Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 17:55 (GMT +7)
Sẽ hiển thị tên tòa án, công an... khi gọi điện đến người dân để chống lừa đảo
Thứ 6, 08/09/2023 | 07:38:06 [GMT +7] A A
Các doanh nghiệp phải sử dụng brandname khi liên hệ với người dùng di động. Cơ quan công quyền như tòa án, công an, viện kiểm sát cũng phải dùng brandname khi gọi tới người dân.
Chia sẻ tại cuộc họp báo tháng 9 của Bộ TT&TT, Thứ trưởng Phạm Đức Long cho hay, việc xử lý tin nhắn, cuộc gọi rác, cuộc gọi lừa đảo là vấn đề nhức nhối cần phải giải quyết.
Đối với các tin nhắn, cuộc gọi lừa đảo, kẻ xấu chủ yếu mạo danh các cơ quan công quyền như công an, cảnh sát giao thông, viện kiểm sát, ngân hàng. Bộ TT&TT đã trao đổi với các đơn vị có liên quan để tiến hành thí điểm định danh cuộc gọi của các đơn vị này.
Các nhà mạng đã xây dựng xong giải pháp kỹ thuật và trong tháng 9, 10 sẽ triển khai đến các cơ quan quản lý nhà nước, các bộ ngành, địa phương có liên hệ với người dân.
“Các cơ quan nhà nước khi gọi đến công dân đều phải có định danh, cuộc gọi phải hiện tên đích danh cơ quan. Khi đó, bất cứ số máy lạ, không hiển thị brandname gọi đến xưng danh đại diện cơ quan công quyền đều là lừa đảo”, Thứ trưởng Phạm Đức Long nói.
Các tin nhắn, cuộc gọi rác chủ yếu xuất phát từ các doanh nghiệp có nhu cầu quảng cáo. Hoạt động này đã được quy định rõ trong Nghị định 91/2020.
Theo Nghị định này, doanh nghiệp gửi tin nhắn hay thực hiện cuộc gọi quảng cáo đều sẽ phải có brandname (tên định danh). Bộ TT&TT sẽ tăng cường thanh tra, nếu cuộc gọi quảng cáo không đăng ký brandname sẽ bị xử phạt hành chính.
Bộ TT&TT cũng sẽ làm việc với các ngân hàng để tiến tới việc phải có brandname khi các đơn vị liên hệ với khách hàng. Điều này nhằm giúp người dùng di động yên tâm, tránh trở thành nạn nhân của những kẻ lừa đảo.
Thời gian qua, các vụ lừa đảo trực tuyến diễn biến phức tạp trên không gian mạng Việt Nam. Ghi nhận của Cục An toàn thông tin (Bộ TT&TT) cho thấy, trong 6 tháng đầu năm 2023, tình hình lừa đảo trực tuyến tại Việt Nam tăng 64,78% so với cùng kỳ năm ngoái và tăng 37,82 % so với 6 tháng cuối năm 2022.
Ba nhóm lừa đảo chính gồm giả mạo thương hiệu, chiếm đoạt tài khoản và các hình thức kết hợp khác. Trong tổng số 24 hình thức lừa đảo trực tuyến được Cục An toàn thông tin nêu tên, việc giả danh cơ quan công an, viện kiểm sát, tòa án để thực hiện cuộc gọi lừa đảo cũng diễn ra rất phổ biến.
Nạn nhân của các hình thức lừa đảo này thường là nhóm đối tượng yếu thế như người cao tuổi, trẻ em,... Do vậy, Bộ TT&TT đang triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để giải quyết vấn đề này.
Bên cạnh việc định danh cuộc gọi của cơ quan công quyền, trong thời gian tới, Bộ TT&TT sẽ xây dựng sổ tay online nhằm cung cấp kiến thức cho người dân về các kinh nghiệm phòng chống lừa đảo trực tuyến.
Theo Vietnamnet
Liên kết website
Ý kiến ()