Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 01/11/2024 18:25 (GMT +7)
Sơn Dương - Cung trầm một thuở
Thứ 4, 05/04/2023 | 09:29:45 [GMT +7] A A
Hôm nay trời mưa. Kiểu mưa xuân. Có lẽ gió đuổi mây tụ quá nhanh nên “Anh Dự trên TV” không “dự” kịp, vì tối qua anh vẫn báo là trời có nắng nhưng đã hẹn rồi nên cứ đi thôi.
Lần này, chúng tôi sẽ đi thăm hang Đồng Đạng, hang Núi Bốc, hang Đìa Thấu - hầu hết thuộc địa bàn xã Sơn Dương, nơi trước đây Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh và Bệnh viện huyện Hoành Bồ (nay thuộc thành phố Hạ Long) và Bệnh viện Quân đội thuộc Binh chủng Hải quân đóng quân sơ tán. Anh Vương Bình, nguyên là cán bộ xã lâu năm và cũng là người địa phương lãnh trọng trách đưa đường.
Sơn Dương là một xã miền núi, nằm về phía Tây Bắc của thành phố Hạ Long, cách trung tâm thành phố chừng 20km. Địa hình Sơn Dương có nhiều đồi núi, hang động và cả những thung lũng cây cối tốt tươi nằm xen kẽ. Theo Lịch sử Đảng bộ xã Sơn Dương, trong thời kỳ 1964-1968 là giai đoạn chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ đánh phá miền Bắc, xã Sơn Dương là địa điểm sơ tán an toàn của Tỉnh ủy, một số ban, ngành của tỉnh, huyện Hoành Bồ và Bộ Tư lệnh Quân chủng Hải quân (Quân khu Đông Bắc). Một số đơn vị còn ở lại đến năm 1972 và sau năm 1972 mới rút đi.
Ngày ấy, bệnh viện tỉnh sơ tán ở hang Đồng Đạng, thôn Đồng Đạng, xã Sơn Dương, huyện Hoành Bồ (cũ). Tên thường gọi là hang Đạng. Hang Đạng có suối Đạng chảy trong lòng núi từ địa phận xã Dân Chủ đổ về. Ngoài hang có hai cửa vào khá rộng. Trước những năm 90 của thế kỷ trước, hang Đạng hoàn toàn thuộc về địa phận hành chính xã Sơn Dương. Sau đó chẳng hiểu vì sao lại cắt về cho xã Dân Chủ (tiếp giáp với xã Sơn Dương) quản lý, mặc dù ruộng vườn xung quanh dãy núi Đồng Đạng vẫn thuộc địa bàn xã Sơn Dương. Như vậy, núi Đồng Đạng lại không thuộc thôn Đồng Đạng, cũng như chùa Vân Phong bây giờ không phải nằm trên địa bàn thôn Vườn Cau, nơi trước đây vốn có tên là làng Vân Phong, xã Sơn Dương cũ.
Dãy núi đá Đồng Đạng ấy lại được bao quanh bởi dãy núi đất, phía bên kia là đập Khe Dùng, cung cấp nước tưới tiêu cho thôn Đồng Đạng (xã Sơn Dương). Bệnh viện tỉnh khi tiếp quản nơi này đã có một địa thế khá đắc ý, tương đối thuận tiện cho việc lập lán, trại, cứu chữa bệnh nhân, ăn ngủ nghỉ và phòng tránh máy bay Mỹ.
Đáng tiếc là một số núi đá ở xã Sơn Dương trong đó có hang Đạng đã được cấp cho các công ty tư nhân khai thác đá vôi. Khi chúng tôi đến thăm lại nơi này thì vẫn còn đó hai cửa hang, phơ phất những bông lau trắng. Con suối Đạng vẫn thầm thì chảy giữa những phiến đá đã nhẵn mòn. Phía trên đầu, những tảng đá xù xì, nhọn hoắt, đang đợi ngày bị những trái mìn “khai tử”, tan thành đá dăm, đá hộc phục vụ cho các công trình xây dựng. Anh Bình chỉ lên đỉnh núi kể hồi trước các anh thường leo lên đó lấy một số cây thuốc như cây chân chim núi, cây cứt chuột… là những cây thuốc Nam quý, trị nhiều bệnh như viêm gan, đau xương cốt, tăng cường sinh lực. Rất có thể các thầy thuốc ở bệnh viện tỉnh hồi đó cũng đã ứng dụng những vốn thuốc quý của đồng bào địa phương vào việc phòng, chữa bệnh cho các bệnh nhân trong giai đoạn đó chăng?
Ai đã từng ở nơi này, đặc biệt trong thời kỳ sơ tán ở núi Đạng, hẳn không bao giờ quên phong cảnh tươi đẹp nơi đây. Dãy núi đá hùng vĩ với dòng suối trong veo chảy ngay trong lòng núi. Đôi cửa hang thuận tiện, thật nên thơ đón chào, che chở cho con người tránh nắng, tránh mưa. Lòng núi cũng bảo vệ những sinh linh trong cảnh bom rơi, đạn lạc. Giờ đây, dãy núi Đạng không “chết” vì chiến tranh, mà lại phải “hy sinh” trong cảnh hòa bình.
