Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 11:53 (GMT +7)
Sắp xếp về đất đai, xác định giá trị doanh nghiệp là điểm nghẽn của cổ phần hóa
Thứ 5, 08/06/2023 | 14:39:02 [GMT +7] A A
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cho biết, trong quá trình cổ phần hóa, vấn đề khó nhất hiện nay là phương án sắp xếp về đất đai và xác định giá trị doanh nghiệp; cùng với đó là khó khăn về nguồn vốn của xã hội đầu tư.
Sáng 8/6, tiếp tục chương trình chất vấn và trả lời chất vấn của Kỳ họp thứ 5, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đã làm rõ các vấn đề liên quan và trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội.
Cần giải pháp cho thách thức thuế tối thiểu toàn cầu
Nêu vấn đề trong phiên chất vấn, đại biểu Hà Sỹ Đồng (đoàn Quảng Trị) nhận định, triển vọng của vốn đầu tư nước ngoài (FDI) vào Việt Nam không lạc quan khi Luật Thuế tối thiểu toàn cầu có hiệu lực từ đầu năm 2024.
Đồng thời, một chính sách không chính thức đang hình thành trên thực tế là nhà đầu tư quốc tế phân biệt đối xử các quốc gia khiến hàng loạt các cơ chế, chính sách ưu đãi nhằm thu hút FDI của chúng ta bị suy giảm hiệu lực, hiệu quả.
Có chung băn khoăn về thuế tối thiểu toàn cầu, đại biểu Nguyễn Danh Tú (đoàn Kiên Giang) nhấn mạnh, vấn đề này đặt ra nhiều thách thức khi thu hút FDI, đòi hỏi phải ứng phó hiệu quả các tác động tiêu cực, bảo đảm tính cạnh tranh, sức hấp dẫn của môi trường đầu tư nước ta.
Thông tin về nội dung này, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cho biết, tháng 6 năm 2021 nhóm G7 đã đạt được thỏa thuận thuế tối thiểu toàn cầu, ấn định mức thuế thu nhập doanh nghiệp khoảng 15%.
Đến tháng 7/2021, các nước G20 đã thống nhất về giải pháp 2 trụ cột đối với thuế tối thiểu toàn cầu và chia sẻ thuế giữa các nước, đặc biệt có những nền tảng công nghệ. Cuối năm 2022, 138 nước đã thống nhất về khung thuế.
Về nguyên tắc, đây là thỏa thuận hợp tác quốc tế hội nhập, không bắt buộc, tuy nhiên các nước đã nghiên cứu, tham gia và dự kiến nội luật hóa trong năm 2023, có hiệu lực thi hành trong năm 2024.
Theo Phó Thủ tướng, Trung ương, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, đặc biệt Chủ tịch Quốc hội rất quan tâm và đã có chỉ đạo về vấn đề này tại nhiều diễn đàn.
Thủ tướng Chính phủ đã thành lập tổ công tác nghiên cứu, đánh giá tác động để đề xuất. Vừa rồi tổ công tác đã có báo cáo, Thường trực Chính phủ đã họp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đã có báo cáo đánh giá tác động.
Tổ công tác này sẽ đề xuất với Thủ tướng trình Chính phủ để trình Quốc hội những giải pháp sớm nhất trong thời gian tới về chính sách thuế liên quan thuế thu nhập doanh nghiệp, nếu kịp thì ngay trong tháng 10 này, để làm sao vừa bảo đảm hội nhập sâu rộng, vừa bảo đảm quyền, nghĩa vụ hợp pháp của các nhà đầu tư, lợi ích của quốc gia.
Xử lý nghiêm các trường hợp sở hữu chéo
Trả lời câu hỏi của đại biểu Đồng liên quan đến tình trạng sở hữu chéo, thao túng lợi ích nhóm trong lĩnh vực ngân hàng, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái khẳng định ngân hàng thương mại, các tổ chức tín dụng là một định chế đặc biệt, vừa huy động vốn vừa cho vay, không phải sử dụng vốn của mình mà sử dụng vốn huy động, là ngành nghề kinh doanh có điều kiện.
Do vậy, hoạt động kiểm soát, giám sát, quản lý tuân theo tiêu chuẩn hết sức nghiêm ngặt, trong đó việc sở hữu chéo tác động đến những hành vi thao túng trong hoạt động của ngân hàng, đặc biệt là các hoạt động tín dụng.
