Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 12:06 (GMT +7)
Siết chặt quản lý an toàn thực phẩm từ cơ sở
Thứ 7, 18/05/2024 | 15:06:54 [GMT +7] A A
Theo số liệu thống kê, hiện nay dân số Quảng Ninh có khoảng 1,36 triệu người, ngoài ra hằng năm tỉnh đón thêm khoảng 15,5 triệu lượt khách du lịch, kéo theo đó là nhu cầu lớn về lương thực, thực phẩm. Vì vậy, việc đảm bảo an toàn thực phẩm (ATTP) cho cả người dân và du khách luôn là mối quan tâm hàng đầu của tỉnh và các địa phương trên địa bàn.
Trên địa bàn tỉnh có gần 49.000 cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm. Tuy nhiên, sản lượng lương thực, thực phẩm sản xuất tại chỗ của tỉnh chỉ đáp ứng gần 60% nhu cầu thực tế. Nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về ATTP, đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất trong công tác chỉ đạo, điều hành, Ban Chỉ đạo ATTP từ tỉnh đến cơ sở đã được kiện toàn theo đúng quy định. Trong đó, phân công rõ trách nhiệm các thành viên nhằm phát huy tối đa hiệu quả quản lý, tạo sự thống nhất, chặt chẽ trong công tác quản lý ATTP, đặc biệt là trách nhiệm của Chủ tịch UBND các cấp.
Ngay từ đầu năm, các cơ quan quản lý chuyên ngành về ATTP và các địa phương đã chủ động, phối hợp xây dựng kế hoạch, phương án phòng chống ngộ độc thực phẩm và tổ chức triển khai thực hiện các biện pháp giám sát bảo đảm ATTP; thành lập các đoàn, tổ điều tra ngộ độc thực phẩm phản ứng nhanh để sẵn sàng điều tra, xử lý các vụ ngộ độc thực phẩm và sự cố về ATTP khi xảy ra theo phân công, phân cấp quản lý.
Đặc biệt, để đảm bảo ATTP trong mùa cao điểm du lịch, từ đầu năm đến nay đã có 216 đoàn thanh tra, kiểm tra được thành lập từ cấp tỉnh đến cấp xã với gần 3.000 số cơ sở được thanh, kiểm tra. Trong đó, đặc biệt lưu ý các địa bàn trọng điểm du lịch, tăng cường kiểm tra đột xuất, xử lý nghiêm vi phạm… Quá trình thanh tra, kiểm tra, các đoàn đã phát hiện và xử phạt vi phạm hành chính 149 cơ sở vi phạm về ATTP (chiếm 5,06%) với tổng số tiền phạt gần 1,65 tỷ đồng, tịch thu tiêu huỷ nhiều sản phẩm thực phẩm chủ yếu là hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng hoá thực phẩm nhập lậu với trị giá trên 750 triệu đồng.
Ông Lưu Văn Dần, Chi cục Trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm, thủy sản (Sở NN&PTNT), cho biết: Qua công tác thanh tra, kiểm tra cho thấy, đa số các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn tỉnh đã chấp hành tương đối tốt các quy định đảm bảo ATTP, nhận thức về ATTP của người dân được nâng cao, người tiêu dùng đã biết lựa chọn thực phẩm đảm bảo an toàn để sử dụng. Mặc dù vậy, công tác đảm bảo ATTP cũng còn những tồn tại, như: Một số cơ sở chưa khám sức khỏe cho người lao động đầy đủ; không có giấy xác nhận kiến thức về ATTP; sắp xếp bày bán hàng hóa thực phẩm chưa khoa học; chưa thực hiện cam kết bảo đảm ATTP với chính quyền địa phương…
Đánh giá về công tác đảm bảo ATTP của tỉnh, ông Ngô Hồng Phong, Phó Cục trưởng Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường (Bộ NN&PTNT), Trưởng đoàn kiểm tra liên ngành Trung ương về ATTP số 2 tại Quảng Ninh, khẳng định: Những kết quả trong công tác giám sát, kiểm tra, xử phạt cho thấy tỉnh Quảng Ninh đã rất quan tâm, chú trọng đến sức khỏe và quyền lợi của người tiêu dùng. Để tăng cường, bảo đảm an ninh, ATTP trong tình hình mới, tỉnh cần tiếp tục đẩy mạnh tăng cường công tác hậu kiểm đối với những cơ sở đã vi phạm. Đồng thời cần kiên quyết xử lý các hành vi vi phạm quy định ATTP đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm; chủ động đánh giá nguy cơ về ngộ độc thực phẩm tại các địa bàn, đối tượng cụ thể để có những biện pháp khắc phục kịp thời, giảm thiểu ngộ độc do tiêu dùng thực phẩm không an toàn; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, coi công tác truyền thông là nhiệm vụ trọng tâm. Qua đó, góp phần tiếp tục nâng cao nhận thức của người dân trong sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng thực phẩm.
Hoàng Nga
Liên kết website
Ý kiến ()