Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 15/11/2024 11:21 (GMT +7)
Sớm đưa Quảng Ninh trở thành trung tâm kinh tế biển của cả nước
Thứ 3, 09/05/2023 | 08:59:31 [GMT +7] A A
Từ nguồn tiềm năng khổng lồ, những năm qua Quảng Ninh liên tục ban hành nhiều nghị quyết, kế hoạch, chương trình hành động nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế biển. Trong đó phải kể đến Nghị quyết số 15-NQ/TU ngày 23/4/2019 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển cảng biển và dịch vụ cảng biển trên địa bàn tỉnh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Đến nay sau 3 năm thực hiện, kinh tế biển của Quảng Ninh đã cơ bản phát triển toàn diện, đúng hướng, từng bước được định hình rõ nét và ghi được nhiều dấu ấn phát triển vượt trội. Qua đó góp phần đưa Quảng Ninh sớm trở thành trung tâm kinh tế biển mạnh của cả nước.
Trong giai đoạn từ năm 2011 đến nay, tỷ trọng bình quân giá trị gia tăng của các ngành kinh tế biển của Quảng Ninh chiếm khoảng 20%, một con số khá cao so với mục tiêu của cả nước đến năm 2030 theo Nghị quyết 36-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 là 10%. Trong đó tổng thu ngân sách của 9 địa phương ven biển giai đoạn 2019-2022 là 128.969 tỷ đồng, chiếm 84,9% tổng thu nội địa toàn tỉnh và có xu hướng tăng qua các năm. Thu ngân sách của các ngành kinh tế biển trong giai đoạn 2019-2022 là 42.050 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 15,62%.
Cũng trong 3 năm thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/TU, Quảng Ninh đã hoàn thành đưa vào khai thác Cảng khách quốc tế Hòn Gai theo tiêu chuẩn cảng khách du lịch quốc tế; rà soát quỹ đất, nghiên cứu bố trí khu vực hậu cần sau cảng và logistics tại khu vực Quảng Yên; hoàn thành mục tiêu thu hút đầu tư dự án cảng biển quan trọng, gồm: Bến cảng tổng hợp Vạn Ninh, nghiên cứu đầu tư cảng Con Ong - Hòn Nét, cảng Hải Hà. Từ đó, dần hình thành các dịch vụ cảng biển chủ đạo, thế mạnh của tỉnh, như: Dịch vụ lưu kho bãi và cho thuê kho bãi, xếp dỡ hàng hóa tại khu vực Quảng Yên, các KKT cửa khẩu Móng Cái, Bắc Phong Sinh, Hoành Mô - Đồng Văn.
Bên cạnh đó, công tác rà soát, đề xuất xây dựng quy hoạch hệ thống cảng biển Quảng Ninh gắn với hệ thống giao thông kết nối các KCN, KKT các vùng sản xuất lớn và những khu vực có tiềm năng về phát triển cảng biển, dịch vụ cảng biển, du lịch đã được triển khai mạnh mẽ với 8 dự án có tổng mức đầu tư trên 15.000 tỷ đồng. Trong đó, hoàn thành và đưa vào khai thác 4 dự án công trình, gồm: Đường nối KCN Cái Lân đến cao tốc Hạ Long - Vân Đồn; đường kết nối đường tỉnh 331 với đường tỉnh 338 (TX Quảng Yên); đường trục chính thứ 2 của KCN cảng biển Hải Hà và đường bao biển Hạ Long - Cẩm Phả…
Tuy nhiên bên cạnh những kết quả đạt được, trên thực tế, việc phát triển kinh tế biển của Quảng Ninh cũng chưa xứng với tiềm năng, lợi thế của tỉnh, đặc biệt trong lĩnh vực logistics, cảng biển, phát triển du lịch biển đảo và nuôi trồng hải sản. Một số ngành kinh tế biển như du lịch và dịch vụ cảng biển, kinh tế hàng hải, nuôi trồng và khai thác hải sản, công nghiệp ven biển… phát triển còn nhiều hạn chế, trong khi Quảng Ninh đặt ra mục tiêu giai đoạn 2022-2025 tốc độ tăng trưởng kinh tế biển đạt 11,5-12%, đóng góp của kinh tế biển vào cơ cấu GRDP của tỉnh đạt 22-23%; xây dựng Quảng Ninh là một trong những trung tâm du lịch quốc tế, trung tâm kinh tế biển, cửa ngõ giao thương quốc tế với 13,286 triệu lượt khách du lịch biển, đảo đến Hạ Long - Cẩm Phả - Vân Đồn - Cô Tô; tổng thu từ du lịch 71.737 tỷ đồng, doanh thu dịch vụ cảng biển khoảng 25.000 tỷ đồng, tăng trưởng bình quân 17,5%/năm…
Để hiện thực hoá mục tiêu này, Quảng Ninh cần phải tiếp tục có những chiến lược khả thi, dài hơi và phù hợp với yêu cầu phát triển trong giai đoạn hiện nay và phù hợp với các chỉ đạo mới của Bộ Chính trị, Chính phủ và đặc biệt là ý kiến chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong chuyến thăm và làm việc tại Quảng Ninh là “Chú trọng kinh tế biển gắn với bảo vệ nguồn tài nguyên, môi trường sinh thái để phát triển du lịch bền vững, xây dựng Quảng Ninh trở thành trung tâm kinh tế biển của cả nước…”.
