Tất cả chuyên mục
Thứ Ba, 24/12/2024 02:53 (GMT +7)
Kỷ niệm 68 năm Ngày Giải phóng Vùng mỏ 25/4 (1955-2023) Sức mạnh đoàn kết toàn dân
Thứ 3, 25/04/2023 | 07:02:16 [GMT +7] A A
Ngày này cách đây 68 năm, Vùng mỏ Quảng Ninh rực rỡ cờ hoa, nhân dân vỡ òa hạnh phúc khi Khu mỏ Hồng Quảng hoàn toàn giải phóng, chấm dứt những đêm trường nô lệ. Ngày 25/4/1955 trở thành mốc son chói lọi trong sự nghiệp đấu tranh gian khổ, hào hùng giành độc lập, tự do của người dân Vùng mỏ.
Trong công cuộc đổi mới, Đảng bộ, chính quyền tỉnh Quảng Ninh luôn thống nhất cao trong lãnh đạo, điều hành, định hướng phát triển với những mục tiêu, lộ trình cụ thể. Tỉnh không ngừng chăm lo củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng trong sạch, vững mạnh, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp. Trong đó chú trọng bám sát các nghị quyết, kết luận của Trung ương về công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị; nghiêm túc nhìn nhận, đánh giá và rà soát trong toàn hệ thống chính trị về phương thức hoạt động, tổ chức bộ máy, biên chế, từ đó có sáng kiến đột phá trong công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị.
Trên mỗi chặng đường, mỗi bước đi, tỉnh luôn thận trọng để có chiến lược thích ứng linh hoạt, hiệu quả. Trong nhiều nghị quyết của tỉnh, mục tiêu phát triển kinh tế gắn với nâng cao đời sống nhân dân luôn được tỉnh đề cập. Đặc biệt, thực hiện chủ đề công tác năm 2023 “Nâng cao hiệu quả công tác thu hút đầu tư và chất lượng đời sống nhân dân”, tỉnh tiếp tục xác định mục tiêu “Lấy con người là trung tâm, doanh nghiệp là chủ thể; bảo đảm hài hòa mục tiêu phát triển kinh tế đi đôi với tiến bộ và công bằng xã hội, bảo vệ môi trường; gắn kết chặt chẽ phát triển kinh tế với phát triển văn hóa, xã hội, con người”, từ đó triển khai nhiều chương trình, giải pháp cụ thể hóa từng mục tiêu, nhiệm vụ.
Trong gian khó, tinh thần đoàn kết, năng động, sáng tạo trong toàn Đảng bộ càng được nêu cao. Nắm bắt thời cơ và sự hỗ trợ của Trung ương, Quảng Ninh tiếp tục phát huy nội lực, kêu gọi và dành nguồn lực đầu tư hàng loạt các công trình trọng điểm. Điều này được minh chứng rõ nét khi hơn 3 năm qua đương đầu với đại dịch Covid-19, Quảng Ninh vẫn hoàn thành, đưa vào khai thác: Đường cao tốc Vân Đồn - Móng Cái; đường bao biển Hạ Long - Cẩm Phả; cầu Tình Yêu; đường nối KCN Cái Lân qua KCN Việt Hưng đến đường cao tốc Hạ Long - Vân Đồn; tuyến đường từ Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn đến Khu phức hợp nghỉ dưỡng giải trí cao cấp Vân Đồn; hệ thống các công trình đường giao thông kết nối 104 thôn, bản thuộc huyện Bình Liêu; cụm công trình Trung tâm hành chính tỉnh; Trường Đại học Hạ Long giai đoạn I; Bệnh viện Lão khoa - Phục hồi chức năng; Trường THPT Hòn Gai… Quảng Ninh hiện là địa phương có số km đường cao tốc nhiều nhất nước, tạo bước đột phá mới về phát triển kết cấu hạ tầng giao thông chiến lược, thúc đẩy liên kết vùng, nội vùng và hợp tác hội nhập quốc tế. Qua đó đã mở ra cơ hội và không gian phát triển mới, tạo nguồn lực to lớn gắn định hình rõ nét các hành lang kinh tế và hành lang đô thị trọng điểm của tỉnh phát triển theo mô hình “Một tâm, hai tuyến đa chiều, hai mũi đột phá, ba vùng động lực”…
Đặc biệt 3 năm gần đây, trong bối cảnh kinh tế - xã hội tiếp tục chịu nhiều tác động tiêu cực do đại dịch Covid-19, tiếp tục minh chứng cho hướng đi đúng đắn của Quảng Ninh trong xúc tiến đầu tư, huy động nguồn lực ngoài ngân sách để hoàn thiện đồng bộ cơ sở hạ tầng kỹ thuật hiện đại, phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững. Trong 3 năm qua, thu hút vốn ngoài ngân sách của tỉnh đạt 475.275 tỷ đồng (thu hút FDI 2,15 tỷ USD); tổng vốn đầu tư toàn xã hội 266.938 tỷ đồng, tăng bình quân 10%/năm.
