Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 13/01/2025 21:36 (GMT +7)
Siết chặt quản lý an toàn thực phẩm dịp Tết Nguyên đán và lễ hội đầu xuân
Thứ 2, 13/01/2025 | 16:05:58 [GMT +7] A A
Vào mỗi dịp Tết Nguyên đán và mùa lễ hội xuân tập trung đông người, cùng với nỗi lo khan hàng, tăng giá là vấn đề bảo đảm an toàn thực phẩm (ATTP) bởi dịp này các loại hàng hóa không đảm bảo chất lượng, quá hạn sử dụng, không rõ nguồn gốc xuất xứ có dịp trà trộn, tung ra thị trường tiêu thụ nhằm đánh lừa người tiêu dùng. Trước nguy cơ cao tiềm ẩn mất ATTP, các cơ quan chức năng và các địa phương, doanh nghiệp đã tích cực phối hợp kiểm soát quyết liệt nội dung này…
Trên địa bàn TP Móng Cái hiện có 13 chợ và trung tâm thương mại, 6.557 cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm; trong đó lĩnh vực ngành y tế quản lý là 836 cơ sở, lĩnh vực công thương quản lý là 2.264 cơ sở; 3.457 cơ sở sản xuất, kinh doanh sản phẩm nông, lâm, thủy sản thuộc ngành nông nghiệp quản lý. Nhằm tăng cường công tác đảm bảo VSATTP, nhất là trong dịp Tết Nguyên đán và mùa lễ hội xuân 2025, ngay từ cuối năm 2024, TP Móng Cái đã củng cố, kiện toàn Ban Chỉ đạo liên ngành về ATTP từ thành phố đến các xã, phường đủ sức mạnh, đủ thành phần để lãnh đạo, chỉ đạo công tác bảo đảm ATTP trên địa bàn. Đến nay, các xã, phường đã kiện toàn Ban Chỉ đạo, trong đó đồng chí Chủ tịch UBND xã, phường làm Trưởng ban; xây dựng quy chế hoạt động và phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên, nhất là đối với công chức văn hóa xã theo dõi công tác ATTP.
Thành phố cũng tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định về bảo đảm ATTP, các quy định về điều kiện bảo đảm ATTP trong sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm, quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực ATTP, các quy định của pháp luật trong việc phòng chống buôn lậu, hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Tuyên truyền về tác hại, thiệt hại của việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trong trồng rau, chất cấm trong chăn nuôi, hóa chất, kháng sinh trong nuôi trồng thủy sản; tác hại của việc sử dụng thực phẩm không an toàn đối với sức khỏe; tuyên truyền nâng cao kiến thức, thái độ, thực hành về ATTP trong dịp Tết và mùa lễ hội năm 2025.
Nhằm đảm bảo chất lượng VSATTP phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân trong dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ và mùa lễ hội xuân 2025, huyện Đầm Hà cũng đã chỉ đạo các đơn vị, cơ quan chức năng tăng cường công tác phối hợp kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm về VSATTP. Hiện nay, trên địa bàn huyện có trên 2.089 cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm. Huyện đã tập trung chỉ đạo đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền, kiểm tra thường xuyên, liên tục các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm, nhằm nâng cao nhận thức, ý thức của cộng đồng trong công tác đảm bảo VSATTP, kiểm soát, ngăn chặn kịp thời thực phẩm kém chất lượng. Đồng thời, thành lập 2 đoàn kiểm tra liên ngành về VSATTP, tiến hành kiểm tra công tác quản lý về ATTP của các xã, thị trấn và công tác đảm bảo VSATTP tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn huyện như: Cơ sở sản xuất giò chả, bún phở; cơ sở kinh doanh bánh, kẹo, rượu, bia, nước giải khát tại chợ trung tâm huyện và các xã, thị trấn trên địa bàn huyện. Cùng với kiểm tra, Đoàn liên ngành của huyện đã nhắc nhở, hướng dẫn các hộ sản xuất, kinh doanh về quy định bố trí, sắp xếp các ngành hàng, mặt hàng, bảo hộ lao động; thông tin, tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về VSATTP cũng như các kiến thức trong việc lựa chọn, bảo quản, chế biến và tiêu dùng thực phẩm đến người dân, các hộ sản xuất, kinh doanh, từ đó nâng cao nhận thức và ý thức của cộng đồng trong công tác bảo đảm ATTP.
