Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 16:04 (GMT +7)
Số ca mắc COVID-19 toàn thế giới gần chạm mốc 390 triệu
Thứ 7, 05/02/2022 | 10:11:16 [GMT +7] A A
Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 21h30 ngày 4/2, thế giới đã ghi nhận 389.942.368 ca nhiễm virus SARS-CoV-2, trong đó có 5.733.709 ca tử vong. Số người đã bình phục là 308.474.766, trong khi có 91.357 ca phải điều trị tích cực.
Mỹ có số ca nhiễm nhiều nhất thế giới (trên 77,1 triệu ca), nhiều hơn gần 2 lần so với số ca nhiễm tại Ấn Độ, nước đứng thứ hai với 41,9 triệu ca, trong khi số ca nhiễm tại Brazil là trên 26 triệu ca. Xét về số ca tử vong, Mỹ vẫn dẫn đầu với 920.829 ca, tiếp đó là Brazil với 630.001 ca trong khi con số này ở Ấn Độ đã vượt ngưỡng 500.000 ca.
Châu Âu là khu vực bị ảnh hưởng nhiều nhất, với trên 132 triệu ca nhiễm, trong đó có 1.630.960 ca tử vong. Tiếp đến là châu Á với 102 triệu ca nhiễm và 1.299.409 ca tử vong. Các số liệu lần lượt ở Bắc Mỹ là trên 90 triệu ca nhiễm và 1.334.463 ca tử vong, ở Nam Mỹ là trên 49,7 triệu ca nhiễm và 1.221.426 ca tử vong.
Kết quả nghiên cứu mới của Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ ngày 4/2 cho thấy đột quỵ thiếu máu là một biến chứng có thể xảy ra ở bệnh nhân COVID-19, và nguy cơ này cao nhất trong vòng 3 ngày sau khi nhiễm virus SARS-CoV-2.
Theo nghiên cứu, nguy cơ bệnh nhân COVID-19 bị đột quỵ trong 3 ngày đầu mắc bệnh cao hơn 10 lần so với giai đoạn trước khi người đó nhiễm virus. Đồng tác giả nghiên cứu, nhà khoa học cấp cao của CDC Quanhe Yang cho biết tiêm chủng và các biện pháp phòng COVID-19 khác là rất quan trọng để giảm thiểu nguy cơ nhiễm bệnh và gặp các biến chứng như đột quỵ.
Nhằm đẩy mạnh việc xét nghiệm thuận tiện, các nhà nghiên cứu ở Singapore mới đây đã phát triển một mẫu máy phân tích hơi thở, được cho là có hiệu quả tương tự như khi làm xét nghiệm PCR, có khả năng xác định ca mắc COVID-19. Điều đặc biệt, chiếc máy này cho độ chính xác tới hơn 95% trong việc phát hiện nhiễm SARS-CoV-2 có triệu chứng và không triệu chứng, cho kết quả trong vòng chưa đầy 5 phút.
Máy phân tích hơi thở này không phát hiện virus, thay vào đó được thiết kế để xác định các dạng hợp chất hữu cơ dễ bay hơi (VOCs) có chứa virus SARS-CoV-2. Các dạng phân tử cụ thể, trong đó có aldehyde và xeton, liên kết với virus SARS-CoV-2 giúp các nhà khoa học có thể sử dụng hơi thở để xét nghiệm sàng lọc COVID-19. Thiết bị mới này sử dụng công nghệ quang phổ Raman - kỹ thuật quang phổ dựa trên sự tán xạ không đàn hồi của ánh sáng đơn sắc thường được phát từ một nguồn laser, cho phép xác định các mẫu phân tử nhất định với độ chính xác cao.
Điều quan trọng là các máy quang phổ Raman có thể mang đi, cho phép sàng lọc hơi thở trên quy mô lớn. Thiết bị chứa bộ 3 cảm biến tán xạ Raman tăng cường bề mặt (SERS) gắn vào các ống nano bạc. Chỉ cần 10 giây thở là có thể thu thập mẫu. Sau đó, thiết bị phân tích hơi thở được đưa vào một quang phổ kế cầm tay nhỏ, cho ra kết quả trong vòng chưa đầy 5 phút. Các nhà khoa học cho rằng cần thực hiện nhiều bước nữa mới có thể xác nhận các kết quả trên cũng như đưa công nghệ trên ra thị trường. Tuy nhiên, việc phát minh ra máy phân tích hơi thở hứa hẹn mang lại công nghệ xét nghiệm sàng lọc COVID-19 mới dễ dàng hơn.
