Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 14:38 (GMT +7)
Sức sống thơ Đường luật Hạ Long
Thứ 3, 06/02/2024 | 18:41:56 [GMT +7] A A
Bền bỉ với tình yêu cổ thi, tuy mới thành lập được 18 năm nhưng mấy thế hệ người yêu thơ Đường luật Hạ Long đã nuôi dưỡng, đánh thức một dòng thơ tưởng chừng đang mai một.
Thơ Đường bắt đầu xuất hiện và nhanh chóng trở nên thịnh hành từ thời nhà Đường (Trung Quốc). Triều đại nhiều biến động ấy kéo dài gần 3 thế kỷ, từ năm 618 đến năm 907. Không có tài liệu khảo cứu nào kết luận chính xác về thời điểm xuất hiện của thơ Đường tại Việt Nam. Tuy nhiên, nếu cứ tính thời điểm ra đời của những kiệt tác thơ Đường Việt Nam như Bản tuyên ngôn bất hủ “Nam Quốc sơn hà” được cho là của Lý Thường Kiệt (năm 1076) hay bài thơ nổi tiếng “Cáo tật thị chúng” của Mãn Giác Thiền sư (năm 1096) thì có thể kết luận thơ Đường đã được du nhập vào nền thi ca Việt Nam từ trước thế kỷ XI rất lâu mới có thể hòa trộn, nhuần nhuyễn và phát triển lên tới đỉnh cao như vậy.
Từ cuối những năm 90 thế kỷ trước đến năm 2004, ở khu vực Đồng bằng sông Hồng và phía Bắc miền Trung, một số trí thức, nhà giáo đã khởi xướng, hình thành một số “Chiếu thơ Đường” và “Câu lạc bộ thơ Đường”, tập hợp những người yêu thích thể thơ trí tuệ, trang nghiêm, cổ kính mang tính truyền thống tồn tại hơn một nghìn năm ở nước ta. Đầu năm 2005, nhà giáo Nguyễn Văn Vang (tức nhà thơ Hoài Yên) đứng ra tập hợp một số Câu lạc bộ có xu hướng sáng tác thiên về thể thơ luật Đường, tạo một sân chơi trí tuệ, tao nhã, dựa vào Liên hiệp Các hội UNESCO Việt Nam để thành lập Câu lạc bộ UNESCO Thơ Đường Việt Nam.
Ngay sau khi dự Đại hội thành lập Câu lạc bộ UNESCO Thơ Đường Việt Nam tại Hà Nội, ngày 10/4/2005, những người yêu thơ Đường luật Quảng Ninh đã nhóm họp và thành lập một tổ chức văn hóa - xã hội có tên gọi “Chiếu thơ Đường Hạ Long” và được Trung tâm Văn hóa Quảng Ninh (Sở Văn hoá - Thể thao) ra quyết định. Hội viên của tổ chức này hầu hết là các thành viên sinh sống tại TP Hạ Long, sau đó phát triển sang các địa bàn khác trong tỉnh như TP Uông Bí, huyện Vân Đồn… “Chiếu thơ Đường Hạ Long” có điều lệ, có quy chế hoạt động riêng, được Trung tâm Văn hóa Quảng Ninh quản lý về mặt nhà nước, được bố trí trụ sở sinh hoạt tại tầng 4 cơ quan Trung tâm tại phố Cây Tháp, phường Bạch Đằng, TP Hạ Long. Ban Chủ nhiệm và tất cả các hội viên được công nhận bởi quyết định của Giám đốc Trung tâm Văn hóa Quảng Ninh. Sau này "Chiếu thơ Đường Hạ Long” đổi tên thành “Chi nhánh thơ Đường Hạ Long” và bây giờ là “Câu lạc bộ Thơ Đường luật Hạ Long”. Hai nhà thơ có ý tưởng thành lập tổ chức (sáng lập viên) là Nguyễn Gia Tiệp và Đỗ Đăng Hành. Hội viên sáng lập ban đầu là 18 và Ban Chủ nhiệm điều hành có 3 người do nhà thơ Đỗ Đăng Hành làm Chủ nhiệm.
