Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 00:18 (GMT +7)
Sớm điều chỉnh thuế thu nhập cá nhân, niềm vui tăng lương sẽ trọn vẹn
Thứ 3, 02/07/2024 | 15:05:56 [GMT +7] A A
Đó là ý kiến của nhiều chuyên gia khi nhận xét về việc lương cơ sở tăng mạnh 30% từ ngày 1/7.
Theo nhiều chuyên gia, mức giảm trừ gia cảnh cho người nộp thuế thu nhập cá nhân (TNCN) là 11 triệu đồng và mức giảm trừ cho người phụ thuộc là 4,4 triệu đồng được thực hiện từ năm 2020 đến nay đã không còn phù hợp. Nguyên nhân là lương đã tăng thì mức tính đóng thuế cũng phải tăng theo. Cùng với đó, giá cả hàng hóa, dịch vụ thiết yếu hiện cao hơn rất nhiều so với trước, nếu vẫn giữ nguyên mức cũ thì không đảm bảo mức sống tối thiểu của người dân, nhất là khu vực đô thị.
Trả lời VTC News, chuyên gia kinh tế, GS.TS Hoàng Văn Cường phân tích, thuế TNCN có mục tiêu là để điều tiết thu nhập của những người có thu nhập cao đề bù cho những người có thu nhập thấp và như vậy sẽ không làm ảnh hưởng đến phần tiêu dùng tối thiểu của người dân. Do đó, cần xác định mức giảm trừ gia cảnh phù hợp với thu nhập và mức tiêu dùng thực tế của người dân tại thời điểm đó.
“Chúng ta đã điều chỉnh mức giảm trừ cho người đóng thuế là 11 triệu đồng và mức giảm trừ cho người phụ thuộc là 4,4 triệu từ năm 2020, nhưng đến nay đã có nhiều nhân tố làm thay đổi, đó là chỉ số giá tiêu dùng, chi phí đời sống của người dân liên tục tăng qua các năm. Ví dụ chi phí học hành, điều kiện sinh hoạt, chỗ ở hiện đã rất khác. Ngoài ra, thu nhập của người dân cũng tăng lên nên không thể lấy mức cũ để làm thước đo cho mức giảm trừ gia cảnh”, ông Cường nói.
"Các cơ quan chức năng cần phải tính toán để nâng mức giảm trừ gia cảnh lên. Từ 1/7 chúng ta đã tăng lương tối thiểu tăng 30%, nếu không thay đổi mức giảm trừ gia cảnh thì việc tăng lương vô hình chung lại chuyển thành nghĩa vụ phải đóng thuế. Đó chính là điều bất hợp lý”, chuyên gia Hoàng Văn Cường nói thêm.
Đồng quan điểm, chuyên gia kinh tế, TS. Nguyễn Minh Phong cũng cho rằng quy định về mức giảm trừ gia cảnh nay đã “lạc hậu”.
“Các mức này phải tăng cao hơn. Theo tôi, mức giảm trừ cho người nộp thuế thậm chí nên tính từ 18 - 20 triệu đồng và mức giảm trừ cho người phụ thuộc cũng cần được tăng lên 50 - 70%, tức khoảng 6 - 7,5 triệu đồng”.
Ngoài ra, cần phải điều chỉnh sớm, vì chậm hơn so với thực tiễn đời sống của người dân là sẽ gây thiệt thòi cho nhiều người. Đặc biệt, khi lương cơ bản đã tăng thì càng cần phải đẩy nhanh hơn nữa việc thay đổi thuế, tránh việc chưa kịp hưởng lợi tăng lương đã phải tăng đóng thuế thu nhập", ông Phong nêu ý kiến.
Trong khi đó, TS Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương, nhận xét: quy định trong thuế TNCN đã quá lạc hậu so với vật giá nhưng mãi không đổi khiến nhiều người dân đang nghèo đi vì thuế.
“Vào 4 năm trước, mức giảm trừ gia cảnh là 4,4 triệu và mức đóng thuế của người có thu nhập là 11 triệu thì có thể tạm ổn. Nhưng hiện nay, mức tính như vậy không còn phù hợp, nhất là tại Hà Nội, TP.HCM và những thành phố lớn khác có chi phí đắt đỏ. Do vậy cần phải đánh giá lại một cách toàn diện và sớm điều chỉnh trên tinh thần nuôi dưỡng nguồn thu”, ông Doanh nói.
Theo ông Doanh, ngành thuế cần có thêm công cụ, nguồn lực để khai thác những nguồn thu mới như thương mại điện tử, dịch vụ xuyên biên giới...Các nguồn thu mới này sẽ dư sức bù đắp nguồn thu từ thuế TNCN khi nâng mức giảm trừ gia cảnh.
Trước đó, các đại biểu Quốc hội cũng e ngại rằng mục tiêu của việc tăng lương là để cải thiện đời sống cho người lao động nhưng nếu mức giảm trừ gia cảnh không được điều chỉnh kịp thời thì hiệu quả của chính sách này sẽ bị hạn chế.
Đại biểu Tạ Văn Hạ (Quảng Nam) nêu ý kiến: "Hiện nay mức sống tăng lên, chi phí đắt đỏ và lương tăng 30% thì ít nhất giảm trừ gia cảnh cũng phải tăng 30%, thậm chí 50% mới hợp lý".
Đại biểu Nguyễn Thị Thủy (Bắc Kạn) cũng cho rằng mức giảm trừ không còn phù hợp với tình hình hiện nay, nhất là các thành phố lớn, gây thiệt hại cho người nộp thuế. Rất nhiều hàng hóa, dịch vụ thiết yếu đều đã tăng, thậm chí có mặt hàng, dịch vụ còn tăng nhanh hơn tăng thu nhập. Đại biểu dẫn số liệu của Tổng cục Thống kê, so với năm 2020 thì giá dịch vụ giáo dục tăng 17%; giá lương thực tăng 27%, đặc biệt giá xăng tăng 105%…
Nếu gia đình có con nhỏ phải thuê người trông trẻ thì cũng phải trả không dưới 5 triệu đồng, chưa kể các khoản chi phí cho trẻ. Nếu gia đình có con cái đi học thì chi phí học hành hiện nay chiếm phần lớn chi tiêu chung. Nếu gia đình có cha mẹ già là người phụ thuộc thì không chỉ là chi phí ăn uống, sinh hoạt mà còn là chi phí y tế, thuốc men.
Do đó, theo bà Thủy mức giảm trừ gia cảnh như hiện nay chưa thực sự phản ánh đúng mức chi tiêu cơ bản của gia đình và cá nhân cũng như chưa phản ánh mức sống thực tế.
Theo vtcnews.vn
Liên kết website
Ý kiến ()