Quảng Ninh nằm trong top đầu cả nước và là điểm sáng của phía Bắc, tiếp tục khẳng định đà phát triển của một địa phương có tốc độ tăng trưởng GRDP 2 con số trong 7 năm liên tiếp, quy mô đứng thứ 3 phía Bắc, thứ 7 cả nước. Mới đây tỉnh liên tiếp nhận được nhiều danh hiệu danh giá: Quán quân 4 Chỉ số: PCI (6 năm liên tiếp), PAPI, SIPAS (4 năm liên tiếp), PAR Index năm 2022... Kết quả này có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với chính quyền tỉnh Quảng Ninh, ghi nhận những nỗ lực phát triển kinh tế- xã hội và khẳng định quyết tâm của tỉnh trong cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh. Qua đây cũng khẳng định niềm tin, sự hài lòng của cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư đối với công tác chỉ đạo điều hành của tỉnh...
Gắn kết chặt chẽ giữa phát triển kinh tế với đảm bảo an sinh xã hội đã đưa cuộc sống người dân, nhất là ở khu vực miền núi, biên giới, hải đảo ngày càng nâng lên. Hết năm 2022, Quảng Ninh có 98 xã đạt chuẩn nông thôn mới (NTM), 54 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 26 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; 13 địa phương cấp huyện hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM, trong đó 2 địa phương đạt chuẩn NTM nâng cao; tỉnh hoàn thành chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, bước vào giai đoạn xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu hiện đại, văn minh, gắn với đô thị hóa hài hòa, bền vững, nâng cao chất lượng cuộc sống nông dân, cư dân nông thôn. Quảng Ninh về đích Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 trước 3 năm theo tiêu chí của Trung ương. Tỉnh hiện không có huyện nghèo, xã nghèo; TP Hạ Long không còn hộ nghèo, hộ cận nghèo; 3 địa phương (Quảng Yên, Cô Tô, Vân Đồn) không còn hộ nghèo; 9 địa phương còn lại tỷ lệ hộ nghèo dưới 1%...
Những ngày Tháng Tư lịch sử, hòa trong niềm hân hoan của nhân dân cả nước hướng về kỷ niệm Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước 30/4 (1975-2023), nhân dân Quảng Ninh thêm tự hào hướng đến kỷ niệm 68 năm Ngày giải phóng Vùng mỏ 25/4 (1955-2023), 60 năm Ngày thành lập tỉnh 30/10 (1963-2023). Với tinh thần vượt khó, đoàn kết của công nhân Vùng mỏ, nhiều phong trào thi đua trong cán bộ, đảng viên và nhân dân đang được triển khai với khí thế sôi nổi. Qua đó tiếp tục huy động sức mạnh đoàn kết toàn dân đưa Quảng Ninh vươn lên phát triển mạnh mẽ.
Nguyễn Huế
Liên kết website
Ý kiến ()