Khi đại dịch Covid-19 bùng phát, nhu cầu sử dụng đồ bảo hộ y tế ngày một tăng, nhóm sinh viên Lê Thị Mát, Bùi Thu Thủy, Vũ Đình Khiêm, Đoàn Tâm Anh, ngành Công nghệ kỹ thuật hóa học, bộ môn Lọc hóa dầu, khoa Dầu khí, Trường đại học Mỏ - Địa chất nghĩ tới việc nghiên cứu vật liệu có thể tự phân hủy để giảm gánh nặng rác thải y tế.
Sinh viên Lê Thị Mát, thành viên nhóm cho biết, từ năm 2020 nghiên cứu được thực hiện với mục đích tạo ra sản phẩm đồ y tế tự hủy được trong điều kiện tự nhiên.
Tìm hiểu của nhóm thời điểm đó trên thế giới mới có loại khẩu trang từ cellulose, chưa có đồ bảo hộ y tế tự hủy. Để sản xuất bộ đồ bảo hộ y tế có thể tự phân hủy, bước khởi đầu cần tạo màng sinh khối vi sinh vật, tức là các tế bào vi sinh vật để dệt thành sợi.
TS Nguyễn Thị Linh, giảng viên Bộ môn Kỹ thuật hóa học, Khoa Dầu khí, Đại học Mỏ Địa chất, giáo viên hướng dẫn nhóm cho biết, nghiên cứu mới dừng ở khâu tạo chủng vi sinh vật thành công, là nguyên liệu để làm khẩu trang, quần áo bảo hộ y tế. Các màng sinh khối này có khả năng kéo thành các sợi nano, có thể may, dệt. Để có bộ đồ y tế hoàn thiện, cần thực hiện thêm các công đoạn kéo sợi, dệt tạo tấm và sản xuất sản phẩm.
Kết quả thử nghiệm ở điều kiện nhiệt độ từ 40-50 độ C và độ ẩm trên 80%, màng có thể phân hủy trong vòng một tháng. Trong môi trường bình thường, thời gian phân hủy khoảng 3-4 tháng. Đồ bảo hộ y tế này chỉ dùng một lần và có thể bảo quản từ 3-4 tháng ở môi trường tự nhiên.
"Hiện ở Việt Nam, màng sinh khối vi sinh vật đã được ứng dụng vào sản xuất băng gạc kháng khuẩn, chưa có nghiên cứu để làm đồ bảo hộ tự hủy", TS Linh nói. Vật liệu nhóm nghiên cứu tạo được có thể dùng may đồ bảo hộ y tế tự hủy với đầy đủ các tính năng, công dụng như các đồ bảo hộ y tế thông thường theo tiêu chuẩn. Ngoài ra, ở kích thước sợi nano, sản phẩm còn có khả năng kháng khuẩn. Sau khi sử dụng, chỉ cần để vào khu kín, tránh virus, vi khuẩn phát tán, sau 2-3 tháng sẽ tự phân hủy thành CO2 và nước", TS Linh cho hay.
TS Nguyễn Thị Linh cho biết, do khâu tạo màng sinh khối để kéo sợi, dệt tốn kém hơn so với quy trình sản xuất đồ bảo hộ thông thường, nên giá thành phẩm dự kiến có thể cao hơn nhưng chênh lệch không nhiều.
Nhóm nghiên cứu mong muốn sẽ có nhà đầu tư hỗ trợ phát triển dự án này để thực hiện tiếp công đoạn tạo sợi, dệt và sản xuất đồ bảo hộ.
Ý kiến ()