Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 30/11/2024 11:31 (GMT +7)
Sớm xoá những "điểm đen" ngập lụt
Thứ 2, 17/08/2020 | 10:19:02 [GMT +7] A A
Đợt mưa lớn kéo dài những ngày qua đã bộc lộ nhiều “điểm đen” ngập lụt cục bộ ở các địa phương trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là thủ phủ TP Hạ Long, khiến đời sống của người dân nơi đây gặp nhiều khó khăn, đảo lộn.
Câu chuyện cứ mưa lớn là ngập lụt không phải là mới. Năm nào cũng vậy, đến mùa mưa là người dân ở những vùng có nguy cơ lụt lại nơm nớp lo âu, không biết khu dân cư nhà mình năm nay thế nào? Dù rằng cứ sau mỗi trận mưa là các ngành chức năng, đơn vị, địa phương lại tổ chức khảo sát, gia cố, khơi thông, thậm chí là đầu tư những công trình, thiết bị chống ngập, thế nhưng những nỗi lo khi mưa đến của người dân vẫn còn hiện hữu.
Như đợt mưa này (từ ngày 15/8), mưa đã làm ngập cục bộ một số khu dân cư như ở khu 4, phường Hồng Hà; khu Cầu 1, 2, phường Cao Xanh; khu vực Hồ Điều Hoà, phường Yết Kiêu và một số khu dân cư ở phường Hà Lầm, Hà Phong, Cao Thắng. Đây đều là những “điểm đen” về ngập lụt của Hạ Long, thế nhưng nhiều năm qua vẫn chưa được thành phố xử lý một cách triệt để. Đáng chú ý là tại khu 4, phường Bãi Cháy (TP Hạ Long), xảy ra sạt trượt đất đồi làm 3 nhà dân nằm ven đường Hậu Cần bị nứt, gẫy, nguy cơ cao sập đổ, người dân đã phải di chuyển đến nơi ở tạm an toàn; khu vực tổ 11, khu 3, phường Hồng Hà, tiếp tục bị sạt lở, gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới một số hộ dân.
Từ đầu mùa mưa đến nay ở TP Hạ Long đã xuất hiện 15 điểm sạt lở. Qua rà soát thì còn có 40 điểm có nguy cơ sạt lở, hiện TP Hạ Long đã chỉ đạo UBND các xã, phường khẩn trương di dời người dân bị ảnh hưởng bởi sạt lở kè đến nơi an toàn, đảm bảo cao nhất về tính mạng con người.
Không chỉ ở thủ phủ Hạ Long, tại một số địa phương khác trong tỉnh cũng đã xảy ra ngập lụt cục bộ, sạt lở đất ảnh hưởng đến đời sống người dân. Như Cẩm Phả, Vân Đồn, Quảng Yên, Ba Chẽ…, một số dự án, tuyến đường, khu dân cư xảy ra ngập úng, sạt lở đất do mưa lớn kéo dài.
Khu vực phường Hà Phong mưa lớn cũng gây ngập lụt làm ảnh hưởng đến việc đi lại của người dân. |
Ngập lụt cục bộ, sạt lở đất đã xảy ra ở một số địa phương, tuy nhiên theo dự báo của Đài Khí tượng thuỷ văn tỉnh, do rãnh thấp có trục Tây Bắc - Đông Nam đi qua Bắc Bộ kết hợp với vùng xoáy thấp trên mực 5.000m tiếp tục hoạt động mạnh lên, nên dự báo từ ngày 17/8 đến ngày 21/8, toàn tỉnh tiếp tục có mưa to đến rất to và dông. Lượng mưa toàn đợt phổ biến các nơi từ 300-400mm, có nơi trên 500mm. Trọng tâm của đợt mưa tập trung từ 17/8 cho đến đêm 18/8.
Mưa lớn kéo dài dẫn đến nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất, ngập úng cục bộ tại các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh: Hải Hà, Đầm Hà, Bình Liêu, Tiên Yên, Ba Chẽ, Vân Đồn, Cô Tô, Móng Cái, Cẩm Phả, Hạ Long, Uông Bí, Quảng Yên, Đông Triều ở mức cao đến rất cao.
Trước diễn biến phức tạp của mưa lớn kéo dài, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu UBND các địa phương, sở, ban, ngành trên địa bàn tỉnh triển khai thực hiện khẩn trương theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lũ, tình hình mưa lũ, sạt lở đất, ngập lụt gây ra, cảnh báo thông tin kịp thời đến các cấp chính quyền, đến tận tổ dân, khu phố, người dân để chủ động các biện pháp phòng tránh; sẵn sàng triển khai phương án sơ tán dân tại các khu vực có nguy cơ xảy ra lũ quét, lũ ống, sạt lở đất, sạt lở bờ sông, suối, sạt lở các bãi thải khai thác than, ngập lụt các khu vực trũng, mưa, lũ lớn, sạt lở đất đá xảy ra; sẵn sàng phương án đảm bảo an toàn các tuyến đê, các hồ đập. Đặc biệt phải đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người dân trong mọi tình huống khi có mưa, lũ, sạt lở.
Chủ tịch UBND các địa phương khẩn trương yêu cầu chủ tịch UBND các xã, phường, thị trấn kiểm tra cụ thể từng thôn, bản, khu phố, tổ dân; đặc biệt lưu ý các khu vực có nguy cơ ngập lụt, sạt lở đất đá, khu vực ven sông, suối có nguy cơ xảy ra lũ, sạt lở đất, khu vực bãi thải, khu vực chân các núi đá; có phương án di chuyển dân về nơi an toàn. Tuyệt đối không được để xảy ra thiệt hại về người.
Mưa lớn gây ngập lụt tại khu Cầu 1, phường Cao Xanh, TP Hạ Long. |
Các xã, phường, thị trấn cử người trực, canh gác 24/24h thường xuyên tại các vị trí ngầm, tràn giao thông, kiên quyết không cho phương tiện và người qua lại khi có lũ xuất hiện; có phương án huy động các phương tiện, thiết bị và lực lượng kịp thời giải tỏa ách tắc giao thông do mưa lũ gây ra, đảm bảo giao thông thông suốt. Đồng thời, khẩn trương yêu cầu chủ đầu tư các dự án đang thi công có biện pháp ngăn chặn tối đa bùn, đất và nước tràn xuống đường quốc lộ, khu vực dân cư khi có mưa lớn; có phương án xử lý ngay các điểm ngập úng.
Dự báo đợt mưa lớn diện rộng còn kéo dài đến ngày 21/8, cảnh báo nguy cơ lũ quét, sạt lở đất, ngập úng cục bộ. Chính vì vậy, để không xảy ra thiệt hại về người, tài sản của người dân, các địa phương trong tỉnh, đặc biệt là chính quyền cơ sở cần nâng cao tinh thần trách nhiệm, cảnh giác, tăng cường tuyên truyền, vận động người dân chủ động phòng, chống mưa lũ, sạt lở đất, tránh những tai nạn đáng tiếc có thể xảy ra. Và về lâu dài, cần sớm có phương án xử lý triệt để các “điểm đen” ngập lụt để mỗi khi có mưa lớn không còn ảnh hưởng đến đời sống của người dân.
Thái Bình
Liên kết website
Ý kiến ()