Tất cả chuyên mục
Thứ Năm, 14/11/2024 14:23 (GMT +7)
Sớm nội luật hóa thuế tối thiểu toàn cầu
Thứ 3, 04/04/2023 | 08:53:14 [GMT +7] A A
Mức thuế suất DN tối thiểu toàn cầu 15% đang có xu hướng xáo trộn chiến lược về địa điểm đầu tư và cách thức hoạt động của các công ty đa quốc gia. Vì vậy, Việt Nam cần thay đổi chiến lược thu hút FDI khi toàn cầu áp dụng thuế suất tối thiểu toàn cầu.
Thuế DN không phải động lực hàng đầu của FDI
Thuế tối thiểu toàn cầu do tổ chức các nước phát triển (OECD) khởi xướng và hiện nay đã được hơn 140 quốc gia đồng thuận. Theo đó, các công ty đa quốc gia có doanh thu trên 750 triệu Euro sẽ bị áp dụng mức thuế tối thiểu 15%. Các tổ chức, quốc gia trên thế giới đang khẩn trương xây dựng chính sách để thích ứng với thuế này.
Hiện thuế thu nhập DN của Việt Nam là 20%, cao hơn mức thuế tối thiểu đề xuất. Tuy nhiên, chúng ta đang dành nhiều mức thuế ưu đãi các dự án nhà đầu tư nước ngoài như: Ưu đãi thuế suất 5%, 10% lên đến 15 năm; miễn, giảm thuế có thời hạn... Theo tính toán, thuế thực tế với các DN đầu tư nước ngoài trong kỳ ưu đãi trung bình là 12,3%. Thuế suất DN thường được coi là một biến trong mô hình FDI đa biến. Trong hầu hết các trường hợp, tác động của việc giảm phần trăm thuế DN được dự đoán sẽ dẫn đến mức tăng FDI ước tính.
Tuy nhiên, không có mối tương quan nào giữa mức thuế DN thấp hơn và mức vốn FDI cao hơn trên quy mô toàn cầu. Trên thực tế, cũng không có mối tương quan đáng kể nào khi xem xét lượng vốn FDI trên đầu người hoặc khi chỉ tập trung vào FDI xanh (và FDI trên đầu người vào lĩnh vực xanh). Các động lực FDI quan trọng khác như quy mô thị trường, nhân công, sự ổn định, môi trường kinh doanh… đóng vai trò chính trong việc thúc đẩy các quyết định giúp các nước duy trì năng lực cạnh tranh và phát triển bền vững.
Điểm khác biệt quan trọng được thực hiện khi xem xét tác động của thuế DN đối với FDI xét theo loại hình hoạt động kinh doanh. Mức thuế DN thấp hơn có nhiều khả năng tác động đến các trung tâm thương mại hơn là các hoạt động của trung tâm sản xuất. Ví dụ, trụ sở chính và văn phòng kinh doanh giới thiệu sản phẩm sẽ bị ảnh hưởng nhiều hơn khi thay đổi thuế suất DN.
Các hoạt động phần mềm và R&D có thể sẽ ít bị ảnh hưởng hơn khi thuế suất thay đổi vì các hoạt động này tập trung vào chi phí nhiều hơn và chịu ảnh hưởng ít hơn bởi thuế và nhiều hơn bởi chất lượng lao động, nghiên cứu và mạng lưới.
FDI dựa trên nhu cầu thị trường cũng sẽ ít bị ảnh hưởng hơn trong việc thay đổi tỷ lệ thuế. Ví dụ như Mỹ (với thuế suất DN 27%) và Trung Quốc (25%) tiếp tục dẫn đầu bảng xếp hạng FDI. Điều này là do các công ty chấp nhận đánh đổi trả thuế cao hơn để tiếp cận cơ sở khách hàng lớn hơn.
