Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 23/12/2024 01:49 (GMT +7)
Cần khắc phục tình trạng mất điện thường xuyên trên địa bàn huyện Đầm Hà
Thứ 5, 15/08/2024 | 11:25:19 [GMT +7] A A
Cử tri xã Tân Bình, huyện Đầm Hà đã kiến nghị với HĐND tỉnh nội dung: Trong thời gian vừa qua (từ tháng 5/2024 đến nay), tình hình mất điện xảy ra nhiều lần trên địa bàn xã Tân Bình, huyện Đầm Hà; trong đó có nhiều trường hợp mất điện không được thông báo trước đã gây trở ngại cho sinh hoạt và sản xuất kinh doanh của người dân trên địa bàn tỉnh.
Trên cơ sở kiến nghị của cử tri, ngày 1/8/2024, đoàn khảo sát - Tổ đại biểu HĐND tỉnh Hải Hà - Đầm Hà do đồng chí Nguyễn Thị Thu Hà, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, đại biểu HĐND tỉnh tổ Hải Hà - Đầm Hà làm Trưởng Đoàn đã tiến hành khảo sát thực tế trên địa bàn xã Tân Bình, huyện Đầm Hà. Đoàn đã tiến hành kiểm tra, khảo sát về thực trạng cung cấp điện, hệ thống cơ sở hạ tầng của điện lực địa phương, nghiên cứu các báo cáo, tài liệu có liên quan đến nội dung kiến nghị. Đồng thời, tiến hành khảo sát trực tiếp tại một số Trạm biến áp thuộc Điểm hành lang lưới điện thôn Tân Lương, xã Tân Bình, điểm nuôi trồng thủy sản thôn Cái Giá, xã Tân Bình...
Qua khảo sát cho thấy, hiện nay, lưới điện huyện Đầm Hà được cấp điện từ Trạm biến áp 110KV E5.42 có công suất 25MVA, được đấu nối vào đường dây 110KV 174 Tiên Yên Móng Cái, gồm 3 đường dây trung thế cấp điện đảm bảo trên địa bàn huyện: Đường dây trung thế 371E5.42 cấp điện cho trung tâm huyện, các xã Tân Bình, Tân Lập, Đầm Hà; Đường dây trung thế 373E5.42 cấp điện cho các xã Dực Yên, Đại Bình; Đường dây trung thế 373E5.42 cấp điện cho các xã Quảng Tân, Quảng An, Quảng Lâm.
Trong giai đoạn vừa qua, nhằm đáp ứng nhu cầu sử dụng điện trên địa bàn huyện Đầm Hà, ngành Điện lực Quảng Ninh đã quan tâm, chú trọng đầu tư cải tạo lưới điện nông thôn hàng năm, nhằm đảm bảo chống quá tải lưới điện, giảm sự cố, nâng cao độ tin cậy cung cấp điện trên địa bàn địa phương. Theo đó, từ năm 2022 đến nay, trên địa bàn đã được đầu tư 7 công trình với tổng mức đầu tư trên 159 tỷ đồng. Trong đó, riêng khu vực xã Tân Bình giai đoạn vừa qua cũng đang được cấp điện qua đường dây 371E5.42 và sau máy cắt 371XTB, gồm có 18 TBA với tổng dung lượng 4.550 KVA và 27,1 km đường dây trung thế 35KV.
Nhìn chung, hệ thống lưới điện trên địa bàn huyện Đầm Hà nói chung và hệ thống lưới điện trên địa bàn xã Tân Bình hiện nay cơ bản đã đáp ứng nhu cầu sử dụng điện bình thường của các cơ quan, đơn vị, hộ kinh doanh và người dân trên địa bàn địa phương.
Tuy nhiên, theo kiến nghị của cử tri, trong thời gian vừa qua (từ tháng 5/2024 đến nay), tình hình mất điện xảy ra nhiều lần trên địa bàn xã Tân Bình, huyện Đầm Hà; trong đó có nhiều trường hợp mất điện không được thông báo trước đã gây trở ngại cho sinh hoạt và sản xuất kinh doanh của người dân trên địa bàn tỉnh. Theo báo cáo của Điện lực Hải Hà - Đầm Hà, từ đầu tháng 5/2024 đến ngày 26/7/2024, Điện lực Hải Hà - Đầm Hà đã cắt điện 14 lần, tổng thời gian 9,68 giờ; trong đó tháng 7 cắt 9 lần, tồng thời gian cắt là 7,76 giờ; nguyên nhân ngoài việc phải cắt điện để thực hiện công tác nâng cấp, sửa chữa lưới điện theo lịch, Điện lực Hải Hà phải tiến hành cắt, tiết giảm đột xuất theo yêu cầu; đồng thời nhiều lần cắt điện là do yêu cầu kỹ thuật từ công tác phòng ngừa các nguy cơ từ các diễn biến thời tiết phức tạp như mưa sét, bão, giông lốc diễn ra trên địa bàn địa phương.
