Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 13/10/2024 17:29 (GMT +7)
Tiếp tục nghiên cứu, đề xuất biện pháp nhằm nâng cao khả năng ứng chịu với thảm họa thiên tai
Thứ 2, 30/09/2024 | 10:18:23 [GMT +7] A A
Bão số 3 đổ bộ với sức tàn phá rất lớn, đã ảnh hưởng đến hầu hết các hoạt động KT-XH của Quảng Ninh. Với hạ tầng giao thông đa dạng, ngành GTVT cũng hứng chịu những thiệt hại nặng nề. Phóng viên Trung tâm Truyền thông tỉnh đã có cuộc trao đổi với Giám đốc Sở GTVT Hoàng Quang Hải về việc khắc phục hậu quả sau bão và giải pháp nâng cao khả năng ứng chịu với thảm họa thiên tai.
- Xin ông cho biết những tác động của bão số 3 đối với hạ tầng giao thông của Quảng Ninh?
+ Quảng Ninh nằm trong tâm bão số 3, chịu sức tàn phá khủng khiếp. Trong đó, ngành GTVT cũng chịu những thiệt hại nặng nề khi các tuyến cao tốc, quốc lộ và đường tỉnh có hơn 1.000 cột biển báo bị gãy đổ, hư hỏng; gần 300 vị trí mái taluy bị sạt lở, gần 20.000 cây xanh gãy đổ ra lòng đường; 269 phương tiện bao gồm tàu du lịch, tàu cá, tàu chở hàng, chở người các loại bị chìm, đắm; gần 1.200 phương tiện vận tải đường bộ, nhiều cột điện, trạm thu phí, nhà điều hành… hư hỏng. Bão đi qua, hoàn lưu sau bão gây mưa lớn trên diện rộng đã khiến 34 vị trí bị ngập nước mặt đường, phải hạn chế giao thông; hệ thống hạ tầng giao thông đô thị, các KCN cũng bị hư hỏng nặng nề...
Đây là cơn bão lớn nhất trên đất liền hàng chục năm qua, ảnh hưởng đến hầu hết các hoạt động phát triển KT-XH, tác động trực tiếp đến đời sống, sinh hoạt của nhân dân toàn tỉnh, tàn phá nặng nề hạ tầng giao thông, với tổng thiệt hại ước tính gần 25.000 tỷ đồng. Đặc biệt, bão và hoàn lưu sau bão đã gây ảnh hưởng, chia cắt nhiều khu vực, khiến hoạt động giao thông bị ngắt quãng, ùn tắc cục bộ; ảnh hưởng đến công tác chỉ đạo, tìm kiếm, cứu nạn của các tổ chức, đơn vị; hoạt động tái phục hồi sản xuất sau bão gặp nhiều khó khăn.
- Sở GTVT đã tập trung khắc phục hậu quả sau bão như thế nào, thưa ông?
+ Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ GTVT và tỉnh, Sở GTVT đã vận hành ngay cơ chế ứng phó với bão ở mức cao nhất; kích hoạt các phương án, nhiệm vụ phòng chống trước, trong và sau bão với phương châm sử dụng hiệu quả “4 tại chỗ” (chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện vật tư tại chỗ và hậu cần tại chỗ); “3 sẵn sàng” (phòng ngừa chủ động, ứng phó kịp thời và khắc phục khẩn trương hiệu quả).
Theo đó, trước khi bão về, Sở đã phối hợp chặt chẽ với Ban Chỉ huy PCTT-TKCN&PTDS tỉnh, nắm bắt tình hình diễn biến thời tiết để tiến hành kiểm tra, đánh giá hiện trạng kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, đường thủy; xác định các vị trí xung yếu để có phương án ứng phó; thực hiện kêu gọi và hướng dẫn tàu, thuyền về khu tránh trú theo quy định; thực hiện cấm phương tiện qua lại các cầu khi gió vượt cấp cho phép.
Ngay trong bão và sau bão, Sở tổ chức các đoàn đi kiểm tra, cập nhật rộng rãi thông tin về thiệt hại để triển khai các biện pháp chủ động khắc phục. Cụ thể, tổ chức phân luồng giao thông, hướng dẫn giao thông qua những vị trí, khu vực nguy hiểm như đoạn đường, ngầm tràn bị ngập úng, sạt lở; tập trung thu dọn, khắc phục hệ thống biển báo, cột đèn, cây xanh bị đổ gãy, trong đó ưu tiên lắp dựng, thay thế các biển báo quan trọng. Đồng thời, chỉ đạo các đơn vị khẩn trương hót dọn sạt trượt mái taluy; tiến hành kiểm tra hệ thống phao tiêu, báo hiệu trên các luồng đường thuỷ nội địa; xác định các vị trí tàu, thuyền bị chìm để tổ chức cảnh báo cho phương tiện qua lại…
1 ngày sau khi bão đi qua, hoạt động giao thông trên địa bàn tỉnh từng bước được phục hồi, cơ bản thông suốt, đảm bảo an toàn; tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân đi lại, công tác khắc phục các sự cố về mất điện, nước và mạng viễn thông trên toàn tỉnh.
- Ông có thể cho biết về những giải pháp nhằm đảm bảo giao thông phục vụ cho các hoạt động phát triển KT-XH của tỉnh?
+ Sở GT-VT tiếp tục bám sát các chỉ đạo Chính phủ, Bộ GTVT và tỉnh để triển khai các giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm khắc phục hậu quả sau bão, cũng như ứng phó với thiên tai, bão lũ, ngập lụt, sạt lở...
Trong đó, đẩy nhanh tiến độ thống kê đầy đủ các thiệt hại để đề xuất các cấp có thẩm quyền sửa chữa, khắc phục các hư hỏng của hệ thống kết cấu hạ tầng đường bộ, đường thủy nội địa, nhất là hệ thống biển báo, các điểm sạt trượt để đảm bảo giao thông thông suốt và ATGT; phối hợp với các lực lượng chức năng, các đơn vị để trục vớt tàu, thuyền bị chìm do bão số 3 gây ra nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại, cũng như tăng cường đảm bảo ATGT đường thủy để sớm phục hồi các hoạt động kinh tế, du lịch...
Cùng với đó, đẩy mạnh các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, người dân phục hồi sản xuất như: Cấp mới, cấp đổi giấy đăng ký phương tiện bị mất, thất lạc do bão; hỗ trợ đẩy nhanh các thủ tục, nhiệm vụ thuộc ngành GTVT; rà soát, đánh giá hiện trạng kết cấu hạ tầng giao thông, trong đó tập trung các cầu yếu trên tuyến đường bộ, đường sắt huyết mạch để có phương án đầu tư sửa chữa, gia cố, nâng cấp, cải tạo, xây dựng mới đảm bảo yêu cầu phòng chống, ứng phó với các tình huống thiên tai, bão lũ.
Sở tiếp tục nghiên cứu, đề xuất các phương án, biện pháp nhằm nâng cao khả năng ứng chịu, nâng cao chất lượng kết cấu hạ tầng giao thông nhằm đối phó với những thách thức, thảm họa do thiên tai gây ra.
- Xin trân trọng cảm ơn ông!
Đỗ Phương
Liên kết website
Ý kiến ()