Tất cả chuyên mục
Thứ Ba, 24/12/2024 08:56 (GMT +7)
Sắp có quy định mới về việc 'cắt' điện
Thứ 4, 06/11/2024 | 10:54:31 [GMT +7] A A
Bộ Công Thương cho biết sẽ hiệu chỉnh lại dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi) theo hướng chỉ quy định thời hạn đơn vị điện lực phải thông báo cho khách hàng sử dụng điện là 24h.
Làm rõ hình thức thông báo, cắt điện
Bộ Công Thương vừa có báo cáo tiếp thu, giải trình báo cáo thẩm tra của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường (KHCN&MT) của Quốc hội về dự án Luật Điện lực (sửa đổi).
Theo Ủy ban KHCN&MT, hiện nay việc ngừng cung cấp điện gây ảnh hưởng rất lớn đến khách hàng sử dụng điện. Do đó, cần quy định rõ việc “thông báo sớm nhất” cụ thể là bao lâu, hình thức thông báo là gì để đảm bảo tính hiệu quả và minh bạch.
Ủy ban KHCN&MT cũng đề nghị làm rõ và quy định cụ thể về cơ quan có thẩm quyền yêu cầu ngừng cung cấp điện; tránh tình trạng lạm dụng quyền lực và đảm bảo rằng các yêu cầu ngừng cung cấp điện là hợp lý.
Giải trình về vấn đề này, Bộ Công Thương cho biết, hiện đã có quy định cần thông báo sớm nhất nhưng không chậm hơn 24h. Điều này có nghĩa trong 24h, đơn vị điện lực phải thông báo cho bên mua. Hình thức thông báo sẽ được Bộ Công Thương quy định chi tiết khi ban hành trình tự ngừng, giảm mức cung cấp điện.
Theo Bộ Công Thương, quy định tại Dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi) về ngừng, giảm mức cung cấp điện được kế thừa các quy định của Luật Điện lực năm 2004 và đã được bộ này dẫn thực hiện nhiều năm, đã mang tính ổn định và đi vào cuộc sống. Tuy nhiên, đối với nội dung “thông báo sớm nhất”, Ban soạn thảo sẽ tiếp thu ý kiến của Ủy Ban KHCN&MT hiệu chỉnh lại dự thảo để đảm bảo minh bạch, rõ ràng theo hướng chỉ quy định thời hạn chậm nhất phía điện lực phải thông báo cho khách hàng sử dụng điện là 24h.
“Đối với các hình thức thông báo cụ thể cho khách hàng, dự thảo giao Bộ Công Thương quy định cụ thể về trình tự, ngừng giảm cung cung cấp điện. Khi đó, Bộ sẽ quy định cụ thể các hình thức thông báo để hướng dẫn các đơn vị thực hiện và phù hợp với tình hình thực tiễn”, Bộ Công Thương cho hay.
Với cơ quan có thẩm quyền đề nghị ngừng, giảm cung cấp điện, theo Bộ Công Thương, hiện nay không quy định này tại Dự thảo Luật Điện lực.
"Khi Luật Điện lực được ban hành, Chính phủ sẽ sửa đổi nghị định quy định về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực điện lực, khi đó căn cứ từng hành vi vi phạm và thẩm quyền xử lý sẽ quy định cụ thể cơ quan có thẩm quyền đề nghị ngừng, giảm cung cấp điện", Bộ Công Thương giải trình.
Nhiều vướng mắc chưa được giải quyết
Một trong những vấn đề Ủy ban KHCN&MT của Quốc hội quan tâm và đề nghị cần tiếp tục làm rõ đối với dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi) là việc phát triển các nguồn năng lượng tái tạo. Theo Ủy ban này, cơ quan soạn thảo cần kiểm nghiệm thực tế, đánh giá, hoàn thiện những vấn đề mới, đặc biệt là các quy định liên quan đến điện gió ngoài khơi để đảm bảo tính khả thi và hiệu quả trong việc triển khai.
Giải trình về vấn đề này, Bộ Công Thương cho rằng năng lượng tái tạo là lĩnh vực mới đối với Việt Nam. Việc khai thác và sử dụng gió ngoài khơi được chi phối bởi nhiều luật và thuộc phạm vi quản lý của các bộ, ngành khác nhau. Vì vậy, khi hoàn thiện các quy định liên quan đến phát triển điện gió ngoài khơi cần xem xét, xây dựng tương ứng tại các luật khác có liên quan...
“Hiện tại, Bộ Công Thương đã nhận diện sơ bộ những vướng mắc khi thực hiện phát triển điện gió ngoài khơi và đã báo cáo Thủ tướng. Sau khi có ý kiến thống nhất của các bộ và ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ Công Thương sẽ nghiên cứu, rà soát và đề xuất bổ sung quy định, trách nhiệm của các bộ, ngành liên quan”, Bộ Công Thương cho hay.
Về những vướng mắc, khó khăn chưa được giải quyết liên quan đến dự án điện năng lượng tái tạo, Uỷ ban KHCN&MT của Quốc Hội đề nghị Chính phủ chỉ đạo các cơ quan, địa phương liên quan khẩn trương có giải pháp đồng bộ, giải quyết dứt điểm để tránh lãng phí nguồn lực của xã hội, tạo môi trường đầu tư thuận lợi, an toàn...
Thông tin về vấn đề này, Bộ Công Thương cho biết, đang phối hợp với các bộ, ngành, UBND cấp tỉnh liên quan và Thanh tra Chính phủ để tạo điều kiện thuận lợi trong thu hút các nguồn lực trong và ngoài nước, nhằm bảo đảm an ninh cung cấp điện, phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Về thời điểm thông qua dự án Luật Điện lực (sửa đổi), Bộ Công Thương cho rằng phạm vi sửa đổi tập trung vào những vấn đề cấp bách, đã chín, đã rõ, do đó cần sớm thông qua trong Kỳ họp thứ 8 để giải quyết các vấn đề cấp bách.
Trong khi đó, đa số thành viên Ủy ban KHCN&MT của Quốc hội (35/43 đại biểu) nhất trí với phương án thông qua tại 2 kỳ họp. Một số ủy ban của Quốc hội thấy rằng, nếu trình Quốc hội cho ý kiến và thông qua Luật Điện lực (sửa đổi) theo quy trình một kỳ họp vào kỳ họp thứ 8 đang diễn ra thì tương đối gấp.
Theo tienphong.vn
Liên kết website
Ý kiến ()