Tất cả chuyên mục
Thứ Năm, 02/01/2025 04:50 (GMT +7)
Sông Mông Dương "kêu cứu"
Thứ 2, 30/09/2019 | 10:34:27 [GMT +7] A A
Đã có một thời, sông Mông Dương (TP Cẩm Phả) là con sông có phong cảnh thơ mộng, hữu tình, dòng chảy uốn lượn ôm lấy các xóm làng; tàu, thuyền ra, vào vận chuyển than, đánh bắt thủy sản, giao thương nhộn nhịp. Thế nhưng, bây giờ thì khác, sông Mông Dương đang rơi vào nguy cơ “chết yểu” do rác thải, đất đá trôi xuống làm bồi lắng dòng chảy, ô nhiễm nguồn nước...
Sông Mông Dương hiện nay, đoạn chảy qua khu vực dân cư. Ảnh: Phạm Văn Dẩn (CTV) |
Sông cạn, bồi lắng nghiêm trọng
Ngôi nhà của ông Phạm Văn Dẩn (63 tuổi, khu 4, phường Mông Dương) nằm cách sông Mông Dương hơn 50m. Ông Dẩn kể, tuổi thơ của ông có nhiều kỷ niệm gắn bó với dòng sông quê này. Đam mê nhiếp ảnh từ lúc còn làm công nhân trực Trạm 110kV Mông Dương, khi về hưu ông đã mở tiệm chụp ảnh tại nhà, vừa kiếm thêm thu nhập, vừa thỏa mãn niềm đam mê. Lúc rảnh rỗi ông dành nhiều thời gian đi “săn” những bức ảnh đẹp về sông Mông Dương. Ông hiện là một trong những tay máy ở Vùng mỏ Cẩm Phả chụp ảnh nhiều nhất về con sông này. Nhiều năm gắn bó, ông Dẩn đã chứng kiến rõ sự thay đổi của con sông Mông Dương.
Sông Mông Dương, đoạn gần băng tải than Nhà máy Nhiệt điện Mông Dương 2, chỉ còn rộng gần 30m, hiện bị ô nhiễm nặng nề. |
Mở từng tấm ảnh do ông chụp về dòng sông Mông Dương còn lưu giữ được, ông Dẩn chia sẻ: “Tiếc nhất là những bức ảnh đẹp về sông Mông Dương ngày xưa tôi chụp bằng phim đã không thể lưu giữ được cho nhà báo xem. Nhớ lại những năm 1980-1990, nước sông Mông Dương chảy trong xanh. Bờ sông ngày đó rộng lắm, có chỗ cách nhau hơn 100m. Lũ trẻ con quanh xóm nhà tôi thường xuyên tắm sông, mò cua, bắt cá. Giờ mọi thứ đã khác. Nước sông đã bị đổi sang màu đen như than, dòng sông bị thu hẹp mất một nửa. Sông hẹp, lòng sông bị đất đá bồi lắng hết dòng chảy. Những hôm nước cạn, nhiều chỗ nhìn trơ đáy, tàu bè công suất lớn không thể ra vào sông được. Giờ muốn tìm được vị trí chụp ảnh đẹp về con sông này cũng rất khó, bởi quá trình đô thị hóa đã làm sông Mông Dương bị biến dạng và ô nhiễm...”.
“Mục sở thị” sông Mông Dương, chúng tôi được giới thiệu đến gặp vợ chồng ngư dân Nguyễn Thị Mai (56 tuổi, khu 12, phường Mông Dương). Ngôi nhà cấp 4 mà vợ chồng bà đang sinh sống nằm dưới gầm cầu vượt Mông Dương, chỉ cách con sông vài mét. Gần 20 năm nay, vợ chồng bà vẫn bám trụ con sông này để mưu sinh bằng nghề đánh bắt thủy sản. Bà còn làm thêm nghề vớt rác, thu gom phế liệu dọc bờ sông.