Phó Thủ tướng cho biết, thời gian qua vấn đề này được Chính phủ, Ngân hàng nhà nước đặc biệt quan tâm, chỉ đạo sát sao, tổ chức thanh tra, kiểm tra và xử lý, hiện nay không còn trường hợp sở hữu chéo trên hồ sơ, sổ sách.
Tuy nhiên, trong thực tế có tình trạng đứng tên hộ, nhờ người, dẫn đến khó khăn trong quá trình kiểm tra, đánh giá, đòi hỏi phải có sự phối hợp giữa các ngành, các cấp, đặc biệt là các cơ quan bảo vệ pháp luật mới quy định được.
Bên cạnh đó, trong sở hữu chéo không chỉ sở hữu về vốn mà còn sở hữu về các hoạt động của ngân hàng như đầu tư, tín dụng. Chẳng hạn, nếu dành tín dụng cho nhóm lợi ích có sở hữu chéo ngầm thì rất nguy hiểm, làm méo mó các hợp đồng kinh tế, ảnh hưởng môi trường chung.
Theo Phó Thủ tướng, Chính phủ đã chỉ đạo và Ngân hàng Nhà nước cũng thường xuyên thanh tra vấn đề này. Để hạn chế tối đa sở hữu chéo trong ngành ngân hàng, Chính phủ đã chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước hoàn thiện cơ chế, chính sách, rà soát tất cả quy định liên quan tới hoạt động của hệ thống các ngân hàng thương mại.
Phó Thủ tướng đề nghị trong thời gian tới, đại biểu Quốc hội đóng góp trí tuệ, tâm huyết vào hoàn thiện dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) để có căn cứ pháp lý hết sức vững chắc nhằm kiểm soát, quản lý, xử lý tình trạng sở hữu chéo hiện nay.
Ngoài ra, phải tăng cường cơ quan thanh tra, kiểm tra, giám sát, bảo đảm hoạt động độc lập, đủ năng lực, triển khai hoạt động thanh tra hiệu quả, có trọng tâm, trọng điểm.
Hệ thống kiểm soát nội bộ trong ngành phải tự phát hiện ra, đồng thời, cần phải công khai, minh bạch, xử lý nghiêm để các nhà đầu tư trong và ngoài nước và nhân dân có những thông tin để kiểm tra, giám sát.
Công tác cổ phần hóa thực hiện không đạt yêu cầu đề ra
Giải trình băn khoăn của đại biểu Nguyễn Danh Tú về tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp, Phó Thủ tướng khẳng định đây là một trong những công tác hết sức quan trọng. Tuy nhiên, nhiệm kỳ vừa qua và hiện nay, công tác cổ phần hóa thực hiện không đạt yêu cầu như kế hoạch đề ra, kể cả về số lượng doanh nghiệp, vốn hay quản trị…
Phó Thủ tướng cho biết, nhiệm vụ này đang gặp một số khó khăn, vướng mắc về quan điểm chỉ đạo. Tại doanh nghiệp lớn, khi tiến hành cổ phần thoái vốn hay bán vốn được rất ít nên phải tính toán xu thế sắp tới, khả năng hoạt động, hiệu quả, ngành nghề đó hỗ trợ cho những hoạt động chính hay hỗ trợ cho điều hành kinh tế vĩ mô để quyết định danh mục phù hợp.
Ngoài ra, trong quá trình cổ phần hóa, vấn đề khó nhất hiện nay là phương án sắp xếp về đất đai và xác định giá trị doanh nghiệp; cùng với đó là khó khăn về nguồn vốn của xã hội đầu tư.
“Hiện nay, những doanh nghiệp nhà đầu tư quan tâm đã được cổ phần hóa tương đối, còn lại là những doanh nghiệp nhà nước không hấp dẫn, nên việc cổ phần hóa, thoái vốn cũng rất khó khăn”, Phó Thủ tướng thông tin thêm.
Thời gian tới, căn cứ vào quy định của pháp luật như Quyết định 22, Quyết định 360 về cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước, trọng tâm là tập đoàn, tổng công ty, và các quy định pháp luật, đặc biệt là Nghị quyết 12 của Trung ương, để đánh giá lại đầy đủ, cụ thể.
Trên cơ sở đó, có những giải pháp, kể cả về kế hoạch, phương án sắp xếp, về trình tự, thủ tục, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước và bảo tồn, phát triển được vốn, góp phần thúc đẩy và phát triển kinh tế-xã hội.
Theo Nhandan.vn
Liên kết website
Ý kiến ()