Tất cả chuyên mục
Thứ Tư, 08/01/2025 11:14 (GMT +7)
“Sớm ban hành chính sách mới khuyến khích, hỗ trợ phát triển lâm nghiệp bền vững”
Thứ 2, 14/08/2023 | 12:42:07 [GMT +7] A A
Qua hơn 2 năm thực hiện Nghị quyết số 337/2021/NQ-HĐND của HĐND tỉnh "Về việc quy định một số chính sách đặc thù để khuyến khích phát triển lâm nghiệp bền vững trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh" đã đem lại những kết quả tích cực ở 2 địa phương được thí điểm là TP Hạ Long và huyện Ba Chẽ. Tuy nhiên, quá trình triển khai đã cho thấy một số điểm bất cập, hạn chế, đặt ra yêu cầu cần có một chính sách mới phù hợp. PV Trung tâm Truyền thông tỉnh đã phỏng vấn ông Vũ Duy Văn, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT (ảnh) về nội dung này.
- Ông cho biết những tác động tích cực của Nghị quyết số 337/2021/NQ-HĐND tới việc trồng rừng gỗ lớn và phát triển lâm nghiệp bền vững tại Hạ Long và Ba Chẽ?
+ Nghị quyết số 337/2021/NQ-HĐND cùng với Nghị quyết số 19-NQ/TU, ngày 28/11/2019 của BTV Tỉnh ủy "Về phát triển lâm nghiệp bền vững tỉnh Quảng Ninh đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030" là những chính sách đặc thù của tỉnh; là nghị quyết đầu tiên của tỉnh chuyên về phát triển rừng và là nghị quyết đầu tiên trong nước kể từ khi Luật Lâm nghiệp có hiệu lực thi hành (1/1/2019). Nghị quyết đã góp phần quan trọng phát triển kinh tế lâm nghiệp bền vững, phát triển xanh, tuần hoàn; đặc biệt là thay đổi nhận thức, nhận diện khó khăn, thách thức lâm nghiệp trong thời gian dài, để chỉ đạo thực hiện có kết quả chuyển biến mạnh mẽ, rõ nét; thể hiện tư duy, ý chí và quyết tâm hành động của tỉnh, lãnh đạo tỉnh trong phát triển lâm nghiệp bền vững. Nghị quyết triển khai đã có sự chung tay vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự phối hợp chặt chẽ của các sở, ngành, địa phương và nhân dân.
Sau 2,5 năm triển khai thí điểm tại Hạ Long và Ba Chẽ đã có 1.016 hộ gia đình, cá nhân tham gia chính sách hỗ trợ trồng rừng sản xuất cây gỗ lớn, cây bản địa với tổng diện tích 1.656,2ha. Cụ thể: Giổi xanh 60,9ha, lim xanh 31,3ha, lát hoa 32,6ha, quế 1.514,1ha, sao đen 0,5ha, gió bầu 1ha, thông 15,7ha. Tổng kinh phí hỗ trợ thực hiện chính sách gần 34,4 tỷ đồng; trong đó đã có 310 hộ gia đình, cá nhân vay gần 13,2 tỷ đồng với lãi suất ưu đãi qua Ngân hàng CSXH tỉnh.
Nghị quyết đã tạo cơ chế, động lực và bổ sung nguồn lực cho chủ rừng quyết tâm đầu tư, đổi mới phương thức SXKD lâm nghiệp truyền thống với chu kỳ ngắn hạn, hiệu quả kinh tế thấp sang phương thức sản xuất bền vững với chu kỳ kinh doanh dài hạn, gia tăng hiệu quả kinh tế trên đơn vị diện tích.
Năm 2022 toàn tỉnh trồng được 13.786ha rừng tập trung, tăng 853ha so với năm 2021, tăng 1.888ha so với năm 2020, tăng 2.992ha so với giai đoạn 2018-2019; khai thác rừng trồng 13.225ha với sản lượng hơn 783.000m3, tăng cao so với giai đoạn trước; các sản phẩm lâm sản ngoài gỗ ngày càng phong phú; các cơ sở chế biến lâm sản phát triển và mở rộng về quy mô, công suất, chất lượng sản phẩm…
Giai đoạn 2021-2022 toàn tỉnh trồng được 5.102ha cây gỗ lớn, cây bản địa; cơ cấu cây trồng chuyển biến tích cực; giá trị rừng sản xuất trên đơn vị diện tích và năng suất rừng trồng được cải thiện; tỷ lệ che phủ rừng đạt 55%, chất lượng rừng được nâng cao.
- Bên cạnh những kết quả tích cực, thực tế triển khai cũng còn bộc lộ những tồn tại, hạn chế?
+ Nghị quyết đã đi vào cuộc sống, đem lại nhiều chuyển biến tích cực, tuy nhiên vẫn còn tồn tại một số điểm hạn chế. Trước hết là việc việc triển khai chính sách hỗ trợ chuyển loại từ rừng, đất rừng sản xuất sang rừng, đất rừng phòng hộ gặp nhiều khó khăn.
Đến nay chưa có hộ gia đình, cá nhân nào đăng ký tham gia chính sách hỗ trợ vay vốn ưu đãi ủy thác qua Ngân hàng CSXH tỉnh để chuyển hóa rừng trồng gỗ nhỏ sang rừng trồng gỗ lớn. Vì hộ gia đình, cá nhân chỉ có nguyện vọng tham gia chuyển hóa rừng trồng gỗ nhỏ sang rừng trồng gỗ lớn với loài cây keo. Trong khi điều kiện tham gia chính sách là thực hiện chuyển hóa rừng trồng gỗ nhỏ sang rừng trồng gỗ lớn đối với các loài cây gỗ lớn, cây bản địa.
