Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 09:11 (GMT +7)
Sóng 5G 'nhảy múa' không ổn định những ngày đầu ra mắt, chuyên gia nói gì?
Thứ 3, 22/10/2024 | 09:01:39 [GMT +7] A A
Thời điểm hiện tại 5G đã được thương mại hóa, tuy nhiên đang bị phản ánh chập chờn, thiếu ổn định. Các chuyên gia nhận định cần thêm thời gian cho nhà mạng.
Chỉ thời gian ngắn được cấp giấy phép thiết lập mạng, kinh doanh cung cấp dịch vụ 5G, nhà mạng Viettel là đơn vị đầu tiên bắt đầu thương mại hóa 5G trên diện rộng từ ngày 15/10.
Theo công bố mạng 5G Viettel tại thời điểm khai trương có hơn 6.500 trạm BTS, phủ sóng 100% thủ phủ của 63/63 tỉnh, thành phố, các khu công nghiệp, khu du lịch, cảng biển, sân bay, bệnh viện, trường đại học.
Mạng 5G Viettel có tốc độ 700 Mbps - 1 Gbps, gấp 10 lần so với 4G và độ trễ thấp gần như bằng 0. Mạng 5G Viettel triển khai đồng thời trên cả 2 nền tảng kiến trúc 5G NSA (non stand alone) và 5G SA (stand alone).
Việc triển khai 5G kèm theo những gói cước hấp dẫn, khiến người dùng di động mong chờ một giải pháp internet di động nhanh chóng và ổn định.
Thời gian đầu tiên triển khai, nhiều người dùng chia sẻ về tốc độ mạng vẫn chưa thực sự ổn định, một số nơi tại Hà Nội sóng 5G còn chập chờn.
Tốc độ thực của 5G tại Hà Nội ra sao?
Trước thông tin trên, phóng viên đã đi đến nhiều địa chỉ tại Hà Nội để thực tế về tốc độ mạng di động bằng ứng dụng đo Speedtest.
Đầu tiên tại khu vực tòa nhà Viettel trên đường Giang Văn Minh (quận Ba Đình, TP Hà Nội) tốc độ tải xuống 5G đạt tới 516Mbps, tốc độ tải lên đạt 135Mbps và độ trễ ở mức 22ms.
Tuy nhiên cách đó không xa, khi đo trong nhà dân trên phố Vũ Thạnh (Đống Đa) cho thấy tốc độ giảm đang kể. Cụ thể, tiến hành đo tốc độ tải xuống 5G chỉ đạt gần 7Mbps, tốc độ tải lên đạt hơn 4Mbps và độ trễ ở mức 37ms.
Tại khu vực xung quanh bờ hồ Hoàn Kiếm, phóng viên bất ngờ ghi nhận tốc độ mạng thay đổi rõ rệt, đặc biệt có tình trạng điện thoại liên tục nhảy từ 5G xuống 4G khi tiến hành đo ở các khu vực như tòa soạn báo Hà Nội Mới, Quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục, Tượng đài Cảm Tử...
Chuyên gia lý giải nguyên nhân
Đưa ra lý giải về việc sóng 5G hiện còn đang chưa ổn định, PGS. TS Nguyễn Tiến Ban từ Học viện Bưu chính Viễn thông giải thích, trạm BTS 5G có vùng phủ sóng hẹp hơn nhiều so với 3G và 4G, đòi hỏi số lượng trạm phát sóng phải lớn hơn để đảm bảo chất lượng kết nối.
Thời điểm hiện tại Viettel chỉ với 6.500 trạm trên toàn quốc, dẫn đến việc sóng 5G chỉ hoạt động tốt ở những khu vực có mật độ trạm cao.
Đồng quan điểm với PGS. TS Nguyễn Tiến Ban, ông Đoàn Quang Hoan - Phó Chủ tịch Hội Vô tuyến - Điện tử Việt Nam, Nguyên Cục trưởng Cục Tần số Vô tuyến điện đưa ra một số nguyên nhân có thể gặp phải, "giai đoạn đầu hệ thống chưa chưa hoạt động mượt mà, cần có thời gian để nhà mạng tiến hành điều chỉnh. Hiện nay 5G sẽ được ưu tiên triển khai ở những nơi mật độ người sử dụng lớn, đông dân cư, những nơi thưa dân việc đầu tư sẽ rất lớn nhưng hiệu quả hạn chế, đặc biệt giảm độ "xanh" bởi mạng 5G sử dụng năng lượng lớn, phát triển với trạm BTS 5G dày đặc sẽ tiêu thụ điện rất lớn, các nhà mạng phải cân đối giữ nhu cầu và khả năng phục vụ khách hàng, đi cùng với đó là mức độ tiêu tốn năng lượng cho hệ thống".
Nói về thời điểm triển khai 5G tại Việt Nam, Nguyên Cục trưởng Cục Tần số Vô tuyến điện cũng đánh giá, việc đưa 5G vào triển khai thương mại hóa không sớm, tuy nhiên cũng chưa muộn. Việc thương mại hóa 5G thời điểm này là hợp lý và đây là xu hướng tất yếu của việc phát triển mạng di động.
"Đối với việc dùng 5G cho người dùng cá nhân, còn phụ thuộc nhiều vào mục đích truy cập và nơi họ sống có cần sử dụng 5G hay không. Những người sử dụng với mục đích thông thường như lướt web, giao dịch banking thì tốc độ của 4G đã đủ đáp ứng.
Thế nhưng những người cần sử dụng tốc độ siêu cao, với dung lượng cực lớn mới cần đến tốc độ 5G. Những nơi tập trung đông người và mạng 4G không thể đảm bảo phục vụ thì khi ấy phải cần đến 5G để có tốc độ cao cho nhiều người sử dụng", ông Đoàn Quang Hoan phân tích.
Theo VTCNews
Liên kết website
Ý kiến ()