Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 24/11/2024 02:00 (GMT +7)
Sáng 6/8: Số F0 mắc mới tăng hơn 22%; kiểm soát khó thở hậu COVID-19 thế nào?
Thứ 7, 06/08/2022 | 10:19:44 [GMT +7] A A
Thời gian gần đây ghi nhận khoảng 2.000 ca mắc COVID-19 mỗi ngày. So với tháng trước, số mắc tăng 22,4%; Trong nước đã ghi nhận biến thể phụ BA.4, BA.5, đặc biệt tại các tỉnh phía Nam các biến thể này đã bắt đầu chiếm ưu thế; Kiểm soát khó thở hậu COVID-19 thế nào?...
Số mắc COVID-19 tăng hơn 22%
Bộ Y tế cho biết ngày 5/8 có 2.074 ca COVID-19 mới; đây là ngày thứ 4 liên tục, ca COVID-19 ở nước ta vượt mốc 2.000; Trong ngày có gần 9.500 bệnh nhân khỏi, gấp gần 5 lần ca mắc mới.
Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 11.192.043 ca nhiễm, đứng thứ 12/227 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 112/227 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 112.862 ca nhiễm).
Đến nay tổng số ca mắc COVID-19 ở nước ta đã khỏi là: 9.957.655 ca; Trong số bệnh nhân đang theo dõi, điều trị có 46 ca thở ô xy, trong đó: Thở ô xy qua mặt nạ: 42 ca; Thở ô xy dòng cao HFNC: 3 ca; Thở máy xâm lấn: 1 ca.
Theo Bộ Y tế, tại Việt Nam, 07 tháng đầu năm 2022, cả nước ghi nhận trên 9 triệu ca mắc (chiếm 83,9% tổng số ca mắc), trên 8,5 triệu người khỏi bệnh (94,5%), gần 11 nghìn ca tử vong (0,1%).
Trong tháng 07/2022, ghi nhận trên 33.000 ca mắc, 06 ca tử vong; thời gian gần đây ghi nhận khoảng 2.000 ca mắc mỗi ngày. So với tháng trước, số mắc tăng 22,4%, tử vong giảm 02 ca, tỷ lệ chết/mắc là 0,02%.
Trên thế giới, biến thể phụ BA.4, BA.5 của chủng Omicron có khả năng lây lan nhanh hơn 12% so với biến thể BA.2 đã ghi nhận tại nhiều quốc gia, do đó trong thời gian tới số ca mắc với biến thể BA.5 sẽ tiếp tục gia tăng. Các biến thể mới liên tục xuất hiện hoặc tiến hóa, mới nhất là BA.2.75, BA.2.12.1 có khả năng làm giảm miễn dịch qua thời gian và có thể làm dịch bùng phát trở lại.
Trong nước đã ghi nhận biến thể phụ BA.4, BA.5, đặc biệt tại các tỉnh phía Nam các biến thể này đã bắt đầu chiếm ưu thế; tỷ lệ tiêm vaccine mũi 3, mũi 4 và tiêm cho trẻ em tại một số nơi còn thấp. Số ca mắc đang gia tăng trở lại và có xu hướng tiếp tục tăng, cùng đó một số bệnh dịch lưu hành khác (cúm A, sốt xuất huyết, tay chân miệng...) đang trong mùa cao điểm và khả năng xâm nhập của các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm mới nổi (đậu mùa khỉ, viêm gan cấp tính...) khiến cho nguy cơ dịch chồng dịch là hiện hữu.
Bộ Y tế hướng dẫn cách kiểm soát khó thở hậu COVID-19
Theo hướng dẫn chẩn đoán và điều trị sau nhiễm COVID-19 ở người lớn do Bộ Y tế vừa ban hành hậu COVID-19 là bệnh lý mới nổi, chưa được hiểu biết đầy đủ nhưng có thể gây nên tình trạng sức khỏe nghiêm trọng (Hướng dẫn này sẽ được thường xuyên cập nhật, điều chỉnh để phù hợp với những bằng chứng khoa học mới nhất trong nước và quốc tế).
