Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 14:14 (GMT +7)
Sớm hiện thực hóa giấc mơ “an cư” cho người lao động
Thứ 5, 07/04/2022 | 09:23:33 [GMT +7] A A
Trong những năm vừa qua, cùng với quá trình lãnh đạo phát triển KT-XH, Quảng Ninh luôn quan tâm đến lĩnh vực phát triển nhà ở cho công nhân, người lao động trên địa bàn. Tỉnh đã ban hành nhiều chính sách để lĩnh vực nhà ở ngày càng phát triển, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của công nhân, người lao động, nhất là người lao động làm việc tại các KCN. Qua đó, nhằm tạo chỗ ở ổn định, góp phần thu hút nguồn nhân lực, lao động có kỹ năng, gắn với tăng quy mô dân số và chất lượng dân số.
Giải bài toán nhà ở cho người lao động
Xác định việc xây dựng nhà ở cho công nhân, người lao động là vấn đề then chốt, nhằm tạo chỗ ở ổn định, góp phần thu hút lao động, nguồn nhân lực làm việc tại tỉnh, trong những năm qua, Quảng Ninh luôn trăn trở tìm các giải pháp phát triển nhà ở cho công nhân lao động. Từ năm 2012, UBND tỉnh đã ban hành đề án Chương trình phát triển nhà ở tỉnh Quảng Ninh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Năm 2017, UBND tỉnh có Quyết định phê duyệt Kế hoạch phát triển nhà ở công nhân KCN giai đoạn 2017-2020. Đặc biệt, trong quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất 5 năm và hằng năm, tỉnh đã chỉ đạo ưu tiên quỹ đất dành cho đầu tư xây dựng, phát triển nhà ở cho công nhân, lao động trong các KCN.
Thực hiện một trong 3 khâu đột phá được xác định tại Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV là “Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, lao động có kỹ năng gắn với tăng nhanh quy mô và nâng cao chất lượng dân số” và Nghị quyết 01-NQ/TU của BCH Đảng bộ tỉnh về phát triển nhanh, bền vững ngành công nghiệp chế biến, chế tạo của tỉnh, ngay từ đầu nhiệm kỳ, tỉnh đã có nhiều giải pháp triển khai quyết liệt, đồng bộ để tập trung xây dựng nhà ở cho công nhân lao động đang làm việc trên địa bàn. Cụ thể, tỉnh đã xây dựng các đề án, chương trình phát triển nhà ở tỉnh Quảng Ninh; thực hiện nghiêm việc quản lý, sử dụng quỹ đất 20% xây dựng nhà ở xã hội. Đồng thời, quy hoạch, chuẩn bị quỹ đất sạch để thu hút đầu tư, từng bước tháo gỡ nút thắt thiếu hụt hạ tầng xã hội cho người lao động như thiếu nhà ở cho công nhân, thiếu các hoạt động vui chơi giải trí, thiếu trường mẫu giáo cho con em công nhân làm việc tại các KCN...
Từ đó, các KCN trên địa bàn tỉnh đều bố trí quỹ đất, quy hoạch xây dựng nhà ở cho công nhân theo Nghị định 100/2015/NĐ-CP và Nghị định 49/2021/NĐ-CP của Chính phủ. Công tác quản lý hoạt động xây dựng, quản lý, sử dụng nhà ở xã hội được tăng cường. Các dự án nhà ở thương mại dành 20% quỹ đất cho xây dựng nhà ở xã hội. Cụ thể, 38 dự án thương mại đã giao chủ đầu tư, tổng diện tích đất ở là 2.417,9ha, đã dành 486,4ha cho nhà ở xã hội. Trong đó có 5 dự án đã hoàn chỉnh hạ tầng kỹ thuật bàn giao cho địa phương quản lý khoảng 6,4ha; còn lại khoảng 480ha đang tiếp tục đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật và giải phóng mặt bằng; 82 dự án mới được phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500 chưa lựa chọn chủ đầu tư, tổng diện tích đất ở khoảng 2.947ha, diện tích đất 20% khoảng 183,6ha; 35 dự án nộp bằng tiền tương đương giá trị quỹ đất 20%.
Đặc biệt, tại các KCN, tỉnh đã triển khai các dự án nhà ở cho công nhân lao động, tạo luồng sinh khí mới, góp phần từng bước giải bài toán nhà ở cho hàng nghìn công nhân tại các KCN trên địa bàn. Cụ thể, tại KCN Hải Yên (TP Móng Cái) đã đầu tư xây dựng được 4 khối nhà ở tập thể 5 tầng trên tổng diện tích 2ha, với tổng số 696 căn hộ, đáp ứng chỗ ở cho khoảng 4.000 công nhân.
