Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 17:01 (GMT +7)
Sức sống mới, diện mạo mới
Thứ 6, 20/10/2023 | 06:56:08 [GMT +7] A A
Chắc hẳn những ai đi xa lâu ngày, nay khi trở về quê hương đều cảm nhận rõ sự phát triển nhanh chóng của tỉnh Quảng Ninh. Những công trình giao thông, giáo dục, y tế, điện, nước... được đầu tư ngày càng đồng bộ từ thành thị đến nông thôn. Với quyết tâm đổi mới, những năm qua, tỉnh Quảng Ninh đã có nhiều quyết sách, nguồn lực thúc đẩy phát triển KT-XH, nhất là ở địa bàn miền núi, biên giới, hải đảo và gặt hái nhiều “trái ngọt”. Các địa phương trong tỉnh hôm nay “khoác áo mới rực rỡ sắc màu” hòa chung không khí vui tươi, phấn khởi 60 năm thành lập tỉnh.
Sinh lực mới ở những miền quê
Bình Liêu từng là huyện nghèo nhất của tỉnh Quảng Ninh. Thời điểm hơn chục năm trở về trước, hầu hết các xã của huyện nằm trong diện đặc biệt khó khăn; tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo chiếm đến trên 60% trên tổng số hộ dân. Đặc biệt, hạ tầng giao thông yếu - là cản trở lớn cho phát triển KT-XH của địa phương.
Với quyết tâm kéo giảm khoảng cách chênh lệch vùng miền, giàu nghèo, bên cạnh sự hỗ trợ của Trung ương, tỉnh Quảng Ninh dành nhiều quan tâm cho những địa bàn khó khăn trong tỉnh. Bên cạnh sự hỗ trợ của Trung ương, tỉnh đã ưu tiên nguồn lực triển khai có hiệu quả các chính sách dân tộc, các chương trình mục tiêu quốc gia nhằm đảm bảo an sinh, nâng cao phúc lợi xã hội, nâng cao chất lượng đời sống nhân dân. Hàng loạt các các công trình điện, nước, trường học, y tế, đường giao thông, kênh mương thuỷ lợi... được đầu tư hoàn thiện đã góp phần thúc đẩy nhanh KT-XH của địa phương.
Đặc biệt, hướng đến kỷ niệm 60 năm ngày thành lập tỉnh Quảng Ninh, huyện được phân bổ vốn cho 4 dự án khởi công mới, đó là: Cải tạo, nâng cấp hệ thống tràn vượt lũ trên địa bàn huyện (giai đoạn 1); cải tạo, nâng cấp đường liên xã Húc Động - Đồng Văn, Cao Ba Lanh kết nối đến QL18C; Trường THPT Bình Liêu; Trường THCS&THPT Hoành Mô. Trước thềm năm học mới 2023-2024, thầy và trò trường Trường THPT Bình Liêu vô cùng phấn khởi khi được chuyển về dạy và học trong ngôi trường mới. Công trình được xây dựng trên diện tích 2,69ha, tổng mức đầu tư 95 tỷ đồng. Việc đầu tư xây mới Trường THPT Bình Liêu theo tiêu chí chất lượng cao đã khẳng định rõ sự quan tâm của tỉnh, tiếp tục ưu tiên dành nguồn lực lớn, không ngừng chăm lo, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân để mỗi người dân Quảng Ninh đều được hưởng thành quả từ sự tăng trưởng bao trùm, phát triển bền vững. Công trình góp phần thực hiện mục tiêu của Quảng Ninh tới năm 2025, mỗi địa phương cấp huyện có một trường học công lập theo tiêu chí chất lượng cao ở mỗi cấp học giáo dục phổ thông; mỗi thành phố, thị xã có một trường THPT công lập theo tiêu chí chất lượng cao... Đây cũng là một trong 12 công trình tiêu biểu được Quảng Ninh lựa chọn gắn biển chào mừng kỷ niệm 60 năm ngày thành lập tỉnh.
