Trên địa bàn huyện chủ yếu là đê ngăn mặn, tập trung ở 6 xã, thị trấn ven biển, tổng chiều dài 35,97km; 42 cống lớn nhỏ với 63 cánh cống tự động, cống vận hành dưới đê… bảo vệ cho hơn 2.870ha đất canh tác và nuôi trồng thủy sản trên địa bàn huyện. Đến nay, hơn 70% hệ thống đê đã được đầu tư kiên cố, đảm bảo an toàn cho người dân và sản xuất nông nghiệp, thủy sản của địa phương.
Xác định công tác phòng chống thiên tai là nhiệm vụ trọng tâm, các địa phương quan tâm kiện toàn Ban Chỉ huy PCTT-TKCN và PTDS, giao nhiệm vụ cụ thể cho các địa phương, đơn vị kiểm tra, rà soát các điểm có nguy cơ bị ảnh hưởng bởi bão, lũ, sạt lở; chủ động xây dựng phương án ứng phó sát với tình hình thực tế. Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân chủ động phòng chống mưa bão, phân công cán bộ chỉ đạo, chỉ huy trực phòng, chống mưa bão tại các khu vực trọng điểm và luôn sẵn sàng chuẩn bị vật tư trang bị, vật chất, hậu cần theo yêu cầu: tất cả các ngành, các cấp quán triệt và thực hiện nghiêm túc phương châm “4 tại chỗ” và “3 sẵn sàng”. Các đơn vị, địa phương chủ động theo dõi chặt chẽ diễn biến của thiên tai, nghiêm chỉnh chấp hành các mệnh lệnh, hướng dẫn, cảnh báo của chính quyền, cơ quan chức năng trong suốt thời gian từ trước, trong và sau khi xảy ra thiên tai; người dân nâng cao ý thức tự giác tham gia cùng chính quyền, ban, ngành, đoàn thể ở địa phương trong công tác phòng, chống, ứng phó và khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra.
Hoàng Quỳnh
Liên kết website
Ý kiến ()