Tất cả chuyên mục
Thứ Tư, 13/11/2024 02:38 (GMT +7)
Sử dụng kháng sinh có trách nhiệm
Thứ 7, 09/11/2024 | 11:32:37 [GMT +7] A A
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã tuyên bố, kháng kháng sinh (AMR) là một trong 10 mối đe dọa sức khỏe cộng đồng toàn cầu mà nhân loại phải đối mặt. Sử dụng sai cách, lạm dụng thuốc kháng sinh là những nguyên nhân chính dẫn đến sự phát triển của các mầm bệnh kháng thuốc.
Khoa Hồi sức tích cực và chống độc (Bệnh viện Bãi Cháy) thường xuyên tiếp nhận điều trị bệnh nhân nặng, nguy kịch. Khoa hiện được bố trí 26 giường bệnh thực kê để điều trị cho bệnh nhân nặng, trong số đó có những trường hợp bệnh nhân có vi khuẩn kháng thuốc.
Theo bác sĩ CKI Nguyễn Thế Hưng, Trưởng Khoa, bệnh nhân có vi khuẩn kháng thuốc có xu hướng gia tăng, các chủng vi khuẩn kháng kháng sinh phổ biến hơn. Vi khuẩn đa kháng thường xuất hiện trên các bệnh nhân nằm thở máy kéo dài, có bệnh lý nền, như đái tháo đường, mất máu, nằm lâu một chỗ có loét tì đè, nhiễm khuẩn ngoài da, mô mềm… Do đó đa phần bệnh nhân có nguy cơ nhiễm khuẩn bệnh viện rất cao, một số bệnh nhân từ tuyến khác chuyển tới kháng tất cả các loại kháng sinh, khiến việc điều trị khó khăn, tăng nguy cơ tử vong. Vì vậy quá trình điều trị cần đội ngũ y tế chăm sóc chuyên sâu, như hút đờm, vệ sinh canuyn mở khí quản, catheter tĩnh mạch…
Kháng sinh được sử dụng để chống lại bệnh tật ở người, động vật và thực vật, bao gồm thuốc kháng vi khuẩn, thuốc kháng virus, thuốc kháng nấm, thuốc chống ký sinh trùng. Kháng thuốc kháng sinh (AMR) xảy ra khi vi khuẩn, virus, nấm và ký sinh trùng thay đổi theo thời gian, không còn đáp ứng với thuốc, làm cho bệnh nhiễm trùng khó điều trị hơn, tăng nguy cơ lây lan bệnh, bệnh nặng và tử vong.
Tình trạng kháng kháng sinh hiện nay dẫn đến ngày càng có nhiều bệnh lý nhiễm trùng (viêm phổi, nhiễm trùng tiết niệu, bệnh lao,...) trở nên khó điều trị hơn hoặc thậm chí không thể điều trị được nữa.
Có nhiều nguyên nhân gây ra kháng kháng sinh, như việc sử dụng kháng sinh không theo chỉ dẫn của bác sĩ, gây nhờn thuốc, tồn dư kháng sinh trong thực phẩm hay nhiễm khuẩn bệnh viện. Trong đó người dân tự ý dùng kháng sinh khi không cần thiết hoặc sử dụng kháng sinh thế hệ cao ngay từ đầu, không sử dụng đúng liều lượng… là nguyên nhân chính khiến tình trạng kháng kháng sinh ngày càng trở nên phức tạp những năm qua. Thậm chí kháng kháng sinh cũng xuất hiện ở cả đối tượng bệnh nhi.
Trước tình hình kháng thuốc có nguy cơ gia tăng, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chiến lược quốc gia về phòng, chống kháng thuốc giai đoạn 2023-2030, tầm nhìn đến năm 2045. Chiến lược đặt ra mục tiêu chung là làm chậm sự tiến triển kháng thuốc và ngăn chặn, kiểm soát sự lây lan của các vi sinh vật kháng thuốc, bệnh truyền nhiễm. Thực hiện Chiến lược trên địa bàn tỉnh, các đơn vị, địa phương đã xây dựng và duy trì cơ chế phối hợp liên ngành, chia sẻ thông tin về sự đề kháng, sử dụng và tiêu thụ thuốc kháng vi sinh vật giữa các sở, ban, ngành, cơ quan có liên quan từ tỉnh đến địa phương. Đồng thời xây dựng, triển khai kế hoạch hành động cho từng lĩnh vực y tế, nông nghiệp, môi trường, công thương để giải quyết các nguyên nhân dẫn đến tình trạng kháng thuốc trong các lĩnh vực tương ứng.
Các đơn vị, địa phương đã xây dựng chương trình, kế hoạch truyền thông, giáo dục, nâng cao nhận thức của người dân về các nguyên nhân gây kháng thuốc, hậu quả của kháng thuốc, các biện pháp phòng, chống kháng thuốc; tuyên truyền thay đổi hành vi để sử dụng thuốc kháng vi sinh vật có trách nhiệm, ngừng lạm dụng và sử dụng thuốc kháng vi sinh vật sai mục đích…, góp phần bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khoẻ con người và động vật, bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Tuần lễ truyền thông phòng, chống kháng thuốc do WHO phát động từ ngày 18- 24/11 hằng năm, nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng về kháng kháng sinh, đặc biệt là tầm quan trọng của việc sử dụng kháng sinh đúng cách, chấm dứt lạm dụng kháng sinh tại các bệnh viện, trang trại và tại mỗi hộ gia đình.
|
Nguyễn Hoa
Liên kết website
Ý kiến ()