Không còn là địa bàn miền núi hoang sơ với vô vàn khó khăn, kinh tế của huyện Bình Liêu đã vươn lên mạnh mẽ. Đặc biệt, huyện chủ động nắm bắt và phát huy lợi thế, giá trị nét đẹp văn hóa truyền thống, thúc đẩy phát triển du lịch, tạo đà cho phát triển kinh tế địa phương. Hiện nay huyện tổ chức Tuần Văn hóa - Du lịch, Hội Mùa vàng Bình Liêu năm 2023 với nhiều hoạt động sôi nổi đến hết tháng 12/2023. Đây là năm thứ 4 liên tiếp huyện tổ chức sự kiện này nhằm kích cầu thu hút du khách và sau nhiều năm bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19...
Cũng là huyện miền núi có xuất phát điểm thấp so với các địa phương khác trong tỉnh, căn cứ địa kháng chiến Hải Chi (huyện Ba Chẽ ngày nay) đang mang diện mạo mới với hàng loạt các hạ tầng thiết yếu được tỉnh quan tâm đầu tư, từng bước xóa dần khoảng cách chênh lệch vùng miền. Đặc biệt, từ năm 2020 đến nay, kế hoạch vốn bố trí đầu tư cho kết cấu hạ tầng của Ba Chẽ đạt 2.668 tỷ đồng. Nhiều dự án cấp thiết trên địa bàn Ba Chẽ đã và đang được thi công và hoàn thành đưa vào sử dụng, góp phần đồng bộ mạng lưới kết cấu hạ tầng, tạo động lực thúc đẩy KT-XH phát triển, hình thành diện mạo mới của huyện khang trang, hiện đại. Tiêu biểu trong số đó là Dự án cải tạo nâng cấp đường tỉnh 342 nối TP Hạ Long với huyện Ba Chẽ; cải tạo đường nối QL18 đến trung tâm thị trấn Ba Chẽ...
Ngày 4/10 vừa qua, huyện đã tổ chức gắn biển, khánh thành 4 công trình chào mừng 60 năm ngày thành lập tỉnh: Cải tạo đường nối QL18 đến trung tâm thị trấn Ba Chẽ; hệ thống trạm xử lý nước sạch hồ chứa nước Khe Mười (thôn Khe Sâu, xã Nam Sơn); nâng cấp chống ngập lụt tuyến đường từ ĐT330 - ĐT342 - Đồng Dằm (xã Đạp Thanh) - Khe Nà (xã Thanh Sơn) - Lang Cang (xã Đồn Đạc); cải tạo, mở rộng Trường PTDT Nội trú huyện Ba Chẽ. Các công trình hoàn thành đưa vào sử dụng góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương, từng bước nâng cao đời sống nhân dân. Đặc biệt, công trình nâng cấp chống ngập lụt trên tuyến đường của 3 xã hoàn thành đã góp phần quan trọng giải quyết dứt điểm tình trạng gián đoạn giao thông trong mùa mưa, lũ tồn tại bao lâu nay. Qua đó, cũng tạo điều kiện thuận lợi trong đi lại của người dân và thêm động lực thúc đẩy phát triển KT-XH trên địa bàn huyện. Ông Triệu Đức Quay (thôn Khe Nà, xã Thanh Sơn, huyện Ba Chẽ) phấn khởi cho biết: Được Nhà nước quan tâm đầu tư xây dựng cho chiếc cầu và còn làm đường bê tông đẹp, bà con trong thôn chúng tôi ai cũng mừng. Từ nay bà con không phải lo lắng mỗi lần mưa bão nguy hiểm nữa; con em đi học cũng yên tâm hơn nhiều...”.
Trước đây, công tác giảm nghèo ở huyện vùng cao huyện Ba Chẽ luôn là nhiệm vụ khó. Bên cạnh khó khăn về nguồn lực, nhiều người dân còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của nhà nước nên không chủ động vươn lên. Thế nhưng, khát vọng vươn lên thoát nghèo của người dân giờ đây đã được khơi dậy mạnh mẽ. Những lá đơn “xin thoát nghèo” và những câu chuyện làm giàu cũng đã hiện hữu, mang lại hiệu ứng tích cực không chỉ đối với huyện Ba Chẽ mà còn lan tỏa sâu rộng ở khắp các địa bàn khó khăn trong tỉnh. Ba Chẽ hôm nay đã đổi thay với diện mạo thôn, bản khang trang, sạch đẹp, hạ tầng KT-XH đồng bộ; sản xuất nông nghiệp phát triển; văn hóa văn nghệ thể thao sôi động, giàu bản sắc... Thu nhập bình quân của người dân trên địa bàn huyện đạt 66 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện giảm còn 0,27%, hộ cận nghèo còn 0,89%...
