Tất cả chuyên mục
Thứ Tư, 25/12/2024 12:22 (GMT +7)
Số ca mắc mới tại Lào tăng cao trở lại, Anh ghi nhận số người nhiễm COVID-19/ngày cao nhất
Thứ 4, 20/10/2021 | 09:27:10 [GMT +7] A A
Đến sáng 20/10, thế giới có trên 242,2 triệu người mắc COVID-19, trong đó hơn 4,92 triệu trường hợp đã tử vong vì đại dịch này.
Quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất bởi dịch COVID-19 vẫn là Mỹ với trên 45,9 triệu ca mắc và hơn 747.600 trường hợp tử vong. Trong ngày qua, Mỹ ghi nhận thêm hơn 39.300 người nhiễm virus SARS-CoV-2.
Bang Florida, Mỹ vừa khởi công xây dựng một tòa nhà chọc trời được trang bị thêm các thiết bị phòng chống dịch bệnh. Đây được xem là tòa nhà với thiết kế đặc biệt có khả năng ngăn ngừa dịch bệnh đầu tiên trên thế giới. Tòa nhà cao 55 tầng với kinh phí đầu tư ước tính lên tới 500 triệu USD. Theo thiết kế, công trình sẽ có 310 căn hộ sang trọng, 219 phòng khách sạn và nhiều cơ sở y tế đặt tại 10 tầng. Các cơ sở này đều được trang bị robot diệt khuẩn hiện đại, công nghệ không chạm và hệ thống lọc không khí tối tân. Tòa nhà dự kiến được hoàn thành vào năm 2024.
Ngày 19/10 (theo giờ địa phương), Bộ An ninh Nội địa Mỹ thông báo ,người đứng đầu của cơ quan này, ông Alejandro Mayorkas, có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-COV-2. Người phát ngôn của Bộ An ninh Nội địa Marsha Espinosa cho biết, Bộ trưởng Mayorkas được xác định mắc COVID-19 sau khi xét nghiệm theo quy trình trước khi đi công tác. Ông Mayorkas đã được tiêm đầy đủ vaccine ngừa COVID-19, tuy nhiên chưa tiêm mũi tăng cường. Ông Mayorkas hiện chỉ bị các triệu chứng nhẹ và phải cách ly và làm việc tại nhà. Theo kế hoạch, Bộ trưởng Mayorkas sẽ có chuyến công du tới Colombia cùng Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken.
Ông Mayorkas, 61 tuổi, là quan chức mới nhất trong chính quyền Mỹ thông báo nhiễm COVID-19 mặc dù đã được tiêm phòng đầy đủ. Trước đó, ngày 18/10, cựu Ngoại trưởng Mỹ Colin L. Powell đã qua đời do biến chứng của COVID-19.
Tại tâm dịch COVID-19 lớn thứ hai thế giới Ấn Độ, vào ngày 19/10, nước này ghi nhận hơn 14.900 ca mắc mới COVID-19 và 199 trường hợp tử vong. Hiện tổng cộng trên 34,1 triệu người mắc COVID-19, bao gồm hơn 452.600 trường hợp thiệt mạng vì COVID-19 tại quốc gia Nam Á này.
Brazil hiện là điểm nóng dịch bệnh lớn thứ 3 thế giới với hơn 603.500 bệnh nhân COVID-19 không qua khỏi trong tổng số trên 21,6 triệu người nhiễm bệnh ở quốc gia này.
Cơ quan Quản lý dược phẩm châu Âu mới đây đã phê duyệt công thức mới cho loại vaccine ngừa COVID-19 do Pfizer và BioNTech phối hợp phát triển. Công thức mới được đánh giá là tiện dụng hơn cho loại vaccine Comirnaty của Pfizer- BioNTech. Công thức này không cần pha loãng trước khi sử dụng, sẽ được đóng gói trong hộp 10 lọ vaccine (tương đương 60 liều) và có thể được bảo quản ở nhiệt độ 2 - 8°C trong tối đa 10 tuần. Những điểm khác biệt này sẽ giúp cải thiện công tác bảo quản, vận chuyển và logistic để đảm bảo việc phân phối và tiêm vaccine.