Để từng bước khắc phục hạn chế, mới đây, tại Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Quảng Ninh tiếp tục đưa mục tiêu về phát triển kinh tế biển thành một trong những nhiệm vụ trọng tâm của giai đoạn này với nhiều định hướng mục tiêu rõ nét và các giải pháp khả thi. Cùng với đó, tỉnh cũng đang xem xét nghiên cứu để ban hành nghị quyết mới thay thế Nghị quyết số 15 cho phù hợp với tình hình hiện nay.
Trong đó mục tiêu hướng đến là phát triển bền vững kinh tế biển theo hướng tăng trưởng xanh; xây dựng, phát triển Quảng Ninh trở thành một trung tâm kinh tế biển bền vững của cả nước, cửa ngõ trung chuyển hướng biển của khu vực trên cơ sở phát triển du lịch - dịch vụ kết nối khu vực và quốc tế; là một trong những trung tâm logistics trọng điểm của cả nước. Đồng thời, xây dựng Quảng Ninh thành một trong những cửa ngõ trung chuyển hướng biển của khu vực, tăng khả năng liên kết không gian kinh tế ven bờ, biển và đảo, tạo động lực phát triển cho vùng Đông Bắc và cả nước.
Phát triển khai thác và nuôi trồng thủy sản ven biển và trên biển theo công nghệ cao, hiệu quả và bền vững để tạo giá trị gia tăng của sản phẩm biển, góp phần tiết kiệm tài nguyên biển; quy hoạch không gian ven biển, ven bờ cho phát triển du lịch bền vững kết hợp phát triển các lĩnh vực kinh tế - dịch vụ dựa vào bảo tồn biển là thế mạnh vượt trội ở Quảng Ninh. Tiếp tục ưu tiên xây dựng đồng bộ và nâng cấp hệ thống cơ sở hạ tầng đa mục tiêu, nhằm bảo đảm lợi ích kép trong phát triển; chuyển dần sang phát triển mạnh năng lượng tái tạo; tổ chức lại không gian phát triển kinh tế biển trên cơ sở phân vùng không gian dựa vào hệ sinh thái và theo chức năng sử dụng biển, đảo và vùng ven biển; phân bổ không gian biển, vùng ven biển và đảo cho các ngành, lĩnh vực theo nguyên tắc bảo đảm hài hòa lợi ích và giảm xung đột không gian trong khai thác, sử dụng cùng một vùng ven biển, đảo và biển, giữa các tập thể và cá nhân.
Phát triển kinh tế biển gắn với bảo vệ nguồn tài nguyên, môi trường sinh thái, đảm bảo vững chắc quốc phòng, an ninh và chủ quyền biển, đảo; đồng thời giữ gìn giá trị, phát huy truyền thống lịch sử, bản sắc văn hóa biển đặc trưng Quảng Ninh để phát triển du lịch bền vững.
Có thể thấy, việc đề ra và thực hiện những chính sách, giải pháp phát triển kinh tế biển bền vững quyết liệt và đồng bộ sẽ tạo điều kiện đưa Quảng Ninh tiến đến phát triển thành một trong các trung tâm kinh tế biển mạnh của cả nước, là cửa ngõ, động lực phát triển vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ, góp phần kết nối kinh tế biển của đất nước với khu vực và thế giới.
Hoài Anh
Liên kết website
Ý kiến ()