Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 14:43 (GMT +7)
Sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã đúng tiến độ, lộ trình
Thứ 5, 02/05/2024 | 08:24:13 [GMT +7] A A
Xác định sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã là một chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước nhằm tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế, tiết kiệm ngân sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của chính quyền các cấp, hiện các địa phương trong tỉnh đang nỗ lực triển khai đồng bộ các giải pháp đảm bảo việc sáp nhập các đơn vị hành chính cấp xã giai đoạn 2023-2025 trên địa bàn đảm bảo theo đúng lộ trình đề ra.
Giảm 6 đơn vị cấp xã
Theo phương án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2023-2025, tỉnh Quảng Ninh có 12 đơn vị hành chính cấp xã thuộc diện sắp xếp, sáp nhập. Nhiều nhất là TX Đông Triều có 4 đơn vị sáp nhập thành 2, gồm: phường Đông Triều sáp nhập vào phường Đức Chính; xã Tân Việt sáp nhập vào xã Việt Dân. TP Móng Cái có 2 đơn vị sáp nhập thành 1, phường Hòa Lạc sáp nhập vào phường Trần Phú. TP Hạ Long cũng thực hiện sáp nhập phường Trần Hưng Đạo vào phường Yết Kiêu. TP Cẩm Phả sáp nhập xã Cẩm Hải vào xã Cộng Hòa. Huyện Ba Chẽ sáp nhập xã Minh Cầm vào xã Lương Mông. Dự kiến sau sáp nhập, tỉnh Quảng Ninh giảm 6 đơn vị cấp xã, từ 177 xã, phường, thị trấn giảm xuống còn 171 xã, phường, thị trấn.
Việc xây dựng phương án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã giai đoạn 2023-2025 được tỉnh Quảng Ninh thực hiện đúng trình tự, thủ tục, đảm bảo sự lãnh đạo, chỉ đạo tập trung thống nhất của Đảng và tuân thủ các quy định của pháp luật hiện hành. Đặc biệt, việc xây dựng phương án được thực hiện thận trọng, kỹ lưỡng, bài bản từ dưới lên, dựa trên cơ sở pháp lý và điều kiện thực tiễn địa phương để đảm bảo không gây xáo trộn lớn, giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.
Điển hình như phương án sáp nhập xã Tân Việt và Việt Dân (TX Đông Triều). Năm 1958, xã Tân Việt được tách ra từ xã Việt Dân. Thời điểm đó được lấy tên là xã Tân Phúc, sau đổi tên là xã Tân Việt như hiện nay. Xét về yếu tố lịch sử, xã Tân Việt và xã Việt Dân có lịch sử hình thành lâu đời, có nhiều điểm tương đồng, giao thoa, hòa trộn về văn hóa, truyền thống, phong tục tập quán sinh hoạt của người dân. Đây cũng là vùng đất địa linh nhân kiệt, có thôn Hổ Lao (đình - chùa Hổ Lao) là nơi thành lập Đệ tứ chiến khu Đông Triều - 1 trong 7 chiến khu kháng chiến của cả nước và là chiến khu thứ 4 ở khu vực Duyên hải Bắc Bộ. Nơi đây còn có nền sản xuất thuần nông với trên 70% dân số là đồng bào công giáo; nhà ở, đất canh tác của người dân 2 xã đan xen nhau, rất phù hợp và thuận lợi về vị trí địa lý, địa hình, địa giới hành chính. Hơn nữa, 3/4 thôn của xã Tân Việt trước đây đều thuộc xã Việt Dân.
Ông Đặng Đình Thắng, Trưởng phòng Nội vụ TX Đông Triều, cho biết: Việc nhập xã Tân Việt vào xã Việt Dân vừa kế thừa yếu tố lịch sử, vừa có nhiều thuận lợi khi 2 xã có địa giới hành chính liền kề, tương đồng về truyền thống văn hóa, điều kiện phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời phù hợp với quy hoạch chung TX Đông Triều đến năm 2040, phù hợp với các quy hoạch phân khu đang thực hiện trên địa bàn thị xã. Sau khi sáp nhập, đơn vị hành chính mới sẽ có diện tích tự nhiên gần 13km2, quy mô dân số trên 8.000 người. Qua đó, sẽ góp phần tăng quy mô của đơn vị hành chính, tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của chính quyền cơ sở.