Có thể thấy, trên chặng đường 60 năm hình thành và phát triển, tỉnh Quảng Ninh đã phát huy nội lực, không ngừng vươn lên. Đặc biệt tỉnh quan tâm triển khai nhiều chính sách riêng có đẩy mạnh phát triển KT-XH nhanh, bền vững vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo; kiên trì với mục tiêu “mỗi người dân đều được hưởng thành quả tăng trưởng bao trùm, không để ai bị bỏ lại phía sau, thu hẹp khoảng cách chênh lệch vùng miền”.
Với hàng loạt các chính sách, chương trình, các khu vực miền núi, biên giới, khu vực khó khăn của tỉnh đã dần bắt nhịp với miền xuôi, thành thị. Những miền quê nghèo xưa, ngày nay mang bóng dáng những đô thị văn minh, hiện đại. Đến hết năm 2019, Quảng Ninh đã hoàn thành mục tiêu các xã, thôn ra khỏi diện đặc biệt khó khăn; hoàn thành mục tiêu Chương trình 135 về đích trước 1 năm so với kế hoạch đề ra.
"Thay áo" đón ngày đại lễ
Trải qua quá trình lịch sử hình thành và phát triển, tỉnh Quảng Ninh từ một địa phương nằm trong tình trạng yếu kém, chủ yếu dựa vào hỗ trợ của Trung ương, đã vươn lên trở thành một trong những tỉnh công nghiệp, dịch vụ năng động, sáng tạo, đi đầu cả nước trên nhiều lĩnh vực với 7 năm liên tục (2016-2022) đạt tốc độ tăng trưởng GRDP trên 2 con số.
Đặc biệt, tỉnh kiên cường đi lên, vượt qua mọi khó khăn, thiếu thốn, trở thành một trong những địa phương đi đầu trong công cuộc đổi mới, sáng tạo của Vùng đồng bằng Bắc Bộ, cực tăng trưởng của khu vực phía Bắc... Rõ nét trong 3 năm (2020, 2021, 2022) dù chịu tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19, Quảng Ninh vẫn tự lực, kiên cường bằng những quyết sách khoa học, đúng đắn, sát thực, giữ vững địa bàn “An toàn - Ổn định - Phát triển trong trạng thái bình thường mới”; trở thành một trong số ít địa phương điển hình, điểm sáng của cả nước về phòng, chống dịch Covid-19, thực hiện thành công mục tiêu vừa chống dịch, vừa thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Những ngày này, các địa phương trong tỉnh đang sôi nổi thi đua, gấp rút hoàn thành nhiều phần việc, dự án, sẵn sàng cho việc gắn biển chào mừng 60 năm ngày thành lập tỉnh Quảng Ninh 30/10 (1963-2023). Cấp tỉnh có 12 và cấp huyện có 36 dự án, công trình đăng ký gắn biển chào mừng kỷ niệm 60 năm thành lập tỉnh. Trong đó, nhiều công trình đã khánh thành gắn biển chào mừng thành lập tỉnh.
Điển hình tại huyện Cô Tô đã gắn biển: Tuyến đường giao thông khu vực thị trấn Cô Tô; tuyến đường giao thông thôn Nam Đồng (xã Đồng Tiến); Công viên Tùng tại Khu Di tích Quốc gia đặc biệt, Khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh trên đảo Cô Tô. Cùng với đó, tỉnh đã tổ chức gắn biển Dự án Cải tạo, nâng cấp đường tỉnh 341 (QL18C) từ KKT cửa khẩu Móng Cái đến KKT cửa khẩu Bắc Phong Sinh (giai đoạn 2); công trình Cơ giới hóa đồng bộ hạng nhẹ lò chợ ĐB-12-1C/V12-KĐB (đầu tư, lắp đặt vận hành hệ thống thiết bị hoạt động hiệu quả) tại Công ty Than Dương Huy...