Ông Phạm Văn Dẩn cho biết: Phía thượng nguồn sông Mông Dương đều bị bủa vây bởi các bãi đổ thải. |
Ngược theo dòng nước, bà Mai mất gần 1 tiếng đồng hồ chèo thuyền mới đưa chúng tôi đến gần khu vực thượng lưu sông Mông Dương. Vừa chèo thuyền bà vừa chia sẻ với chúng tôi: "Trước đây, con sông này rất nhiều tôm, cá sinh sống. Chỉ cần kéo lưới gần nhà cũng thu được những mẻ cá, tôm đầy. Nhưng vài năm gần đây, nguồn nước sông ngày càng ô nhiễm, nước thải, rác, túi nilon, chai nhựa vứt đầy xuống sông. Tôi vẫn chèo thuyền vớt rác dọc sông, ngoài kiếm thu nhập, còn mong muốn góp phần làm cho dòng sông bớt bị ô nhiễm. Đáng lo nhất đó là tình trạng dòng sông đang bị bồi lắng, mực nước sông lên xuống thất thường, khiến nguồn thủy sản ngày càng khan hiếm".
Theo ghi nhận của chúng tôi, dọc hai bờ sông, đoạn từ cầu vượt Mông Dương đến vị trí băng tải than chạy vào Nhà máy Nhiệt điện Mông Dương 2, chiều rộng con sông khá hẹp, chỉ khoảng 30-40m, có chỗ thắt lại chỉ còn hơn 20m. Tại khu vực gần Nhà máy, đoạn giữa sông, mặc dù thủy triều đang lên, nhưng độ sâu chúng tôi đo được chỉ từ 2,5-3m; bãi đổ thải tro, xỉ của Nhà máy nằm cạnh mép sông, nhưng không có tường chắn, hàng rào, tiềm ẩn nguy cơ sạt lở đất đá xuống dòng sông, dẫn đến bồi lắng khu vực cuối nguồn. Lòng sông bị thu hẹp, hiện tượng bồi lắng đã gây cản trở đến tốc độ dòng chảy, thủy triều lên xuống, các phương tiện thủy nội địa trên dòng sông.
Bãi thải tro, xỉ của Nhà máy Nhiệt điện Mông Dương 2 nằm sát dòng sông. |
“Nhiều lần đi thuyền chài về nhỡ mất con nước, sông cạn trơ đáy, thuyền nhỏ cũng bị mắc cạn. Tôi phải ngồi chờ thủy triều lên mới chèo thuyền về được đến nhà. Chừng nào những bãi đổ thải trên cao kia chưa được phủ cây xanh, cắt bớt tầng, thì sông Mông Dương vẫn phải đối mặt với tình trạng đất đá trôi, gây bồi lắng con sông” - bà Mai nói.
Sông chung... "không ai khóc" (?!)
Sông Mông Dương có 2 nhánh: Nhánh số 1 (nhánh chính) bắt nguồn từ những dòng suối trên khai trường mỏ Than Cao Sơn và Cọc Sáu; nhánh số 2 (nhánh phụ) bắt nguồn từ các khe suối khu vực Đồng Mỏ - Bến Ván. Cả hai nhánh dẫn nước đến đoạn cầu Tràn (Km3+022 tỉnh lộ 329) thì nhập chung vào sông Mông Dương, đổ ra Vịnh Bái Tử Long. Chiều dài của sông Mông Dương (tính theo nhánh chính số 1) hơn 6km.
Bà Nguyễn Thị Mai thường xuyên vớt rác, thu gom phế liệu dọc bờ sông Mông Dương. |
Những hộ sinh sống lâu năm dọc con sông này cho biết, trước đây, mực nước sông Mông Dương có độ sâu từ 4-6m, sông rộng khoảng 80-100m. Chức năng chính của sông, bên cạnh tiêu thoát nước, còn là nơi các phương tiện thủy lưu thông qua lại. Hiện sông chủ yếu thực hiện chức năng tiêu thoát nước cho hơn 4.000 hộ dân khu vực phường Mông Dương. Tuy nhiên, trước tình trạng dòng sông ngày càng bị bồi lắng nhiều năm qua, sông bị thu hẹp, đã hạn chế nhiều việc tiêu thoát nước của dòng sông.
