Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 23/11/2024 01:23 (GMT +7)
Siết chặt công tác quản lý thị trường
Thứ 4, 17/03/2021 | 11:58:46 [GMT +7] A A
Là địa bàn có đường biên giới, cửa khẩu tiếp giáp và có vị trí phù hợp với việc tập kết hàng hóa từ khắp nơi đổ về. Chính vì vậy, việc kiểm soát hàng hóa, không để tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại xảy ra trên địa bàn luôn được Cục Quản lý thị trường tỉnh (QLTT) thực hiện một cách nghiêm ngặt. Qua đó, đã góp phần ngăn chặn có hiệu quả việc thẩm lậu, vận chuyển trái phép hàng hoá từ biên giới vào nội địa, thúc đẩy lưu thông hàng hoá và phát triển sản xuất, kinh doanh, đảm bảo an sinh xã hội.
Đội QLTT số 3, kiểm tra nguồn gốc hàng hóa tại một số cửa hàng, siêu thị gia đình trên địa bàn TP Cẩm Phả. |
Nắm chắc địa bàn, kiểm soát đồng bộ
Hiện nay, Cục QLTT tỉnh đang có 11 Đội QLTT trực thuộc làm nhiệm vụ tại các địa phương. Hàng năm các Đội QLTT trực thuộc đơn vị đều tăng cường công tác quản lý địa bàn, kiểm tra, kiểm soát thị trường chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên địa bàn quản lý. Các đơn vị cũng tích cực phối hợp cùng các ngành, cơ quan chức năng có liên quan tập trung theo dõi chặt chẽ diễn biến của thị trường, phát hiện và xử lý kịp thời các hành vi, vi phạm trong kinh doanh thương mại theo quy định của pháp luật. Qua đó góp phần ổn định thị trường, tạo điều kiện lưu thông hàng hóa.
Ông Phạm Quang Khuy, Đội trưởng đội QLTT số 4 (TP Móng Cái), cho biết: Thực hiện các biện pháp QLTT trên địa bàn, chúng tôi luôn nêu cao tinh thần chủ động kiểm soát, chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng cấm, vệ sinh an toàn thực phẩm và hành vi kinh doanh trái pháp luật; tích cực thực hiện kiểm tra và phát hiện xử lý nghiêm những đối tượng vi phạm. Đồng thời, tuyên truyền, hướng dẫn các cá nhân, tổ chức kinh doanh thực hiện các chính sách, pháp luật của nhà nước về thương mại, góp phần ổn định thị trường, tạo môi trường lành mạnh, thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân kinh doanh đúng pháp luật.
Đội QLTT số 8 lập biên bản xử phạt hành chính đối tượng kinh doanh khẩu trang không rõ nguồn gốc, xuất xứ tại huyện Tiên Yên. |
Công tác tăng cường điều tra, trinh sát, phối hợp tốt với các lực lượng chức năng phát hiện và xử lý các hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ, hàng kém chất lượng, hàng vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm, trên địa bàn cũng được phân công quản lý thường xuyên, liên tục. Trong đó, tập trung trọng tâm vào các mặt hàng, như: Pháo các loại, thuốc nổ, đèn trời, đồ chơi trẻ em gây kích động bạo lực, thuốc lá nhập lậu, rượu nhập lậu và các mặt hàng thiết yếu phục vụ tiêu dùng, thuốc chữa bệnh, thiết bị y tế, xăng dầu, khí dầu mỏ hoá lỏng...
Chỉ tính riêng trong năm 2020, Cục QLTT tỉnh đã thực hiện kiểm tra, xử lý 1.594 vụ, với 1.541 đối tượng, xử phạt tổng số tiền gần 16,6 tỷ đồng. Nhiều vụ việc phát hiện và xử lý có tính chất phức tạp, vận chuyển, tàng trữ với số lượng lớn, thủ đoạn tinh vi hòng qua mắt lực lượng chức năng. Điển hình như đêm ngày 24/11/2020, Cục QLTT phối hợp với Công an tỉnh tiến hành khám xét hai xe ô tô Mazda CX5 và xe ô tô Ford Ranger, phát hiện trên hai xe chở tổng cộng 12.505 chiếc thuốc lá điện tử do nước ngoài sản xuất, tổng trị giá hàng hóa gần 1,8 tỷ đồng. Tại thời điểm khám cả hai lái xe đều không xuất trình được hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc hợp pháp của số thuốc lá điện tử trên. Lực lượng QLTT đã tiến hành tịch thu tang vật và xử lý theo quy định.