Mới đây, tại KCN Đông Mai (TX Quảng Yên), chủ đầu tư là Tổng Công ty Viglacera đã khởi công dự án đầu tư xây dựng nhà ở công nhân và chuyên gia. Dự án triển khai trên quy mô diện tích đất 9,1ha ở vị trí đắc địa tại địa bàn trung tâm phát triển của TX Quảng Yên, có quy mô 5 tòa nhà 6 tầng gồm 1.000 căn hộ. Mỗi căn hộ có diện tích từ 26-67m², được bố trí từ 1-3 phòng ngủ, với giá bán trung bình từ 7 triệu đồng/m², giá trị một căn hộ từ 185-476 triệu đồng. Ngoài hạng mục nhà ở, dự án sẽ được đầu tư đồng bộ các hạng mục hạ tầng kỹ thuật, công viên cây xanh, trường mầm non, dịch vụ công cộng đảm bảo đầy đủ tiện ích về giáo dục, sinh hoạt cộng đồng cho cư dân. Tổng mức đầu tư dự án khoảng 800 tỷ đồng, dự kiến sẽ hoàn thành trong năm 2023. Dự án được hoàn thành sẽ đáp ứng chỗ ở ổn định cho khoảng 5.000 công nhân lao động và gần 100 chuyên gia.
Chị Phạm Thị Nga, công nhân Công ty TNHH Kỹ thuật điện tử TONLY Việt Nam, phấn khởi cho biết: Có được căn nhà của mình đó là niềm mơ ước hạnh phúc không chỉ với tôi mà nhiều công nhân ở đây, vì chúng tôi luôn mong muốn được làm việc lâu dài trong nhà máy. Dự án nhà ở cho công nhân KCN Đông Mai được khởi công và mức giá dao động từ 185-476 triệu đồng rất phù hợp với thu nhập để công nhân lao động chúng tôi có thể sở hữu được một căn hộ. Qua đó, tạo động lực cho chúng tôi tiếp tục gắn bó lâu dài với mảnh đất này.
Ông Park Hyo Gyun, Tổng Giám đốc Công ty Bumjin Electronics Vina (KCN Đông Mai) cho biết: Là chủ doanh nghiệp, thời gian qua chúng tôi luôn mong mỏi sẽ có khu nhà ở tiện ích ngay gần KCN cho công nhân và chuyên gia của công ty. Việc dự án xây dựng nhà ở công nhân và chuyên gia tại KCN Đông Mai được khởi công, dự kiến hoàn thành trong năm 2023 có ý nghĩa rất lớn đối với sự phát triển của công ty chúng tôi nói riêng và các doanh nghiệp trong KCN Đông Mai, qua đó góp phần thu hút nguồn lao động, chuyên gia về làm việc tại đây.
Cùng với 2 dự án trên, hiện một số dự án nhà ở công nhân đang triển khai các thủ tục đầu tư như: Dự án thiết chế Công đoàn tại đồi Thủy Sản (phường Bãi Cháy, TP Hạ Long) với quy mô 1,2ha, tổng số 250 căn hộ chung cư, đáp ứng chỗ ở cho khoảng 1.500 công nhân; Dự án nhà ở xã hội phục vụ công nhân, người lao động tại KCN Cảng biển Hải Hà (huyện Hải Hà) - giai đoạn 1, với quy mô 18,84ha, tổng số 1.408 căn hộ chung cư và 304 căn nhà liền kề, đáp ứng chỗ ở cho khoảng 10.500 công nhân.
Để cung “đuổi kịp” cầu
Trên địa bàn Quảng Ninh hiện có 11 KCN được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, thu hút khoảng 34.000 lao động trong và ngoài tỉnh làm việc. Trong 11 KCN của tỉnh hiện có 6 KCN đã cho nhà đầu tư thứ cấp thuê lại đất để thực hiện dự án đầu tư (KCN Cái Lân, KCN Việt Hưng, KCN Đông Mai, KCN Sông Khoai, KCN Hải Yên, KCN Cảng biển Hải Hà), các KCN còn lại đang trong giai đoạn GPMB, đang thu hút nhà đầu tư nghiên cứu đầu tư. Điều đáng nói là trong các KCN có nhà đầu tư thứ cấp thuê đất, tính đến thời điểm này mới có KCN Hải Yên (TP Móng Cái) là cơ bản đáp ứng được nhu cầu về nhà ở cho công nhân.
Theo kết quả khảo sát của Sở Xây dựng, hiện số lượng lao động trong các KCN được bố trí chỗ ở ổn định là hơn 18.200 người, còn khoảng 15.400 người chưa có chỗ ở ổn định. Hiện nay, số lượng công nhân đang đi thuê nhà trọ hoặc ở nhờ chiếm 33%. Với mức thu nhập bình quân hằng tháng còn chưa cao, dẫn đến nhu cầu thuê và mua nhà ở ngày càng tăng, đặc biệt là với đối tượng người lao động ngoại tỉnh, đối tượng đã lập gia đình, kèm theo đó là nhu cầu có nhà ở gần nơi làm việc chiếm số lượng lớn, các công trình phụ trợ khác như chợ, siêu thị, bệnh viện cũng rất được quan tâm.