Trận mưa lũ lịch sử cuối tháng 7, đầu tháng 8/2015 đã gây ra những thiệt hại nặng nề đối với người dân phường Mông Dương. Mưa lớn, mực nước sông Mông Dương dâng cao, nước lũ không thoát kịp, gây ngập úng, bùn đất tràn, nhấn chìm hơn 100 ngôi nhà của các hộ dân khu 4, phường Mông Dương. Hơn 100 hộ dân phải di dời đến nơi ở mới. Sau trận lũ đó, nhiều chuyên gia nhận định, nguyên nhân dẫn tới tình trạng ngập lụt nặng do lượng đất đá lớn từ các bãi đổ thải trôi xuống lòng sông, khiến việc tiêu thoát nước của sông bị tê liệt. Đến nay, hàng nghìn hộ dân phường Mông Dương vẫn rất lo lắng trước những tác động xấu từ bãi đổ thải sẽ làm ảnh hưởng trực tiếp đến dòng sông này.
Sông Mông Dương thường xuyên rơi vào tình trạng bồi lắng, nước cạn trơ đáy. Ảnh Phạm Văn Dẩn (CTV) |
Hiện trên địa bàn phường Mông Dương có 5 bãi đổ thải của ngành Than. Theo quy hoạch, bãi thải Đông Cao Sơn và Bằng Nâu có độ cao kết thúc đổ thải là 300m, các bãi còn lại có độ cao kết thúc đổ thải từ 30-90m. Việc tập trung nhiều bãi thải tại khu vực đầu nguồn gây áp lực đến môi trường xung quanh, đất đá bị cuốn trôi xuống sông suối, gây tình trạng bồi lắng. Sông Mông Dương còn đang bị ô nhiễm nghiêm trọng do các hộ dân sinh sống dọc hai bờ sông thường xuyên xả rác và đổ nước thải trực tiếp xuống sông.
Theo Đề án đảm bảo môi trường cấp bách ngành Than trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2016-2020, khu vực sông Mông Dương nằm trong hạng mục trọng điểm nạo vét, củng cố hệ thống thoát nước, ngăn ngừa ngập lụt cục bộ khu dân cư. Theo đó, trước và trong mùa mưa bão hằng năm, TKV đều phân bổ nguồn vốn chi phí sản xuất tiến hành nạo vét khu vực thượng lưu các suối; phần hạ lưu sông Mông Dương do địa phương thực hiện bằng chi phí bảo vệ môi trường.
Nước và rác thải của các hộ dân đổ thẳng xuống dòng sông Mông Dương gây ô nhiễm. |
Ông Phạm Ngọc Lự, Phó Chủ tịch UBND phường Mông Dương, cho biết: Sông Mông Dương đang trong tình trạng bồi lắng đáng báo động. Thủ phạm chính là do các bãi đổ thải trên cao bủa vây. Mặc dù các bãi thải này đều được đổ thải, phân cắt tầng đúng quy hoạch, nhưng khi gặp mưa lớn, đất đá rất dễ trôi xuống lòng sông, gây bồi lắng dần qua các năm. Phường và cử tri đã ý kiến nhiều lần với TKV, tuy nhiên hằng năm ngành than chỉ bố trí kinh phí nạo vét các đoạn khu vực thượng lưu. Lần nạo vét hạ lưu sông Mông Dương gần đây nhất từ năm 2007-2008. Giải cứu sông Mông Dương, trước mắt phường chỉ phát động các đợt tổng dọn vệ sinh khu vực sông suối để hạn chế mức độ ô nhiễm nguồn nước; phần nạo vét bùn đất cần có kinh phí lớn, địa phương chưa thể cân đối được.
Phạm Tăng
[links()]
Liên kết website
Ý kiến ()