Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 21:39 (GMT +7)
Phát hiện, phòng ngừa và chăm sóc người bệnh Alzheimer
Thứ 3, 20/09/2022 | 09:28:51 [GMT +7] A A
Alzheimer là một rối loạn khá phổ biến và thường gặp ở người cao tuổi. Đây là một chứng bệnh nặng đe dọa cuộc sống và chất lượng cuộc sống của người cao tuổi; đồng thời cũng là gánh nặng với gia đình người bệnh, cộng đồng và xã hội.
Tuổi càng cao tỉ lệ mắc bệnh Alzheimer càng tăng. Tỷ lệ mắc ở người từ 65 tuổi trở lên là khoảng 5-10%; trên 80 tuổi là 20% và trên 90 tuổi có thể đến 47%. Tại Việt Nam, theo số liệu thống kê năm 2021, tuổi thọ trung bình là 73,6 tuổi và tỉ lệ người mắc Alzheimer ngày càng gia tăng. Tuy tỷ lệ mắc cao, nhưng vấn đề chẩn đoán và điều trị bệnh Alzheimer chưa được quan tâm đúng mức.
Thời gian gần đây, tỷ lệ người bệnh đến khám và điều trị được chẩn đoán Alzheimer tại bệnh viện Lão khoa - Phục hồi chức năng Quảng Ninh bắt đầu gia tăng. Người bệnh đến khám chủ yếu vì các triệu chứng suy giảm trí nhớ gần, hay trí nhớ ngắn hạn. Bệnh nhân thường biểu lộ thiếu sót này dưới hình thức nhắc lại một câu hỏi đã hỏi nhiều lần, thậm chí 2 câu hỏi cùng một nội dung được nhắc lại chỉ cách nhau vài phút, hoặc hay đi tìm đồ dùng cá nhân vì không nhớ đã để ở đâu. Vì thế bệnh nhân thường hay có thêm hoang tưởng mình bị mất cắp.
Tình trạng quên các từ ngữ dùng thường ngày khiến bệnh nhân phải diễn đạt theo kiểu nói vòng vo. Các sinh hoạt thường ngày như lái xe, quản lý nhà cửa, tiền bạc cũng ngày càng trở nên khó khăn. Thay đổi nhân cách, các rối loạn cảm xúc, sự suy giảm khả năng nhận xét và đánh giá cũng xuất hiện trong giai đoạn sớm của bệnh Alzheimer. Các rối loạn cảm xúc có thể dao động giữa 2 thái cực là trạng thái trầm cảm và trạng thái hưng phấn. Bệnh nhân thường có những thay đổi tính tình như trở nên khó tính hơn trước, dễ nóng giận và dễ kích động.
Bác sĩ CKI Đinh Thị Xuyền, Phụ trách khoa Thần kinh, Cơ xương khớp (Bệnh viện Lão khoa - Phục hồi chức năng) cho biết: Một số người bệnh đến khám và điều trị, hoặc tình cờ phát hiện khi đang điều trị tại bệnh viện ở giai đoạn nặng hơn. Bệnh nhân mất khả năng tiếp thu những thông tin mới, không lưu giữ được các thông tin chủ yếu về môi trường xung quanh, do đó bị rối loạn định hướng nặng về không gian và thời gian. Bệnh nhân có thể không nhận biết vị trí ngay cả khi ở trong nhà mình. Bệnh nhân dễ té ngã và gặp các tai nạn trong giai đoạn này. Các rối loạn hành vi tiếp tục xuất hiện và trở nên nặng hơn như nhiều hoang tưởng, nghi kỵ người xung quanh...
Bệnh nhân có biểu hiện mắc bệnh Alzheimer đến khám và điều trị sẽ được các bác sĩ chuyên khoa khám và làm các trắc nghiệm thần kinh tâm lý để chẩn đoán xác định giai đoạn bệnh để có hướng điều trị phù hợp. Ngoài điều trị bằng thuốc, các phương pháp phục hồi chức năng và các biện pháp chăm sóc hợp lý cũng góp phần làm chậm mức độ tàn tật và nhu cầu nhập viện của bệnh nhân.
Các bác sỹ khuyến cáo: Bệnh nhân Alzheimer mức độ nhẹ và trung bình hoạt động tốt nhất trong môi trường quen thuộc. Đánh giá mức độ an toàn tại nhà và thay đổi một cách thích hợp sẽ giúp bệnh nhân hoạt động chức năng tốt hơn. Cần cung cấp bữa ăn được chuẩn bị sẵn cho bệnh nhân và theo dõi để đảm bảo bệnh nhân được ăn.
Người nhà cần duy trì khả năng độc lập của người bệnh trong hoạt động hằng ngày bằng cách bố trí người ở bên cạnh để chăm sóc và giám sát bệnh nhân; kiên trì hướng dẫn bệnh nhân sử dụng các vật dụng thường dùng; kích thích cảm giác của người bệnh bằng cách dùng cà phê, chè, nước hoa... cho họ ngửi mùi, giúp họ gọi tên và nhớ lại cách sử dụng hoàn cảnh sử dụng các chất đó; hồi phục trí nhớ bằng cách gợi lại các chuyện cũ, các công việc mà người bệnh đã quen, khuyến khích người bệnh nhớ lại và liên hệ các hoàn cảnh hay gặp; đảm bảo chế độ ăn điều độ hợp lý, sẽ làm giảm nguy cơ các bệnh mạch não, bệnh tim mạch, bệnh chuyển hóa... Đặc biết tập thể dục đều đặn thường xuyên giúp cải thiện trí nhớ và làm chậm quá trình lão hóa.
Hoài Minh
Liên kết website
Ý kiến ()