Thực tế cho thấy, việc kiến nghị của cử tri xã Tân Bình, huyện Hải Hà về việc mất điện thường xuyên trên địa bàn địa phương trong thời gian từ tháng 5/2024 đến nay là có cơ sở, phù hợp với các thông tin, báo cáo từ cơ quan Điện lực Hải Hà. Tuy nhiên phản ánh của cử tri là “thường xuyên ngắt điện, hầu như ngày nào cũng mất vài lần ” là chưa thực sự khách quan, chính xác.
Theo nhận định của đoàn kiểm tra, từ đầu năm 2024 đến nay, ngành Điện lực Quảng Ninh nói chung và Điện lực Hải Hà nói riêng đã chủ động xây dựng các kế hoạch công tác, chú trọng công tác lãnh đạo, chỉ đạo nhằm bảo đảm thực hiện các phương án điều tiết lưới điện trên địa bàn các địa phương nhằm tự cân đối công suất gia tăng trong điều kiện thông thường; có phương án cắt giảm công suất sử dụng điện trong các điều kiện phải thực hiện tiết giảm công suất theo yêu cầu. Đơn vị cũng triển khai các phương án diễn tập bảo đảm không để bị động, bất ngờ; xác định và gắn trách nhiệm trong công tác bảo đảm cung ứng điện nói chung.
Điện lực Hải Hà đã thực hiện kiểm tra hiện trường về công tác kinh doanh, lắp đặt quản lý hệ thống đo đếm và kiểm tra sử dụng điện đối với khách hàng nhằm kịp thời phát hiện các tồn tại, thiếu sót để khắc phục, đảm bảo công tác kinh doanh và dịch vụ khách hàng được hiện đúng quy theo quy trình, quy định; kết hợp chỉ đạo việc nắm bắt tình hình thực tế khách hàng để phân tích, chọn lọc khu vực, đối tượng khách hàng cần kiểm tra đúng trọng tâm trọng điểm phát hiện kịp thời các hư hỏng sai lệch, vi phạm sử dụng điện cơ bản. Đồng thời quan tâm bố trí vốn và triển khai đầu tư nhiều hạng mục, công trình chống quá tải, cải tạo lưới điện; tiến hành sửa chữa nhiều điểm, đoạn lưới điện; nâng cấp, trang bị, thay thế một số công trình trạm biến áp để bảo đảm chủ động trong cung cấp điện an toàn, ổn định cho toàn bộ các khu vực trên địa bàn huyện Đầm Hà; nhiều công trình sửa chữa lớn cũng đã được thực hiện với số vốn đầu tư lớn.
Riêng đối với hệ thống điện lưới xã Tân Bình, ngành Điện lực Quảng Ninh đã tiến hành rà soát, thẩm định và tiến hành một số hoạt động thí nghiệm CBM tại cột 36-10 (vị trí MC 371BSO) thuộc ĐZ 371E5.42; tiến hành tháo lắp đầu cấp xuất tuyến tại các ngăn lộ phục vụ công tác thí nghiệm; kiểm tra đường dây, trạm biến áp, thay thế một số thiết bị bị hư hỏng, không bảo đảm tiêu chuẩn... nhằm nâng cao hiệu quả cung cấp điện tiêu dùng cho các hộ kinh doanh, người dân trên địa bàn.
Theo đánh giá của cơ quan điện lực địa phương, thời gian vừa qua chất lượng cung ứng điện đã ổn định hơn những giai đoạn trước, là kết quả từ công tác lãnh đạo, chỉ đạo của ngành Điện lực Quảng Ninh, cũng như từ hiệu quả của công tác đầu tư, cải tạo, nâng cấp, sửa chữa hệ thống điện; việc tăng cường xử lý sự cố điện, triển khai các giải pháp nhằm bảo đảm an toàn hành lang điện tại các xã, thôn, bản và các khu vực quản lý điện liên quan.
Tuy nhiên, huyện Đầm Hà nói chung, xã Tân Bình nói riêng là địa bàn thuộc khu vực thường xuyên có mưa bão, sấm sét, giông lốc nên có những khó khăn, cản trở nhất định đối với công tác kiểm tra, quản lý, cung cấp và đảm bảo an toàn hành lang lưới điện, tính ổn định trong cung cấp điện cho các hộ sản xuất, kinh doanh và nhân dân trên địa bàn.