Tiếp đó, ngày 11/12/2020, Đội QLTT số 1 kiểm tra hộ kinh doanh Thiện Bình, khu 5, phường Ka Long (TP Móng Cái) phát hiện 118 mặt hàng vòng bi nhãn hiệu SKF, 4 mặt hàng vòng bi nhãn hiệu KOYO và 33.026 sản phẩm khác giả mạo nhãn hiệu, với tổng trị giá hàng hoá 382,6 triệu đồng. Đội đã lập biên bản vi phạm hành chính báo cáo Cục trình UBND tỉnh ra quyết định xử phạt 215 triệu đồng và tịch thu toàn bộ số hàng trên theo quy định.
Đội QLTT số 3 kiểm tra một số cửa hàng kinh doanh trên địa bàn TP Cẩm Phả. |
Bước sang năm 2021, mặc dù vẫn còn ảnh hưởng của dịch Covid-19, tuy nhiên công tác kiểm soát thị trường cũng vẫn luôn được đảm bảo, không lơ là, chủ quan. Đặc biệt, thời gian gần đây, việc gian lận thương mại và lừa đảo đang chuyển dần từ phương thức truyền thống sang nền tảng hoạt động thương mại điện tử, mạng xã hội, ứng dụng bán hàng như Facebook, Zalo, Shopee, Lazada, Tiki... Theo đó, lợi dụng cơ chế tạo điều kiện cho sự phát triển của các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp xuất nhập khẩu nên hiện nay việc nhập khẩu hàng hóa chính ngạch tiềm ẩn nhiều vi phạm. Nhiều đối tượng nhận order (đặt hàng) từ nước ngoài về Việt Nam, cam kết đưa hàng hóa (trong đó có cả hàng giả, hàng lậu) về địa chỉ cụ thể của người mua, trong đó tập trung nhiều ở các trang mua hàng của Trung Quốc như: Taobao.com, Tmall.com, 1688.com, Alibaba.com.
Qua công tác nắm tình hình, kiểm tra, kiểm soát, theo dõi, Cục QLTT tỉnh đã chỉ đạo các Đội QLTT trực thuộc tiến hành kiểm tra, xử lý nhiều vụ việc vi phạm lớn, có tính chất điển hình. Cụ thể, trong năm 2020 và những tháng đầu năm 2021, Cục QLTT đã kiểm tra xử lý 18 vụ liên quan đến thương mại điện tử, phạt tiền 1,5 tỷ đồng.
Đảm bảo thị trường lành mạnh, ổn định
Theo số liệu thống kê của Tổng cục QLTT tại diễn đàn “Thực trạng hàng giả, hàng nhái tại Việt Nam năm 2019" và qua thu thập, nghiên cứu của một số chuyên gia về thị trường, cho thấy khi tham gia lưu thông trên thị trường, hàng giả thường trà trộn cùng với hàng thật, hàng có xuất xứ rõ ràng, nên việc phát hiện vi phạm gặp khó khăn nhất định, các đối tượng vi phạm thường xuyên thay đổi phương thức, thủ đoạn và có sự tham gia của các đối tượng nước ngoài, được tổ chức ngày càng tinh vi, có sự câu kết từ khâu sản xuất đến khâu phân phối, sử dụng phương tiện công nghệ, kỹ thuật cao để đối phó các cơ quan chức năng. Vì thế các ngành không được coi nhẹ, lơ là, phải quán triệt sâu sắc, tăng cường kiểm soát, xử lý, không được để xảy ra tụ điểm lớn.