Trong nhiều ngày liên tiếp, Anh ghi nhận số ca mắc COVID-19 hàng ngày trên 40.000 ca. Tình hình càng đáng lo ngại khi số ca mắc mới ở trẻ em cũng gia tăng. Vào thời điểm này, vấn đề tiêm chủng cho trẻ em lại được đem ra mổ xẻ.
Số ca mắc mới COVID-19 ở Anh nói chung cao hơn nhiều so với các nước châu Âu khác và đang tiếp tục gia tăng. Số liệu mới đây cho thấy, tỷ lệ lây nhiễm tại Anh hiện ở mức cao nhất kể từ tháng 1 năm nay, với 8% học sinh trung học bị nhiễm bệnh. Tỷ lệ tiêm chủng ở Anh đang tụt hậu so với nhiều nước châu Âu. Một số nhà khoa học cho rằng những thông tin trái chiều xung quanh việc tiêm phòng cho trẻ em, khởi đầu chậm trễ và cách tiếp cận không linh hoạt khi triển khai là những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này.
Tháng 9, các quan chức y tế Anh đã khuyến nghị, tất cả trẻ em từ 12 đến 15 tuổi nên được tiêm vaccine ngừa COVID-19 để tránh gián đoạn việc học tập. Khuyến nghị này được cho là sẽ mở đường cho kế hoạch tiêm phủ vaccine ngừa COVID-19 cho trẻ em từ 12-15 tuổi ở Anh. Trước đó, cơ quan tư vấn về vaccine của Chính phủ Anh khuyến nghị không nhất thiết tiêm cho trẻ em khỏe mạnh trong nhóm tuổi này. Tuy nhiên, với việc nhiều học sinh và giáo viên đã bị mắc COVID-19 trong thời gian không đến trường, một số nhà khoa học cho rằng, việc triển khai kế hoạch tiêm chủng này là quá chậm trễ. Hiện cơ quan y tế Anh đặt mục tiêu tiêm chủng cho tất cả trẻ em trước kỳ nghỉ giữa kỳ, bắt đầu vào tuần tới.
Trên 43.700 trường hợp mắc mới tại Anh đã được báo cáo, mức cao nhất kể từ giữa tháng 7 và cao nhất thế giới trong ngày 19/10. Cựu cố vấn khoa học David King nói rằng, đỉnh dịch trong mùa đông này "có thể nghiêm trọng không kém đợt dịch trước" và quá trình triển khai mũi tiêm nhắc được cho là diễn ra "cực kỳ chậm".
Chính phủ Anh ngày 19/10 cho biết đang theo dõi một biến thể phụ của chủng Delta đang có dấu hiệu gia tăng trong số ca nhiễm mới COVID-19. Người phát ngôn của Thủ tướng Boris Johnson cho biết, Chính phủ Anh đang "theo dõi sát" biến thể có tên gọi AY.4.2 và "sẵn sàng hành động nếu cần thiết", nhưng nói thêm rằng chưa có bằng chứng cho thấy, biến thể này lây lan dễ hơn.
Ngày 19/10, Nga đã ghi nhận thêm 33.740 ca mắc COVID-19. Hiện tổng số người nhiễm COVID-19 tại Nga là hơn 8 triệu ca. Giới chức y tế Nga nhận định, tâm lý ngại tiêm chủng là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này, khiến việc triển khai vaccine diễn ra khá chậm chạp. Ước tính mới có hơn 1/3 dân số Nga tiêm một mũi vaccine. Các cuộc thăm dò dư luận cho thấy, có đến một nửa dân số không có kế hoạch tiêm phòng. Trong khi đó, số ca mắc COVID-19 thời gian gần đây tại Nga đang tăng cao, phần lớn là do biến thể Delta có khả năng lây lan mạnh. Nguy hiểm hơn, mỗi ngày trên toàn nước Nga có xấp xỉ 1.000 người tử vong do COVID.
Ngày 19/10, Phó Thủ tướng Nga Tatyana Golikova đã đề nghị một tuần từ ngày 30/10 - 7/11 không làm việc để ngăn chặn tình trạng lây nhiễm COVID-19. Chính quyền thành phố Moscow cũng ban hành loạt biện pháp cứng rắn để kiểm soát dịch.