Thời gian cắt điện trên địa bàn xã Tân Bình, huyện Đầm Hà trong thời gian vừa qua (tính từ tháng 5/2024 đến hết tháng 7/2024) tổng cộng là 581 phút, tương ứng 9,68 giờ, cụ thể: Tháng 5/2024 xảy ra 3 vụ cắt điện với tổng thời gian là 86 phút; tháng 6/2024 xáy ra 2 vụ cắt điện với tổng thời gian là 29 phút; tháng 7/2024 xảy ra 9 vụ cắt điện với tổng thời gian là 466 phút. Trong đó, có 8 vụ cắt điện kéo dài trên 20 phút và vụ cắt điện kéo dài nhất là 304 phút (6,76 giờ đồng hồ), làm mất điện trên địa bàn toàn xã; nguyên nhân chính là do bão, giông, sét. Một số cột điện dân sinh có dấu hiệu gãy đổ, xuống cấp nhưng chưa được cơ quan điện lực địa phương thay thế, gây nguy cơ gây mất điện cục bộ đối với hộ gia đình hoặc tiềm ẩn nguy cơ gây mất an toàn lưới điện. Xã Tân Bình là địa bàn xã miền núi ven biển, địa hình có nhiều khu vực đồi, thung lũng, nhiều cây cối được trồng bên ngoài và bên trong hành lang tuyến, gây cản trở việc truyền dẫn điện, việc triển khai các công trình cung cấp điện lưới; đây cũng là nguy cơ mất an toàn lưới điện khi có mưa bão lớn, giông lốc gây đổ cây, trực tiếp uy hiếp an toàn lưới điện.
Sau khi kiểm tra thực tế việc cấp điện tại xã Tân Bình vào đầu tháng 8/2024, Đoàn khảo sát đề nghị UBND huyện Đầm Hà cần chủ động phối hợp với Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn để đánh giá mức độ mưa bão, thời tiết cực đoan nhất là giông sét hàng năm và giữa các địa phương để so sánh tình trạng mất điện do nguyên nhân sét đánh; khảo sát, đầu tư thêm các trạm, cột chống sét, góp phần làm giảm thiểu các vụ việc phải cắt điện nguyên nhân do mưa bão, giông lốc. Đồng thời tiếp tục rà soát các tuyến đường dây 110KV và đường dây trung áp đi qua các vùng, khu vực rừng trồng của nhân dân ảnh hưởng hành lang an toàn bảo vệ lưới điện cao áp; các khu vực liền kề, nhưng có chiều cao cây trồng nếu bị nghiêng, đổ sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến an toàn lưới điện.
Mặt khác, UBND huyện cần tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền cho cán bộ, công chức, viên chức và người dân trong việc sử dụng điện tiết kiệm, an toàn; đồng thời tiếp nhận, giải quyết kịp thời, dứt điểm đối với kiến nghị của người dân; làm tốt công tác phối hợp giữa ngành điện với chính quyền địa phương; kịp thời trao đổi thông tin, thông báo, khắc phục những kiến nghị của cử tri và nhân dân. Ngành Điện cần tiếp tục duy trì số điện thoại đường dây nóng, thông báo rộng rãi đến nhân dân để tiếp nhận và xử lý thông tin khi có sự cố.
UBND huyện Đầm Hà chỉ đạo UBND xã Tân Bình thường xuyên bám sát cơ sở, nắm tình hình nhân dân, thông tin, thông báo kịp thời tình hình và nguyên nhân mất điện; phối hợp, xử lý khắc phục ngay sự cố, tránh để mất điện kéo dài, ảnh hưởng đến sinh hoạt và sản xuất của nhân dân.
Đối với Điện lực Hải Hà, đoàn khảo sát đề nghị đơn vị cần có giải pháp khắc phục tình trạng mất điện thường xuyên trên địa bàn huyện Đầm Hà nói chung và xã Tân Bình nói riêng. Việc cắt điện phải đảm bảo đúng quy trình, trình tự trong việc thông báo cho người dân, hộ kinh doanh, các đối tượng liên quan (kể cả nguyên nhân khách quan hay nguyên nhân chủ quan); không để trường hợp vi phạm pháp luật trong việc thực thi hợp đồng cung cấp điện cho các hộ kinh doanh, hộ gia đình, người dân.
Hà Thanh (biên soạn)
Liên kết website
Ý kiến ()