Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 18:16 (GMT +7)
Sớm tháo gỡ hai điểm nghẽn để thực hiện mục tiêu kép
Thứ 6, 03/09/2021 | 10:31:29 [GMT +7] A A
Hai tháng thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 đã làm đảo chiều một số chỉ tiêu kinh tế quan trọng và có dấu hiệu đứt gãy chuỗi cung ứng. Thực hiện các chính sách an sinh xã hội chủ động với vai trò là cầu nối giữa duy trì sản xuất với phòng, chống đại dịch là cách tiếp cận bền vững về cả kinh tế - xã hội và y tế để Việt Nam vượt qua đại dịch.
Trường Đại học Kinh tế quốc dân vừa công bố báo cáo đánh giá thực trạng công tác phòng, chống dịch Covid-19 và từ đó gửi đến Chính phủ và các cơ quan chức năng những khuyến nghị chính sách khẩn cấp nhằm tháo gỡ hai nút thắt lớn đang ảnh hưởng trực tiếp đến phát triển kinh tế-xã hội của đất nước. Đó là nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng và bảo đảm an sinh xã hội.
Nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng
Nhóm nghiên cứu của Trường Đại học Kinh tế quốc dân chỉ ra, việc thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16, mô hình “ba tại chỗ” và “một cung đường – hai điểm đến” một cách cứng nhắc tại nhiều địa phương đang gây khó khăn lớn cho các doanh nghiệp cả về chi phí lẫn rủi ro kiểm soát bệnh tật, sức khỏe và không gian ăn ở, do điều kiện vật chất đáp ứng “ăn” và “nghỉ” không được thiết kế từ đầu.
Biện pháp kiểm soát lưu thông và quan niệm “hàng thiết yếu” ở các địa phương khác nhau đã gây cản trở hoạt động vận chuyển và lưu thông hàng hóa.
Cụ thể, doanh thu của các doanh nghiệp bị giảm sút, các đơn hàng suy giảm và luân chuyển vốn khó khăn, năng lực giảm mạnh khi các khoản chi bất thường do đại dịch tăng lên.
Giải pháp “1 cung đường 2 hay 3 điểm đến” cũng gây khó khăn cho doanh nghiệp khi không phải tất cả lực lượng lao động đều nằm trên một cung đường hay điểm đón. Nhiều lao động có trình độ cao tại các thành phố lớn như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng… nơi bị phong tỏa bị chốt chặt nên không thể đến nơi làm việc.
Chuỗi cung ứng mặt hàng chế biến chế tạo như điện, điện tử, máy móc thiết bị… bị đứt gãy liên quan tới các khu vực bị nhiễm dịch mạnh, như thành phố Hồ Chí Minh.
Chuỗi cung ứng mặt hàng thủy sản chịu tác động lớn do lao động bị cách ly, giãn cách, còn chuỗi mặt hàng nông sản do đình chệ lưu thông, thông tin thị trường và lao động lái xe. Việc nhiều vùng sản phẩm đến kỳ thu hoạch mà không có đầu ra và khó vận chuyển gây ra đứt gãy.
Chuỗi cung ứng hàng dệt may bị đứt gãy do lao động bị giãn cách, điều kiện sản xuất 3 tại chỗ, hay 1 cung đường 2 hoặc 3 điểm đón chưa phù hợp với tất cả các địa phương khác nhau và bối cảnh dãn cách theo Chỉ thị 16+.
Từ thực trạng này, nhóm nghiên cứu kiến nghị Chính phủ khẩn cấp chỉ đạo các bộ ngành, địa phương thực hiện theo đúng tinh thần của Chỉ thị 16, bảo đảm vận hành thông suốt việc vận chuyển hàng hóa, nguyên vật liệu sản xuất.
Cho phép các doanh nghiệp được phép sử dụng lao động đủ điều kiện an toàn (tiêm đủ hai mũi vaccine hoặc xét nghiệm âm tính trong 72 giờ) cũng như cho phép các lao động đủ điều kiện an toàn được quyền tham gia các hoạt động kinh doanh bình thường. Đẩy nhanh việc tiêm vaccine tiến đến miễn dịch cộng đồng đối với nhân lực logistics, nhân lực sản xuất và dân cư toàn xã hội.
Thay thế cơ chế “luồng xanh” bằng cơ chế cho phép xe tự do di chuyển các tuyến đường trục quốc lộ, tỉnh lộ và các tuyến đường chính (tuyến đường xanh) nhưng quản lý chặt lái xe.
Mỗi địa phương tổ chức ngay vùng đệm là các trung tâm logistics để hạ tải và luân chuyển hàng hóa cho nhu cầu của doanh nghiệp và cư dân địa phương.