Trong một diễn biến mới nhất, công ty dược phẩm Afrigen của Nam Phi cho biết đã sử dụng trình tự đã được công bố của vaccine mRNA của hãng Moderna để bào chế phiên bản vaccine riêng ngừa COVID-19. Dự kiến, loại vaccine này sẽ được thử nghiệm lâm sàng trước cuối năm nay. Đây sẽ là ứng viên vaccine đầu tiên trên thế giới được bào chế dựa trên một loại vaccine đã được sử dụng rộng rãi mà không có sự hỗ trợ hay cấp phép từ phía nhà phát triển. Đây cũng là loại vaccine sử dụng công nghệ mRNA đầu tiên được thiết kế, phát triển và sản xuất trong phạm vi phòng nghiên cứu ở châu Phi.
Theo kế hoạch, Biovac, nhà sản xuất vaccine của Nam Phi (có một phần vốn nhà nước) sẽ là công ty đầu tiên tiếp nhận công nghệ từ trung tâm nói trên. Afrigen cũng đã nhất trí sẽ đào tạo cho các công ty ở Argentina và Brazil. Giám đốc Afrigen, Petro Terblanche cho biết Afrigen đang nghiên cứu phát triển vaccine mRNA không yêu cầu được bảo quản ở nhiệt độ quá lạnh như vaccine của Pfizer hay Moderna, để phù hợp với thời tiết ở châu Phi cũng như điều kiện cơ sở vật chất của các cơ sở y tế tại đây. Mục tiêu của Afrigen là thử nghiệm lâm sàng vaccine này trong tháng 11/2022.
Hiện tại, WHO đang khuyến nghị tăng tỷ lệ tiêm vaccine ngừa COVID-19 tại châu Phi thêm 6 lần nhằm đạt mục tiêu bao phủ vaccine 70% như đã lên kế hoạch trong 6 tháng đầu năm 2022. Văn phòng WHO khu vực châu Phi nhấn mạnh mặc dù nguồn cung vaccine ngừa COVID-19 đã tăng đáng kể, tuy nhiên, châu lục này vẫn gặp khó khăn trong việc mở rộng chương trình tiêm chủng, khi mới chỉ có 11% dân số tiêm đủ liều vaccine cơ bản. Tiến sĩ Matshidiso Moeti, Giám đốc WHO khu vực châu Phi nhấn mạnh cần có một chiến lược đáng tin cậy để có thể đưa lượng vaccine này ra khỏi kho và đến tay người dân.
Liên quan đến các biện pháp phòng dịch, ngày 4/2, quan chức đứng đầu chính quyền khu hành chính đặc biệt Hong Kong (Trung Quốc), bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga cho biết sẽ sớm tiến hành xét nghiệm nhanh kháng nguyên cho toàn bộ 7,5 triệu cư dân của đặc khu, trong nỗ lực tăng cường nhằm kiểm soát đợt bùng phát mới. Hong Kong đang sản xuất 10 triệu bộ xét nghiệm nhanh để phục vụ chiến dịch xét nghiệm đại trà. Tuy nhiên, bà Lâm không nói rõ thời điểm và cách triển khai chiến dịch này như thế nào. Nhân dịp này. bà cũng thông báo gói cứu trợ bổ sung trị giá 20 tỷ đôla Hong Kong (2,6 tỷ USD) cho các cá nhân và doanh nghiệp nhỏ bị ảnh hưởng của các biện pháp phòng dịch hiện hành.
Trong khi đó, Lào giảm thời gian cách ly với một số đối tượng nhập cảnh nhất định, từ 14 ngày xuống còn 7 ngày. Bên cạnh đó, tất cả các cơ sở thể thao trong nhà và ngoài trời được phép mở hoàn toàn với điều kiện tuân thủ các nguyên tắc phòng chống COVID -19, tuy nhiên các câu lạc bộ đêm và quán karaoke vẫn tiếp tục đóng cửa.
Tây Ban Nha cũng thông báo sẽ hủy bỏ quy định bắt buộc đeo khẩu trang ở ngoài trời từ ngày 8/2, chính thức chấm dứt biện pháp được tái áp đặt từ cuối tháng 12/2021 khi xuất hiện biến thể Omicron khiến số ca nhiễm tăng cao. Bộ trưởng Y tế Carolina Darias cho biết quyết định được đưa ra trên cơ sở thời gian gần đây tình hình dịch bệnh đã được cải thiện rõ rệt.
Chính phủ Italy cũng đã quyết định nới lỏng một số hạn chế phòng dịch, bao gồm việc mở cửa trường học, trong bối cảnh Thủ tướng Mario Draghi cam kết "tiếp tục con đường mở cửa trở lại". Theo quy định mới, Italy sẽ chấm dứt học trực tuyến đối với học sinh tiểu học và trung học, bất kể số học sinh bị mắc COVID-19 trong lớp. Tại các trường mẫu giáo, các lớp học sẽ chỉ chuyển sang học trực tuyến khi có trên 5 học sinh bị mắc COVID-19, so với 1 học sinh trước đây.
Theo TTXVN
Liên kết website
Ý kiến ()