Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 23/11/2024 21:14 (GMT +7)
Sẽ thành lập 5 trung tâm hồi sức tích cực Covid-19 quốc gia ở 3 miền
Thứ 5, 22/07/2021 | 09:03:10 [GMT +7] A A
Bộ Y tế cho biết sẽ có 5 trung tâm hồi sức tích cực Covid-19 quốc gia ở 3 miền, được đặt tại Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, Bệnh viện Trung ương Huế, Bệnh viện Chợ Rẫy và Trung tâm hồi sức tích cực Covid-19 TP HCM.
Tại cuộc họp trực tuyến với các lực lượng của Bộ Y tế hỗ trợ TP HCM và các tỉnh Bình Dương, Tiền Giang, Đồng Tháp, Đồng Nai, Long An triển khai công tác phòng chống dịch, chiều 21-7, Bộ Y tế nhận định tình hình dịch Covid-19 đang có diễn biến phức tạp, tốc độ và mức độ lan truyền nhanh, gia tăng nhanh chóng về số ca mắc tại hầu hết các tỉnh trong cả nước. Do đó, các địa phương cần phát triển các trung tâm hồi sức tích cực, bảo đảm cứu chữa bệnh nhân Covid-19 kịp thời.
Tại đây, Bộ Y tế cũng lấy ý kiến cho đề án tăng cường năng lực hồi sức cấp cứu, hồi sức tích cực tại các bệnh viện điều trị người bệnh Covid-19 nặng. Theo dự thảo đề án, Việt Nam sẽ có 5 trung tâm hồi sức tích cực Covid-19 quốc gia ở 3 miền Bắc-Trung-Nam và được đặt tại Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, Bệnh viện Trung ương Huế; Bệnh viện Chợ Rẫy và Trung tâm hồi sức tích cực Covid-19 TP HCM (tại cơ sở 2 Bệnh viện Ung bướu TP HCM).
Mỗi trung tâm sẽ có từ 500-1.000 giường bệnh. Ngoài ra, có gần 30 bệnh viện được giao nhiệm vụ thành lập Trung tâm hồi sức tích cực của vùng, mỗi bệnh viện từ 50-100 giường bệnh.
Theo PGS-TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế), đề án xây dựng trên nguyên tắc, các bệnh viện, các địa phương đều phải phát triển chuyên ngành cấp cứu, hồi sức tích cực để đáp ứng không chỉ tình hình dịch mà còn cho các bệnh lý không lây nhiễm khác. Tuy nhiên, trong đề án này cần chọn lựa các bệnh viện có năng lực chuyên môn tốt hơn để hỗ trợ các địa phương khác.
Tại cuộc họp, các chuyên gia cũng đề nghị cần phát triển các trung tâm cấp cứu, hồi sức tích cực trên cơ sở sẵn có, chỉ cần sửa chữa, bổ sung thêm trang thiết bị là có thể đưa vào hoạt động, đáp ứng kịp thời nhu cầu điều trị người bệnh.
Về giảm tải hệ thống y tế, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cùng bộ phận phía Nam đã thống nhất chỉ đạo phân loại các trường hợp nghi nhiễm; nhiễm; trường hợp bệnh nhân và bệnh nhân nặng.
Cụ thể, đối với trường hợp nghi nhiễm khi xét nghiệm bằng test nhanh dương tính thì được quản lý tại nhà hoặc vùng đệm - cơ sở cách ly tạm thời dựa vào cộng đồng do chính quyền địa phương thiết lập. Khi xét nghiệm bằng PCR cho kết quả dương tính nếu nồng độ virus ở mức độ thấp (CT> 30) được quản lý và theo dõi y tế tại nhà.
Đối với trường hợp có nguy cơ lây nhiễm ra cộng đồng, bệnh nhân sẽ chuyển vào cơ sở quản lý, chăm sóc người nhiễm Covid-19 ban đầu. Cơ sở này được hình thành từ các khu ký túc xá, nơi lưu trú, bệnh viện dã chiến… mức độ ban đầu.
Đối với bệnh nhân có triệu chứng tiến triển, được theo dõi điều trị tại các bệnh viện dã chiến hoặc cơ sở y tế tuyến huyện và tương đương.
Đối với bệnh nhân có tiến triển nặng, nặng hoặc nguy kịch thì đưa ngay đến các cơ sở điều trị có khu hồi sức tích cực hoặc Bệnh viện Hồi sức Covid-19 của TP HCM.
Theo Bộ trưởng Bộ Y tế, việc hình thành các tầng điều trị sẽ giúp cho các cơ sở y tế tuyến trên không bị quá tải để điều trị bệnh nhân nặng tốt hơn.
Theo Người Lao động
Liên kết website
Ý kiến ()