Khoảng 10-35% bệnh nhân COVID-19 mức độ nhẹ, không cần nhập viện có triệu chứng sau nhiễm COVID cấp tính, bất kể tình trạng bệnh nền. Đối với bệnh nhân có bệnh nền, cần nhập viện vì COVID-19, tỷ lệ này có thể lên đến 80%.
Khó thở là triệu chứng hay gặp ở người vừa khỏi bệnh COVID-19. Nguyên nhân gây nên tình trạng khó thở có thể do phổi, tim mạch hay yếu cơ.
Khi khó thở, hãy bình tĩnh, dừng các hoạt động gắng sức và lựa chọn tư thế phù hợp để giảm khó thở, tập thở theo nhịp:
- Hít vào trước khi hoạt động gắng sức.
- Thở ra trong khi hoạt động gắng sức.
Lựa chọn tư thế có thể làm giảm khó thở như: Nằm sấp hoặc nằm nghiêng đầu cao hoặc ngồi cúi đầu ra phía trước...
Người bị khó thở cần tiết kiệm năng lượng và kiểm soát mệt mỏi, tránh bị quá tải. Khi mức năng lượng và các triệu chứng được cải thiện, mức độ hoạt động có thể được tăng dần lên một cách có kiểm soát theo thời gian
Khi khó thở, ăn uống trở nên rất khó khăn, do đó hãy thực hiện theo hướng dẫn sau:
• Ngồi thẳng lưng khi ăn.
• Ăn uống chậm rãi và hít thở đều
• Nên ăn lúc ít khó thở
• Ăn lượng ít nhưng giàu năng lượng, nhiều protein, ăn thường xuyên trong ngày.
• Ăn thức ăn mềm, dễ nhai, dễ nuốt như súp, thịt hầm.
• Tránh thức ăn quá nóng, quá lạnh.
WHO khuyến cáo duy trì các biện pháp ứng phó với dịch COVID-19, nhất là tiêm chủng vaccine
Trong 07 tháng đầu năm 2022, thế giới ghi nhận trên 291 triệu ca mắc mới, đưa tổng số ca mắc vượt 582 triệu ca, trên 6,4 triệu ca tử vong. Dịch vẫn diễn biến phức tạp, khó lường và đã bùng phát trở lại tại một số quốc gia với sự xuất hiện của biến chủng Omicron và các biến thể phụ BA.4, BA.5, BA.2.75, BA.2.12.1.
Số ca nhập viện và số ca tử vong đã gia tăng trở lại; trong tháng 7 đã ghi nhận trên 30 triệu ca mắc mới (tăng gấp 1,7 lần so với cùng tháng trước đó). Tổ chức Y tế thế giới (WHO) hiện vẫn cảnh báo dịch COVID-19 là đại dịch toàn cầu và khuyến cáo duy trì các biện pháp ứng phó, nhất là tiêm chủng vaccine.
Một nghiên cứu mới công bố trên tạp chí The Lancet đã tiến hành khảo sát trên 76.400 người trưởng thành ở Hà Lan về 23 triệu chứng COVID-19 kéo dài thường gặp. Từ tháng 3/2020 đến tháng 8/2021, mỗi người tham gia được yêu cầu điền câu trả lời khảo sát 24 lần. Trong khoảng thời gian này, trên 4.200 người (5,5%) đã bị mắc COVID-19.
Trong nhóm mắc COVID-19 lại có hơn 21% xuất hiện ít nhất 1 triệu chứng mới hoặc nghiêm trọng hơn sau 3 - 5 tháng mắc bệnh. Tuy nhiên, gần 9% trong nhóm không mắc COVID-19 cũng ghi nhận những diễn biến tương tự. Do đó, nghiên cứu cho rằng có 12,7% những người mắc COVID-19 chịu những triệu chứng kéo dài sau khi mắc COVID-19.
Nghiên cứu cũng ghi lại những triệu chứng trước và sau khi mắc COVID-19, cho phép các chuyên gia tiếp tục tìm hiểu chính xác hơn những triệu chứng liên quan virus. Theo đó, những triệu chứng thường gặp ở người mắc COVID-19 kéo dài gồm đau ngực, thở khó, đau cơ, mất khứu và vị giác, choáng váng.
Theo suckhoedoisong.vn
Liên kết website
Ý kiến ()