Theo kế hoạch, trong 2 ngày (20 và 21/10) này, tỉnh Quảng Ninh tổ chức lễ gắn biển nhiều dự án, công trình chào mừng 60 năm ngày thành lập tỉnh, gồm: Cung Trúc Lâm Yên Tử (TP Uông Bí); Trường THCS - THPT Quảng La (TP Hạ Long); Trường THPT Cẩm Phả (TP Cẩm Phả); Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Quảng Ninh; Bệnh viện Lão khoa - Phục hồi chức năng tỉnh Quảng Ninh; Bệnh viện Phổi Quảng Ninh.
Các công trình hoàn thành, đưa vào sử dụng góp phần quan trọng đáp ứng nhu cầu của người dân, từng bước nâng cao đời sống nhân dân, thúc đẩy phát triển KT-XH địa phương.
Cùng với đó, hiện các đơn vị, địa phương trong tỉnh cũng đang gấp rút các phần việc còn lại để sẵn sàng cho Lễ kỷ niệm 60 năm ngày thành lập tỉnh diễn ra tối ngày 28/10 tại Quảng trường 30/10 (phường Hồng Hải, TP Hạ Long). Để lan tỏa chủ đề: “Khát vọng xây dựng Quảng Ninh kiểu mẫu, giàu đẹp, văn minh, hiện đại”, các tập thể, cá nhân đang nỗ lực tập diễu binh, diễu hành, luyện tập, dàn dựng chương trình nghệ thuật công phu với các tác phẩm âm nhạc về Quảng Ninh qua các thời kỳ, được xâu chuỗi như một “giai điệu tự hào” về quá trình phát triển của tỉnh, màn sử thi độc đáo tái hiện ý chí quật cường của nhân dân Quảng Ninh trên chặng đường xây dựng và phát triển cùng với các ca khúc được sáng tác mới dành riêng cho Lễ kỷ niệm.
Trên khắp các ngả đường, con phố trong tỉnh đã hiện hữu, trang hoàng pano, khẩu hiệu, cờ hoa rực rỡ... hướng về ngày thành lập tỉnh; công tác chỉnh trang đô thị, vệ sinh cảnh quan môi trường được các cấp, ngành, đơn vị, đoàn thể tích cực thực hiện, để Quảng Ninh thêm rực rỡ, “khoác áo mới” đón ngày đại lễ. Bà Lê Thị Thanh (phường Cao Thắng, TP Hạ Long) cho biết: Năm nay tôi đã 80 tuổi, được chứng kiến chặng đường Quảng Ninh đi từ khi gian khó và thực sự phấn khởi khi thấy được sự trưởng thành vượt bậc của tỉnh ngày hôm nay. Những ngày này, các tuyến đường, khu phố rực rỡ cờ đỏ; người dân trong khu tôi cũng tích cực luyện tập thể thao, văn nghệ. Tôi rất phấn khởi vì con cháu đang tích cực luyện tập để tham gia Lễ kỷ niệm 60 năm ngày thành lập tỉnh...
Hòa chung không khí hào hứng, khí thế, những ngày này tại nhiều địa phương trong tỉnh đã diễn ra nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao sôi động, như: Giải chạy tập thể “Sức trẻ vùng Than vững bước đi lên” tại Quảng trường 30/10 (TP Hạ Long); Giải chạy phong trào “Cung đường mùa vàng” tại xã Lục Hồn (huyện Bình Liêu); Ngày hội Văn hóa dân tộc Tày lần thứ nhất năm 2023 và Liên hoan văn nghệ các dân tộc huyện Ba Chẽ; “Đồng diễn dân vũ toàn tỉnh” với nhiều tiết mục đặc sắc, thể hiện bản sắc văn hóa vùng miền của các địa phương trên địa bàn...
60 năm xây dựng và phát triển, Quảng Ninh đã có những bước tiến dài, hiện hữu “bức tranh” nhiều gam màu sáng về KT-XH. Trong không khí rộn ràng đó đã góp phần lan tỏa tình yêu, tinh thần tự hào về quê hương, đồng thời gửi gắm niềm tin và kỳ vọng về sự phát triển mạnh mẽ của tỉnh Quảng Ninh trên chặng đường mới.
Nguyễn Huế
Liên kết website
Ý kiến ()