Bền bỉ với tình yêu cổ thi, tuy mới thành lập được 18 năm nhưng mấy thế hệ người yêu thơ Đường luật Hạ Long đã nuôi dưỡng, đánh thức một dòng thơ tưởng chừng đang mai một. Nhiều người đã trở về thiên cổ nhưng đốm lửa họ nhen lên để “thắp sáng Đường thi” đã thành ngọn đuốc lớn lan tỏa. Những “truyền nhân” đã có người đang tuổi 90 mà vẫn miệt mài, cặm cụi đêm đêm đọc sách và đắm đuối với tinh hoa của văn hóa cổ. Những khe khắt khó chơi của một thể thơ đòi hỏi sự nghiêm ngắn niêm luật, cẩn trọng lề lối tưởng chừng chỉ có những bậc trí giả uyên thâm sành chơi mới dám dụng bút. Những cấm kỵ của 12 lỗi, 8 bệnh khi làm thơ Đường luật tưởng như trói tay những người đam mê thứ thơ bắc bậc kiêu kỳ này. Tất cả những điều ấy không cản trở được những cây bút Đường thi ở thành phố biển Hạ Long. Họ đã tiếp thu nét tinh hoa và tìm tòi, sáng tạo, thể nghiệm để dần dần cải biến “Việt hóa” thứ thơ vốn là nguồn gốc du nhập từ nền văn hóa Trung Hoa bám rễ sâu xa từ hàng nghìn năm trước trong đêm dài Bắc thuộc. Hai nền văn hóa tiếp thụ thơ Đường là Việt Nam và Nhật Bản vẫn còn duy trì lối “chơi” thơ này trong khi nền văn hóa gốc sản sinh ra Đường thi bây giờ gần như quên lãng bởi thứ ngôn ngữ tượng hình cổ đại vốn rối rắm, đa nghĩa không phù hợp với ngôn ngữ Trung Quốc đã và đang hướng tới sự tối giản, dễ ký tự, dễ hiểu đang dùng và nhịp sống công nghiệp thời hiện đại.
Tại hội thảo về thơ Đường luật ngày 26/4/2012, giáo sư Vũ Khiêu nêu triết lý Việt hóa về thơ Đường như sau: “Đây là thơ Việt Nam, thể hiện tâm hồn Việt Nam, cảm xúc Việt Nam và phản ánh hiện thực Việt Nam. Còn về kỹ thuật chỉ sử dụng thể loại tứ tuyệt hay thất ngôn bát cú thời Đường, dù là viết bằng chữ Hán hay chữ Nôm nhưng đều là thơ Đường Việt Nam”.
Thời điểm đông hội viên nhất là đến 30/11/2014, có tới 55 người tham gia sinh hoạt. Câu lạc bộ thơ Đường luật Hạ Long hiện nay có 34 hội viên, trong đó 14 tác giả là nữ. Trong số 34 hội viên thì có 12 người là hội viên Chi hội Văn học, Hội Văn học Nghệ thuật Quảng Ninh. 3 hội viên cao tuổi nhất đều dần sang tuổi 90, hai người sinh năm 1934 và một người sinh năm 1935. Hội viên ít tuổi nhất là nữ và cũng là hội viên Hội Văn học Nghệ thuật Quảng Ninh sinh năm 1979.
Câu lạc bộ thơ Đường luật Hạ Long thành lập ngày 10/4/2005 thì một năm sau, Câu lạc bộ đã trình làng tập 1 “Thơ Đường luật Hạ Long”. 18 năm sau, ngày 26/11/2023, Câu lạc bộ đã công bố tập 6 “Thơ Đường luật Hạ Long” với 168 bài thơ trong 111 trang in của 34 tác giả hội viên. Như vậy, sự bền bỉ quyện hòa nhuần nhuyễn trong tình yêu Đường thi đã kết tinh thành những vần thơ chắt lọc từ trí tuệ và trái tim của những người yêu thơ Đường Hạ Long khi 3 năm ra đời 1 tập thơ. Những tác giả đã làm nên diện mạo, vóc tầm một Câu lạc bộ thơ Đường luật Hạ Long hàng đầu toàn quốc dù đã đi về miền mây trắng hay còn đang sung sức, mê mải bên trang thơ đã ghi dấu ấn sâu đậm trong lòng bạn thơ Việt Nam: Đỗ Đăng Hành, Nguyễn Xuân Đức, Nguyễn Tuấn Trường, Nguyễn Gia Tiệp, Vũ Ngọc Khuê, Phạm Xuân Lân, Hoàng Tân, Dương Mạc, Hồng Lĩnh, Trần Nhật Tân…
Sự kiện nổi bật nhất trong 18 năm của “Hội thơ Đường luật Việt Nam” và cũng là một cột mốc đáng ghi nhớ trong lịch sử 18 năm phát triển của “Câu lạc bộ thơ Đường luật Hạ Long” là ngày hội thơ Đường toàn quốc lần thứ VII được tổ chức long trọng tại thành phố Hạ Long ngày 23/3/2012. Để chuẩn bị cho sự kiện trọng đại đó, năm 2011, Câu lạc bộ đã mời gửi thơ để tháng 1/2012, Câu lạc bộ xuất bản tập thơ “Huyền thọai miền mây nước” in thơ của 310 tác giả thơ Đường toàn quốc.
Giữ gìn và phát triển nền văn hóa dân tộc đã được Đảng ta xác định. Đó cũng là tâm nguyện của những người làm công tác văn hóa - nghệ thuật, trong đó có những người yêu thơ Đường luật Hạ Long. Chúng ta mong đợi ngày kỷ niệm tròn 20 năm thành lập Câu lạc bộ thơ Đường luật Hạ Long 10/4/2025 và sẽ được đọc những vần thơ trác tuyệt của những nhà thơ nhân dân. Bạn đọc sẽ được thấy dung mạo một Câu lạc bộ bề thế, sung sức đang hồi xuân cùng dòng thơ cổ trong lòng thành phố Hạ Long xinh đẹp.
Nguyễn Đình Thái
Liên kết website
Ý kiến ()