Chủ động xây dựng chính sách ứng phó
Việt Nam cần tiến hành việc chuẩn bị về mọi mặt cho sự hiện diện thực tế của Trụ cột II (đánh giá nội bộ về mức độ đủ vốn), trong bối cảnh nhiều quốc gia sẽ áp dụng chính sách về thuế tối thiểu toàn cầu ngay từ năm 2024. Các chính sách ứng phó với tác động của Trụ cột II nên được xây dựng trong ngắn hạn cũng như dài hạn.
Trong ngắn hạn, việc có áp dụng cơ chế thuế tối thiểu nội địa đạt tiêu chuẩn để giành quyền thu thuế nên được cân nhắc sớm, đối chiếu với quy định của OECD cũng như vấn đề về lợi ích và chi phí nếu thực hiện. Trong dài hạn, hệ thống thuế cùng với các ưu đãi thuế cũng cần được xem xét cải cách nhằm hạn chế tác động tiêu cực của Trụ cột II, đảm bảo thu hút đầu tư thực chất, hạn chế các hoạt động làm xói mòn cơ sở thuế và chuyển lợi nhuận.
Việc ban hành bất cứ chính sách hoặc cơ chế mới nào cũng cần được xem xét cẩn trọng để đảm bảo tính công bằng cho các DN thuộc phạm vi và không thuộc phạm vi điều chỉnh của Trụ cột II, đảm bảo thống nhất với quy định về bảo đảm quyền lợi của nhà đầu tư theo Luật Đầu tư hiện tại, cũng như không vi phạm các cam kết quốc tế và quy định của OECD mà Việt Nam đang tham gia.
Đối với việc hỗ trợ các DN đa quốc gia bị ảnh hưởng bởi Trụ cột II, các hình thức ưu đãi đầu tư mới dựa trên chi phí, đặc biệt là ưu đãi bằng tiền, nên được cân nhắc với những ưu điểm nhất định so với hình thức đầu tư dựa trên thu nhập. Việt Nam nên cân nhắc cải cách hệ thống ưu đãi thuế để phù hợp hơn trong tình hình mới, song song với việc tham khảo, lấy ý kiến tư vấn OECD, cũng như các chính sách đang được thực hiện bởi các quốc gia khác.
Việt Nam có thể điều chỉnh chính sách thuế hiện tại để đưa ra cơ chế ưu đãi phù hợp cho các DN đa quốc gia chịu ảnh hưởng của GMT, nhằm bảo vệ lợi ích của các DN này khi đầu tư tại Việt Nam để khuyến khích, mở rộng đầu tư, đồng thời cũng dung hòa với quyền lợi của Việt Nam trong việc giành quyền đánh thuế trong bối cảnh GMT.
Cùng với đó, Việt Nam nên tiếp tục nghiên cứu, đẩy mạnh việc phát triển các yếu tố thu hút đầu tư khác ngoài công cụ ưu đãi thuế, như cơ sở hạ tầng, chất lượng nguồn lao động, hệ thống pháp lý... (những yếu tố giúp nâng cao xếp hạng về môi trường kinh doanh của Việt Nam).
Việt Nam cũng cần cân nhắc việc triển khai có hiệu quả 15 hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký kết và có hiệu lực, đặc biệt là các FTA thế hệ mới, được ký kết gần đây với các đối tác thương mại lớn như CPTPP, EVFTA, UKVFTA, RCEP..., đồng thời thúc đẩy và tham gia đàm phán, ký kết các FTA với Mỹ và các đối tác thương mại khác.
Đối với các DN đa quốc gia, các DN nên theo dõi sát sao quá trình phát triển các quy định của Trụ cột II trên toàn cầu cũng như tại Việt Nam, đặc biệt là các chính sách của Chính phủ Việt Nam trong bối cảnh Trụ cột II. Các DN cũng nên chủ động cùng với công ty mẹ đánh giá tác động của Trụ cột II đối với tình hình hoạt động kinh doanh cũng như cấu trúc của DN trong ngắn hạn cũng như dài hạn, và tham gia đóng góp ý kiến từ góc độ DN cho Chính phủ Việt Nam trong quá trình xây dựng, điều chỉnh nội luật.
Theo Kinh tế Đô thị
Liên kết website
Ý kiến ()