May là Bệnh viện 5-8 thuộc Binh chủng Hải quân ở hang Đìa Thấu (thôn Vườn Rậm ngày nay) vẫn còn trong tình trạng khá tốt. Hang này có diện tích khá lớn và được bảo tồn gần như nguyên vẹn. Hồi chiến tranh, dân thường đi đường tắt từ hướng Tây Bắc qua đường đất men chân núi lên hang. Cửa hang toàn đá lởm chởm, trong hang, đất đá gồ ghề. Vòm hang chỗ cao nhất chừng hơn chục mét, diện tích nơi rộng nhất khoảng chừng 200m2.
Sát thôn Vườn Rậm là thôn Vườn Cau. Ban đầu, Bệnh viện tỉnh và Bệnh viện huyện sơ tán quanh dìa núi Bốc. Đó là một ngọn núi đá vôi có lẽ có từ thời cổ đại, cùng thời với núi Bài Thơ, đứng trầm tư ngay đầu cổng thôn Vườn Cau. Núi Bốc cũng có một hang động, hai cửa động thông nhau theo hướng Đông Nam sang Tây Bắc. Cửa phía Tây Bắc có tên là cửa Trầu, cửa phía bên kia là cửa Chạp. Mé phía Tây Nam của núi Bốc có núi Đá Bàn (thôn Mỏ Đông) che chắn kín đáo cho vùng sơ tán. Các lán trại của bệnh viện dựng quanh hang. Mỗi khi có còi báo động là tất cả lại ẩn nấp vào hang. Dân nơi đây vẫn thường ghi nhắc ân đức Thánh Tản che chở vùng này. Trong thời kỳ các bệnh viện sơ tán, chưa ghi nhận một trường hợp nào bị chết ở đây vì bom đạn Mỹ.
Cũng giống như hệ thống núi quanh đây, núi Đá Bàn cũng là núi đá vôi. Núi có tên gọi như vậy từ một sự tích về vua Đồng Quánh, rằng hồi đó, cả khu vực rộng lớn này thuộc sự cai quản của vua Đồng Quánh. Một hôm vua đi kinh lý qua đây thì quân tướng đã mỏi mệt. Xung quanh rừng núi um tùm chẳng có chỗ nào ngơi nghỉ. Vua bèn chỉ thanh gươm lên đỉnh núi trên cao. Thế là một tảng đá thật to từ trên núi lăn xuống. Đủ chỗ cho ngài và quân lính nghỉ ngơi. Hiện nay, vẫn còn lại dấu tích tảng đá năm xưa, to bằng mấy cái chiếu ở thôn Mỏ Đông, cạnh tuyến đường liên xã.
Những ông bà cụ lớn tuổi ở xã vẫn còn nhớ như in hồi mấy bệnh viện sơ tán về đây. Đầu tiên cả hai bệnh viện tuyến tỉnh và huyện đều lập lán trại quanh núi Bốc. Cửa hang Trầu rộng chừng trăm mét vuông được đặt làm phòng mổ. Bệnh viện tỉnh có bác sĩ Ngô Lan, Mai Lan, bác sĩ Khá, bác sĩ Ngưu, bác sĩ Thính… Bệnh viện huyện có bác sĩ Đảm, cô Miễn, cô Miều, cô Giang, cô Vân chuyên đỡ đẻ… Một số y, bác sĩ ở nhờ nhà dân. Hồi ấy dân làng nhiều người còn nhớ đám cưới hai bác sĩ Khuê và Mỵ. Bác sĩ Ẩy vừa đàn vừa hát bài “Tôi lại đào công sự” trong đám cưới rất vui. Sau đó bệnh viện tỉnh mới chuyển sang hang Đồng Đạng rộng hơn.
Giờ chỉ còn hang Đìa Thấu, nơi bệnh viện quân đội đóng quân, có đường bê tông dễ đi tới tận cửa hang. Con đường bê tông chạy ngoằn ngoèo bám sườn núi để tránh độ dốc cao. Bên trong và ngoài cửa hang đã được kè lại phẳng phiu, lối vào giờ đã bê tông hoá toàn bộ. Dọc đường lên, những cây quế, cây keo đang bật chồi non bên những khối đá xanh từ thuở ban sơ.
Còn cửa hang núi Bốc cây cối âm u trùm phủ. Có khéo cũng chẳng mấy ai dám đi hết đoạn đường trong hang ngày xưa. Một số nhà dân phía cửa Trầu vẫn còn đó. Họ và những vòm hang xưa như những nốt nhạc trầm, rung mãi khúc tráng ca, nhắc một thời nghĩa Đảng, tình dân ấm áp chở che, đoàn kết cùng nhau vượt qua muôn vàn khó khăn gian khổ, để tiến tới một thắng lợi hoàn toàn của nhân dân, Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh ngày ấy.
Phóng sự của Lại Tuấn Hiền
Liên kết website
Ý kiến ()