Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 14/12/2024 17:53 (GMT +7)
Sức dân tạo nên sự bền vững trong xây dựng nông thôn mới
Thứ 7, 14/12/2024 | 10:09:26 [GMT +7] A A
Sau gần 14 năm Quảng Ninh thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng Nông thôn mới, đến thời điểm này, Quảng Ninh đã cơ bản hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM và đang được Trung ương xét, công nhận tỉnh hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM.
Mục đích cuối cùng của xây dựng nông thôn mới là nâng cao đời sống của nhân dân, do nhà nước và nhân dân cùng chung sức, chung tay thực hiện. Chính vì thế, trong quá trình thực hiện chương trình xây dựng NTM, Quảng Ninh luôn xác định nội lực của nhân dân chính là yếu tố quyết định và tạo được sự đồng thuận, huy động nguồn lực xã hội hoá, thực hiện thành công mục tiêu xây dựng Nông thôn mới.
Với phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”, những năm qua, cả hệ thống chính trị của tỉnh đã vào cuộc tuyên truyền, vận động, tạo được phong trào sôi nổi trong xây dựng NTM. Từ chỗ người dân và cán bộ cấp xã, huyện coi đây là một chương trình đầu tư của Nhà nước cho vùng nông thôn, đến nay tất cả đã chủ động tham gia, xóa bỏ tâm thế ỷ lại, trông chờ vào Nhà nước, vào chính quyền. Người dân không những tự vươn lên làm chủ trong xây dựng NTM, thoát nghèo bền vững, mà còn đóng góp tiền của, công sức để xây dựng các công trình công cộng, làm đường giao thông… Chỉ tính riêng trong giai đoạn 2011-2023, nhân dân, cộng đồng trên địa bàn tỉnh đã đóng góp 17.973 tỷ đồng; chiếm 8,1% tổng kinh phí xây dựng NTM của tỉnh ở giai đoạn này.
Để huy động sức dân trong xây dựng NTM nâng cao, tỉnh đã phát huy vai trò của MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội trên địa bàn. Trên cơ sở đó, hằng năm, Ủy ban MTTQ tỉnh và các tổ chức thành viên triển khai mạnh mẽ cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng NTM, đô thị văn minh” gắn chặt với phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”. Ủy ban MTTQ tỉnh cũng phối hợp với UBND tỉnh xây dựng chương trình phối hợp công tác để triển khai có hiệu quả các phong trào này.
Đặc biệt, hiểu được những giá trị của nông thôn mới đối với chính bản thân mình, nhiều người dân trên địa bàn đã sẵn sàng hiến đất để xây dựng các công trình công cộng. Anh Chìu Sìu Dậu, thôn Nà Choòng, xã Hoành Mô (huyện Bình Liêu) cho biết: "Vừa qua, huyện triển khai xây dựng tuyến đường liên thôn ở Đồng Cậm. Đây vừa là đường dân sinh, vừa là đường phục vụ sản xuất của người dân thôn Đồng Cậm và một số thôn khác. Nhà nước cho 15 tỷ đồng để làm đường nhưng mà vẫn còn thiếu kinh phí giải phóng mặt bằng, mà phải thu hồi nhiều đất lắm. Thế nên, nhân dân chúng tôi đã đồng lòng hiến đất lên tới hàng chục héc ta đấy. Như gia đình nhà tôi đất rừng cũng không nhiều, nhưng đã tự nguyện hiến đất cho Nhà nước làm đường với số diện tích hơn 300m2, nhiều hộ dân trong thôn không chỉ hiến đất mà còn cả những cây hồi đã mấy chục năm cho thu hoạch”.
Từ xây dựng NTM, người dân đã biết vươn lên làm giàu chính đáng; bằng tư duy mới, kỹ thuật công nghệ mới, kế thừa và phát huy thế mạnh các sản phẩm truyền thống ở địa phương để nâng tầm giá trị nông sản.
Đến thời điểm này, Quảng Ninh là địa phương đã hoàn thành sớm hơn 2 năm chương trình xây dựng NTM ở cả 3 cấp từ tỉnh đến xã. Trong đó, Bình Liêu là huyện dân tộc, miền núi, biên giới đầu tiên trong cả nước đạt chuẩn NTM; Tiên Yên, Đầm Hà là 2 huyện đầu tiên trong cả nước đạt chuẩn NTM nâng cao theo tiêu chí của giai đoạn 2021-2025.
Phạm Hải
Liên kết website
Ý kiến ()