Tương tự, phường Hòa Lạc và phường Trần Phú (TP Móng Cái) cũng là 2 địa phương có lịch sử hình thành lâu đời, gắn liền với các yếu tố văn hóa, lịch sử hình thành của TP Móng Cái. Qua rà soát, 2 phường đang có hệ thống hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội được đầu tư cơ bản đồng bộ, phù hợp và tương đồng. Hiện 2 phường đang sử dụng chung hệ thống điện, cây xanh, hệ thống cấp thoát nước, vỉa hè trên các tuyến đường Hùng Vương, Đào Phúc Lộc, Hữu Nghị. Hơn nữa, phường Hòa Lạc và phường Trần Phú hiện là các đơn vị hành chính có quy mô nhỏ dẫn đến nguồn lực địa phương bị phân tán, không gian phát triển hạn chế, khó khăn trong công tác lập quy hoạch dài hạn về phát triển kinh tế - xã hội.
Chính vì vậy việc sáp nhập 2 phường vào làm một sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, cho công tác quản lý nhà nước cũng như góp phần phát huy nguồn lực, thúc đẩy phát triển KT-XH. Đơn vị hành chính mới sau sáp nhập sẽ có diện tích tự nhiên 1,7km2, đạt 30,91% so với tiêu chuẩn; quy mô dân số 11.830 người, đạt 338% so với tiêu chuẩn.
Tạo sự đồng thuận cao trong cán bộ, nhân dân
Nằm trong diện phải sáp nhập, xã Tân Việt (TX Đông Triều) đã xây dựng kế hoạch triển khai, tổ chức hội nghị triển khai công tác lập và niêm yết danh sách cử tri để lấy ý kiến về việc sắp xếp đơn vị hành chính. Đồng thời, chỉ đạo các đồng chí bí thư chi bộ, trưởng thôn và thành viên các tổ công tác của xã bám sát địa bàn được phân công, kịp thời nắm bắt tình hình tại các thôn và tuyên truyền để tạo đồng thuận trong nhân dân.
Ông Lê Tuấn Hưng, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Việt, TX Đông Triều, cho biết: Việc sắp xếp đơn vị hành chính là nhiệm vụ chính trị đặc biệt quan trọng của huyện trong năm 2024. Để cán bộ và nhân dân trên địa bàn hiểu và nắm rõ tinh thần, chủ trương của tỉnh và thị xã, trong thời gian qua, xã đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức để nhân dân nắm rõ và đồng thuận với chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính. Xã đã tổ chức niêm yết công khai kế hoạch phương án sắp xếp tại nhà văn hóa thôn; rà soát, lập danh sách cử tri để lấy ý kiến về phương án sắp xếp. Nhờ đó, người dân tin tưởng và ủng hộ cao việc sắp xếp, sáp nhập.
Ông Phạm Văn Quyên, xã Tân Việt, TX Đông Triều cho biết: Chúng tôi rất đồng thuận việc sáp nhập đơn vị hành chính. Sau sáp nhập chắc chắn chúng tôi sẽ được hưởng lợi lớn, thứ nhất là về cơ sở hạ tầng, thứ hai là đời sống sẽ khác hơn so với trước khi tới đây khi được đầu tư lớn hơn. Tôi và nhân dân trong xã đều mong muốn khi sáp nhập thành 1 xã theo địa giới hành chính mới, lực lượng cán bộ công chức của xã phát huy đúng cơ chế Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, phát huy quyền làm chủ của nhân dân. Cử tri luôn ủng hộ làm sao xây dựng được xã mới giàu mạnh, nhân dân được thụ hưởng nhiều hơn.