Để sớm hiện thực hóa giấc mơ “an cư” cho công nhân, người lao động làm việc tại các KCN trên địa bàn tỉnh, hiện Quảng Ninh đã và đang nỗ lực triển khai nhiều giải pháp quyết liệt, đồng bộ. Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Cao Tường Huy khẳng định: Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh khóa XV đã xác định việc xây dựng nhà ở cho công nhân lao động là vấn đề then chốt, nhằm tạo chỗ ở ổn định, góp phần thu hút lao động, nguồn nhân lực, gắn với tăng quy mô, chất lượng dân số của địa phương. Nhằm đảm bảo chương trình, kế hoạch, đề án phát triển nhà ở của địa phương và Bộ Xây dựng đề ra phục vụ công nhân, người lao động trên địa bàn đến năm 2025, tỉnh quán triệt thực hiện nghiêm việc quản lý, sử dụng quỹ đất 20% xây dựng nhà ở xã hội; bố trí đầy đủ quỹ đất xây dựng nhà ở công nhân, thiết chế công đoàn gắn với các KCN.
UBND tỉnh đã giao các sở, ngành liên quan, UBND các huyện, thị xã, thành phố trong quá trình lập, thẩm định quy hoạch xây dựng KCN, CCN phải bố trí diện tích đất phù hợp trên địa bàn để xây dựng nhà ở công nhân, thiết chế công đoàn đảm bảo đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, chất lượng nhà ở, điều kiện thiết yếu (giao thông, y tế, giáo dục, văn hóa...) phục vụ công nhân, người lao động... Đồng thời, tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm pháp luật trong việc thực hiện chính sách, chương trình phát triển nhà ở xã hội trên địa bàn tỉnh; tham mưu, đề xuất nguồn lực hợp lý để đầu tư các cơ sở hạ tầng thiết yếu như: Trường học, nhà trẻ, cơ sở khám chữa bệnh, sinh hoạt cộng đồng, văn hóa, thể dục, thể thao... trong và ngoài các dự án nhà ở xã hội, nhất là các khu vực có đông công nhân và người lao động như KCN Hải Yên, KCN Cảng biển Hải Hà, KCN Đông Mai...
Đặc biệt, trong thời gian qua, tỉnh đã tập trung nghiên cứu xây dựng đề án Phát triển nhà ở xã hội trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2021-2025. Mục tiêu hướng đến là hỗ trợ giải quyết cơ bản nhu cầu thuê, thuê mua, mua nhà ở của công nhân, người lao động bảo đảm phù hợp với thu nhập, khả năng chi trả, làm cơ sở thu hút, phát triển nguồn nhân lực, tăng nhanh quy mô và nâng cao chất lượng dân số trên địa bàn tỉnh. Đến năm 2025, tổng diện tích nhà ở cho công nhân, người lao động tại các KCN là 422.048m² sàn, tương ứng 10.551 căn; trong đó quản lý các dự án đang triển khai hoàn thành 338.370m² sàn; mời gọi đầu tư xây dựng mới khoảng 83.678m² sàn. Như vậy dự kiến sẽ đáp ứng khoảng 50% tổng nhu cầu nhà ở cho công nhân KCN, nhu cầu còn lại sẽ đáp ứng trong giai đoạn 2025-2030.
Thực hiện mục tiêu trên, đề án đề xuất các cơ chế, giải pháp cụ thể về chính sách hỗ trợ về đất đai, thủ tục hành chính, hỗ trợ, khuyến khích, thu hút các doanh nghiệp tích cực tham gia phát triển nhà ở xã hội, đặc biệt là nhà ở cho công nhân thuê tại KKT, KCN, CCN trên địa bàn tỉnh. Tỉnh cũng sẽ tập trung triển khai các cơ chế, chính sách, thực hiện lồng ghép các chương trình mục tiêu của Trung ương; ban hành các quy định cụ thể về cơ chế khuyến khích, ưu đãi của địa phương để hỗ trợ phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân và người lao động, nhằm giải quyết chỗ ở cho các nhóm đối tượng chính sách có khó khăn về nhà ở nhưng không đủ khả năng thanh toán theo cơ chế thị trường trên địa bàn. Tỉnh cũng sẽ chủ động bố trí đủ nguồn vốn từ ngân sách, quỹ đất cho đầu tư xây dựng nhà ở cho công nhân, người lao động trên địa bàn; đẩy mạnh triển khai đầu tư xây dựng các thiết chế công đoàn tại các KCN, khu chế xuất như nhà ở, nhà trẻ, siêu thị, y tế, giáo dục và các công trình văn hóa, thể thao đảm bảo đồng bộ, phục vụ tốt nhất nhu cầu chính đáng của công nhân, người lao động làm việc tại các KCN trên địa bàn.
Ngọc Huyền - Đặng Dung
Liên kết website
Ý kiến ()