Đoàn công tác số 2 kiểm tra, kiểm soát tại hàng hóa tại Trạm dừng nghỉ Quảng Ninh Gate, TX. Đông Triều. |
Trong công tác phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, Quảng Ninh được Trung ương xác định là một trong những địa bàn nóng bỏng về buôn lậu, cửa ngõ giao thương, trung chuyển hàng cấm, vì thế Cục QLTT tỉnh đã xây dựng và triển khai các kế hoạch hành động, ban hành quy chế và phân công rõ trách nhiệm phối hợp giữa các đơn vị, gắn với việc phân, giao địa bàn quản lý theo hướng “rõ người - rõ việc - rõ trách nhiệm”. Trên tinh thần đó, các đơn vị đã tổ chức khảo sát, đánh giá thực trạng tình hình buôn lậu tại các địa phương, địa bàn, lĩnh vực trọng điểm. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, đấu tranh phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả và nâng cao chất lượng công tác tham mưu, chỉ đạo… Từ đó, đã kịp thời phát hiện, ngăn chặn, bắt giữ và xử lý kịp thời, triệt để hành vi buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả ngay từ khu vực biên giới.
Tính từ đầu năm đến nay, Cục QLTT tỉnh đã kiểm tra, xử lý 215 vụ, 199 đối tượng, xử phạt với tổng số tiền trên 8,3 tỷ đồng. Trong đó, phạt vi phạm hành chính gần 2,3 tỷ đồng; trị giá hàng hóa tịch thu, phát mại trên 732 triệu đồng; trị giá hàng hóa tiêu hủy trên 5,3 tỷ đồng. Các hình thức vi phạm chủ yếu vẫn tập trung về: Buôn lậu, hàng cấm, sở hữu trí tuệ, điều kiện kinh doanh, hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ…
Đội QLTT số 8 tiến hành tiêu hủy hàng hóa không rõ nguồn gốc, hàng nhái thương hiệu. |
Ông Nguyễn Đình Hưng, Cục trưởng Cục QLTT tỉnh, cho biết: Xác định công tác kiểm tra chống hàng giả, hàng cấm, hàng không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm là nhiệm vụ trọng tâm, vừa cấp bách, vừa lâu dài, Cục QLTT đã bám sát kế hoạch, chỉ đạo của cấp trên để thực hiện đồng bộ các biện pháp kiểm tra, phối hợp kiểm soát trên địa bàn tỉnh. Chú trọng bám sát yêu cầu của nhiệm vụ, công tác quản lý địa bàn, trinh sát, nắm chắc tình hình giá cả, biến động của thị trường, qua đó đã phát hiện và kịp thời ngăn chặn xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định, tạo điều kiện thuận lợi để hàng hóa hợp pháp lưu thông trên thị trường, đảm bảo an toàn thực phẩm, sức khỏe và quyền lợi người tiêu dùng.
Thời gian tới, Cục sẽ tăng cường công tác tuyên truyền, đồng hành cùng doanh nghiệp, tăng cường mối quan hệ phối hợp với doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh chân chính trong và ngoài tỉnh để thường xuyên trao đổi thông tin nhận biết kịp thời về việc gian lận trong sản xuất - kinh doanh. Đồng thời kêu gọi mọi người dân tích cực tham gia phát giác, tố giác tội phạm sản xuất những mặt hàng không đạt chất lượng, không tiếp tay cho các đối tượng buôn lậu, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng nhái và hàng kém chất lượng.
Song song với đó, sẽ tiếp tục ổn định tổ chức, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, nhân viên với việc mở các lớp bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ về thị trường, cập nhật kiến thức chuyên ngành phù hợp với yêu cầu đòi hỏi ngày càng cao của thị trường; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác chuyên môn để thích ứng với việc thực hiện cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, công nghệ trí tuệ nhân tạo, gần nhất là Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số và nền kinh tế số ở Việt Nam.
Minh Đức
Liên kết website
Ý kiến ()