Kế hoạch được Cục trưởng Viễn thông Nguyễn Hồng Thắng chia sẻ bên lề cuộc họp về phương án khắc phục sự cố cáp quang biển cuối tuần trước. Theo ông, phương án ngắn hạn là mua thêm dung lượng để bù đắp phần bị mất do đứt cáp. Còn kế hoạch dài hạn là triển khai thêm các tuyến cáp quang biển. Qua trao đổi với các nhà mạng, Bộ Thông tin và Truyền thông dự kiến Việt Nam có thể kết nối với 10 tuyến cáp quang biển vào năm 2025.
Nhu cầu làm chủ cáp quang biển
Việt Nam hiện kết nối với 5 tuyến cáp quang biển quốc tế. Theo kế hoạch được Bộ Thông tin và Truyền thông đưa ra, Việt Nam sẽ tăng thêm 2-4 tuyến tính đến 2025, và 4-6 tuyến đến 2030. Theo ông Thắng, hai tuyến mới là ADC và SJC2 sẽ hoạt động trong năm nay đáp ứng đúng lộ trình, nâng số tuyến cáp quang biển tại Việt Nam lên con số bảy.
Tuy nhiên, sự cố đứt 4 trên 5 tuyến đang cho thấy nhiều vấn đề. Ngoài số lượng ít, Việt Nam chưa thể chủ động xây dựng tuyến cáp cũng như xử lý khi có sự cố. "Không thể đợi khi nhu cầu lớn mới mở rộng băng thông, cần sẵn sàng có tuyến mới ở nhiều hướng, không phụ thuộc quá nhiều vào 1-2 hướng hiện có", Cục trưởng Viễn thông đánh giá.
Với 7 tuyến cáp hiện tại, doanh nghiệp Việt tham gia với vai trò thành viên trong consortium - liên minh giữa các doanh nghiệp thuộc nhiều nước. Theo Cục Viễn thông, nếu tiếp tục đi theo hướng này, việc thành lập một consortium sẽ mất thời gian do cần mời nhiều bên tham gia, đồng thuận về lộ trình, nhu cầu... Do đó, mục tiêu được đưa ra là xây dựng các tuyến cáp thuộc sở hữu của doanh nghiệp trong nước để tăng tính chủ động. Bộ giữ vai trò quy hoạch, sau đó tập hợp các doanh nghiệp để cùng phối hợp.
Có ba nhà mạng đang được giao, hoặc chủ động đề xuất tự xây dựng tuyến cáp riêng. Nếu hoàn thành vào 2025 như kế hoạch, Việt Nam sẽ kết nối với ít nhất 10 tuyến cáp quang biển. Một phương án được đưa ra là kết nối trực tiếp vào Singapore - trung tâm kết nối gần Việt Nam nhất. Ngoài ra, tuyến cáp cũng có thể mở rộng số điểm cập bờ, thay vì chỉ ở ba điểm Vũng Tàu, Đà Nẵng, Quy Nhơn như hiện nay, nhằm tăng khả năng dự phòng khi có sự cố.
"Đây là chỉ tiêu rất cao và thách thức", ông Thắng nói.
Trả lời VnExpress, chuyên gia tư vấn về hạ tầng Hubert Souisa cho biết ông "ủng hộ ý tưởng Việt Nam sở hữu riêng ít nhất một tuyến cáp để linh hoạt hơn trong vận hành và khắc phục sự cố, tăng tự chủ với Internet". Ông gợi ý phát triển tuyến cáp mới với khu vực như Malaysia, Thái Lan, cùng các điểm cập bờ khác nhau ở Việt Nam để nâng tính đa dạng và khả năng phục hồi của cơ sở hạ tầng.
Hiện hai trung tâm kết nối lớn của khu vực là Singapore và Hong Kong. Đây là nơi có lượng cáp quang biển kết nối đến dày đặc, đồng thời đặt nhiều data center lớn, có máy chủ của nhiều dịch vụ phổ biến với người dùng trong nước. Theo thống kê của Viettel, 80% nhu cầu nội dung tại Việt Nam là từ các dịch vụ nước ngoài như Google, Facebook. Việc người dùng thấy Internet chậm thực tế là do việc truy cập vào những máy chủ nói trên bị nghẽn vì đứt cáp trên tuyến nối từ Việt Nam đi Singapore hoặc Hong Kong.
Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, nếu tăng số lượng cáp quang, Việt Nam có lợi thế so với Singapore là diện tích lớn, còn nhiều chỗ trống cho việc kết nối. "Khi các tuyến cáp quang biển đi Hong Kong và Singapore gặp nhiều khó khăn, chúng ta lại nhìn thấy cơ hội để Việt Nam trở thành hub kết nối đi quốc tế", Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nói.
Ý kiến ()