Cùng với các địa phương, thời gian này, việc tăng cường các hoạt động thanh, kiểm tra VSATTP là một trong những giải pháp được các ngành chức năng tích cực triển khai. Thông qua hoạt động thanh, kiểm tra giúp các ngành, đơn vị chức năng đánh giá thực trạng việc chấp hành các quy định pháp luật về bảo đảm VSATTP của các cơ sở sản xuất, kinh doanh các mặt hàng thực phẩm và đánh giá công tác chỉ đạo triển khai các biện pháp bảo đảm ATTP trên địa bàn. Quan trọng hơn là kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý các hành vi vi phạm về VSATTP, qua đó nâng cao chất lượng VSATTP, hạn chế tối đa các vụ ngộ độc thực phẩm.
Điển hình như Cục QLTT tỉnh triển khai đợt cao điểm đấu tranh phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán, tập trung vào các mặt hàng bánh kẹo, đường, rượu, bia, nước ngọt, lương thực, thực phẩm... Sau khi phát động đợt cao điểm, riêng tháng 12/2024, toàn tỉnh đã phát hiện xử lý 47 vụ/ 47 đối tượng/50 hành vi vi phạm hành chính với tổng số tiền gần 610 triệu đồng. Luỹ kế 12 tháng năm 2024, kiểm tra 1.174 vụ, phát hiện xử lý 1.068 vụ/1.068 đối tượng/1.212 hành vi vi phạm, bằng 104% số vụ xử phạt so với cùng kỳ 2023, với tổng số tiền trên 28 tỷ đồng, bằng 147% so với cùng kỳ 2023.
Theo ông Nguyễn Đình Hưng, Cục trưởng Cục QLTT tỉnh: Để đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng, đơn vị phối hợp chặt chẽ với các ngành, lực lượng chức năng như: Công an, Hải quan, BĐBP, Thanh tra chuyên ngành... thường xuyên rà soát, kiểm tra khâu lưu thông, nhất là hàng hóa vận chuyển từ biên giới vào nội địa cả trên tuyến đường bộ và đường biển, các kho hàng, bến bãi, điểm tập kết hàng hóa, trung tâm thương mại, siêu thị, chợ đầu mối, các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm. Chủ động phối hợp với các cơ quan báo chí, truyền thông đưa tin về hoạt động kiểm tra, xử lý vi phạm trong đợt cao điểm; kết hợp công tác kiểm tra, xử lý vi phạm với việc vận động các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh tham gia đấu tranh, phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả bằng các hình thức đa dạng, thiết thực; tiến hành ký cam kết không kinh doanh hàng cấm, hàng giả, hàng nhập lậu, kém chất lượng, không rõ nguồn gốc, xuất xứ; kiểm tra, xử lý nghiêm đối với những cơ sở kinh doanh đã ký cam kết vi phạm.
Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm cũng đã tham mưu cho Sở Y tế xây dựng, trình UBND tỉnh các chương trình, kế hoạch, nội dung hoạt động cụ thể để đảm bảo ATTP dịp Tết Nguyên đán và lễ hội xuân năm 2025. Trong đó, tập trung vào một số nội dung trọng tâm, như: Tập trung đẩy mạnh tuyên truyền qua các phương tiện truyền thông, qua hình thức phát tờ rơi, tờ gấp… tới các tổ chức, cơ sở, cá nhân tham gia hoạt động sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm và người tiêu dùng về VSATTP. Từ đó, giúp nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành các quy định về ATTP của các đối tượng sản xuất, kinh doanh thực phẩm; giúp người tiêu dùng có thêm kiến thức, nhận thức để có thể lựa chọn được thực phẩm an toàn, tự bảo vệ bản thân. Cùng với đó, tiếp tục đẩy mạnh phối hợp liên ngành, triển khai đồng bộ các biện pháp bảo đảm ATTP, phòng chống ngộ độc thực phẩm, cảnh báo nhanh sự cố về ATTP trên toàn tỉnh. Nhất là tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra định kỳ, đột xuất và tiến hành kiểm nghiệm, giám sát, hậu kiểm việc thực hiện các quy định của pháp luật về ATTP; kiên quyết xử lý vi phạm trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm…
Hoài Anh
Liên kết website
Ý kiến ()