Ngày 19/10, New Zealand đã ghi nhận số ca mắc mới cao nhất kể từ khi đại dịch bắt đầu vào năm 2020, khi biến thể Delta lây lan ở thành phố Auckland lớn nhất của nước này. New Zealand, quốc gia ở Nam Thái Bình Dương, đã báo cáo 98 trường hợp nhiễm COVID-19 mới trong ngày 19/10, trong đó có 87 ca được xác định ở Auckland. Tổng cộng đã có 28 trường hợp tử vong do virus SARS-CoV-2 ở New Zealand.
Từng là tấm gương điển hình về phòng chống COVID-19, New Zealand đã phải nỗ lực khống chế một đợt bùng phát biến thể Delta lan rộng trên khắp thành phố Auckland và các khu vực lân cận, bất chấp nước này đã áp đặt các biện pháp phong tỏa nghiêm ngặt và đóng cửa biên giới.
Chính phủ Indonesia tiếp tục gia hạn lệnh hạn chế các hoạt động cộng đồng bất chấp việc số ca nhiễm mới COVID-19 ở nước này đã giảm mạnh. Cụ thể, lệnh hạn chế các hoạt cộng đồng cấp độ 1 và 2 vẫn áp đặt từ hôm nay tới ngày 2/11 tới tại hai hòn đảo đông dân Java và Bali. Còn tại các địa phương khác là cấp độ từ 2 đến 4 tới ngày 8/11.
Indonesia bắt đầu áp đặt lệnh hạn chế các hoạt động cộng đồng từ ngày 3/7. Tính đến nay, biện pháp chống dịch này đã được gia hạn tổng cộng 11 lần.
Trong nhiều tuần gần đây, số ca nhiễm COVID-19 tại Indonesia đã giảm mạnh. Từ ngày 29/9 đến nay, số ca nhiễm mới chưa khi nào vượt quá 2.000 ca mỗi ngày. Tuy nhiên, quốc gia Đông Nam Á này được dự báo sẽ phải đối mặt với đợt bùng phát dịch thứ 3 sau kỳ nghỉ lễ Giáng sinh và năm mới, thời điểm người dân đi lại nhiều.
Kể từ ngày 19/10, Singapore mở cửa biên giới không cách ly với công dân tiêm đủ liều vaccine từ 8 nước là Canada, Đan Mạch, Pháp, Italy, Hà Lan, Tây Ban Nha, Anh và Mỹ theo chương trình "Hành lang đi lại cho người đã tiêm chủng". Hòn đảo nghỉ mát Bali của Indonesia tuần trước bắt đầu mở cửa trở lại đón du khách nước ngoài.
Ngày 19/10, Malaysia đã ghi nhận 5.745 ca mắc mới. Đây là ngày thứ hai liên tiếp, quốc gia trên khống chế được số ca mắc dưới mốc 6.000 ca, mức thấp nhất trong hơn 100 ngày qua. Trên thực tế, số ca mắc mới COVID-10 tại Malaysia đã liên tục giảm từ ngày 3/10 vừa qua, trong khi tỷ lệ lây nhiễm quốc gia giảm xuống còn 0,88 so với thời kỳ đỉnh điểm là 1,4.
Tín hiệu tích cực tiếp theo là tỷ lệ khỏi bệnh đạt 92,6% và khoảng 98,2% số ca mắc mới đều có triệu chứng nhẹ, chỉ có 1,8% là triệu chứng nặng. Cùng với đó, tỷ lệ bao phủ vaccine đang ngày càng được trải rộng. Tính đến thời điểm hiện tại đã có khoảng 95% dân số trưởng thành ở nước này đã hoàn thành việc tiêm chủng. 78,2% thanh thiếu niên đã được tiêm ít nhất một mũi vaccine. Song song với đó là tỷ lệ sử dụng giường điều trị tích cực giảm từ hơn 100% xuống còn 65%.
Tại Philippines, Bộ Y tế nước này (DOH) cùng ngày thông báo có 4.496 ca mắc mới COVID-19, nâng tổng số người nhiễm được ghi nhận ở nước này lên trên 2,7 triệu trường hợp. Cũng theo Bộ Y tế Philippines, cùng ngày có thêm 211 ca tử vong do COVID-19, nâng tổng số người thiệt mạng của cả nước lên 40.972 người. Đây là những con số thấp nhất kể từ ngày 28/7 vừa qua.
