Tất cả chuyên mục
Thứ Tư, 25/12/2024 12:26 (GMT +7)
Sớm triển khai dự án nạo vét luồng sông Đầm Hà khi có hướng dẫn tháo gỡ vướng mắc của Bộ GT-VT
Thứ 2, 09/08/2021 | 08:46:25 [GMT +7] A A
Thời gian qua, tình trạng bồi lắng luồng lạch sông Đầm Hà (huyện Đầm Hà) đoạn dẫn vào bến cập tàu Đầm Buôn, đã khiến tàu, thuyền khai thác thủy sản của ngư dân và tàu vận tải gặp rất nhiều khó khăn khi lưu thông ra vào bến, trong khi đó, Dự án nạo vét luồng sông Đầm Hà hiện đang có những vướng mắc chưa được giải quyết. Phóng viên Trung tâm Truyền thông tỉnh đã có cuộc trao đổi với ông Hoàng Quang Hải, Giám đốc Sở GT-VT để làm rõ hơn về vấn đề này.
Xin ông cho biết về tình hình triển khai Dự án nạo vét luồng sông Đầm Hà?
+ Dự án nạo vét luồng sông Đầm Hà có chiều dài 7km, điểm đầu từ Cửa Hẹp, điểm cuối là bến Đầm Buôn, được công bố là luồng cấp III. Khối lượng nạo vét theo hồ sơ là 757.405m3 cát. Đầu tư theo hình thức xã hội hóa nạo vét (không sử dụng ngân sách nhà nước).
Xuất phát từ nhu cầu thực tế của huyện Đầm Hà và chỉ đạo của UBND tỉnh về việc nạo vét luồng vào cảng Đầm Buôn để lấy vật liệu phục vụ tạo mặt bằng KCN Cảng biển Hải Hà, Sở GT-VT đã công bố danh mục khu vực nạo vét; đồng thời tổ chức lựa chọn đơn vị tư vấn để triển khai, khảo sát lập báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án nạo vét luồng sông Đầm Hà (năm 2019). Trong quá trình lập dự án, đại diện Sở GT-VT cùng đơn vị tư vấn đã làm việc với địa phương và nhận được ý kiến đồng thuận của nhân dân trong khu vực về việc triển khai dự án. Sau khi đơn vị tư vấn hoàn thiện hồ sơ, Sở GT-VT đã thẩm định thiết kế cơ sở và có tờ trình gửi Sở KH&ĐT thẩm định trình UBND tỉnh phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi.
Cùng với đó, Sở GT-VT cũng trình Sở TN&MT thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường. Theo đó, vị trí đổ thải nạo vét được xác định tại Dự án hạ tầng KCN Cảng biển Hải Hà của Công ty TNHH KCN Texhong Việt Nam. Tuy nhiên, Công ty TNHH KCN Texhong Việt Nam chỉ đồng ý tiếp nhận chất nạo vét là cát sông và sỏi đáp ứng yêu cầu về chất lượng vật liệu có thể sử dụng để san lấp mặt bằng KCN với giá cả hợp lý. Công ty cũng đề xuất xin được miễn giảm chi phí vật liệu có thể sử dụng để san lấp mặt bằng cho KCN. Như vậy, nếu thực hiện theo đề xuất này của Công ty TNHH KCN Texhong Việt Nam, sẽ không thể triển khai được theo hình thức xã hội hóa (do sản phẩm nạo vét sông Đầm Hà được xác định là phục vụ san lấp KCN Cảng biển Hải Hà, nhưng chưa xác định được chi phí và khối lượng).
Do vướng mắc trên, Sở GT-VT đã báo cáo và đề nghị UBND tỉnh cho phép triển khai dự án nạo vét sông Đầm Hà theo như các dự án xã hội hóa thông thường (tức là không xác định vị trí đổ thải nạo vét vào KCN Cảng biển Hải Hà và phương án tiêu thụ sản phẩm nạo vét sẽ do nhà đầu tư trúng thầu thực hiện). Đến nay, sau khi rà soát, cập nhật các nội dung liên quan, Sở GT-VT đã có tờ trình gửi Sở KH&ĐT trình UBND tỉnh phê duyệt.