Qua kết quả lấy ý kiến của cử tri trên địa bàn xã Tân Việt, số phiếu “đồng ý” đều đạt trên 98%. Tại kỳ họp HĐND cấp xã, 100% đại biểu HĐND xã đều thống nhất với phương án sáp nhập xã Tân Việt vào xã Việt Dân.
Còn tại huyện Ba Chẽ, thực hiện đề án, các xã đã hoàn thành đúng tiến độ việc lập danh sách và niêm yết danh sách cử tri tham gia lấy ý kiến về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã tại trụ sở UBND xã và nhà văn hóa các thôn.
Từ ngày 15/4, 2 xã Minh Cầm và Lương Mông đã đồng loạt thực hiện việc lấy ý kiến cử tri về sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã. Với tinh thần quyết tâm cao, các thành viên tổ lấy ý kiến cử tri đã nhanh chóng đến từng hộ dân để lấy ý kiến cử tri, đến ngày 16/4, 2 xã đã hoàn thành việc lấy ý kiến của các cử tri. Kết quả, tỷ lệ cử tri đồng thuận việc sáp nhập đều đạt trên 97%.
Với cách làm tương tự, tại nhiều địa phương khác thuộc diện phải sắp xếp, sáp nhập trên địa bàn tỉnh, tỷ lệ cử tri, nhân dân đồng thuận, ủng hộ với phương án sắp xếp, sáp nhập cũng đạt rất cao, như: Phường Hòa Lạc (TP Móng Cái) đạt 99,7%; phường Trần Phú (TP Móng Cái) đạt 99,6%; 2 xã: Cẩm Hải và Cộng Hoà của TP Cẩm Phả đều đạt 99,8%...
Hiện nay, toàn bộ 12 đơn vị hành chính cấp xã thuộc diện sắp xếp, sáp nhập trên địa bàn tỉnh đã hoàn thành họp HĐND cấp xã. Riêng tại TP Cẩm Phả đã hoàn thành họp HĐND thành phố tán thành chủ trương nhập xã Cẩm Hải và xã Cộng Hoà. Dự kiến ngay trong đầu tháng 5, các địa phương còn lại sẽ tổ chức kỳ họp HĐND cấp huyện để thảo luận, thống nhất quyết nghị đối với chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã giai đoạn 2023-2025. Trên cơ sở đó, UBND tỉnh sẽ triển khai xây dựng, hoàn thiện Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2023-2025 để trình HĐND tỉnh ban hành nghị quyết trình Trung ương xem xét, quyết định.
Việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, là nhiệm vụ quan trọng, với khối lượng công việc nhiều. Do đó, để thực hiện thành công phương án sắp xếp đòi hỏi phải có quyết tâm chính trị cao, cần sự lãnh đạo, chỉ đạo thống nhất và xuyên suốt từ Trung ương, tỉnh, huyện, xã và thôn đến người dân. Đồng thời, phải huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị; xây dựng kế hoạch, lộ trình thực hiện cụ thể, quyết liệt trong chỉ đạo, tổ chức thực hiện; chú trọng và phát huy công tác tuyên truyền, vận động để tạo sự đồng thuận của nhân dân trong quá trình thực hiện.
Thời gian tới, tỉnh Quảng Ninh tiếp tục tăng cường chỉ đạo các sở, ngành, địa phương liên quan làm tốt hơn nữa công tác tuyên truyền, vận động để nâng cao nhận thức cho người dân, cũng như cấp ủy, chính quyền cơ sở, tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình sắp xếp. Đồng thời, chủ động xây dựng phương án sắp xếp, tổ chức lại bộ máy cán bộ, bố trí cán bộ dôi dư phù hợp, đảm bảo đúng quy định, cũng như đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của cán bộ thuộc diện phải sắp xếp; tăng cường nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của cán bộ, đảng viên và nhân dân tại các địa phương thực hiện sắp xếp, kịp thời giải đáp thắc mắc, tháo gỡ khó khăn và chuẩn bị đầy đủ các điều kiện cần thiết để quá trình sắp xếp được thuận lợi, đạt hiệu quả cao và đúng các quy định của pháp luật.
Ngọc Khánh
Liên kết website
Ý kiến ()