Đối tượng thụ hưởng chính sách hiện nay mới chỉ có các hộ gia đình, cá nhân mới đầu tư trồng rừng và chủ rừng đã áp dụng trồng theo hướng dẫn kỹ thuật của các cơ quan nhà nước ban hành. Về cơ cấu cây trồng, chính sách ưu đãi chưa đủ sức thu hút để người dân tham gia trồng rừng gỗ lớn bằng các loài cây có chu kỳ kinh doanh dài như lim, giổi, lát…
Trên địa bàn tỉnh hiện chưa có nhiều mô hình trồng rừng gỗ lớn để người dân tham quan học tập. Do có chu kỳ kinh doanh dài nên các thông tin về hiệu quả trồng rừng gỗ lớn chưa rõ ràng, các kênh tiêu thụ sản phẩm gỗ lớn chưa phổ biến, dẫn đến còn tâm lý e ngại đầu tư trồng rừng gỗ lớn với các loài cây bản địa, người dân chưa mạnh dạn tham gia chính sách. Đồng thời cũng chưa có chính sách hỗ trợ để tạo sinh kế “lấy ngắn nuôi dài” cho người dân tham gia trồng rừng gỗ lớn, đặc biệt trong giai đoạn đầu chưa cho thu nhập.
Trong quá trình thực hiện, đã có diện tích trồng rừng được thụ hưởng chính sách, nhưng tiêu chuẩn cây giống chưa đảm bảo theo phương án hỗ trợ phát triển lâm nghiệp bền vững đã được phê duyệt; nguồn gốc cây giống không có xuất xứ tại địa phương; một số diện tích có mật độ trồng cao hơn mật độ quy định, đặc biệt tại các hộ gia đình, cá nhân đăng ký tham gia trồng cây quế…
- Như vậy yêu cầu thực tiễn đặt ra phải nhanh chóng xây dựng, ban hành chính sách mới để khuyến khích, hỗ trợ phát triển lâm nghiệp hiệu quả hơn?
+ Thực hiện chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, Sở NN&PTNT đã chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, địa phương và chủ rừng trên địa bàn tỉnh xây dựng dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 337/2021/NQ-HĐND, tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh xem xét ban hành, nhằm từng bước thực hiện mục tiêu người trồng rừng cây gỗ lớn phải có cuộc sống tốt hơn trồng cây gỗ nhỏ.
Nghị quyết mới sẽ mở rộng phạm vi chính sách hỗ trợ trồng rừng sản xuất bằng các loài cây gỗ lớn, cây bản địa, từ 2 địa phương lên 11 địa phương trong tỉnh (trừ huyện Cô Tô và TX Quảng Yên); mở rộng đối tượng hỗ trợ trồng rừng sản xuất bằng các loài cây gỗ lớn, cây bản địa từ “hộ gia đình, cá nhân” thành “tổ chức (trừ doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài), cộng đồng dân cư, lực lượng vũ trang, nhóm hộ (từ 3 hộ gia đình, cá nhân trở lên), hộ gia đình, cá nhân”.
Mức hỗ trợ từ tối đa không quá 15 triệu đồng/ha lên tối đa không quá 20 triệu đồng cho mua cây giống và công chăm sóc rừng; mức cho vay vốn ưu đãi ủy thác qua Ngân hàng nâng từ 20 triệu đồng/ha lên 30 triệu đồng/ha.
Nghị quyết mới cũng sẽ bổ sung chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế lâm nghiệp khi tham gia trồng rừng cây gỗ lớn, cây bản địa, tính đến phương án “lấy ngắn nuôi dài” đảm bảo sinh kế cho người dân. Trong đó sẽ có từng mức hỗ trợ cụ thể đối với việc trồng cây lâm sản ngoài gỗ, cây dược liệu trên diện tích đã tham gia chính sách hỗ trợ phát triển rừng trồng sản xuất cây gỗ lớn, cây bản địa; hỗ trợ chăn nuôi gia súc, gia cầm (không hỗ trợ đối với nhóm hộ, hộ gia đình, cá nhân trồng rừng bằng cây quế).
Sở NN&PTNT cũng phối hợp với các sở, ngành liên quan tham mưu bãi bỏ một số chính sách không còn phù hợp, bất cập để đảm bảo các nhiệm vụ mới được thực hiện hiệu quả trong thực tế.
Thời gian tới Sở tiếp tục thực hiện hiệu quả mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm triển khai công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng theo chỉ đạo của các nghị quyết, chỉ thị của trung ương, Chiến lược phát triển lâm nghiệp Việt Nam, gắn với thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TU, ngày 28/11/2019 của BTV Tỉnh ủy và Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030; thực hiện tốt công tác tuyên truyền phát triển lâm nghiệp bền vững; vận động tổ chức, cộng đồng dân cư, hộ gia đình, cá nhân chuyển đổi mô hình SXKD gỗ nhỏ sang kinh doanh gỗ lớn và tham gia chính sách trồng rừng sản xuất bằng các loài cây gỗ lớn, cây bản địa; quản lý tốt vùng trồng đã được xác định tại Đề án phát triển lâm nghiệp bền vững tỉnh đến năm 2030, định hướng đến năm 2050; khuyến cáo hộ gia đình, cá nhân trồng các loài cây lâm sản ngoài gỗ, cây dược liệu phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng tại địa phương…
Đồng thời đẩy mạnh thu hút doanh nghiệp đầu tư nhà máy, công nghệ chế biến nông, lâm sản chuyên sâu, liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm cho tổ chức hộ gia đình, cá nhân tại địa phương, hình thành chuỗi giá trị gắn với cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững.
- Trân trọng cảm ơn ông!
Minh Hà (Thực hiện)
Liên kết website
Ý kiến ()