Chính phủ Thái Lan đã quyết định thành lập một đội đặc nhiệm COVID-19 để ứng phó với tình hình dịch bệnh ở 4 tỉnh phía Nam trong bối cảnh 4 tỉnh gồm Narathiwat, Pattani, Songkhla và Yala đang trở thành tâm dịch mới ở nước này. Cựu Tổng Thư ký Hội đồng An ninh quốc gia, Đại tướng Nakpanich, được giao nhiệm vụ chỉ huy chiến dịch phòng chống COVID-19 ở phía Nam, cùng với sự hỗ trợ của các quan chức Bộ Y tế. Nhiệm vụ của đội đặc nhiệm là giảm các ca nhiễm mới và các ca tử vong ở 4 tỉnh cực Nam.
Trên cả nước, Thái Lan ghi nhận thêm 9.122 ca nhiễm mới cùng hơn 71 người tử vong trong 24 giờ qua. Từ ngày 1/11 tới, Thái Lan sẽ mở cửa trở lại cửa khẩu hàng không đối với du khách đến từ 10 quốc gia mà nước này đánh giá là có nguy cơ lây nhiễm COVID-19 thấp và không phải cách ly.
Trả lời phỏng vấn báo Khmer Times ngày 19/10, Chủ tịch Phòng Thương mại châu Âu (EuroCham) tại Campuchia Tassilo Brinzer cho rằng, nước này có thể mở cửa trở lại đất nước cho tất cả du khách đã tiêm vaccine ngừa COVID-19 vì đã triển khai hiệu quả chiến dịch tiêm vaccine phòng bệnh cùng các biện pháp khác.
Ngày 19/10, Bộ Y tế Campuchia ra thông cáo xác nhận có 11 người tử vong và 175 ca mắc COVID-19 trong 24 giờ qua, bao gồm 34 khách nhập cảnh và 141 trường hợp lây nhiễm cộng đồng. Như vậy, tính đến nay, Campuchia phát hiện tổng cộng 117.035 ca mắc, trong đó 111.420 người đã khỏi bệnh và 2.681 trường hợp tử vong. Những số liệu trên cho thấy, Campuchia có thể quyết định mở cửa trong thời gian sớm nhất.
Bộ Y tế Lào ngày 19/10 cho biết, trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận 657 ca mắc mới COVID-19, trong đó có tới 656 trường hợp cộng đồng, còn lại là người nhập cảnh được cách ly ngay. Đến nay, tổng số ca mắc COVID-19 tại Lào đã lên tới 32.971 trường hợp.
Theo Bộ Y tế Lào, nước này cũng có thêm 5 ca tử vong do COVID-19, đây là con số cao nhất trong một ngày được báo cáo, nâng tổng số người thiệt mạng từ đầu dịch đến nay lên 45 trường hợp. Theo đó, số ca mắc COVID-19 mới tại Lào đã tăng cao trở lại. Chỉ tính riêng từ đầu tháng 10 đến nay, Lào đã ghi nhận 27 trường hợp tử vong và hầu hết đều là người cao tuổi, có bệnh lý nền và chưa được tiêm vaccine ngừa COVID-19.
Theo cảnh báo vừa được Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc đưa ra, nguy cơ dịch kép COVID-19 và cúm tiềm ẩn trong mùa đông năm nay. Cơ quan trên nhấn mạnh sự cần thiết phải phòng chống cúm mùa khi bệnh cúm gia tăng ở các tỉnh phía Nam Trung Quốc kể từ tháng 9 và mùa đông đang đến gần. Bên cạnh đó, nguy cơ COVID-19 từ nguồn nhập cảnh vẫn cao. Do vậy, nước này yêu cầu tăng cường các biện pháp phòng chống và kiểm soát cúm, giảm thiểu số ca COVID-19 nhập cảnh mang các biến thể mới.
Trong 24 giờ qua, Trung Quốc ghi nhận 25 ca mắc COVID-19 mới, trong đó có 9 ca lây nhiễm trong cộng đồng, mức trong ngày cao nhất kể từ cuối tháng 9 vừa qua. Đến nay, tổng cộng 96.571 người đã nhiễm bệnh ở nước này, bao gồm 4.636 người thiệt mạng. Một số thành phố ở nước này đã siết chặt các biện pháp phòng chống dịch.
Theo vtv.vn
Liên kết website
Ý kiến ()