- Quá trình triển khai dự án có gặp những khó khăn gì, thưa ông?
+ Với yêu cầu đặt ra khi thực hiện dự án là hình thức xã hội hóa, vật liệu nạo vét phục vụ san lấp KCN Cảng biển Hải Hà. Tuy nhiên, quá trình triển khai chưa thống nhất được chi phí và khối lượng Công ty TNHH KCN Texhong Việt Nam tiếp nhận.
Dự án đã trình Sở KH&ĐT thẩm định, tuy nhiên quá trình thẩm định các dự án nạo vét vẫn còn một số vướng mắc. Do vậy Sở KH&ĐT đã tham mưu, báo cáo UBND tỉnh có văn bản đề nghị Bộ GT-VT hướng dẫn một số nội dung gồm: Việc xác định kinh phí nạo vét và đơn giá vật liệu thu hồi sản phẩm khó thực hiện do thiếu quy định hướng dẫn, cụ thể là các yếu tố cấu thành chi phí nạo vét phụ thuộc việc lựa chọn phương án tổ chức thi công và thu hồi sản phẩm, trong khi đó chưa xác định được vị trí tập kết thu hồi sản phẩm. Bên cạnh đó, sản phẩm thu hồi của dự án có tính chất cơ lý khác nhau, mỗi địa phương có đặc thù riêng, nên việc vận dụng giá công bố vật liệu sẽ thiếu chính xác.
Thêm vào đó, chưa có quy định cụ thể phần thanh toán chênh lệch giữa kinh phí nạo vét và giá trị thu hồi sản phẩm, đặc biệt trong trường hợp nạo vét kinh phí lớn hơn, khi đó sẽ không hoàn vốn được cho nhà đầu tư, trong khi chưa có quy định về sử dụng ngân sách để hỗ trợ nhà đầu tư.
Về việc phân cấp, ủy quyền cho UBND huyện Đầm Hà được lập và triển khai dự án do chưa có quy định cụ thể nên hiện nay Sở KH&ĐT chưa có căn cứ tham mưu cho UBND huyện Đầm Hà thực hiện dự án.
- Sau khi có hướng dẫn của Bộ GT-VT, Sở sẽ tập trung những nhiệm vụ gì, thưa ông?
+ Sau khi Bộ GT-VT có tháo gỡ vướng mắc triển khai dự án, Sở KH&ĐT sẽ hoàn thiện thẩm định và trình UBND tỉnh phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi làm cơ sở tổ chức lựa chọn nhà đầu tư và đàm phán ký hợp đồng dự án để triển khai thi công.
Hiện nay trên sông Đầm Hà có nhiều điểm khan cạn, trong đó cách cảng Đầm Buôn khoảng 200m xuất hiện các bãi bồi dẫn đến thu hẹp mặt cắt ngang luồng. Sở GT-VT đã cùng các sở, ngành, địa phương kiểm tra thực địa, thống nhất báo cáo UBND tỉnh cho phép thực hiện thanh thải vị trí cồn cạn thu hẹp luồng để đảm bảo ATGT do các doanh nghiệp khai thác cảng, bến tại khu vực tự bỏ kinh phí thực hiện.
Đồng thời Sở GT-VT đang tham mưu cho UBND tỉnh báo cáo Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành xem xét điều chỉnh nội dung một số điều Nghị định 159/2018/NĐ-CP của Chính phủ về hoạt động nạo vét vùng nước đường thủy nội địa để tăng cường ủy quyền, phân cấp cho các địa phương và thuận tiện cho việc triển khai dự án.
- Xin cảm ơn ông!
Thu Trang
Liên kết website
Ý kiến ()