Tất cả chuyên mục
Thứ Năm, 21/11/2024 23:11 (GMT +7)
Sử dụng sản phẩm dán nhãn năng lượng: Cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền
Thứ 7, 04/10/2014 | 05:52:47 [GMT +7] A A
Nhằm giúp người tiêu dùng nhận diện rõ hơn các sản phẩm sử dụng năng lượng hiệu suất cao, Chính phủ đã ban hành Quyết định 51/2011/QĐ-TTg), quy định từ ngày 1-1-2013, các thiết bị gia dụng bắt buộc phải dán nhãn năng lượng. Tuy nhiên, trên thực tế vẫn rất ít người tiêu dùng quan tâm đến việc sử dụng những sản phẩm này.
Theo Quyết định này, nhóm thiết bị gia dụng bị bắt buộc phải dán nhãn năng lượng bao gồm: Đèn huỳnh quang ống thẳng, đèn huỳnh quang compact, chấn lưu điện từ, điện tử cho đèn huỳnh quang, máy điều hoà nhiệt độ, tủ lạnh, máy giặt sử dụng trong gia đình, nồi cơm điện, quạt điện, máy thu hình... Những thông tin này đều được kiểm định khắt khe theo tiêu chuẩn của các cơ quan chức năng. Chính vì thế, căn cứ vào nhãn năng lượng, người tiêu dùng có thêm những thông số đáng tin cậy để có thể so sánh hiệu suất sử dụng năng lượng của các sản phẩm cùng chủng loại. Từ đó sẽ giúp khách hàng lựa chọn được những sản phẩm có hiệu suất sử dụng tiết kiệm nhất. Cụ thể, tủ lạnh hãng Samsung loại 301 lít nhưng gắn nhãn năng lượng 5 sao sẽ chỉ có lượng điện tiêu thụ khoảng 325kWh/năm, còn chiếc tủ lạnh hãng Toshiba loại 226 lít nhưng gắn nhãn năng lượng 2 sao thì điện năng tiêu thụ là 597kWh/năm.
Do thiếu thông tin về lợi ích của sản phẩm dán nhãn năng lượng, nên đa phần khách hàng chưa quan tâm đến việc lựa chọn các sản phẩm có tính năng tiết kiệm điện.Trong ảnh: Khách đến tham quan và mua hàng tại Siêu thị điện máy HC Quảng Ninh. |
Qua ghi nhận của chúng tôi, trong vòng 2 năm trở lại đây, số lượng các thiết bị điện dán nhãn năng lượng được nhập về bày bán tại các siêu thị, cửa hàng điện máy khá nhiều. Tập trung vào các sản phẩm như máy giặt, tủ lạnh, điều hoà không khí... Tuy nhiên, do không nắm rõ được mục đích, công dụng, nên số lượng khách hàng quan tâm đến các sản phẩm có dán nhãn năng lượng lại chưa thật sự được đông đảo như kỳ vọng. Anh Dương Văn Linh, nhân viên Siêu thị điện máy HC Quảng Ninh (phường Hồng Hà, TP Hạ Long) cho biết: “Yếu tố thu hút người mua từ trước đến nay chủ yếu vẫn là mức giá, kiểu dáng, thời gian bảo hành. Trong khi đó, những sản phẩm tiết kiệm năng lượng thường có giá cao hơn so với các sản phẩm cùng chủng loại, thương hiệu. Do vậy người tiêu dùng không mặn mà đến việc bỏ ra thêm hàng triệu đồng khi mua sản phẩm có dán nhãn năng lượng”. Còn khách hàng thì cho rằng, nhãn năng lượng là do doanh nghiệp tự in để quảng cáo và gây bắt mắt cho sản phẩm. Một số khách hàng khác thì khẳng định, do người bán không đưa ra sự so sánh cụ thể nên mọi người thường bỏ qua thông tin này. Trường hợp chị Nguyễn Thị Hằng ở tổ 2, khu 8, phường Cao Xanh (TP Hạ Long) phản ánh là một ví dụ. Chị Hằng cho biết: “Tôi để ý thấy hiện nay các siêu thị, cửa hàng đều bán nhiều sản phẩm dán nhãn năng lượng, nhưng một số nhãn năng lượng không ghi rõ số lượng điện năng tiêu thụ. Có hỏi thì nhân viên bán hàng cũng trả lời rất chung chung như: Sản phẩm 5 sao sẽ tiết kiệm điện hơn sản phẩm 2 sao, chứ không nói cụ thể sản phẩm đó mang lại những ưu điểm gì, lượng điện năng tiết kiệm cụ thể là bao nhiêu... Nếu ngay cả người bán cũng không hiểu rõ các nội dung hiển thị trên nhãn năng lượng và ý nghĩa của chúng thì sẽ rất khó để thuyết phục khách hàng. Bởi lẽ, chúng tôi cần những con số cụ thể, trực quan, dễ hiểu để có sự so sánh, từ đó mới dẫn đến quyết định lựa chọn sản phẩm”.
Theo thống kê của Bộ Công Thương, điện năng tiêu thụ của các hộ gia đình ở nước ta chiếm từ 35-40% tổng lượng điện tiêu thụ quốc gia. Do vậy, việc người dân sử dụng các sản phẩm tiết kiệm điện sẽ góp phần làm giảm hiệu ứng nhà kính, giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu và là một trong những việc làm thiết thực hưởng ứng chiến dịch “Vì một Việt Nam xanh hơn”. Chính vì thế, các cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp cần đẩy mạnh thông tin tuyên truyền, để người dân hiểu rõ hơn lợi ích của những sản phẩm dán nhãn năng lượng.
Hoàng Nga
Liên kết website
Ý kiến ()