Xây dựng ứng dụng điện tử (App) “Nguồn lao động an toàn mùa dịch” nhằm thông tin tuyển dụng và việc làm tạm thời tại các khu công nghiệp, các tỉnh thành giúp cho các lao động “vùng xanh” có việc làm ngay, doanh nghiệp đủ điều kiện sản xuất dễ tiếp cận nguồn lao động an toàn…
Trong dài hạn, cần phải có tư duy logistics ngay trong khâu hoạch định, thực thi chiến lược phòng chống dịch Covid-19 nhằm bảo đảm đầy đủ, đồng bộ và kịp thời các yếu tố vật chất và con người cho phòng chống dịch Covid-19.
Đặc biệt, các chính quyền địa phương cần nhất quán với sự chỉ đạo của Chính phủ và các bộ ngành Trung ương, bãi bỏ các quy định chống dịch thực hiện thiếu thống nhất đang gây ra rào cản cho các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh và cung cấp dịch vụ trong quá trình cung ứng hàng hóa.
Doanh nghiệp phải là chủ thể cùng tham gia chống dịch
Thực trạng triển khai công tác bảo đảm an sinh xã hội cũng được Nhóm nghiên cứu đánh giá còn nhiều hạn chế, bất cập, ảnh hưởng đến đời sống, sức khỏe và niềm tin của nhân dân.
Nhiều lao động buộc phải nghỉ việc hoặc phải thỏa thuận ngừng việc, giãn việc… nhưng không được hưởng chế độ kịp thời do các quy định hành chính không thể thực hiện khi bị phong tỏa, cách ly.
Lao động chưa tham gia bảo hiểm xã hội đầy đủ hoặc có tham gia nhưng doanh nghiệp vẫn nợ đóng bảo hiểm xã hội nên không được coi là đối tượng hỗ trợ của Nghị quyết 68/NQ-CP và Quyết định 23/2021/QĐ-TTg.
Đáng lo ngại, nhiều lao động phi chính thức đã hoàn toàn mất sinh kế khi các tỉnh/thành phố thực hiện giãn cách nhưng họ không là đối tượng trong các quy định hỗ trợ hiện nay.
Nhiều người lao động phải điều trị và nghỉ cách ly do dương tính với Covid-19 nhưng chưa được giải quyết chế độ ốm đau trong bảo hiểm xã hội do không hoàn thiện được các thủ tục.
Trong khi đó, việc kéo dài thực hiện mô hình “ba tại chỗ” và “một cung đường – hai điểm đến” tại các doanh nghiệp ảnh hưởng lớn tới đời sống tâm lý, sức khỏe của người lao động...
Để nâng cao hiệu quả công tác an sinh xã hội trong thời điểm khó khăn này, Nhóm nghiên cứu đề xuất Chính phủ yêu cầu các địa phương mời đại diện doanh nghiệp tham gia Tổ tư vấn phục hồi kinh tế hoặc Tổ chống đại dịch.
Khi địa phương tiến hành phong tỏa địa bàn, cần báo cáo với Chính phủ cũng như thông tin tới các tỉnh, thành phố khác để cùng có kế hoạch ứng phó kịp thời.
Chính phủ tiếp tục chỉ đạo Bộ Công thương và các bộ, ngành khác tiếp tục hỗ trợ giảm giá điện, giảm tiền điện cũng như nước, viễn thông.
Xử lý tình trạng khẩn cấp bằng việc tạm thời sử dụng các quỹ an sinh xã hội đang kết dư, như quỹ bảo hiểm thất nghiệp, quỹ công đoàn… để hỗ trợ các đối tượng cần. Xem xét nâng mức hỗ trợ cho người lao động bị mất việc làm khi giãn cách xã hội kéo dài.
Đối với chính quyền các địa phương cần tiếp tục rà soát toàn bộ lao động trên địa bàn, đặc biệt là lao động tự do, người di cư không có chỗ ở ổn định để kịp thời hỗ trợ về chỗ ăn, ở…
Bộ Y tế cần phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội xem xét triển khai hỗ trợ tư vấn tâm lý cho lao động đang thực hiện “ba tại chỗ” tại các doanh nghiệp qua hệ thống công tác xã hội ở địa phương và trong hệ thống y tế. Đẩy mạnh hoạt động tư vấn, chăm sóc tại nhà cho người dân có nguy cơ hoặc bị nhiễm Covid-19. Triển khai rộng hơn, hiệu quả hơn mạng lưới bác sỹ gia đình.
Bên cạnh đó, cần có chính sách giảm, miễn thuế đối với các cơ sở kinh doanh lưu trú, cho thuê căn hộ… tham gia vào việc bố trí chỗ ăn ở cho người lao động, người bị lưu lại trên địa bàn mà không có nơi ở ổn định…
Theo nhandan.vn
Liên kết website
Ý kiến ()